Gió thổi từ ký ức Trần Thế Tuyển

984
Phan Hoàng
(Vanchuongphuongnam.vn)Trần Thế Tuyển là nhà báo, nhà thơ xuất thân từ quân đội. Ông tham gia giai đoạn cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ rồi chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, làm nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi ách diệt chủng. Ra đi từ quê hương Nam Định, ông vượt Trường Sơn vào chiến trường miền Đông và miền Tây Nam Bộ. Đất nước yên bình chưa được bao lâu, ông cùng đồng đội lại phải lên đường ra biên giới, mang lại yên bình cho xứ sở Chùa Tháp. Hành trình phong phú, sôi động và bi thương của người lính đã trở thành tài sản vô giá cho những trang viết sau này của ông, đặc biệt là sáng tạo thi ca.

 
1.
Nhà thơ Trần Thế Tuyển hoàn thành trường ca Gió thổi từ ký ức đúng vào dịp kỷ niệm 45 năm kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước. Đây là sự tiếp nối mạch cảm xúc của trường ca đầu tiên Phía sau mặt trời mà ông trình làng năm 2014. Tiếp nối nhưng có khoảng lặng khác biệt về thời gian, không gian và thi pháp.
Cùng viết về chiến tranh, trong khi trường ca Phía sau mặt trời mang tính khái quát, chủ yếu hướng về thời vượt Trường Sơn và Nam Bộ ác liệt thì trường ca Gió thổi từ ký ức xoáy sâu vào chiến trường Đồng Tháp Mười, mở rộng sang cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam khốc liệt và thời bao cấp đầy khó khăn, thời đổi mới mang lại ánh sáng hy vọng để ông có dịp “truy tìm tuổi trẻ” tươi đẹp và đớn đau. Vẫn là trường ca bố cục theo từng chương mang tính hồi ức và đồng hiện, nhưng Gió thổi từ ký ức có bút pháp uyển chuyển, tư duy thơ phóng khoáng và sâu lắng, cách ứng xử con chữ biến hóa hơn, ám ảnh hơn bằng cảm thức hiện sinh trên cái nền hiện thực bi tráng và lãng mạn.
“Trận đánh đêm nay đâu phải trận cuối cùng
Phía trước vẫn cực kỳ khốc liệt
Thạch khát khao trước khi giã biệt
Được hôn lên đôi mắt chưa yêu.
Dẫu ra đi về chốn phiêu diêu
Vẫn thèm khát gò bồng con gái
Và còn nữa, nơi thẳm sâu tình ái
Quyền được thèm của cánh đàn ông.”
Đó không chỉ là khoảng lặng khác biệt của tư duy thơ Trần Thế Tuyển nhờ độ lùi thời gian, mà còn là sự khác biệt của cả nền thơ Việt, trong đó có trường ca viết về chiến tranh khi đất nước còn bị bom gầm đạn xé cắt chia. Cái đích cuối cùng của mọi cuộc chiến tranh là gì nếu như không mang lại tình yêu thương cho con người, độc lập cho đất nước. Và cũng vì niềm tự tôn dân tộc, tình yêu thương và nỗi khao khát tự do sinh tồn mà con người phải chiến đấu, hy sinh!
Chính nhờ độ lùi thời gian, tư duy thơ khác biệt, nhà thơ Trần Thế Tuyển còn nhận ra “Chiến tranh bạo tàn mà cũng có khi/ Như trận trốn tìm thời thơ bé” của những người Việt với nhau. Ấy là lúc trên mảng tường vôi ngôi nhà hoang vừa giải phóng ở yếu khu Long Khốt đồng đội ông hận thù và vui sướng ghi: “Chúng tao đã có mặt ở đây”. Vài ngày sau đối phương tái chiếm đã vội vàng viết: “Tao chiếm lại rồi, hãy cút đi!”. Thật đau xót xiết bao “cuộc trốn tìm đẫm máu”:
“Thạch thấy đuôi mắt mình cay cay
Máu đỏ da vàng, anh em nguồn cội
Lịch sử mấy ngàn năm dữ dội
Có bao nhiêu cuộc chiến tương tàn”
Sau khi “Đi thêm một cuộc chiến tranh/ Gác ước mơ một lần nữa” để làm nghĩa vụ quốc tế ở nước bạn Campuchia, cuối cùng những người hùng chiến thắng may mắn sống sót cũng đã trở về quê hương, nhưng lại phải vật lộn với cuộc sống chồng chất khó khăn, đối mặt bức tranh xã hội bất công phân hóa giàu nghèo, có người bơ vơ ngơ ngác lạc lõng:
“Cơm áo, gạo tiền đôi vai trĩu nặng
Muốn yên thân thì phải có tiền
Hai bàn tay trắng, võ biền
Không chỗ dung thân, cư ngụ.
Tuổi trẻ gửi lại rừng xanh, mối ụ
Tóc bạc về kiếm sống, mưu sinh.
Dưới đáy ba lô những huy hiệu, huân chương
Cả những trang bỏng sôi nhật ký”
Vâng, đó chính là cái thời của tư duy bao cấp kéo dài đã đẩy nhân dân vào con đường lầm than cơ cực, trong đó có những người lính trở về từ chiến trường, mà ca dao dân gian cũng đã ghi lại: “Đầu đường đại tá bơm xe/ Cuối đường trung tá bán chè đỗ đenNgoài đường thiếu tá ê kemTrong làng đại úy thổi kèn đám ma…”.
Bìa tập trường ca Gió thổi miền ký ức
2.
Trường ca là thể loại đòi hỏi nội lực thơ mạnh mẽ, vốn sống phong phú, bút pháp vững vàng. Các nhà thơ Việt đi trước như Thu Bồn, Thanh Thảo, Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Đức Mậu,… sáng tác trường ca thường gắn với câu chuyện mang tính sử thi và tính kịch. Về sau này nghệ thuật trường ca có nhiều đổi mới, đa dạng và tự do phóng túng hơn. Trường ca của Trần Thế Tuyển vừa thừa hưởng thi pháp truyền thống vừa có sự biến tấu, giàu sức liên tưởng, diễn ngôn thơ hiện đại.
Cùng khởi hứng từ gió, nhưng nếu như trường ca Bước gió truyền kỳ của tôi lấy ngọn gió làm trung tâm, nhân vật chính để kết nối quá khứ với hiện tại thì ngọn gió của Trần Thế Tuyển trong trường ca Gió thổi từ ký ức lại hóa thân vào Thạch, một nhân vật cụ thể, mà người đọc dễ nhận ra đó là hình bóng cuộc đời tác giả. Thạch trở về chiến trường xưa Đồng Tháp Mười bên dòng Vàm Cỏ Đông và cánh đồng chó ngáp ngào ngạt hương sen, từ thẳm sâu lòng mình gió đã nổi lên: “Thạch bỗng thấy mình trẻ lại/ Tuổi hai mươi găm ở nơi đây/ Kỷ niệm xưa và những gì hiện tại/ Như dòng sông con nước vơi đầy”. Ngọn gió tâm thức thổi bùng thành sáu chương trường ca: Lối về, Cánh đồng chó ngáp, Dòng sông hò hẹn, Những cánh rừng thốt nốt, Truy tìm tuổi trẻ, Nửa thế kỷ vẹn nguyên. Mỗi chương vừa có giá trị độc lập vừa có sự liên kết chặt chẽ với các chương khác tạo nên sự thống nhất của trường ca Gió thổi từ ký ức.
Ngoài tư duy thơ, cách nhìn có nhiều điểm khác biệt về chiến tranh, một điểm nhấn đáng chú ý của trường ca Gió thổi từ ký ức của Trần Thế Tuyển là thủ pháp đồng hiện về thời gian và không gian “Đưa đại tá trở về quá khứ”. Điều này giúp cho bản trường ca đôi khi như dàn giao hưởng cùng tấu lên nhiều giai điệu hoặc như thước phim với nhiều trường đoạn cùng lúc hiện lên những hình ảnh khác nhau giàu sức suy tưởng. Chẳng hạn như sự đồng hiện khác biệt của cánh đồng tuổi thơ ở đồng bằng phía nam sông Hồng “Mùa nắng nóng cua không trong lỗ/ Mẹ cấy cày tím tái tháng ba” và cánh đồng chó ngáp mênh mông Đồng Tháp Mười “Không cấy cày, gạo cứ trắng phau/ Cò mỏi cánh không nơi đậu/ Chó ngáp dài, chẳng thấy bờ đâu”. Và cũng với không gian ấy là chiến trường ác liệt mà người lính trẻ phải đối mặt:
“Đêm vượt sình, Thạch còn nhớ mãi
Đội hình hành quân như rắn trên đồng
Pháo từ Gò Măng Đa dội tới
Thằng Nùng, thằng Vô nằm lại cuối dòng sông”
Và càng ác liệt hơn là hình ảnh yếu khu Long Khốt máu lửa với nhiều mất mát hy sinh:
“Như cái đinh nơi cửa ngõ đồng bằng
Trung đoàn đã bao lần gỡ chốt
Đồng đội áo phơi nhòe đêm trăng.
Đêm trăng ấy Thạch còn nhớ rõ
Tiếng tắc kè gõ nhịp Gò Da
Đồi thốt nốt im mưa lặng gió
Đàn chuột hoang ẩn hiện như ma”
Cũng với thủ pháp đồng hiện, “Dòng sông hò hẹn” Vàm Cỏ Đông hiện lên trong những hoàn cảnh khác nhau. Đó là hình ảnh trận đánh cuối cùng kết thúc chiến tranh khi “Nửa đêm Thạch dẫn đầu phân đội/ Vượt Vàm Cỏ Đông móc nối địa bàn”, rồi trong khoảnh khắc yên bình anh nghe cất lên tiếng hát “Ở tận sông Hồng em có biết…” mà trước lúc rời bạn bè trường lớp thân yêu anh từng hát làm cho “Ánh mắt ai như thôi miên, mê hoặc/ Mái tóc dài, da trắng, non tơ” và cùng dòng lưu bút theo mãi bước chân người lính chiến.
“Và hôm nay trước dòng sông hò hẹn
Thạch ngỡ mình như đang trong mơ
Ánh mắt ấy vẫn theo anh ra trận  
Nỗi khát khao cháy bỏng đôi bờ”.
Chưa dừng ở đó, bên cạnh người xưa trường cũ thì từ “dòng sông hò hẹn” Vàm Cỏ Đông lại gợi lên hình ảnh dòng sông quê hương thành Nam “Ai khai phá mà gọi tên sông Múc/ Để đôi bờ ăm ắp nhớ thương” đẹp đến xót xa nao lòng!
3.
Khi nhận bản thảo trường ca Gió thổi từ ký ức, tôi đọc đi đọc lại nhiều lần và mỗi lần đọc là một lần hứng thú với những khám phá mới, cho dù Trần Thế Tuyển không thiên về tạo dựng nghệ thuật văn bản mà chỉ như người nông nhân hồn nhiên thu hoạch mùa chữ bằng trải nghiệm sinh tử của mình và đồng đội. Chính sự hồn nhiên, giản dị, mộc mạc và nỗi lòng trắc ẩn của ông thể hiện trên từng dòng chữ đã cuốn hút tôi. Không chủ ý tạo dựng nghệ thuật nhưng diễn ngôn từ tình yêu thương vô bờ của ông đối với quê hương, đất nước, con người, nhất là những đồng đội thân thiết đã ngã xuống đã tự nhiên toát lên giá trị và vẻ đẹp nhân bản riêng biệt.
Những con chữ của trường ca khép lại. Nhưng ngọn gió ký ức của người thơ Trần Thế Tuyển hóa thân vào nhân vật Thạch vẫn chưa dừng:
Gió cứ thổi từ miền ký ức
Năm mươi năm dằng dặc chiến trường
Thạch cứ nghĩ con đường phía trước
Tiếng dòng sông dìu dặt nhớ thương”.
Có nghĩa ngọn gió ấy vẫy gọi người đọc tiếp tục cùng ông sáng tạo. Và tôi tin từ những giấc mơ về chiến trường, nhớ thương “Đồng đội áo phơi nhòe đêm trăng”, trăn trở về sự hy sinh mất mát to lớn, ngọn gió ký ức Trần Thế Tuyển với độ “nhòe” theo thời gian sẽ còn mang lại cho đời sống thi ca những trang viết mới sâu lắng, bất ngờ, thấm đẫm tinh thần nhân văn!
TPHCM ngày sách mùa đại dịch Covid-19, 21.4.2020
P.H