Hà Sáu giãi lòng với những câu thơ ngào ngạt hương thơm đụn đất quê nhà

967

(Đọc Hương đất ru tình, NXB HNV, 2021)

Trần Mai Hường

(Vanchuongphuongnam.vn) – Những năm tháng đi qua cuộc đời đã để lại trong mỗi người biết bao nhiêu là kỷ niệm buồn vui. Những kỷ niệm ấy cứ sóng sánh như mật ngọt, cứ lâm râm mặn mòi, đắng đót như muối mặn gừng cay làm nên mùi hương dìu dịu lan tỏa ru hồn người mộc mạc tình đất, tình quê. Đến khi mỏi cánh chim bằng quay về nguồn cội, neo lại ở một góc quê nhà lắng nghe tiếng lòng thổn thức về một miền ký ức vời vợi những yêu thương.

Tập thơ Hương đất ru tình của tác giả Hà Sáu với hai phần Hương đấtRu tình, chính là sự gom nhặt những ký ức của một thời đã qua. Như lời tác giả đã ngỏ: “Một thời tạm biệt làng quê, ngược xuôi rong ruổi cho cuộc mưu sinh đến mãn kiếp phong trần. Và giờ đây lại quay về ngả lưng sau lũy tre xưa, lắng nghe con sông quê thì thầm da diết sau trận bão giông. Có những đêm dài thao thức, nghe tiếng nỉ non từ trong lòng đất mà thấy mình còn nợ món ân tình đã trót vay”. 83 bài thơ trong tập “Tình đất ru hương”  chính là những đóa hoa lan tỏa hương sắc từ mảnh đất quê nhà.

Vốn sinh ra từ làng quê có những lũy tre xanh kẽo kẹt gió ru, có những cánh đồng rờn rợn lúa non nương theo cánh cò, cánh vạc chiều chiều chở nắng sang sông. Hà Sáu gắn bó với đồng ruộng, với người nông dân. Tác giả đã mượn những câu thơ để giãi bày tấm lòng biết ơn miền quê sinh ra và nuôi mình khôn lớn, trưởng thành: Làng tôi đây! Con sông uốn quanh bao bọc lũy tre/ Bão giông đi qua thời đạn lửa/ Sóng gió nổi trôi theo sông chảy mãi/ Trằn trọc bao đên thao thức với làng/ Thời trẻ trai một thuở dọc ngang/ Rồi quay về đây với tuổi xuân còn lại/ Trả món nợ ân tình đã vay từ thời xa ngái (Mái nhà tranh). Gần 10 năm với vai trò chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp, anh luôn đau đáu với ước mong xây dựng quê hương ngày thêm phát triển, anh đã tận tâm, tận lực để thực hiện ước mong đó. Trong phần Hương đất, tác giả giãi tỏ tấm lòng của mình với đất, với làng bằng những câu thơ vẽ nên hình ảnh gọi từ miền ký ức xa xăm. Làng với những ngôi nhà: Mái ngói rêu phong in màu cổ tích/ Tường gạch ố vàng phủ bụi thời gian. Có con sông chảy qua làng với những chuyến đò ngang ăm ắp kỷ niệm tuổi thơ để: Hơn sáu mươi năm/ trên dòng đời xuôi ngược/ Sông vẫn đôi bờ vỗ nhịp dòng trôi (Qua đò). Và: Ngôi nhà tranh là một góc quê hương/ Cha cất lên từ bờ tre bụi rạ/ tre dựng cột kèo, rạ làm mái lá/ ấp ủ đời con năm tháng bão giông (Mái nhà tranh). Ghi đậm trong tâm trí tác giả hình ảnh người nông dân cần cù, một sương hai nắng, thật gần gũi, thân thương là người cha, người mẹ, được vẽ bằng những câu thơ chân chất, mộc mạc: Cha già gạo cội nông dân/ cùng trâu bè bạn ân cần sớm hôm/ Đông heo bấc, hè phơn nồm/ Biển sâu ruộng cạn/ động cam luống cày (Mở cày). Những câu thơ gợi nên hình ảnh người mẹ, tảo tần dung dị như mọi bà mẹ trên khắp miền đất nước: Chiếc áo dài mẹ mặc năm xưa/ Bằng lụa tơ tằm Phú Bông, Gò Nổi/ Canh cửi thâu đêm luồn mành mắc sợi/ thấm vào mũi chỉ đường tơ, tình đất, tình người (Áo dài mẹ mặc năm xưa).

Bằng những vần thơ ảo diệu, từ công việc nhà nông nhọc nhằn vất vả, tác giả Hà Sáu cho ta thấy sự chia sẻ, cảm thông đến rung động con tim: Mỗi ngày một gánh phân nặng trĩu/ Đôi vai gầy trĩu nặng thời gian/ Đòn gánh cong tìm con đường thẳng/ Bóng mờ giăng lạc giữa canh năm/ Áo thêm dày muối mặn mồ hôi (Gánh phân). Niềm vui trẻ thơ đi đặt lờ đơm cá mùa mưa, công việc gánh rơm từ đồng về nhà sau mỗi vụ gặt: Rơm cha cuộn tròn cao như núi/ Nắng chang chang rám tấm thân gầy/ Nắng ngạt thở tướm mồ hôi ràn rụa/ Bó hai đầu kìn kịt đôi vai (Gánh rơm). Để cho mùa nối tiếp mùa, người nông dân dầm mưa dãi nắng, không chỉ gieo sạ hạt lúa giống, cấy những khóm mạ non mà còn là gieo niềm tin, gieo ước mơ vào đất: Nắng về hăng hắc cánh đồng/ Rám lưng mùa hạ, sém cong nắng hè…/ Hạt cơm mặn giọt mồ hôi/ Hạt cho mầm sống, hạt nuôi bao người/ Hạt vào trang vở em tôi/ Hạt gieo vần điệu, gói đời trong thơ (Gieo sạ). Cha gieo hạt phúc vào đông/ Mẹ trồng cây đức trên đồng nghĩa nhân (Nhổ mạ ngày đông).

Qua những vần thơ mộc mạc, chân tình, Hà Sáu đã gieo niềm tin vào đất quê để cho hạt yêu thương nảy mầm kết thành cây tình tỏa bóng tươi xanh che mát miền ấm lạnh nhân sinh. Bởi tình người như hoa của đất trời nên hương thơm từ trái tim giàu lòng yêu thương, giàu lòng trắc ẩn cứ vậy mà nhẹ nhàng lan tỏa, ngào ngạt thơm xa.

Trong tập Hương đất ru tình, phần Ru tình của anh cũng khá dày dặn với những bài thơ về một tình yêu nồng nàn đầy lãng mạn và mộng mị. Thơ tình Hà Sáu như rượu đắng đậm đặc độ men say neo buộc hồn người với cuộc đời gừng cay muối mặn. Em mắc đời tôi bên nhánh sông/ Xô nghiêng ngọn sóng ngả trong lòng/ Neo tình đậu bến xưa mùa hạ/ Ấm mái hiên đời những chớm đông (Ru tình). Để ghi lại cuộc tình trọn vẹn của đời mình với người vợ tri âm tri kỷ, tác giả đã gom nhặt những ký ức êm đẹp viết thành những tình khúc thơ thể hiện tình yêu thủy chung, gắn bó: Em là tri kỷ, tri âm/ Em là bầu bạn, tình nhân suốt đời (Mãi mãi là tình nhân). Tri kỷ, tri âm ấy được “chạm ngõ” bằng một nụ hôn đầu: Thẹn thùng e ấp men sôi hương tình (Nụ hôn đầu), để cho những Tình khúc tháng ba: Viên đá cuội xếp đầy nỗi nhớ? Anh nhặt về xây ngọn núi yêu thương. Rồi Tình khúc tháng hai trong: Phảng phất ngọt ngào hương đồng nội. Một chiều nao chợt vấp phải ánh mắt người ta, tưởng như vô tình mà đầy hữu ý khiến cho người thơ: Vực lòng xao xuyến trái tim thẫn thờ/ Cái nhìn hoang hoải ngẩn ngơ/ Chập chờn giấc ngủ bên bờ mộng du (Vấp cái nhìn). Thơ tình của Hà Sáu gắn liền với những điều rất thật, rất gần gũi khiến người đọc như đang được chứng kiến những ký ức êm đẹp đó. Với những bài Hoa dại, Cỏ Lau, Cây đàn xưa, Dưới tán me, Chuyện tình phấn bảng, Giao mùa, mưa hạ, Chiều cuối thu… mỗi bài thơ như thước phim quay chầm chậm diễn tả một chuyện tình đầm đẫm những thổn thức yêu thương. Tiếc nuối sự trượt trôi của những mối tình thời thơ dại, vẫn bằng giọng thơ ấm áp, nhẹ nhàng sâu lắng, vị tha, hầu như tác giả chỉ nhắc đến để mà nhớ để chứng tỏ với mình rằng những kỷ niệm xưa vẫn đầy ắp trong hồn, không hề quên lãng và hãy để chúng ngủ yên: Em giấu tình trong mắt biếc/ Ta lục hoài trong tập vở ngây thơ/ Mãi trốn tìm giữa đôi bờ xa cách/ Lạc nhau từ độ ấy đến giờ (Chút xưa sau). Người ở bên kia bờ đông giá/ Kẻ chốn bên này cuối trời thu/ Giao mùa một khúc buồn không tả/ Trôi mãi triền miên phút ngậm ngùi (Giao mùa). Đố em đo được chiều dài/ Giọt thời gian rụng lên vai đợi chờ (Đợi chờ). Ta níu giữ chút hồn nhiên tinh khiết/ Mãi bên đời cho đến lúc tàn hơi (Thì thầm). Trên đường đời gặp quãng gian nan, chao đảo, tác giả lấy tình yêu làm điểm tựa: Biển chiều dâng, triều sóng ngập hồn anh/ Xô nghiêng ngả vạt tình đang chín muộn/ Không có em, biển muôn đời vô tận/ Không có bờ, biển biết tựa vào đâu? (Biển chiều).

Tình yêu trong cuộc đời thật gần gũi, luôn hiển hiện rỡ ràng có thể ôm ấp ghì xiết được nhưng lại thật khó định nghĩa, khó lý giải, có lẽ đấy chính là dụng ý của tạo hóa để cho mỗi người tự định nghĩa và lý giải tình yêu theo cách của riêng mình.

Bằng tập thơ Hương đất ru tình, tác giả Hà Sáu đã lý giải tình yêu bằng cách giãi tỏ lòng mình với những câu thơ ngào ngạt hương thơm từ đụn đất quê nhà.

Sài Gòn, 01/2021
T.M.H