Giới họa sĩ ‘dậy sóng’ vì Sotheby’s đấu giá tranh giả của danh họa Đông Dương?

847

Bốn bức tranh được sàn đấu giá Sotheby’s Hong Kong chuẩn bị đưa ra đấu giá được giới thiệu là của bốn danh họa Việt: Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Sáng và Nguyễn Gia Trí khiến giới họa sĩ Việt bức xúc vì cho rằng đó là tranh giả, nhái.

Bức “Dân quê Việt” được cho là của Nguyễn Sáng được Sotheby’s đưa ra chuẩn bị đấu giá

Bốn tác phẩm được cho là của bốn danh họa mỹ thuật Đông Dương sẽ được đấu giá trong phiên Nghệ thuật Đông Nam Á hiện đại và đương đại, vào ngày 6-10 tại Hong Kong, gồm: Tranh lụa “Lá thư” của Tô Ngọc Vân, tranh lụa “Hai cô gái” của Trần Văn Cẩn, sơn mài “Dân quê Việt” của Nguyễn Sáng và sơn mài “Phong cảnh” của Nguyễn Gia Trí.

Giá của những bức tranh này được chào giá ngất ngưởng. Chẳng hạn bức “Lá thư” được cho là của Tô Ngọc Vân được định giá 800 nghìn đến 1,5 triệu HKD (khoảng hơn 191 nghìn USD). Tranh của các danh họa Đông Dương thường được bán với giá rất cao, thậm chí lên tới 500 nghìn USD.

Bức Phong cảnh được cho là của Nguyễn Gia Trí

Hai năm trước, bức “Gia đình” được cho là của Lê Phổ đấu giá thành công, dù giới họa sĩ Việt cảnh báo và bức xúc vì danh họa như Lê Phổ lại vẽ người phụ nữ “có hai bàn tay trái”. Nhà phê bình mỹ thuật Phạm Long từng thốt lên: Chẳng lẽ danh họa Lê Phổ, một trong những học trò ưu tú nhất của Trường Mỹ thuật Đông Dương khóa 1, người được cụ Victor Tardieu cưng chiều nhất và đặt hy vọng nhiều nhất lại mắc lỗi hình họa sở đẳng như vậy”.

Bức “Lá Thư” được cho là của Tô Ngọc Vân gây tranh cãi

Đối với bốn bức được đấu giá dịp tháng 10 tới, nhà phê bình Phạm Long làm hẳn bài thơ châm biếm vì sự bất chấp đưa tranh giả, tranh nhái ra ra đấu giá của Sotheby’s như: “Nguyễn Sáng một bức bất thường/ Sơn ta “quê-mẹ” có lường thật ngay?/ Cụ Gia Trí cũng lạ thay/ Mài tranh sơn… bỗng… xuống tay quá trời”. Phạm Long nhận xét bức “Dân quê Việt” “không ra Nguyễn Sáng”.

Bốn bức tranh được Sotheby’s giới thiệu khiến giới mỹ thuật trong nước phản ứng, bởi cảm quan dễ chỉ ra những bức tranh này không phải của các danh họa (có bức là tranh chép, có bức là tranh nhái phong cách nhưng non nghề).

Giới họa sĩ và phê bình mỹ thuật trong nước nhiều lần lên tiếng về nạn các nhà đấu giá quốc tế vẫn đưa tranh giả, nhái ra đấu giá, thậm chí thành công. Điều đáng nói là nhiều tác phẩm trong nước hiện lưu giữ bản gốc, nhưng sàn đấu quốc tế vẫn đưa lên đấu giá như thường.

Được biết, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam lưu giữ bản gốc tranh lụa “Hai thiếu nữ trước bình phong” chính là bức tranh “Hai cô gái” nhà Sotheby’s định đấu giá. Nghịch lý này không phải lần đầu tiên xảy ra. Giới chuyên môn chỉ ra một trong những nguyên nhân khiến tranh giả, tranh nhái có đất sống là do người mua cố tình không muốn thẩm định thật-giả.

Nạn tranh giả, tranh nhái chưa có dấu hiệu dừng, thậm chí ngày càng phát triển do nhu cầu mua tác phẩm mỹ thuật của người Việt ngày càng lớn, trong khi thị trường mỹ thuật vẫn chưa thực sự minh bạch.

Bảo Hân
(Theo Tiền Phong)