Giữa hai thi sĩ Tế Hanh và Louis Borger

730

Nguyễn Hữu Hồng Minh

Hôm nay, 16/7, kỷ niệm 10 năm ngày mất của thi sĩ Tế Hanh, cây đại thụ thơ Việt có nhiều đóng góp trong phong trào Thơ Mới và thơ hiện đại Việt Nam. Bóng dáng thi ca, chữ nghĩa của ông đến nay vẫn ghi dấu ấn đậm nét.

Tế Hanh nổi tiếng trong thơ bằng cách nhìn riêng và độ tinh tế. Bài “Vu vơ” viết từ thời hoa niên của ông đến nay vẫn còn nhiều người nhớ “Tôi thấy tôi thương những chiếc tàu / Ngàn đời không đủ sức đi mau / Có chi vương víu trong hơi máy / Mấy chiếc toa đầy nặng khổ đau”. Chiếc tàu này có lẽ đã ảnh hưởng rất nhiều đến Tô Thùy Yên khi ông viết bài “Cánh đồng, con ngựa và chuyến tàu”. Tức là sự phân tâm hay phản tỉnh của nhà thơ trước sức nặng và ảnh hưởng của kỷ nguyên máy móc và cơ giới. Nếu như Tế Hanh chỉ nhìn theo thì Tô Thùy Yên rượt theo “ngựa rượt tàu rượt tàu, rượt tàu”. Nó cho thấy linh cảm lớn của các thi sĩ trước sa mạc hóa, nô lệ vật dụng của loài người. Nhưng không thể khác! Sự bất khả kháng của con người cũng chính là đỉnh cao nhất của sứ mệnh vậy!

Chân dung nhà thơ Tế Hanh

Tế Hanh ảnh hưởng thơ Pháp nhưng từ đây ông lại chắc lọc đưa đến cho thơ những vẻ đẹp diễm lệ. Bài thơ “Cơn bão nghiêng đêm” của ông là một ví dụ tiêu biểu.

Cơn bão nghiêng đêm
Cây gãy cành bay lá
Ta nắm tay em
Cùng nhau qua đường cho khỏi ngã
Cơn bão tạnh lâu rồi
Hàng cây xanh thắm lại
Nhưng em đã xa xôi

Và cơn bão lòng ta thổi mãi.

Trước Tế Hanh không ai viết về bão lòng đẹp, dữ dội mà đau đớn như vậy! Nhưng vẫn thản nhiên như không! Điều này có vẻ Tế Hanh đã nhận ra ánh sáng của riêng mình. Ông đã mắc phải căn bệnh mắt và bị mù vào cuối đời như Louis Borger, một nhà văn đồng thời là một nhà tiên tri có ảnh hưởng sâu đậm với văn học Mỹ – La tinh. Ông sáng tạo nên và lắng nghe cơn bão từ phía trong. Cái căn bệnh không còn được nhìn thấy đó như Louis Borger nói là một đặc ân của Thượng đế đã dành cho số phận ông. Ông viết về sự mù lòa như sau: “Một nhà văn hay bất kỳ ai, nên nghĩ rằng những gì xảy ra với họ thì đó là một công cụ hữu ích; tất cả những gì người ta mang đến cho anh đều là có mục đích, và điều đó càng phải mãnh liệt trong trường hợp của một nghệ sĩ…”. Vì thế để hiểu được một số bài thơ của Tế Hanh cần phải lưu ý và tập đứng vào vị trí của ông. Vị trí của một thi sĩ trước bóng tối miên viễn bao trùm và thơ là một con đường ngôn ngữ duy nhất vẽ nên ánh sáng.

Louis Borger, một nhà văn đồng thời là một nhà tiên tri có ảnh hưởng sâu đậm với văn học Mỹ – La tinh

Nguồn: DDVN