Gương mặt bán dạo – Truyện ngắn Trần Minh Hợp

689

Người bán dạo ngồi kín các hàng ghế trong trường quay chờ xem đêm chung kết cuộc thi truyền hình Gương Mặt Bán Dạo. Bữa cơm chiều, lần đầu họ được ăn buffet.

Minh họa Hoàng Đặng

Trần sân khấu được thiết kế bằng các đạo cụ lấy cảm hứng từ cuộc sống bán dạo: Giỏ xe đạp móp mép đựng nhánh chuối sứ xanh, bó đọt bí. Thúng đậu phộng, thau bánh cam, mâm cải chua. Túi da cũ đựng vé số. Tờ 500 lẻ. Ly nhựa đựng trà đá. Đôi dép vá quai bằng kẽm… Tất cả chúng như di sản của không gian văn hóa bán dạo, không biết tương lai nào sẽ phai mòn?

Đêm chung kết là đêm thể hiện tài năng bán dạo vượt trội tại sân khấu trường quay của ba người bán dạo: O Hạ Bố Trạch bán nước mía ở động Phong Nha (Quảng Bình), anh Tám Đồi Dương bán vé số ở Phan Thiết (Bình Thuận), bà Năm Cù Lao Giêng bán củ ấu sừng trâu luộc ở Chợ Mới (An Giang). Sau ba phút, hễ ai được nhiều người mua nhất sẽ đoạt hạng quán quân của Gương Mặt Bán Dạo mùa một.

Hàng ghế người thử thách là những người không hề thích mua hàng nơi lề đường đầu hẻm. Họ nghi ngại những thứ được bán dạo thì không sạch sẽ, không an toàn và lọc lừa. Thật, bản lĩnh của nhóm người thử thách rất kiên vững trước gương mặt người bán dạo.

“Vé số đi anh miền núi, chị đồng bằng ơi. Đứng lựa, ngồi lựa, nằm lựa, lăn lựa số đẹp đi. Hôm nay vé số Đồng Tháp! Trúng một cái, đi thăm Hồng Ngự mang tên em(1) luôn”.

Anh Tám Đồi Dương hát thêm câu: “Tôi có người yêu mang tên Hồng Ngự…”.

Một vài gương mặt người thử thách đang cố trấn thủ không mua, bỗng trở nên giãn ra, như người chiến sĩ buông vũ khí.

– Tôi mua một tờ anh Tám ơi – Khán giả thử thách là người thích bài Hồng Ngự mang tên em.

– Tôi mua một tờ vì tôi là dân Hồng Ngự. Nghe rao vé số mà nhớ quê. – Một người thử thách nói giọng miền Tây giơ tay.

Anh Tám Đồi Dương đưa vé số cho khách, hát tiếp phần điệp khúc: “Hồng Ngự ơi, tôi sẽ không bao giờ quên”.

Đèn sân khấu tắt, phần thi đấu kết thúc, tự sự đời bán dạo của anh Tám được chiếu trên màn hình:

“Tui là Tám Đồi Dương. Ngày trước tui bán bánh tráng mắm duốc(2) trên bãi biển Đồi Dương, ở Phan Thiết. Má tui nổi tiếng với nghề tráng bánh tráng mỏng nên khách thích ăn mắm duốc với bánh tráng nhà tráng của quán tui.

Khi Thành phố giải tỏa dãy chòi “bánh tráng mắm duốc” để làm đẹp Đồi Dương, tui đành bỏ nghề đi bán vé số. Vợ tui giờ chỉ bưng cái thúng giấu dưới cái ghế đá. Thấy khách vô Đồi Dương là chạy lại hỏi, 10 khách chắc được 1 khách chịu ăn. Tội bả, cứ chạy da(3) chạy vô, một lần chạy bưng bánh tráng mỏng, bánh tráng dày, một lần chạy bưng mắm duốc. Nhiều khi khách thích ăn chua, phải chạy thêm một vòng lấy cục chanh. Có khi khách ăn mắm duốc bị cay quá, bả lại chạy thêm một vòng nữa để đổi chén mắm duốc khác. Nhiều bữa không hên, lại phải chạy mấy anh cảnh sát đi làm nhiệm vụ.

Tui đi bán vé số, nhờ mê hát và biết nhiều bản nên khi bán vé số của tỉnh nào là tui ca một bài có liên quan đến tỉnh đó. Hồi xưa tui có coi truyền hình về người bạn nghề bán vé ở Bến Tre, ổng bị mù nhưng vẫn quơ gậy đi bán. Ổng mắc vé số lên cây đờn, ổng đờn hát thay tiếng dao(4). Mà dân miệt dưới đó, ca hay quá, nghe mà dụng dời (5). Tui phục sát đất giọng ca và cái ý chí của ổng! Nhờ ổng mà tui biết cách chêm tiếng hát địa danh vô để làm phong phú lời dao. Mà vừa bán vé số vừa hát tui cũng thấy mình đỡ cực chút chút.

Ước mơ hiện thời của tui là nhiều người mua vé số của tui sẽ trúng, để tui có thương hiệu, bán được nhiều hơn, đủ tiền mua cá mòi nấu chua măng. Còn giấc mơ mở quán bánh tráng mắm duốc hát với nhau chắc phải ngâm đó thêm. Tui thấy dân trong này còn đỡ, chứ thấy tội mấy người ngoài vùng Bình Trị Thiên, toàn cát khô, nắng khô, gió khô, lụt bão liên miên. Có ai giúp thì giúp họ, tụi tui trong này tự làm tự ăn được”.

Màn hình chiếu tiếp hình ảnh dãy núi xanh và dòng sông nước cũng trong xanh chảy mềm mại trước cửa động Phong Nha. Trong hang, những người phụ nữ Quảng Bình nhỏ bé trụ chân trên mui thuyền, dùng sức mạnh cả thân hình để chèo thuyền đưa khách ngắm những khối nhũ đá rủ xuống như phim trường Ả Rập.

“Chạy là khung hình thấy rõ nhất ở người phụ nữ Bố Trạch này. Đôi bàn chân không dính đầy cát, o chạy với xô nước mía đeo trên cổ. Sợi dây cột xô đã ấn vào thịt cổ o những lằn sâu và đỏ. O chạy để hỏi khách có khát nước không? O chạy để giành quyền là người đầu tiên được mời khách mua nước mía. Trưa Bố Trực nực như bếp lửa, o thiu thiu ngã lưng ở gốc cây, nghe tiếng chân của khách, o giật mình bật dậy chạy, nhưng đó chỉ là tiếng của nhánh cây rụng. O về lại gốc cây, mắt vẫn mở hờ hờ chờ khách”. Lời bình về o Hạ Bố Trạch được đọc trên nền hình ảnh một người phụ nữ trùm khăn làm nón, chạy đi chạy lại không ngưng trên bến thuyền đưa khách từ động Phong Nha vào bờ.

“Nác mía Quạng Bình ngọt lắm, mươi nghìn một ly thôi nà, rẹ lắm, nghỉ chân một chặp, uống cho mát, enh chị nì!”(6). Đoạn phim ngắn kết thúc bằng lời mời của o phát ra như ghi âm, không trật một nhịp, không sai một từ.

“Nác mía Quạng Bình ngọt lắm, mươi nghìn một ly thôi nà, rẹ lắm, nghỉ chân một chặp, uống cho mát, enh chị nì!”. O Hạ chạy từ sau sân khấu đến hàng ghế người thử thách. O thoăn thoắt chìa ly nước mía đến tận từng mặt người. O mời không chừa một ai. Khách không mua, o để lại nụ cười duyên dáng và cái lắc người giả thục nữ khiến cả trường quay mắc cười. O nhìn quanh tiếp, xem thử còn sót ai chưa mời không. Hễ ai ngước đầu lên nhìn o là o lại trao cặp mắt chân tình và lời mời “Nác mía Quạng Bình…”. Đến nỗi không một ai dám ngước mắt lên nhìn o vì sợ lời o da diết mời mua nước mía. Cuối cùng, một người thử thách quá mỏi cổ phải nhìn lên, thấy điệu bộ giả thục nữ đáng yêu của o nên mua một bịch.

Thí sinh cuối cùng xuất hiện, bà Năm Cù Lao Giêng bán ấu sừng trâu luộc. Bộ đồ thun loại 100 ngàn 3 bộ bà đang mặc đã lấm chấm nhiều vết thâm từ mủ ấu. Bà cũng đội đúng cái mũ vải vành ngắn như mọi ngày bà đi bán. Bà đứng ngay mép sân khấu, ngơ ngác ngỡ như đứng ngay mép đường nhìn xe chạy phải chạy trái. Ánh nhìn chờ đợi ai đó hỏi mua giúp bịch ấu luộc còn nóng trong đáy giỏ. Bà mang dáng gầy của người phụ nữ châu thổ miền Nam, chỉ nhìn đã thấy thương.

Giỏ ấu của bà Năm luôn lưng lưng. Đôi mắt bà đục ngầu đờ đễnh, như thể nhiều nỗi hoảng sợ đang trộn lẫn vào nhau, hoảng sợ vì không thấy ai mua ấu, hoảng sợ vì tiếng xe máy rầm rì tạo ra âm thanh hung dữ không dứt. Đôi mắt bà manh nha hoảng sợ từ khi bàn tay bà bắt đầu đụng vào cái quai giỏ đựng ấu luộc.

Vẫn không có tiếng rao nào cất lên vì bà không bao giờ rao, bà cứ giữ gương mặt hoảng sợ lướt qua hàng ghế người thử thách đang ngồi im lìm. Không hề có kỹ thuật bán dạo như hai thí sinh trước, bà chỉ thi đấu với khuôn mặt già hoảng sợ.

– Bán cho cháo một bịch ấu bà ơi! – Một người đã gọi bà…

– Dạ, tôi đến ngay.

Tiếng một bà lão “dạ!” một người khách trẻ tuổi nghe như có miếng xoài chua xát quanh bao tử, thật xót. Bà chậm chầm bước đến chỗ người khách hàng, ngồi bẹp xuống chân của chàng trai, chậm rì đôi tay già nhấc bịch ấu lên, với tất cả sự biết ơn.

– Ấu này tôi mới luộc, còn nóng – Tay bà run run, miệng bà run run.

– Dạ! Cháu một bịch ấu sừng trâu bà ơi.

– Dạ! Lấy cháu một bịch luôn ạ!

– Dạ! Cháu nữa bà Năm, kiếm bịch nào mà sừng trâu dài dài.

– Dạ! Cháu mua một bịch…

Gương mặt bà đã phai bớt hoảng sợ vì tất cả ấu luộc trong giỏ đã được bán xong.

Người dẫn chương trình công bố: Hạng quán quân của Gương Mặt Bán Dạo mùa một đã thuộc về bà Năm Cù Lao Giêng bán ấu sừng trâu luộc ở Chợ Mới – Người bán hàng bằng gương mặt hoảng sợ.

Giây phút trao giải, hai á quân anh Tám Đồi Dương và o Út Bố Trạch ôm chầm lấy bà. Màn hình đằng sau chiếu đoạn clip phỏng vấn ngắn về bà Năm, được ghi hình khi bà đang ngồi hơ lửa lá chuối bên cánh đồng ấu sừng trâu.

– Dạ, con cháu bà đâu hết rồi, để bà đi làm khi tuổi già thế này?

“Bà có một đứa con gái, nó ngủ với người lái heo dạo sinh ra được đứa con. Nó trèo dừa thuê, bị té, giờ nằm liệt ở nhà. Đứa cháu gái thì còn đi học, nhỏ quá, chẳng thể phụ tôi được. Xế xế chiều bà phải đi nhổ ấu, tối về luộc, sáng đi bán.

– Dạ, sao giỏ ấu của bà lúc nào cũng lưng lưng?

“Ấu là của người ta, bà nhổ thuê thôi hà. Bà kêu người ta trả công cho bà bằng ấu, để về bà luộc đi bán, có thêm vài chục ngàn. Bà già, không ngâm dưới nước lâu nên nhổ được rất ít. Nhảy lên bờ, bà phải tướt lá chuối đốt hơ liền cho ấm. Lạnh quá, bà bị vọp bẻ, về nhà không nổi, không luộc ấu được, không bán ấu được.

– Dạ, sao bà đi bán mà lúc nào mặt bà cũng hoảng sợ?

“Cơm trưa, cơm chiều đều nhờ vào cái giỏ ấu của bà. Nên mỗi lần đi bán là bà sợ lắm, bà sợ không ai mua thì nồi cơm cũng lỏng lẻo gạo. Trước khi đi bán, bà cũng đến lạy Đức Mẹ Maria rất nhiều ở nhà thờ Cù Lao Giêng, nhưng bà vẫn còn thấy sợ. Mấy bà cháu sợ ăn ấu ế lắm. Bà có biết rao, biết mời gì đâu, nhưng không đi bán thì con cháu bà đói. Con cá, cọng rau đồng bây giờ cũng khó kiếm lắm con”.

—-

(1) tên bài hát của nhạc sĩ Tô Thanh Tùng

(2) mắm ruốc, một số người dân ven biển ở Bình Thuận thường nói âm “r” thành âm “d”

(3) ra

(4) rao

(5) rụng rời

(6) tiếng Quảng Bình – “Nước mía Quảng Bình ngọt lắm, 10 nghìn một ly thôi, rẻ lắm, nghỉ chân một lát, uống cho mát anh chị ơi!”