H.Man và ‘Dẫn dụ đêm’…

404

Võ Văn Trường

(Vanchuongphuongnam.vn) – Cùng với “Lục bát bay vòng”, “Dẫn dụ đêm” là tập thơ mới nhất của nhà thơ H.Man (Phạm Văn Mận), do NXB Văn học cấp phép, ra mắt bạn đọc trong tháng 3/2022. Nhẩm đếm từ tập thơ: “Mưa mùa bất chợt” (NXB Văn học, 2010); “Ba mươi lăm bài lục bát (NXB Văn học, 2010); Những mảnh tình rời (NXB Văn học, 2013); “Trong miệt mài tôi quên” (NXB Văn học, 2014); “Vàng phai một thuở” (NXB Văn học, 2016) đến “ Trong mênh mông gió cát” (NXB Văn học, 2017) và nay là “Lục bát bay vòng” và “Dẫn dụ đêm” (NXB Văn học 2022)…quả là gia tài thơ của nhà thơ H.Man cũng rất đáng nể.

Cũng như việc chung thủy với thơ, mảng đề tài trong tất cả các tập thơ ra mắt bạn đọc của anh đều có thể gọi chung một cái tên là thơ tình H. Man. Ai đó đã nhìn nhận một cách khá hay và theo tôi là đã nêu bật được con người thơ của anh đại ý đó là một tâm hồn chẳng bao giờ được bình yên trước ba đào chữ nghĩa và ba đào thân phận tình yêu.

Và lần này với “Dẫn dụ đêm” người yêu thơ lại thêm lần cùng nhà thơ “dẫn dụ” chúng ta đi vào khu vườn ngỡ đã quá quen nhưng cũng rất thú vị bởi những bất ngờ chính từ cây trái và nắng gió thân quen của khu vườn mang tên người thi sĩ sinh ra ở làng Bảo An, Điện Quang, Điện Bàn, Quảng Nam. Hiện anh đang là Trưởng VPĐD NXB Văn học TP. Đà Nẵng, Miền Trung và Tây Nguyên.


Tập thơ “Dẫn dụ đêm” của H.Man.

Phải chăng mỗi hẹn hò dang dở, mỗi bước vô tình là một vết thương, để rồi chính nhà thơ tự thú: “Tôi vẫn âm thầm với cái việc làm thơ, mỏi mòn, nghiệt ngã, cầm trái tim mình đi lên con phố, hân hoan ca tụng tình yêu kễng chân cao vói níu mây trắng, trời xanh ngồi ngó lại đời mình, buồn theo những chặng đường tàn phai, dang dở” (Lời đề từ của tác giả). Để rồi nhà thơ nhận ra cảm giác lạc lõng, chơi vơi, trong lẽ vô thường mà không phải ai cũng nhận ra nếu không theo đuổi trong miệt mài tỉnh thức và trong mối tương tác với vũ trụ bên ngoài và cái tôi bé nhỏ nhưng lại cũng vô cùng tận để cùng tìm về bản thể của loài thi sỹ. Đó là người biết buồn tự lúc nào chẳng hề hay biết.

“Hoa đã vàng trong khu vườn cũ/Buồn chưa tôi?/Những ngày cuối năm…” hay “Tay ngắn là khi hồn quá mỏng/ Thay màu/ Lá rụng để mà xanh/ Em qua/Áo mộng che trời rộng/Cây nhớ mù sương động mấy cành…” (Bâng khuâng chiều cuối năm)

Nhà thơ H. Man làm thơ trong nhiều bối cảnh, trong cái tức cảnh sinh tình anh đã thâu nhận và tìm ra những triết lý nhân sinh cái tình trong trời đất, là duyên số, là thân phận, là những lỗi hẹn đớn đau và chính nó lại quay về vỗ về, an ủi những khổ đau thân phận. Đơn cử, chỉ bắt đầu những ngày mưa, tức đất trời giao mùa, một tiếng chim kêu ở lũng đồi, một cánh hoa nghiêng bên triền dốc lạ… anh đã nhận ra quy luật:

“Cứ mặc thời gian réo điệu hư mòn
Cứ bấu chặt tay dù tình rất dại
Có mùa nào đi mà không quay lại
Huống chi đời mình vốn đã mù mưa…?” (Bắt đầu những ngày mưa)

Hay trong “Khúc hòa thanh của đêm” đã dẫn dụ anh đi qua miền ký ức:

“… Nỗi buồn anh cùng tiếng đêm hợp xướng/ Mẹ đã nhiều năm ngút ngát hiên trời/Em thì vẫn phía bên kia nỗi nhớ/Đêm vô tình đêm chảy giọt chơi vơi…”

Dẫn dụ đêm đã đưa nhà thơ tìm về từng kỷ niệm, ở đó là nỗi nhớ đan cài giữa xanh tươi trong từng héo hắt buồn tênh. Một ít niềm vui, dù ít ỏi, dù bé nhỏ thôi nhưng nó lóe lên niềm hy vọng, những yêu thương cho nhận như đâu đó một giọng em cười hay em từng hát lại lời hát ru của mẹ… rồi tất cả bay xa như giọt đêm chơi vơi tan chảy… nhưng nó cũng không mất đi mà tích tụ quay về ở một dạng thể khác trong thế giới sinh sinh diệt diệt… “Anh thảng thốt gọi tên từng kỷ niệm/ Giữa tay còn dăm tiếng vạc kêu sương…” (Ở đây không phải giữ để còn mà tự tại nó hốt nhiên hiện hữu …)

Nói đến đây tự nhiên tôi liên tưởng mấy câu thơ của thiền sư Thích Nhất Hạnh “Không có gì đã qua và đã mất / Không có gì sẽ qua và sẽ mất / Và suối chim khuyên em hôm nay / Hãy vẫn cứ là bông hoa hát ca” – (Trích bài thơ “Bướm bay vườn cải hoa”)

Trong tình yêu với thơ, trong chủ đề tình yêu mông lung rộng lớn ấy, tôi chợt nhận ra anh định vị cho mình về những nỗi buồn “lỗi hẹn”. Xét ở mối tương quan vũ trụ và vạn vật lỗi hẹn là sự bất thường bởi lý do nào đó, như hoa không đợi mùa, như người tìm người thì người đã ra đi…chỉ mong về sau còn có kiếp tương phùng. Nhưng trên bước đường rong ruổi của thơ anh cứ mãi là người lỗi hẹn.

“Có thương dùm khi tôi lỗi hẹn”… và cũng bởi, tìm nhau nên cứ hoài xuôi ngược/ Hồn kín buồn như tự kiếp nào (Lỗi hẹn hoa đào). Và cũng bởi lỗi hẹn nên phải trông chờ “Cây xoan nhớ ai cành khô đến lạ/Ngơ ngác trông trời trút lá sầu đông” (Lỗi hẹn cùng Đà Lạt).

Cảm nhận thời gian trong thơ H. Man cũng được hình ảnh hóa rất ấn tượng, tự nhiên, gần gủi, nhưng lắng lại cảm giác rất thật như cánh vạc bay từ từ rồi xa dần và chìm khuất.

“Chiều hôm qua con dế chết sau vườn
Mùa đưa tiễn rơi một cành khô gãy
Dòng sông mỏi ôm bãi bờ lau sậy
Cứ chậm nguồn qua mấy bận mù sương…” (Phiến buồn cho tuổi)

Tôi thầm hỏi, ai bảo nàng thơ không tuổi và người thơ không tuổi. Thế thì cuộc tình thơ ấy có nghĩa lý gì không. Hư và thực, thơ và đời có lúc thành thật bởi dòng thời gian qua đi là chứng kiệm của ý thức: “níu” và “buông”.

Thước đo thời gian trong cảm thức mỗi người sẽ không giống nhau, nhưng rồi ai đó trong đời chẳng có lúc giật mình khi đọc những câu thơ:

“Không còn tiếng nỉ non ngoài bậu cửa
Vành khăn xô ai quấn vội chân ngày
Anh thở khói lên lối mòn tưởng tiếc
Mắt trông vời hiu hắt tuổi thơ bay” (Phiến buồn cho tuổi)

Hay “Tôi cầm chắc nỗi buồn em gửi lại
Mà lênh đênh cho nát cuộc sông hồ…” (Phiến buồn đã cũ)

Kết thúc bài viết xin quay về với lời đề từ dẫn dụ đêm của anh:

“Em… Em làm chi ở đó, niềm vui nào vỡ tràn sau những cơn say? Hạnh phúc nào mong manh cho đôi bàn tay chới với. Giữa cuồng quay cuộc sống sao ngăn được tiếng thở dài ngút trắng ngoài kia… Đêm vang âm từng bước chân lẻ loi trên hè phố khuya, dẫn dụ tôi về miền xao xác những mùa thơ…”. Với tư cách người yêu thơ, xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc tập thơ mới nhất của nhà thơ H. Man.

V.V.T