Gõ đầu trẻ

1448

Nguyễn Thanh

Thương nhớ ba tôi

(Vanchuongphuongnam.vn) – Họ tộc nội ngoại tôi có truyền thống gắn bó nhiều thế hệ với ruộng đồng vườn tược ở nông thôn. Chỉ ba tôi trớ trêu muốn anh em tôi vác giạ giê chữ. Những ngày Lễ Tết hay cúng giỗ ông bà, bên mâm cơm thân mật gia đình, họp mặt đông đủ anh em, dù không nhâm nhi giọt rượu nào, ba tôi vẫn vui vẻ nhìn chúng tôi gần gũi:

– Ba mong muốn các con theo nghề nào sau này đến cuối đời vẫn còn nuôi sống được bản thân và gia đình. Trầm ngâm giây lát, người chậm rãi: “Ba thích ngành nọt-man (1)”. Vì ít chữ nghĩa tính lại thâm trầm kín đáo, ba tôi không giải thích thêm gì nữa. Nhưng tôi cũng hiểu được ba tôi cho dạy học là một nghề cao quí. Sau đó, người nhắc khéo đến thầy Nguyễn Văn Đối, ở gần chợ Tân Quới, một nhà giáo mẫu mực hiền lành cùng quê có họ hàng với gia đình tôi ngụ ý để anh em chúng tôi noi theo gương tốt.

Thầy Đối tốt nghiệp Sư phạm ngành tiếng Pháp, dạy tại Trung học Cần Thơ (2) và cũng là giáo sư dạy ngoại ngữ cho tôi khi mới ra tỉnh học. Gốc nông dân nghèo nhưng hiếu học, thầy được cấp học bổng ngay từ lúc mới vào trường Sơ đẳng Tiểu học trong làng. Sau khi vượt qua bằng Thành chung, thầy thi đỗ tiếp vào trường Sư phạm. Ra trường, thầy Đối dạy tiếng Pháp tại Cần Thơ, tạo dựng nhà cửa êm ấm khang trang, lo cho con cái học hành đến nơi chốn và có nghề nghiệp đàng hoàng. Thầy Nguyễn Văn Đối trung thành với nghề gõ đầu trẻ cho đến ngày nghỉ hưu.

Quyết tâm đầu tư cho con cái học hành thành đạt để sau này làm nhà giáo, ba mẹ tôi ban đầu đã lần hồi tiêu hết số tiền ky cóp từ lao động cật lực dành dụm được trong mấy mươi năm: đóng tiền cơm tháng, nhà trọ cho anh em tôi ăn học ở thành phố. Đến nữ trang, vàng bạc được bà con hai họ đi tặng trong ngày cưới của ba má tôi lần lữa bay đi sạch. Hết vay hỏi được tiền bạc họ hàng lối xóm đến lúc phải đốn bán lần những cây xoài, cây vú sữa lâu năm cằn cỗi ít trái cho khách hàng mua làm củi cho anh em tôi sắm áo quần sách vở. Trong cảnh kinh tế gia đình bế tắt ngặt nghèo, mấy công đất vừa ruộng vừa vườn nội tôi để lại ba má tôi cũng cắt bán lần Về sau mới nghĩ ra cách chạy tiền mua cho anh em tôi một căn nhà lá nhỏ ngoại ô thành phố ở ăn đi học.

Vài bữa, anh em tôi tranh thủ ngoài giờ học thay nhau đi chợ nấu cơm ăn rau trứng đạm bạc mỗi ngày. Ngày ấy chưa có điện về đầy đủ cho dân thành phố, học trò nghèo như chúng tôi đêm đêm hay ban ngày khi trời tối, phải dùng đèn bánh ú đựng dầu lửa đôi khi dùng nến. Ngồi học lâu hay nằm võng lát ôn bài, chúng tôi đốt vỏ quít hay vỏ bưởi khô trong một mẻ thau hư để xua muỗi đốt. Cuối tháng, ba tôi coi nhà, má tôi những ngày không đi chợ bán lặt vặt rau cải ớt chanh, thức thật khuya từ nhà một mình bơi xuồng vượt sông Hậu mang gạo củi ra viện trợ cho anh em tôi đỡ tốn kém. Hiểu rõ nỗi khổ cực của ba mẹ vất vả tảo tần một nắng hai sương vì con cái, mấy anh em tôi hết sức tập trung vào việc sách đèn mà không đứa nào ăn nhậu chơi bời, chỉ sợ phụ lòng kỳ vọng của các đấng sinh thành.

Tôi vào sư phạm rồi ra trường, theo đúng con đường dạy học như đã chọn theo sự gợi ý tâm huyết của ba tôi. Quan niệm nhà giáo là kỹ sư tâm hồn, tôi thiển nghĩ là quá trừu tượng và cao sâu. Với chức danh ấy, tôi không bao giờ dám nhận. Cũng không hề câu nệ mình dạy nửa chữ cũng là thầy hoặc bắt các em phải đặt thầy giáo ở tầm cao trên vị thế trang trọng của người cha trong gia đình. Dạy học, theo tôi nói vui – nghề gõ đầu trẻ là một nghề bình thường mà thiết thực và rất giàu tính nhân văn, gần gũi với con người, có thể minh họa thêm bằng tư tưởng trồng người sâu sắc của Bác Hồ – một chân dung vĩ đại sáng ngời của nhà giáo Việt Nam. “Vì sự nghiệp mười năm, trồng cây; Vì sự nghiệp trăm năm, trồng người”. K

hông dám đặt cạnh những chính khách tài danh, cũng mong mỏi ngồi cùng chiếu với những chuyên gia khoa học kỹ thuật, nhà giáo đích thực theo tôi vừa là một nghệ sĩ vừa là một nhà tâm lý. Bởi lẽ, đối tượng – đúng ra là đối tác – hoạt động của thầy giáo là những thực thể sống động tuyệt vời. Đó là những học sinh, sinh viên, tất cả người hiếu học, ham khám phá để hiểu biết ở bất cứ lứa tuổi nào – những chủ thể có đủ một khối óc, một trái tim… đủ khả năng lắng nghe, phê phán và cảm nhận. Do vậy, dạy học là một sứ mệnh hết sức cao cả thiêng liêng, theo thiển ý của tôi, hiếm có một nghề nào khác trên thế giới này có thề đặt ngang tầm ý nghĩa với nghề sư phạm. Từ vĩ nhân xuất chúng đến kẻ tục tử phàm phu, không ai là không qua một trường lớp trong đời. Người phương Tây có một câu nói rất thâm thúy: Mở cửa một trường học là đóng cửa một nhà tù (3) tôi đã nhớ từ thuở ấu thơ khi bắt đầu ngấp nghé bước chân vào  trường học…

Chính tư tưởng sâu sắc đó mặc nhiên khẳng định sự cần thiết không thể thiếu và vai trò đặc biệt của nhà giáo và sự giáo dục con người trong xã hội. Cả đời gắn bó với trường lớp hoặc trực tiếp, gián tiếp ở vai trò một người trên bục giảng, tôi không bao giờ gọi tiêu cực nghề giáo là nghề bán cháo phổi hay bi quan coi đó một nghề bạc bẽo.

Là một nhà giáo từng sống thăng trầm qua hai chế độ, tôi có đủ điều kiện để cảm nhận là rất hạnh phúc khi sở hữu nhiều nguồn vui sáng trong lành mạnh bên cạnh những thiên thần tuổi nhỏ với tâm hồn vô tư giàu sức trẻ mà cực kỳ hồn nhiên mà nồng cháy đáng yêu. Chân thành nói thực tự đáy lòng, ngoài gia đình, tôi không thể tồn tại trong cuộc sống tinh thần nếu thiếu vắng đi những hình bóng ngây thơ, ánh mắt hồn nhiên và những nụ cười tươi thắm của học trò tôi.

Hằng năm, mỗi khi Tết sắp đến, trước ngày đưa ông Táo về trời, các em trong lớp Mỹ thuật tự nguyện đến tận nhà tiếp tôi quét nước vôi, sơn lại nhà cửa. Tôi thực sự không nén nỗi xúc động khi nhìn các em mặt mày quần áo lấm lem, tay run run trong từng nhát cọ. Những ngày bị rét nằm viện xa trường, cả những em các lớp không chủ nhiệm cũng tự động rủ nhau đi thăm thầy với bọc đường, hộp sữa hay trái cây và những viên thuốc kí ninh tình nghĩa nhỏ bé xinh xắn gói kín trong tờ giấy lịch đơn sơ vì biết tôi vốn bị bệnh rét mãn tính từ lâu. Lại vui sao những hôm xúm xít nhau làm báo tường hay quay quần vào các ngày cấm trại đầu năm, thầy trò ngày đêm gần gũi bên nhau như một gia đình. Mùa bão lụt, thầy trò hăng hái kéo nhau đi xuống sông Cần Thơ, cam chịu cảnh gió mưa lạnh lẽo cùng nhau lặn hụp, vớt từng chiếc chén, cái xo-ong… giúp cho đồng bào chẳng may gặp phải thiên tai.

Cảm động nhất là những buổi liên hoan văn nghệ cuối năm, vừa để phát thưởng cho học sinh vừa để thầy trò, bạn bè họp mặt chia tay ở năm cuối cấp khi các em sắp sửa thay đổi môi trường học tập. Tôi không nguôi da diết thầm mong học trò tôi sẽ là những cánh chim đủ lông đủ sức, mãi mãi bay cao bay xa hơn trong không gian rộng lớn phía trước của đời mình. Ngậm ngùi, lưu luyến trước mỗi lần tạm biệt với học trò, tôi bất giác nhớ lại những vần thơ quen thuộc: Vậy đó bỗng nhiên mà họ lớn/Tuổi hai mươi đến có ai ngờ (4).

Mãi cho đến hôm nay, qua mấy thập niên kiên định đứng trên bục giảng và không hề rời xa học trò, tôi tự cảm thấy mình đã may mắn theo đuổi một nghề vinh dự được mọi người gọi và trân trọng mình bằng một từ hết sức cao quí là thầy.

N.T

(1) normale: sư phạm.

(2) Collège de Can Tho

(3) Who opens a school, closes a prison  (Qui ouvre une école, ferme une prison) – Ai mở cửa một trường học là đóng cửa một nhà tù

(4) Học sinh – Thơ Huy Cận