(Vanchuongphuongnam.vn) – Người cầm bút phải có sứ mệnh mang văn hóa của dân tộc mình đến với mọi người. Bởi xét đến cùng, cội rễ của thơ ca phải xuất phát từ ngọn nguồn văn hóa của dân tộc mình sinh ra. Dòng chảy ấy là bất tận. Nhà thơ phải biết hòa điệu giữa dòng chảy văn hóa dân tộc với điệu hồn cảm xúc của cá nhân mình.
– Quan niệm văn chương Phạm Tiến Triều
Nhà thơ PHẠM TIẾN TRIỀU
Sinh ngày: 10/07/1979; Dân tộc: Mường.
Quê quán: xã Phú Nhuận, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hoá.
Hiện đang sinh sống, dạy học và hoạt động sáng tạo nghệ thuật tại Thanh Hóa.
Hội viên Hội Văn học nghệ thuật Thanh Hoá.
Hội viên Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam.
Tác phẩm đã xuất bản:
1) Thơ tình gửi mùa đông – Tập thơ, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội 2002.
2) Ta là người của núi – Tập thơ, Nhà xuất bản Văn hoá dân tộc, Hà Nội 2014.
3) Mùa bông trăng – Tập thơ, Nhà xuất bản Thanh niên, Hà Nội 2016.
4) Người mường Trại – Tập thơ, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Hà Nội 2019.
5) Bùa lá – Tập thơ, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Hà Nội 2020.
Giải thưởng văn học:
– Giải Ba cuộc thi viết Đất và người xứ Thanh nhân dịp Năm du lịch quốc gia 2015 trên Báo Văn hoá và Đời sống với bút kí “Trôi giữa đại ngàn”.
– Giải C Giải thưởng Văn học nghệ thuật năm 2016 – Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam cho tập thơ “Mùa bông trăng”.
– Giải Nhì về thơ (Không có giải Nhất) Cuộc thi Sáng tác Văn học trẻ trên Tạp chí Xứ Thanh năm 2018 cho chùm thơ: “Bùa lá”; “Lũ trẻ với những chú chim non”.
– Giải C Giải thưởng Văn học nghệ thuật năm 2020 – Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam cho tập thơ “Bùa lá”.
Giải B Giải thưởng Văn học nghệ thuật năm 2020 – Hội văn học nghệ thuật Thanh Hóa cho tập thơ “Bùa lá”.
– Giải Nhì cuộc thi kí Thanh Hóa chung sức xây dựng nông thôn mới năm 2020 trên Tạp chí Xứ Thanh cho bút kí “Khát vọng xanh”.
Văn chương Phương Nam xin giới thiệu chùm thơ mới của anh, mời các bạn cùng đọc:
Bùa lá
Những chiếc lá thương lá yêu
cho anh câu xường hẹn buổi gặp nhau bên suối
để anh biết em đêm nào cũng bứt lá đếm yêu
lá quấn thương vào nhớ
lá quấn em vào anh
một đời
câu xường thương theo lá uốn trên môi
dẫn anh theo lối về mường em ngày hội
dắt vía anh vượt ba núi bảy mường
vía quấn vào chân thang
vía lang thang thung núi
quên lối, quên đường
em giận anh nỗi hờn loang câu xường
khi anh không kịp ngỏ lời xường yêu đêm trăng
để lá thương lá nhớ
lá rơi trên tay em
lá giận, lá hờn
ngày em về làm dâu, làm con
những chiếc lá xoè vòng tay ôm em vào lòng núi
lá giữ vía em không đi lạc mường
giữ chân em cho chắc
cầm tay em cho bền
ngày ngày em lên nương
những chiếc lá cho bông yêu đơm nụ
cho bông thương kết hoa
đất mường ta kết trái
để em không phải bứt lá đếm yêu
cho lá quấn thương vào nhớ
cho lá quấn em vào anh
một đời…!
Dâng
Cha mẹ sinh ta trong ngày đói
mẹ rệu rã bàn tay cấu nát mặt sàn (1)
dâng sinh linh bé nhỏ
đón ánh bình minh
ta lớn lên
cha ra bến quăng lưới vào mùa đói khát
thu về một mẻ lặng thinh
người dâng từng bữa nhịn
để con lớn thành người
một ngày
đứa trai Mường lớn lên trong sắn khoai
biết chạy như con báo rừng tìm miếng ngon dâng cha mẹ
biết vượt qua gió xé
lớn lên
một ngày
gã trai Mường biết dâng em lời ngọt thương
biết vượt qua ba mường bảy núi
biết buộc vía (2) em vào nhớ
biết đưa em về mường
biết dâng lời yêu thương…
Chú thích:
(1) Mặt sàn: Sàn nhà gác của người Mường làm bằng gỗ hoặc tre, luồng,…
(2) Buộc vía: Một tập tục đẹp trong văn hoá Mường (mang ý nghĩa tinh thần, tâm linh). Theo quan niệm của người Mường, vía phải luôn bên người mới mạnh khoẻ nên phải làm lễ buộc vía. Khi ốm đau, phải làm lễ gọi vía (hôốc vại). Khi trai gái yêu nhau, vía của họ cũng quấn quýt lấy nhau. Buộc vía cho trai gái (vợ chồng) thể hiện lòng chung thuỷ giữa hai người với nhau.
Tranh Hoàng A Sáng
Bái Đa (1)
Khi đã thấy núi dựng lên vách đá
vạt ngô non ràn rạt gió bờ xa
mái sàn nghiêng chập chờn trong thung núi
ta chạm mình trong sương núi Bái Đa
Cô gái Mường gùi mùa vàng xuống núi
đàn trẻ yêu chạy quấn quýt quanh nàng
đứa đòi dắt, đứa đòi bồng với bế
em nựng con, ta vụn vỡ ruột gan
Bao nhộn nhịp nơi phố phường chen rấp
ta đã quên trước vạt nắng thanh bình
ta ngây ngất trước men tình xóm núi
lảo đảo say trước môi mắt người xinh
Rưng rưng gió đan chiều trong mắt mẹ
ta nghe như dội muôn khúc tình si
điệu xường, rang mẹ ru hồn khách lạ
chiều vàng phai trong muôn sắc dã quỳ
Phía sau núi hoàng hôn in sắc đỏ
chiều tỏa hương theo vạt gió la đà
chân cất bước đưa ta về với phố
mà nghe lòng còn vương vấn Bái Đa.
(1) Bái Đa: Một ngôi làng thuộc xã Phượng Nghi, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa. Nay làng được chia thành hai thôn Bái Đa 1 và Bái Đa 2.
Ước em về chung đôi
Em thương à!
mặt trời chi mà ác
rọi chi đôi má em ửng hồng
soi chi đôi môi em đỏ thắm
cho buổi sáng mai anh ngơ ngẩn
để buổi chiều hôm anh ngẩn ngơ
Gặp em giữa nương mơ
anh ước chi mình nhặt chung vác củi
gặp em giữa giếng làng chiều tối
anh ước gì mình vác nước chung nhà
cùng sưởi chung bếp lửa
cùng chung bát chung mâm
Gặp em hôm trời nắng
anh ước mình được che chung bóng râm
gặp trời mưa lâm thâm
anh ước mình đội chung nón kín
Trai Mường chỉ biết nói lời thương mến
không thích nói lời gần xa
anh ước chi mình chung cửa chung nhà
để anh về sắm xôi đồ, gà lợn
mời người mường trên xóm dưới
mời chú bác trong ngoài
đón em về vui cửa
rước em về vui nhà
mừng em về làm dâu…
P.T.T