(Nhân đọc tập thơ Gửi hoa quỳnh của Tạ Hùng Việt, Nhà xuất bản Hội Nhà văn)
Nguyễn Văn Hòa
(Vanchuongphuongnam.vn) – “Gửi hoa quỳnh” là tập thơ thứ 9 của nhà thơ Tạ Hùng Việt, tập thơ có sự chắt lọc, lựa chọn kỹ hơn so với 8 tập trước. Ở đó, nhà thơ bày tỏ những suy nghiệm về tình yêu, cuộc sống trong cõi nhân sinh rộng lớn này. “Tôi đâu biết sẽ suốt đời cỏ đắng/ nước mắt mỗi ngày mỗi mặn, người ơi!” (Đi qua tháng ba).
Bìa tập thơ “Gửi hoa quỳnh” của Tạ Hùng Việt.
54 bài thơ trong Gửi hoa quỳnh bao gồm nhiều đề tài, chủ đề khác nhau nhưng tất cả đều thể hiện một hồn thơ nhạy cảm, tinh tế, với nhiều suy tư và trắc ẩn. Cái hay ở Tạ Hùng Việt là từ những bài thơ viết về tình yêu, nói về tình yêu nhưng đôi khi đó chỉ là cái cớ để nhà thơ chuyển tải những vấn đề mang tính thời sự, những thứ liên quan đến cuộc sống thực tại. “Trả lại thành phố cho” em là một bài thơ hay và có nhiều ẩn ý như thế. “Thôi/ hãy để ta về/ em nấn ná mà chi/ Ngạo nghễ mây/ trùng phùng gió/ Long chong bước đi/ chông chênh nếp nhớ/ Giữ mãi câu thề/ ta trân trối nghĩ/ – Em là loài chim di cư// Ta về/ thương vạt cỏ ven đê/ con sông quê hai bờ đều lở cả/ vắt cơm thơm lá chuối khô/ mẹ vẫn còng lưng khoai lúa// Kiếp người/ nắng-mưa/ mưa-nắng/ Ta gánh mùa chai vai/ cày cuốc quen tay/ đất chẳng sinh sôi/ làng như hẹp lại/ Nhưng thành phố có rộng hơn đâu/ và ta, ai đợi…”.
Thơ Tạ Hùng Việt chủ yếu là giọng trầm, hướng về nội tâm với bao suy tư, dằn vặt, trăn trở về đời, về người, về mình. Thơ anh buồn, nỗi buồn lặng lẽ đến từ nhiều khía cạnh của cuộc sống. Tuy vậy, không hề có sự gào thét, lên gân hay van vỉ, khóc than mà rất điềm tĩnh, hiền lành, trong trẻo, ý vị. “Nơi hẹn cũ mong người hẹn cũ/ thương buồn trôi về phía thương buồn” (Chân trời xa lắm). Mọi cảm nhận, phản ánh, lý giải trong thơ anh đều hợp lý, hợp tình. Chính điều này đã tạo nên bản sắc và nét riêng của thơ Tạ Hùng Việt.
Nhà thơ cảm nhận sự trôi chảy của thời gian trong từng sự thay đổi của mọi thứ quanh mình. Anh trở lại sân ga để tìm lại ký ức xưa, dù biết rằng cũng chỉ là niềm hoang hoải, là mênh mang nỗi nhớ: “Trở lại sân ga tìm chiều đã mất/ loay hoay gót trần người đông lối chật/ khói lạt sương mùa tím nỗi hoa mong” (Dấu chân dưới lá).
Đó là sự khắc khoải, chao đảo giữa hai bến bờ hạnh phúc và khổ đau, giữa cái còn, cái mất ở thời điểm hiện tại và cả những gì trong quá khứ đã lùi xa. “Khổ hạnh đi qua cuộc vui/ thật thà rơi hoang vào đất/ chút đắng mọc thành cỏ dại/ mây xa vợi cuối chân trời/…/ Khổ hạnh đi qua đời nhau/ rượu suông uống cạn trăng vỡ/ bến cũ còn miền nắng lụa/ lối xưa đợi gót ai về/…/ Con đò không quay trở lại/ sông buồn mang kiếp long đong/ biết người không quay trở lại/ tôi về đợi bến sông thương” (Về bến sông thương). Vì thế, nhân vật trữ tình “tôi” luôn có cảm giác bất an, lo sợ: “Tôi rất sợ/ một ngày nao/ tôi sẽ như cơn lốc/ lăn đi/ không có điểm dừng” (Gửi hoa quỳnh).
Điểm nổi bật trong thơ Tạ Hùng Việt đó là kết cấu theo dòng cảm xúc, tâm trạng và thường được xây dựng trên cơ sở những phạm trù đối lập: ra đi – ở lại; nhớ – quên; huy hoàng – ảm đạm…
– em đã theo người qua miền lộc biếc/ ta cứ loanh quanh tìm chiều đã mất (Dấu chân dưới lá).
– Sau những chói chang thành phố đầy thương tích/ sau nụ cười là bao nỗi đầy vơi (Phấn trắng tinh khôi).
Nói nhiều đến sự thay đổi của thiên thiên nhiên, con người và nhiều thứ khác để khẳng định một cách chắc chắn là anh/ tôi/ ta vẫn đối xử với em một cách chân thành, mãnh liệt, đàng hoàng, tử tế của một người “quân tử”. Dẫu cho ngoài kia có nhiều bất trắc, sóng gió, bão tố có thể ập đến bất cứ lúc nào. “Bến sông – một con tàu đang đợi/ chia xa này đừng thành cuộc chia ly// Em đến, rồi ra đi, tôi vẫn biết/ như đàn chim phương Bắc trú đông thôi/ nhưng như thế, có nghĩa còn để đợi/ tiễn em đi, tôi sẽ đợi em về” (Phía mùa sang).
Bao nhiêu tình cảm tốt đẹp nhất của nhân vật trữ tình “anh/tôi/ta” cũng đều dành cả cho “em”. “Nắng anh hết cho trời, cây xanh hết cho nhau/ sẽ đến lúc không còn xanh được nữa/ Người ơi, trong từng nhịp thở/ ta vẫn còn nguyên vẹn trái tim yêu” (Hồn lá).
Có những quá khứ đẹp, an yên, êm đềm đi vào trong thơ Tạ Hùng Việt. Đối với anh nhiều thứ đã qua không thể tìm lại được nên việc nhắc lại cái đã qua như là liều thuốc để xoa dịu cái không hay ở thực tại. Cho dù chính thi nhân cũng ý thức được rằng: có níu lại, có nuối tiếc thì cũng không thể làm gì được nữa. Mà thực tế có níu lại được bao giờ? “Có nuối tiếc cũng không tìm được nữa/ thuở kiêu sa đã đi lạc mất rồi/ em lẫn lộn ở trong đời một nửa/ một nửa nằm nguyên vẹn trong tôi” (Níu lại ngày xưa). Thời gian trong thơ Tạ Hùng Việt có sức ám ảnh, nhà thơ đã lưu giữ được những khoảnh khắc thời gian, những hình ảnh đồng hành với nó trong sự khao khát “trả em về phố biển”: “Xin con tàu hãy quay trở lại/ trả em về phố biển, đợi chờ ơi!/ …/ Ở lại với anh là những con đường quen/ góc phố vắng ta vẫn thường qua đó/ mảnh trăng kiêu sa, cây bàng vừa thay lá/ chỗ ta ngồi bờ đá rong rêu” (Chiều em đi).
Với Tạ Hùng Việt, hạnh phúc không phải là điều gì xa vời, to tát mà là những thứ bình dị, nhỏ bé của đời thường. Chính những thứ đơn giản ấy nhưng nếu biết nâng niu, trân trọng thì cũng đủ làm ấm lòng người.
Tạ Hùng Việt vốn là người học Toán, có một quãng thời gian đứng lớp để giảng dạy trước khi chuyển sang làm công việc khác nên anh có những bài thơ thể hiện niềm suy tư về nghề. Cái hay là anh dùng cách nói ẩn dụ gợi cho người đọc bao điều. Bởi không đơn giản chỉ nói về chuyên môn, về nghề nghiệp mà qua đó ta có thể liên tưởng đến nhiều vấn đề của đời sống. “Hình như gió đã bình tâm trở lại/ phía cuối ngày nghiêng một vạt nắng trong/ Anh lên lớp chiều nay với bài toán cũ/ sau bão giông vẫn rực rỡ hoa hồng// Những đường thẳng, đường cong đưa ta vào cuộc sống/ qua những thênh thang mơ ước đời người/ Nơi đẹp nhất chắc gì yên bình nhất/ xin em đừng so sánh, người ơi!” (Phấn trắng tinh khôi).
Cuộc sống hiện đại với nhiều những vấn đề đặt ra rất phức tạp, biết bao giá trị bị chao đảo, đôi lúc cái bất hợp lý nhưng vẫn hiển nhiên tồn tại. Vì thế, thi sĩ không khỏi thấy chạnh lòng khi nghĩ về những khốn khó của một thời đã qua, nhất là nỗi nhớ da diết về gia đình. Ở đó, “Cha không còn sợi tóc xanh nào để mà bạc nữa/ mẹ mong manh mang lời nguyện lên chùa”; “Mẹ gieo mùa nhầm ngày nắng hạn/ nên một đời đi nhặt xác bão rơi”. Để rồi “những oan khiên đã vùi đáy lũ/ muôn nguyện cầu không ngăn nổi thác tuôn”. Vì thế, Tạ Hùng Việt sâu sắc nghiệm ra: “Tất cả đã trôi đi, trừ số phận/ cái phận long đong lạc cõi vô thường”. Điều này cũng góp phần lý giải vì sao thơ anh buồn, thơ anh có những khoảng im lặng của nỗi cô đơn. Đọc những dòng thơ trong bài “Giao mùa”, nghe có gì đó ứ nghẹn, rưng rưng: “Mây đã thoáng và trời thôi gió/ một chút thu vương lại phía hiên nhà/ cây vẫn trút bồng bềnh xác lá/ tôi cúi mặt xuống ngày trong mộng mị sương sa// Mẹ vá lại những quần áo cũ/ mùa đông chẳng ngắn hơn/ táo trong nhà mình hoa muộn/ quả cằn chai rụng đắng cuối vườn// Những lầm lỗi đã rơi vào đất/ cỏ vô tâm xanh đến khôn cùng/ tôi đỡ tấm áo nghèo từ tay mẹ/ chợt tiếng con vạc sành thảng thốt rưng rưng”.
Ngôn từ trong thơ Tạ Hùng Việt được sử dụng có sự chắt lọc, không hề dễ dãi. Vì thế, mỗi câu chữ đều dồn nén cảm xúc, cất lên từ chính trái tim. Nhà thơ rất linh hoạt trong việc sử dụng các thủ pháp nghệ thuật trong thơ của mình. Do vậy, đọc thơ Tạ Hùng Việt phải đọc đi đọc lại, phải nghiền ngẫm mới giãi mã được những điều mà nhà thơ ký gửi.
Dù viết về điều gì, thơ anh vẫn nhẹ nhàng, sâu lắng, da diết yêu thương. Mạch thơ ấy trải dài và thống nhất xuyên suốt cả tập thơ. “Nhặt chiếc lá mùa thương nhớ cũ/ chạm hao gầy ngày gió heo may/ tôi ao ước một cơn mưa cứu rỗi/ trông đợi người buồn trắng bàn tay// Em xa thế, tôi biết làm sao được/ đổi thay nào cũng đau điếng, người ơi,/ sau hạnh ngộ là những điều hoang lạnh/ chân sáo say biền biệt cuối trời” (Chân trời xa lắm).
Chất giọng triết luận với những câu khẳng định giàu trí tuệ được thể hiện rõ nét trong hầu khắp các bài thơ, câu thơ. Đây cũng là điều làm nên nét riêng và sự độc đáo trong thơ Tạ Hùng Việt.
– Điều cố quên là điều ta cố giữ/ như tâm linh giấu trong lá Bồ Đề (Một ngày và những điều có thể).
– Sang – hèn đóng đinh số phận/ cửa Phật thiện – ác u mê (Ở tầng thứ nhất của thế giới).
– Giọt nước mắt trách hờn và nụ cười tàn nhẫn/ ở trong một con người luôn đổi chỗ cho nhau (Thị trấn của em).
– Hạnh phúc vốn mong manh từ mọi phía/ neo đậu hững hờ tình yêu (Một ngày tháng Chạp).
– Em đừng để niềm vui là ngọn gió/ bởi gió sẽ bay theo lời hẹn cuối chân trời (Bất chợt vui buồn).
– Tình yêu của anh chỉ đủ để kết thành trái đắng/ tâm nghĩa của anh mong manh như lá tật nguyền (Đưa mùa qua lối ngày Đông).
– Tất cả đã trôi đi, trừ số phận/ cái phận long đong lạc cõi vô thường (Tất cả đã trôi đi).
– Không có ai yêu con người hơn biển/ cũng chẳng ai vô tình như biển, em ơi (Những dấu chân trên cát).
– Chia tay nỗi buồn – nỗi buồn quay lại/ trông mong niềm vui- niềm vui xa mãi (Miền gió).
– Những lầm lỗi tạc lên mặt đá/ cỏ rất hoang và cát rất gầy (Bóng lá).
– Xin hãy đau nỗi đau của sóng/ vượt trùng dương nhưng không vượt được bờ (Góc trời mùa hạ).
– Những lầm lỗi đã rơi vào đất/ cỏ vô tâm xanh đến khôn cùng (Giao mùa).
– Em có còn thương ngày cũ/ gánh màu qua ngõ tìm nhau (Lên Chùa cầu nguyện).
– Trần thế nỗi đau ngang tàng là biển/ Nhưng nhân từ cũng chỉ biển mà thôi (Phấn trắng tinh khôi).
– Những gian truân bọt sóng, những giả dối bình yên/ tình yêu phá tung tất cả lề thói cũ (Bão lũ sẽ đi xa).
– Có một ngày mưa đắm cơn mê/ dòng sông bỗng nhiên không hiền hòa nữa (Mây khói).
Phải chăng có được chất giọng ấy là do sự trải nghiệm và cả những va đập của nhà thơ trên các chặng đường đời mà anh đã đi qua và nếm trải.
Với Gửi hoa quỳnh, Tạ Hùng Việt đã giãi bày, tự bạch những vui buồn của đời tư, thế sự; những hoài niệm, trăn trở, thao thức và những khao khát, chiêm cảm về tương lai. Đây không chỉ đơn thuần là tâm sự của riêng anh mà ở đó phần nào đã khắc họa tâm thế chung của con người thời hiện đại.
N.V.H