Gót buồn của ngàn năm trước

1272

Nguyễn Thị Thu Hà

(Vanchuongphuongnam.vn) – Miền Trung mùa này chưa bao giờ ngừng nghỉ bão giông, “Mùa Bạch Diệp” của nàng thơ còn dắt díu ta đi qua những cơn bão lòng. Nỗi buồn như mắt bão, không dễ tan trong một sớm, một chiều.

Tập thơ Mùa Bạch Diệp

Bước thật khẽ vào thơ nhưng với gót buồn của nghìn năm trước, từ Lá trắng (2011), Tùng gai (2014), và bây giờ là Mùa Bạch Diệp (2020), nỗi buồn trong Diệp, cứ thế làm kén, đóng tổ qua những tập thơ. Có quá nhiều căn nguyên để chị buồn, buồn vì “sắp hết thời gian rồi”, chị “thầm thì” mà người đàn ông không nghe thấy, đôi khi như cố nói gì đó với người bên kia đường mặc kệ lạ quen, “độc thoại” cũng đã buồn, “Đêm nứt như chiếc bánh cháy trong lò/ Mà ta là kẻ khốn cùng đói khát” lại càng buồn hơn.

Người khác, có lẽ phải mở toang cửa, kéo rèm, hít thở sâu, ngểnh cổ để đeo đuổi thế giới. Với “nàng”, chỉ cần một chỗ ngồi cho kẻ mơ mộng, chìa tay là có mưa. Buồn không đến từ mưa, buồn vì tay người đã chạm phải mưa, đó là Bạch Diệp: “Ở đây những ngày mưa quá dài/ Kỉ niệm cũng như mưa/ Phố như bàn tay nhỏ/ Hứng lấy là tràn ra nỗi buồn”. Nhạy cảm tự nó đã khiến nàng có lỗi và đánh thức ở người đọc những niềm đa cảm mang tên Huế.

Mùa Bạch Diệp cũng là mùa tiếc nuối, có nỗi tưng hửng của việc để mất một cánh chuồn chuồn tuổi thơ, phút chặc lưỡi ngậm ngùi nhìn đàn con lớn lên dần xa vòng tay mẹ, có tiếc nuối của những vầng trăng khát khao nhuốm màu hao khuyết: “Anh bao nhiêu trăng không đầy/ em bao nhiêu mưa không trôi” (Sắp hết thì giờ rồi).

Nhà thơ Bạch Diệp

Chủ đạo là thơ tự do, có những bài thơ văn xuôi, mạch thơ vì thế chảy tràn tự nhiên, phóng túng song thi tứ vô cùng chặt chẽ; liên tưởng độc đáo, giàu sức gợi; chủ âm là giọng tha thiết, nữ tính, nhiều khắc khoải. Thiên tính nữ trong thơ Diệp đắp đổi, câu thúc các giác quan một cách mạnh mẽ: “Sao chạm tay như đóa hoa vừa bung nở/ Em chới với nhìn anh ngập trong người khác” (Điêu). Hình ảnh thơ không Tây mà rất Tây với giáo đường mùa giáng sinh, góc phố mùa đông run rẩy, bờ lưng cong quen quen lạ lạ, vệt chuốt mascara, chùm anh đào mọng đỏ, khúc nhạc jazz, giọt trumpet, cánh rừng mưa tuyết… tất cả đều cụ thể mà khó nắm bắt, đi từ tượng trưng sang siêu thực, đậm chất hội hoạ, đường nét tinh tế, giàu thanh âm: “Giữa hoàng hôn mùi trầm, anh ngang qua, cùng tiếng đập cánh của bầy chim/ loài chim cánh đỏ như máu/ như một mảnh mặt trời rơi xuống biển” (Lúc năm giờ chiều).

Đàn bà trong thơ dịu dàng, kiên nhẫn tới phần cam chịu như trái cây nhẫn nại lên men trong đêm, nhiều lúc muốn “xé kén u buồn” để vượt thoát, nhưng hãy còn dang dở, không dang dở trong phận đời mà dở dang trong cảm xúc. Cứ cô đơn, nhưng không hề đánh đổi, lẫn khuất là bóng dáng của người mẹ, người chị ham sống, ham yêu, đa mang với ngôn hạnh trùng phùng: “Căng lên từng sợi gân tay, trắng thêm vài sợi tóc nhưng sẽ không ai thấy nàng khóc, khi nhóm bếp”, bởi nàng tự dặn mình: “Khi nhóm bếp lên đừng khóc”.

Đời cần bao nhiêu Scarlett để phá phách, khiêu khích, cao ngạo, ma mị với đàn ông thì cũng cần bấy nhiêu Melanie ngoan hiền, độ lượng để làm yên lòng phái mạnh. Scarlett không hiểu được Melanie; Melanie không hiểu Scarlett. Mấy người thích sự trung dung, càng không hài lòng khi ai đó thái quá hay bất cập, vậy mà đọc thơ Diệp, tôi lại yêu những cảm xúc trái chiều đến tận cùng của chị, cũng như không thể giải thích được, thẳm sâu, chúng ta yêu ai hơn, Scarlett hay Melanie? Rốt cục, ta là ai trong họ?

Mùa Bạch Diệp như chiếc áo đẹp, nhưng không phẳng phiu, ai dày công lượt là để lòng trên từng nếp gấp cảm xúc mới hiểu hết cái tình của người trao tặng.

Huế 11.2020
N.T.T.H