Guillaume Apollinaire – Ông hoàng thơ tình Pháp

1555

Nguyễn Thanh

(Vanchuongphuongnam.vn) – Guillaume Apollinaire (1880-1918), gốc người Ba Lan, tên đầy đủ là Wilhem Albert Vladimir Apollinaris de Waz-Kostrowitcki, được biết đến như một nhà thơ lớn của nước Pháp vào đầu thế kỷ 20, bạn văn nghệ một dạo của danh họa Picasso và nhiều danh sĩ khác. Viết văn, soạn kịch và phê bình nghệ thuật nhưng Apollinaire được coi là nhà thơ khơi dòng cho chủ nghĩa siêu thực (surréalisme) trong việc cách tân thơ tự do, đặc biệt là những bài thơ ông sáng tác theo kiểu tạo hình (Calligrammes).

Chân dung nhà thơ Guillaume Apollinaire

Tác phẩm Guillaume Apollinaire khá phong phú nhưng nổi tiếng nhất là các bài thơ: L’Adieu (Lời vĩnh biệt), Le pont Mirabeau (Cầu Mirabeau), Zone (Đới tình)… Thật đáng tiếc, thi tài Guillaume Apollinaire lại không may mất sớm (38 tuổi) bởi nạn dịch cúm Tây Ban Nha (1918) trong khi tài năng đang phát triển. Phần mộ nhà thơ được vinh dự chôn tại nghĩa trang Père- Lachaise (Paris).

Nền văn học nghệ thuật phương Tây trong khoảng thời gian ba thập niên cuối thế kỷ 19 và hai thập niên đầu thế kỷ 20 và rải rác sau này, hầu như được chiếm lĩnh bởi người Pháp và các văn nghệ sĩ hoạt động trên đất Pháp. Từ hội họa đến văn học, nghệ sĩ các nước với đủ trường phái trong từng thời kỳ, khắp bốn phương lục tục hội tụ về kinh đô ánh sáng Paris để hoạt động năn nghệ. Ngoài những nghệ sĩ bản địa, các họa sĩ như Van Gogh (1853-1890), Picasso (1881-1973), Modigliani (1884-1920), nhà thơ Apollinaire… và Nguyên Sa (1932-1998) sau này, từ các nước Hà Lan, Tây Ban Nha, Ý, Ba Lan cả Việt Nam… tìm đến Paris, quay quần tại phố nghệ thuật Montmartre nổi tiếng hoặc dọc theo bờ sông Seine thơ mộng mà trong cuộc đời văn nghệ sĩ ai cũng đã từng hơn một lần mơ ước được đặt chân đến hoặc trở về vùng đất thiêng nghệ thuật như nguồn cội quê hương để sáng tác: Paris có gì lạ không em/ Mai anh về giữa bến sông Seine/ Anh về giữa một dòng sông trắng/ Là áo sương mù hay áo em (1).

Với Guillaume Apollinaire, chàng nghệ sĩ trẻ tuổi, với trái tim cháy bỏng đam mê văn chương từ xứ lạnh xa xôi Ba Lan phương Bắc châu Âu cũng tìm đến hiện diện tại Paris – thủ đô của vương quốc nghệ thuật – thi ca.

Dường như Guillaume Apollinaire là người dân của thế giới. Chàng sinh ra tại Roma vì cha chàng là người Ý không ai biết rõ lai lịch. Nhưng mẹ Apollinaire, bà Angelica Kostrowitcka lại gốc người Ba Lan. Bà Angelica vốn là một phụ nữ quý tộc không may bị sa sút cửa nhà nên đã lánh sang nước Ý sinh sống, sau cuộc bạo loạn 1863-1864 tại Ba Lan (Polska, tiếng Anh là Poland). Năm 1887, Apollinaire cùng mẹ và em trai phải chuyển sang Pháp sinh sống. Chàng học ở Monaco và Cannes. Hai năm sau, cả nhà bà Angélica dời về sống ở Paris.

Ngoan đạo, vui tính, yêu đời nhưng thể hiện thông minh ngay từ nhỏ, học lớp nào ở ban trung học, Apollinaire cũng đều xuất sắc, luôn được lĩnh nhiều phần thưởng ưu hạng. Nhà thơ viện sĩ Hàn lâm Pháp Jean Cocteau (1889-1963) bảo Apollinaire có đôi mắt tròn tròn của con chim họa mi. Nữ nhà văn Mỹ Gertrude Stein (1874-1946) thì cho rằng chàng đẹp trai, đa cảm, tính tình dễ thương, thông minh dị thường. Mười bảy tuổi, chàng bắt đầu làm thơ, viết báo và sớm trở thành nhà thơ nổi tiếng với bút danh chính thức là Guillaume Apollinaire được nhiều người đánh giá tích cực.

Chàng được coi là nhà thơ có tài mang tính lãng tử và đa tình, giống như nhà thơ Pháp Blaise Cendrars (1887-1961) lấy vũ trụ làm quê hương, từng lang bạt ở Nga, Đức, Anh. Chàng yêu đương rả rích với nhiều cô gái đẹp như nữ họa sĩ Marie Laucencin (1885-1956), Louise de Coligny Châtilion (tức là Lou trong những bài thơ của chàng), Madeleine Pages… mà mình bất chợt bắt gặp trong cuộc đời phiêu lãng. Trong lúc tài năng đang phát triển thì không ngờ, như đất bằng dậy sóng, Apollinaire bỗng nhiên bị vướng vào vòng lao lý. Nguyên nhân là do viên thư ký Géry Pieret của Apollinaire vốn có tật táy máy chôm chỉa. Một ngày đẹp trời năm 1907, trong chuyến cùng Apollinaire đi tham quan Bảo tàng  Louvre (Pháp), Pieret đã “cầm nhầm” hai pho tượng đầu người bằng đá quý. Sau đó, Géry đã bí mật bán lại cho danh họa Picasso, bạn thân của chủ anh ta. Dù không rõ nguồn gốc pho tượng nhưng vì thích thú trước cổ vật hiếm lạ mới mua được, Picasso đem cất kỹ chúng dưới đáy tủ không để ai trông thấy, chỉ thỉnh thoảng mới đem ra ngắm nghía thỏa thích một mình. Chính nhờ bức tượng đã khơi nguồn cảm hứng cho Picasso sáng tác bức tranh lập thể đầu tiên “Những cô nàng ở Avignon” làm cho danh họa thêm nổi tiếng. Ngày 21-8-1911, người dân cả Paris xôn xao trước tin kiệt tác “La Joconde” của họa sĩ thiên tài Ý: Léonard de Vinci (1452-1519), bị kẻ gian đánh cắp, khiến cho dư luận và cảnh sát phải ra tay quyết liệt. Bức mây động rừng, những thông tin liên quan đến bức họa bị đánh cắp khiến cả Apollinaire và Picasso đứng ngồi chẳng yên. Rồi không biết do thông tin rò rỉ từ đâu, ngày 7-11-1911, cảnh sát đã ập đến nhà Apollinaire. Trong quá trình khám xét nơi ở của nhà thơ, họ tìm thấy một số bức thư của Géry, kẻ đã tự thân ăn cắp hai pho tượng. Apollinaire bị bắt giữ luôn vào chiều hôm ấy vì tội “chứa chấp kẻ phạm tội”. Tại cơ quan điều tra, bởi yếu bóng vía không còn làm chủ được mình, Apollinaire khai bừa cả Picasso cũng đã can dự vào vụ việc (trong khi Picasso nhất quyết khai mình không hề dính líu tới vụ việc và cũng không biết luôn… Apollinaire là ai!). May nhờ áp lực của dư luận vốn mến mộ những nghệ sĩ tài hoa, trong đó có người bạn cũ của Apollinaire là một luật sư uy tín nên sau đó, qua mấy ngày bị tạm giam, cả Apollinaire và Picasso, cùng được trả lại tự do vì chính quyền địa phương không tìm ra được căn cứ. Nhưng từ chuyện trớ trêu đó, thâm tình bằng hữu giữa hai nghệ sĩ lớn có phần vơi bớt đi vẻ mặn nồng.

Năm 1812, Apollinaire cùng các bạn thành lập tờ báo “Les Soirées de Paris – Chiều Paris” và chàng làm chủ bút tạp chí từ năm 1813. Cũng trong năm này, sự ra đời của những thi phẩm nổi tiếng: Le Pont Mirabeau (Cầu Mirabeau) và trường ca Zone (Đới tình) đã đưa Guillaume Apollinaire lên vị thế của những nhà thơ lớn đương thời. Và, tiếp sau đó là tập thơ Alcools – Rượu  (1913). Một cuộc cách mạng mỹ học với cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Apollinaire và Picasso cùng những nhà thơ, họa sĩ trẻ tứ xứ tập họp quanh xưởng Bateau-Lavoir. Hàng loạt các bài báo cuồng nhiệt tung hô khuynh hướng hội họa mới của các nghệ sĩ Pháp, được coi là chủ nghĩa Hiện đại (Modernisme) như Lập thể (Cubisme) với Picasso, Braque (1882-1963), Léger (1881-1955)…, Ngây thơ (Naïve) với Rousseau (1844-1910), Duy sắc (Orphisme – Danh từ do Apollinaire đặt ra) với Delaunay (1885-1941), Apollinaire cũng muốn đoạn tuyệt với “phép thơ xưa”. Thực ra, Apollinaire cũng đã thể hiện sự dao động giữa mỹ cảm cũ và mới, nên còn lưỡng lự giữa ranh giới thơ – văn xuôi khi gieo vần. Năm 1914, Apollinaire bắt đầu chuyển sang sáng tác một số bài thơ khá ngộ nghĩnh, sắp xếp theo kiểu tạo hình  trong tập thơ Calligrammes.

Nặng lòng với đất mẹ Ba Lan, khi trận chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra, Apollinaire tình nguyện ra trận, với mong muốn được giải phóng quê hương. Khi đang trong quân ngũ, ngày 17-3-1916, Apollinaire bị thương nặng do trúng mảnh đạn pháo gây chấn thương ở thái dương, thời gian này, nhà thơ viết nhiều bài thơ về chiến tranh. Apollinaire được nhập quốc tịch Pháp và trở lại Paris tiếp tục sáng tác. Từ khi chàng oái oăm bị thương ở đầu, sức khỏe của Apollinaire ngày càng tồi tệ. Ngày 1-01-1918, nhà thơ bị sung huyết phổi, phải nhập viện khiến cho ông trở thành một bệnh khách thường xuyên của nhà thương. Cuối cùng, ngày 9-11-1918, nạn dịch cúm ác độc Tây Ban Nha đã cướp đi sinh mệnh của Apollinaire – nhà thơ tài hoa bậc nhất của Pháp ở đầu thế kỷ 20.

Hành trình vào thế giới thơ Apollinaire, người đọc có thể nhất trí những bài thơ nổi bật hơn trong toàn bộ sự nghiệp thi ca của ông là : L’Adieu (Lời giã biệt), Le pont Mirabeau (Cầu Mirabeau), trường ca Zone (tạm dịch là Đới tình)… Bởi vì qua ba bài thơ tiêu biểu trên chứa đựng cả hồn cốt tác giả, Apollinaire đã làm sống lại Paris. Nói đến Paris là nói đến kỷ niệm, nghệ sĩ, đến tình yêu và tuổi trẻ, Paris là thủ đô của kẻ tứ chiếng giang hồ, của những kẻ vô gia cư (clochards), những gái chơi (femmes de joie), của những Henry Miller (1891-1980), Gertrude Stein, những Picasso và  Apollinaire …

Trước tiên, bài Lời giã biệt (“L’Adieu”), được nhà thơ Bùi Giáng nhiều lần dịch ra tiếng Việt và nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc với tựa đề Mùa thu chết. Cũng vào mùa thu sầu muộn muôn đời của văn chương và nghệ thuật, với bao ngóng đợi chờ mong như bao nhiêu nghệ sĩ khác, Apollinaire cũng đã ngóng chờ mong đợi giữa hương thời gian và mùi thạch thảo (bruyère): Anh ngắt một cành hoa thạch thảo/ Mùa thu chết rồi em nhớ không/ Ta không còn gặp nhau trên đời/ Mùi thời gian, hương hoa thạch thảo (2). Chỉ vỏn vẹn với 5 câu thơ ngắn gọn cô đọng với vần liền và vần gián cách sát sao mang tính cách thơ truyền thống cách tân, mấy câu thơ dài ngắn không câu thúc, đã làm nên những vần tuyệt, bút hàm súc thi tứ, chứa đựng miên man bao nỗi nhung nhớ ngậm ngùi, khó nguôi trong lòng người đọc.

Nhưng bài thơ hay nhất đã làm cho Apollinaire trở thành nhà thơ bất tử, là Cầu Mirabeau (“Le Pont Mirabeau”). Thực ra, ở Paris có tới 37 cây cầu bắc qua trên sông Seine, và cầu Mirabeau chỉ là một chiếc cầu bình thưởng như bao cầu khác. Nhưng với ngòi bút thơ của Apollinaire, nó đã làm nên một hình tượng nghệ thuật độc đáo, khiến cho bài thơ được đưa vào chương trình giáo khoa dạy cho học sinh Pháp: Dưới cầu Mirabeau, hững hờ trôi dòng Seine/ và trôi đi cả tình yêu đôi ta…(3). Bài thơ Cầu Mirabeau gồm 24 câu trong đó có 4 đoạn  bốn câu và 2 điệp khúc hai câu nhưng nội dung thật mênh mang vô tận. Apollinaire không chỉ đơn thuần miên man hoài niệm về mối tình thắm thiết mặn nồng của tác giả với người yêu – nữ họa sĩ Marie Laucencin (1885-1956) kéo dài trong 4 năm (1909-1912) mà ý nghĩa nó còn vượt xa hơn sang nhiều lĩnh vực mang tính triết học khác.

Tựa đề mang tên một cây cầu, nhưng Apollinaire không chú trọng mô tả đúng nghĩa hình ảnh thực của cây cầu. Tác giả chỉ mượn cây cầu làm cái cớ để nói về một không gian ký vãng mình từng đi qua, hò hẹn, từ đó nói về sự trôi đi của thời gian thông qua hình ảnh của dòng sông Seine đang trôi dưới chiếc cầu. Cũng như nhà thơ Pháp Lamartine (1790-1869), trong bài “Le Lac” (Cái hồ), nhà thơ, họa sĩ Đức Hermann Hesse  (1877-1962)…,   Apollinaire đứng giữa dòng thời gian biến dịch mà cảm thấy chạnh lòng, ngậm ngùi suy ngẫm miên man về sự vật hiện hữu. Nhìn dòng sông Seine trôi đi, nhà thơ đau đớn, khắc khoải sống lại với những mối tình xưa, từ đó nói về ý nghĩa sự trôi chảy của tình yêu: Tình yêu trôi đi như dòng nước chảy/ Tình yêu trôi đi như cuộc đời chậm chạp, và hoài vọng thì mãnh liệt. Đêm đến, giờ điểm/ Ngày tháng trôi đi, còn ta ngồi lại bên cầu(4 ). Đoạn thơ được coi tuyệt bút trong bài “Le pont Mirabeau” là đoạn sau đây: Tay trong tay, mặt hãy nhìn mặt/ Đang lúc dưới / Cầu của những cánh tay đôi ta lướt dòng nước mệt mỏi của những khoảng nhìn thiên thu/ Hãy để cho đêm về, giờ điểm/ Ngày trôi đi mà tôi vẫn còn ngồi đây…(5)  đã nói lên trong khi thời gian trôi mất đi biền biệt, nỗi đau khổ triền miên vẫn còn ở lại làm tái tê đay nghiến nhà thơ. Ngày tháng trôi đi, năm dài cũng hết chỉ còn lại thời gian trong tâm tưởng và những mối tình xưa không trở lại: “ni les amours reviennent” và nước sông Seine xuôi lạnh một dòng sầu dưới cầu Mirabeau để cho thấy mấy màu thời gian – mà có lần được nhà thơ Đoàn Phú Tứ (1910-1989) mô tả rất tinh tế màu và hương thời gian: Duyên trăm năm đứt đoạn/ Tình một thuở còn vương /Hương thời gian thanh thanh/ Màu thời gian tím ngắt. Thời gian trôi đi mất, chỉ còn lại nhà thơ đứng nhìn “je demeure” – một điệp ngữ được nhắc đi nhắc lại như một tiếng kêu thương não nùng không dứt về con sông xa nguồn mà tê tái lòng. Dù đã từng lang bạt nhiều nước châu Âu, yêu nhiều cô gái nhưng trong đời Apollinaire vẫn lang thang có mặt nhiều thời gian nhất ở Paris, thành phố xinh đẹp (“mon beau Paris ”) của lòng chàng. Paris cũng gắn bó nồng nàn với nhà thơ. Nhà thơ say Vũ Hoàng Chương (1916-1976) tại Hà Nội từng nức nở, tuyệt vọng trong cơn say với rượu và nàng Tiên nâu, mặc cảm cô đơn khi nhớ đến người yêu: “Men khói đêm nay sầu dựng mộ…/ Tình ta ta tiếc cuồng ta khóc/ Tố của Hoàng hay Tố của ai”, hay “Em ơi, lửa tắt, bình khô rượu/ Đời vắng em rồi say với ai’, Apollinaire thất tình đau khổ thường say mèm vào những buổi chiều: Chiều Paris chuếnh choáng men nồng (6). Apollinaire yêu say đắm một cô gái người Anh tại Đức. Khi nàng trở về Anh, chàng khăn gói sang London hỏi cưới nàng nhưng bị từ khước. Thất vọng, Apollinaire làm bài Khúc hát của kẻ Thất tình (“La  Chanon du Mal- Aimé”) như một kiệt tác với bao lời thơ thống thiết lâm ly cho mối tình tuyệt vọng: Tôi rung lạnh theo tình yêu đã chết (L’Amour est mort, j’en suis tremblant). Tình yêu chết, mùa thu chết (“L’Automne est morte”) và hương hoa cũng không còn (“Odeur du temps, brin de bruyère ”), chàng bơ vơ lang thang khắp phố phường Paris  (“J’erre à travers mon beau Paris) điên cuồng với tiếng xe điện giữa quán cà phê bồng khói (“Les cafés gonflés de fumée”). Chàng như lạnh lẽo đi vào chốn nghĩa địa hoang vu (“Dans ce cimetière – presque désert”) và cất lên tiếng kêu tuyệt vọng không khác gì nhà thơ Đinh Hùng (1920-1967) khóc cho người yêu đã nằm dưới lòng đất nhân buổi tàn thu: Trời cuối thu rồi – Em ở đâu/ Nằm trong đất lạnh, chắc em sầu/ Thu ơi, đánh thức hồn ma dậy/ Anh muốn về thăm nấm mộ sâu (Gửi người dưới mộ). Rồi chàng lại say túy lúy như để phá tan vạn cổ thành sầu, ly rượu lung linh như ngọn đèn leo lét (Mon verre est plein d’un vin trembleur comme une flamme) lại chóng rơi bể tan tành như một tiếng cười vang vọng thiên thu (Mon verre s’est brisé comme un éclat de rire). Chàng tiếc nuối than khóc cho những giờ phút trôi đi như đám ma (Que lentement passe les heures/ Comme passe un enterrement). Thu chết, Apollinaire thổn thức, nhưng khi Thu trở về, nhà thơ cũng khóc như gió khóc, rừng khóc cả tiếng thu rơi xào xạc, những trái rơi không người hái, tiếng chân ai khua động dẫm lên những chiếc lá, tiếng tau hỏa buồn buồn và cuộc đời mãi trôi đi không dừng lại (… Les feuilles /Qu’on foule/ Un train/ Qui roule/ La vie s’écoule). Ngao ngán thực tại cuộc đời, nhà thơ lại khao khát những thành phố trên thế giới nên chàng đã uống say mèm cả vũ trụ (Je suis ivre d’avoir bu tout l’univers – Alcools)

Sau khi tập “Alcools” ra đời, thơ Apollinaire lúc đầu chưa được đánh giá thích đáng, nên có người đã coi nó (Alcools) “có đặc tính của hàng đồng nát”. Nhưng các nhà thơ chân chính có khuynh hướng cách tân vẫn đánh giá tích cực và đặt ngang hàng Guillaume Apollinaire với Louis Aragon (1897-1982), Jean Cocteau (1889-1963)… và giữ một chỗ đứng trang trọng vào bậc nhất trong văn học sử Pháp đầu thế kỷ 20. Với vần điệu dặt dìu, đa dạng và tính nhạc dạt dào gần gũi với các nhà thơ Gérard de Nerval (1908-1955), Paul Verlaine (1844-1896)… kết hợp với thi tứ sâu lắng, cảm xúc nồng nàn của tác giả, thơ Apollinaire vẫn được đa phần bạn thơ thế giới ngưỡng mộ và thuộc lòng. Tiếc cho nhà thơ Apollinaire mất chỉ trước thời gian cuộc thế chiến thứ nhất kết thúc vài ngày nên đám tang của nhà thơ không gây được dư luận trong xã hội chú ý tương xứng với tài năng và sự đóng góp không kém quan trọng của một nhà thơ có chân tài.

Xưa  nay, dòng sông có một vị trí trong lịch sử (sông Bạch Đằng sông Lô …) trong âm nhạc (le beau Danube bleu), trong thi ca (sông Tương, sông Thương…), cũng như con đường, nó thường là biểu tượng của sinh mệnh con người, thể hiện trong thơ của: Thôi Hiệu (704-754): Hoàng Hạc lâu, Huy Cận (1919-2005): Tràng giang, Kiên Giang (1929-2014): Đẹp Hậu giang… Ngày nay, mỗi khi được nghe nhắc đến Apollinaire, ai trong chúng ta, không chỉ riêng người Pháp, cũng lẩm nhẩm được ngay trong miệng những câu thơ tuyệt bút về tình yêu nhà thơ: Dưới cầu Mirabeau, hững hờ trôi dòng Seine/ và trôi đi cả tình yêu đôi ta…**

N.T.T

 (1) Nguyên Sa tên thật Trần Bích Lan, là giáo sư Triết học trường Trung học Chu Văn An (Sài Gòn-1958) được xem là nhà thơ tình có chân tài – một nhà thơ của tuổi học trò với các bài: Tuổi mười ba, Áo lụa Hà Đông, Tám phố Sài Gòn, Paris có gì lạ không em

(2) “J’ ai cuelli ce brin de bruyère/ L’Automne est morte, souviens t’en/ Nous ne verrons plus sur terre/ Odeur du temps, brin de bruyère…”