Giới hạn của những huyền thoại – Nguyễn Thanh Tâm

762

09.4.2018-11:00

Tập sách Giới hạn của những huyền thoại

của Nguyễn Thanh Tâm, NXB Văn học, 2017.

 

Gợi hướng đến chân trời

 

DIÊN KHÁNH

 

NVTPHCM- “Giới hạn của những huyền thoại” mang đến những trải nghiệm lý thú cho độc giả không chỉ trước đối tượng thơ Việt Nam đương đại mà còn là những vấn đề của lịch sử, văn hóa và đời sống…

 

Cuốn sách tập hợp 14 bài viết, là 14 tiểu luận khúc chiết, như là những tự thuật của tác giả. Trong đó mỗi tiểu luận là một câu chuyện, được kể như những lần gặp gỡ với nhân vật được đề cập. Các tiểu luận trong tập sách đều hướng đến thơ như là một huyền thoại để tìm hiểu xem, bằng cách nào mà ngôn từ nghệ thuật đã khác với ngôn từ giao tiếp, để một người trở thành thi sĩ.

 

TS Nguyễn Thanh Tâm đã khảo sát cụ thể vào các trường hợp: Trương Đăng Dung, Lê Đạt, Mai Văn Phấn, Nguyễn Việt Chiến, Đỗ Trọng Khơi, Trúc Thông, Vi Thùy Linh… với nhiều nỗ lực cách tân trong thơ. Tác giả cũng đề cập đến các vấn đề cơ bản như: “Những giới hạn của sự viết”, “Thơ khó”, “Thơ mạng”, “Chủ nghĩa tối giản trong thơ”…, mang đến một cái nhìn vừa bao quát, vừa cụ thể về thơ Việt Nam đương đại. Tập trung xem xét các giới hạn, các phương thức sáng tạo hay cấu trúc của thế giới nghệ thuật, tác giả có điều kiện nhận định về thơ hiện nay trong những biểu hiện nổi bật nhất của nó.

 

Trong bài đầu tiên, “Những giới hạn của sự viết”, Nguyễn Thanh Tâm đã chỉ ra nhiều giới hạn trong thực tiễn sáng tạo của nhà văn, cả khách quan và chủ quan, với nhiều nhận định sâu sắc, được chứng minh từ thực tiễn. Anh viết: “Những giới hạn khách quan vẫn đang tồn tại trong không gian văn học, văn hóa đương đại. Sự hiện diện của những giới hạn này, có thể xem là khó khăn, cũng có thể xem là một cơ hội. Bởi lẽ chính từ những giới hạn này, chủ thể sáng tạo mới thể hiện được phẩm chất, năng lực và bản lĩnh của người cầm bút”.

 

TS Nguyễn Thanh Tâm cũng chỉ ra rất xác thực, những nhà văn, nhà thơ nỗ lực vượt qua giới hạn trong chính chủ thể. Anh cho rằng, văn học Việt Nam đương đại – một thực thể chưa hoàn thành, các giới hạn của nó, trên cả bình diện chủ quan và khách quan cũng là những câu chuyện có tính tất yếu. Ý thức về giới hạn, đối mặt với giới hạn, vượt qua giới hạn là hành trình để đi đến những chân trời – những giới hạn rộng xa hơn.

 

“Giới hạn của những huyền thoại” mang đến những trải nghiệm lý thú cho độc giả không chỉ trước đối tượng thơ Việt Nam đương đại mà còn là những vấn đề của lịch sử, văn hóa và đời sống.

 

 

 >> XEM TIẾP THẾ GIỚI SÁCH…