Gió thổi miền ký ức – Trường ca của người cầm súng làm nên hòa bình

1022

Nguyễn Vũ Quỳnh

(Vanchuongphuongnam.vn) – Trường ca “Gió thổi miền ký ức” của nhà thơ Trần Thế Tuyển vừa được Nhà xuất bản QĐND ấn hành còn thơm mùi mực mới. Đây là tập trường ca thứ hai sau trường ca “Phía sau mặt trời của anh”. Hai tập trường ca đều viết về đề tài người chiến sĩ trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, riêng “Gió thổi miền ký ức” còn thêm phần bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế giúp Campuchia.

Trường ca Gió qua miền ký ức là những thước phim thơ ngược dòng thời gian của anh Giải phóng quân ngày ấy là một Cựu chiến binh hôm nay một thời cầm súng làm nên hòa bình. Trận địa cũ còn đâu nguyên vẹn/ Lô cốt xưa thành phố xá tỏ mờ… Và rồi: Tuổi hai mươi găm ở nơi đây/ Kỷ niệm xưa và những gì hiện tại/ Như dòng sông con nước vơi đầy và cũng là nơi trận địa đau thương. Một thời ra trận, một thời đánh giặc đã được anh giải phóng quân năm nào, nhà thơ Trần Thế Tuyển bây giờ lượng hóa, mở rộng biên độ thi ca bằng trường ca thể hiện nguyên vẹn những ký ức tươi nguyên một thời tuổi trẻ trên mảnh đất Long An trung dũng kiên cường.

Trường ca Gió thổi miền ký ức đã được nhân vật Thạch hóa thân thành một cựu chiến binh một thời đến Long Khốt là những đoàn quân, như những chiếc đinh đóng lên mặt kẻ thù. Anh đã dẫn dắt chúng ta đi qua từng trận đánh: Trận đánh đêm nay đâu phải trận cuối cùng/ Phía trước vẫn cực kì khốc liệt/ Thạch khát khao trước khi giã biệt/ Được hôn lên đôi mắt chưa yêu/ Dẫu ra đi về chốn phiêu diêu/ Vẫn khát thèm gò bồng con gái. Thế đấy người chiến sĩ trước khi vào trận đánh, vẫn một khao khát tình yêu bình thường của những con người bình thường, một thời trai trẻ không muốn chết khi vẫn là con trai: Đồng đội anh đã bao người đã đi rồi/ Vẫn con trai khi ngã vào lòng đất/ Thạch cũng thế anh không sợ chết/ Chỉ sợ mình mai mãi con trai. Vượt qua mưa bom bão đạn vẫn nhớ mãi cái khao khát được hôn, được yêu trước giờ ra trận dẫu có phải hy sinh: Hay ngào ngạt từ hương tràm gợi nhớ/ Đồng Tháp Mười đang mùa sen nở/ Hương từ sen hay từ tóc của em?

Đồng đội anh ở lại trên mảnh đất đau thương cho đến bây giờ đang yên giấc vẫn là con trai chưa biết trái cấm là gì. Hương sen và hương tràm Đồng Tháp Mười đang ru các anh mãi mãi ngàn thu. Mới hôm qua thôi, bạn anh còn làm thơ nói về dòng sông Vàm Cỏ: Có bóng hình cô giái nào nho nhỏ/ Lái xuồng trong thoang thoảng hương sen. Và nhà thơ Trần Thế Tuyển đau xót trước sự hy sinh của đồng đội mình: Chỉ chốc lát chiến tranh chấm dứt/ Chỉ chốc lát hết tháng ngày thao thức/ Cuộc đoàn viên hội ngộ mấy mươi năm. Đau xót lắm chứ, nỗi đau của người cầm súng cùng trên trận tuyến chống quân thù, để có độc lập tự do cho Tổ quốc hôm nay, phải gánh lấy hy sinh cho Tổ quốc hòa bình.

Hòa bình chưa được bao lâu, biên giới phía Nam, phía Bắc lại rung trời đạn nổ, một loại kẻ thù mới ngang nhiên xuất hiện. Súng lại nổ vang trên bầu trời biên giới và kẻ thù buộc ta ôm cây súng, quân dân cả nước lại lên đường ra trận và đồng đội Thạch, anh giải phóng quân hôm nào áo chưa sạch mùi thuốc súng lại về Long Khốt giúp bạn cứu mình nơi biên giới Tây Nam. Thạch tìm về phum Thơ-mây một thuở/ Chẳng thấy ai chỉ thấy tan hoang nhà cửa/ Phun sóc như bãi tha ma. Một đất nước, một tổ quốc mà bị chính những loài ác thú cùng dòng giống, họ tàn sát nhau mà loài người gọi là diệt chủng thì còn gì để nói, chúng muốn giết đi nòi giống Khơ-me, giết đi nền văn minh Ăng Co: Người chết tự bao giờ chẳng biết/ Tiếng quạ kêu nghe đến ghê người/ Mùi tử thi nồng nặc đất trời/ Người còn sống như bộ xương khô đét/ Gặp bộ đội rồi mừng vui khôn xiết/ Đã sống rồi một bà mẹ thốt lên/ Bộ đội Việt nam như Phật như Tiên/ Cứu dân tộc này thoát họa diệt vong.

Nhân dân Campuchia đã giữ chân anh bộ đội Việt Nam trong đội quân nhà Phật đến mười năm làm nghĩa vụ quốc tế, hi sinh biết bao con người, máu xương và vật chất. Phải gác lại biết bao nhiêu khát vọng, hoài bão ước mơ, lỡ nhịp yêu đương chì vì hai từ giúp bạn. Nhà vua Campuchia đã phải thốt ra tiếng nói từ trái tim mình: “Quân đội Việt Nam là đội quân nhà Phật” đã cứu sống nhân dân, dân tộc Campuchia trước những loài ác thú.

Qua đau thương những người sống sót họ mong muốn điều gì: Anh ở lại đây trên quê hương Chùa Tháp/ Em sẽ đưa anh thăm đền Ăng Co Vát/ Em sẽ đưa anh thăm Biển Hồ/ Và uống rượu từ trái cây thốt nốt/ Đêm đêm anh sẽ nghe em hát/ Điệu chơ-riêng say đắm hồn người. Tạm biệt đất nước Chùa Tháp khi họ đã hồi sinh cứng cáp, các anh mới trở về Tổ quốc mình truy tìm thời tuổi trẻ: Long Khốt bây giờ là di tích quốc gia/ Đường biên đầy nụ đầy hoa/ Sen ngát thơm “cánh đồng chó ngáp”/ Năm mươi năm đất trời đổi khác/ Trận địa xưa thành phố thành làng/ Thạch đi giữa miền kí ức/ Ngỡ mình đang đón xuân sang. Anh Giải phóng quân trẻ trung, anh lính quân tình nguyện Việt Nam trên đất Chùa Tháp lãng mạn và hòa hoa, vào sinh ra tử dũng cảm và tự hào dưới đáy ba lô những huy hiệu huân chương một thời đánh giặc. Một người lính nhà thơ mang nặng ưu tư nghĩ về đất nước con người với một trách nhiệm của những người đang sống mà đồng đội trước lúc hy sinh gửi gắm.

Viết trường ca là một thể loại khó nhưng những nhà thơ Trần Thế Tuyển đã chọn đề tài và viết những lời tự sự bằng thơ, bằng ký ức của mình một thời đi qua chiến tranh với bút pháp chân thành, chất chứa nỗi đau và mất mát của những người từng cầm súng làm nên hòa bình, vì “kẻ thù buộc ta ôm cây súng”. Và bây giờ: Vẫn y nguyên một thời ký ức/ Cô gái Vĩnh Hưng khăn rằn có biết/ Có phải em là cô giao liên/ Đã gặp anh đêm đầu tiên điều nghiên lộ Bốn/ Có phải em là cô gái nơi chợ lồng Tân An buổi sớm/ Ba mươi tháng Tư trao ánh mắt gieo hồn/ Có phải em là cô gái Khơ me nơi phun sóc, lối mòn/ Điệu múa Áp sa ra đêm tiễn biệt…

Viết như vậy là rất nhân văn, rất thơ rất Việt Nam. Anh đã cho thế hệ hôm nay và mai sau đọc, nghe thơ để nhìn thấy cha ông một thời gian khổ, một thời hào hùng bằng những khúc trường ca bi tráng nhân văn mà thánh thiện, hiển hiện trên mọi nẻo đường đất nước hôm nay và mai sau. Qua tập thơ Gió thổi miền ký ức ta thấy ngọn lửa thơ ở Trần Thế Tuyển đang bừng lên mạnh mẽ trong lối viết trường ca dìu dặt êm dịu như dòng sông ngày ấy và hôm nay: Vàm Cỏ Đông.

N.V.Q