Hà Thị Cẩm Anh – Con nai gầy vượt suối Rạc Troong

1137

Lê Vạn Quỳnh

(Vanchuongphuongnam.vn) – Con nai gầy vượt suối Rạc Troong – bỗng nhiên lần tiếp chuyện gần đây nhất làm tôi liên tưởng chị với hình ảnh con nai gầy trong thung lũng Si Dồ của truyện Gốc gội sù sì – Đó cũng chính là hình ảnh dấn thân của nhà văn Hà Thị Cẩm Anh để giành giật lấy những phút giây ít ỏi của hạnh phúc từ cuộc sống hôm nay.

Nhà văn Hà Thị Cẩm Anh 

Bạn bè thường gọi chị là Thím Cò Khoai. Tên này thật đúng với chị – Nhà văn Hà Thị Cẩm Anh – bởi nó gợi cho người ta hình ảnh về một người đàn bà khắc khổ lặn lội giữa đường đời. Tác phẩm và tên tuổi nhà văn Hà Cẩm Anh thì tôi đã biết, và rất nể phục, nhưng lần đầu tôi gặp chị là một buổi chiều cuối thu 2015 tại khu tập thể Công ty Cao su. Cô giáo, nhà thơ Phạm Kim Khánh hẹn trước với nhà văn là sẽ cùng tôi tới thăm. Chị tiếp tôi và Khánh tại một góc sân có kê chiếc bàn cùng ba cái ghế đều bằng nhựa xanh đã bạc màu. Cách đó mấy bước chân là căn phòng thuê ở trọ của chị cùng cô gái út. Có lẽ không muốn trò chuyện trong căn phòng tạm bợ, nên chị tiếp chúng tôi ngoài trời cho thoáng và mát. Mở đầu câu chuyện, tôi nói đã biết tương đối nhiều về tác phẩm của nhà văn Hà Cẩm Anh. Nghe chưa hết, chị đã cười: Đúng ra thì thầy giáo cứ gọi tôi là lều nó mới chuẩn không cần chỉnh. Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, Phạm Kim Khánh thay chị, giải thích: Căn nhà sắp hoàn thành sẽ là một túp nhà, trên có mái tôn chống nóng, phía trước là chỗ sân nhỏ, nơi để xe đạp chị thường đi, sắp tới lễ nhập trạch chúng ta đến, thầy giáo sẽ được chứng kiến một sự ngược đời, Nhà trong Lều đấy ạ!

Trước khi gặp chị, Phạm Kim Khánh đã kể tôi nghe, căn phòng tại khu tập thể của Hội VHNT tỉnh, nơi chị tá túc gần 40 năm vừa bị giải tỏa. Bị lâm vào cảnh phải thuê chỗ trọ, khi đó chị chỉ còn biết khóc và khóc, dù bên cạnh chị luôn có người thân và bạn bè chia sẻ nhưng vẫn bất lực trước tình cảnh đó. Việc này đến tai Hội Nhà văn. Và thêm lần nữa văn học lại dang tay dìu chị thoát cơn khốn khó. Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phải hai lần vào Thanh Hóa làm việc với lãnh đạo tỉnh cùng vài lần ông gửi công văn cho các cơ quan hữu trách xin cho chị được mua chịu một lô đất nền phía Tây Nam thành phố với giá 350 triệu, thời hạn nợ trả dần trong 5 năm. Ngôi nhà hai gian nhờ gom góp tiền nhiều giải thưởng sáng tác cộng với 125 triệu tiền đền bù giải tỏa, chị thuê mướn người dựng lên. Nhà văn dùng bút để dựng nhà. Chuyện lạ! Nhưng nợ ngân hàng nay mai đến hạn. Thì cái Nhà trong Lều của chị lại thêm một lần nữa  gặp bão.

Thím Cò Khoai là tên truyện ngắn đầu tay năm Hà Thị Ngọ vừa sang tuổi mười bốn. Lúc ấy cô bé họ Hà xứ Ba mường đang học dở lớp năm (lớp đầu của cấp II, bây giờ là trung học cơ sở). Tác giả truyện có bút danh là Hà Anh, đăng trên tập san Người bạn văn hóa của Tỉnh. Lúc bấy giờ câu chuyện cô bé nhà nghèo ở xứ Cẩm viết truyện được đăng báo trở thành một hiện tượng. Khác chi một tiếng vang làm động cả xóm núi. Một hôm có ba bốn người đọc tò mò trong đó có cả người trên phố huyện lần tìm đến Chòm Mổ. Họ được mẹ của Ngọ mời trà vối rồi cùng chuyện trò để chờ gặp. Độ non trưa mấy người sốt ruột ra về. Ra đến đầu ngõ họ gặp một cô bé gò lưng cõng bì khoai, hai tay hai ró đựng cua, khuôn mặt đen đúa, nhễ nhại mồ hôi bị lấp non nửa bởi cái nón lá rách. Chả buồn dừng lại hỏi bé xem có thấy Ngọ ở đâu không, họ thất vọng vì đã đợi cả buổi. Thế là người họ muốn gặp không ngờ đã đi qua. Có ai ngờ cô bé đó chính là người có bút danh Hà Anh. Em nhẳng nheo, tã tượi như nhành cây rơi gãy phía bìa rừng thế kia sao có thể là tác giả Thím Cò Khoai của họ được!

Nhà văn Hà Thị Cẩm Anh tên thật là Hà Thị Ngọ sinh 1948, dân tộc Mường, quê Làng Mổ, xã Cẩm Sơn thuộc huyện miền núi Cẩm Thuỷ, tỉnh Thanh Hóa. Ông nội chị có thời bị bắt lính rồi bị đẩy xuống tàu há mồm đưa sang Pháp. Cuối năm 1945 người lính thuộc địa này bị đưa trở lại Việt Nam. Sau khi đoán biết được ý đồ thực dân của người Pháp, người đàn ông họ Hà đã bỏ trốn rồi chui lủi sống trong rừng sâu hẻm núi. Mãi đến 1950 du kích của xã trong một lần tuần tra đã bắt được rồi đưa về làng. Bởi thế mà ông bị mang tiếng làm việc cho đế quốc, thực dân. Ngược lại với cuộc đời đầy sóng gió của ông nội, bố chị – ông Hà Xuân Tý – thì lại khác, ông sống ở quê và có tới 12 người con đặt tên theo mười hai con giáp; Ngọ là con bà hai, mẹ của Ngọ – bà Trịnh Thị Tích – phận làm vợ lẽ nên sống trong cảnh nghèo khó; hai người anh cùng cha khác mẹ của Ngọ đều là liệt sỹ chống Mỹ. Cô bé Ngọ năm sang tuổi 14 ban ngày làm ở Trại chăn nuôi hợp tác, tối về kê bàn dưới ánh đèn dầu ngồi tập viết văn, các bản nháp được Ngọ xếp vào rương gỗ. Một lần đi làm về, thấy rương bị đốt, Ngọ nằm lăn khóc nức vì nhiều bản thảo theo đó đã thành tro. Nguyên nhân của nó thật đơn giản nhưng chỉ mình mẹ biết, bởi bố chồng bà đi lính Tây lai lịch có vấn đề  nên hồi Cải cách ruộng đất gia đình bị liệt vào thành phần có liên quan tới đế quốc thực dân, dù sau đó được giảm thành diện bị qui sai nhưng vẫn là vết đen trong lí lịch. Chính ánh đèn dầu thấp thoáng hàng đêm thức viết văn của Ngọ đã gây nghi ngờ cho lối xóm. Vùng này, vào đầu những năm 60 thế kỉ trước vẫn chưa hết những kẻ lôi kéo người dân làm điều xấu nên nhà bà vẫn bị chính quyền để ý. Mẹ của Ngọ mù chữ không rõ con gái viết gì, bà sợ đó là truyền đơn phản động nên đã góp nhặt mang đốt tất.

Dạo ấy có đoàn nhà văn lên Cẩm Thuỷ công tác, Ngọ thao thức cả đêm, ngay sáng hôm sau cô bé mượn áo mới của bạn rồi lần tìm xem nhà văn là người ghê gớm ra sao. Đến Phòng Văn hóa huyện, Ngọ thập thò ngoài cửa. Thấy thế, một người đàn ông mặc áo đại cán xanh sỹ lâm, bỏm bẻm nhai trầu thuốc lại gần và hỏi: Em muốn tìm ai? Ngọ ấp úng: Cháu muốn đến xem nhà văn. Là ông đây phải không ạ? Người đàn ông cười toá loá: Người em muốn xem đây rồi. Ta không có sừng nhọn mà cũng chẳng có đuôi dài, đúng không? Nói xong, ông hiền từ kéo ghế để Ngọ ngồi. Nỗi sợ hãi chợt qua đi nhưng cuối cùng em vẫn kịp trao ông nhà văn bản viết tay nét chữ nguệch ngoạc. Đó chính là bản thảo truyện Thím Cò Khoai còn sót lại chưa bị mẹ đốt. Tác phẩm đầu tay của cô gái mường dung dị và hoang sơ như cánh rừng nguyên sinh đã thực sự chiếm được cảm tình của ông. Nhà văn mà cô gái Mường đánh liều tìm gặp là Nguyễn Thế Phương – Tác giả tiểu thuyết Đi bước nữa đang làm xao động dư luận lúc bấy giờ. Đây là sự khởi đầu và cũng là bước ngoặt trong văn nghiệp của người con gái nhà nghèo miền sơn cước. Một kỉ niệm nữa làm Hà Thị Ngọ nhớ mãi, nhà văn Nguyễn Thế Phương, người dẫn lối đi văn đầu tiên của mình cũng chính là người thêm cho Ngọ chữ Cẩm (để nhắc nhớ quê Cẩm Thuỷ) trong cái tên Hà Thị Cẩm Anh rất đẹp sau này.

Thím Cò Khoai là sự trình làng ấn tượng giúp Hà Cẩm Anh thêm nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm văn xuôi ở giai đoạn khởi đầu này, mà nổi trội trong đó là kí sự Trên công trường Gò Lý. Do nhu cầu đào tạo cán bộ nữ là người miền núi làm công tác văn hóa văn nghệ, năm 1966 tỉnh có chủ trương cho con em người dân tộc theo học văn hóa để nâng cao trình độ nhưng Ngọ không được địa phương duyệt. Lí do họ đưa ra muốn Ngọ ở lại phục vụ cho quê nhưng rất có thể cái gánh lí lịch trên vai cô gái Mường này vẫn còn nặng lắm.

Mãi tới đầu năm 1968, tỉnh mới có giấy điều động Hà Thị Ngọ về công tác tại Ty văn hóa, sau đó một năm chị được cử đi học Bổ túc công nông ở huyện Ngọc Lặc, đầu năm 1972 thì học hết cấp 3. Tháng 5/1972 chị về làm việc tại Ban Vận động thành lập Hội VHNT tỉnh; tham gia đoàn văn nghệ sỹ vào đường Trường Sơn công tác nhưng do chiến tranh lúc ấy rất ác liệt nên theo lệnh của trên đoàn phải dừng lại. Hà Thị Cẩm Anh trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2005. Một việc không thể quên với chị, là tháng 9/1973 được theo học khóa VI Trường Bồi dưỡng những người viết văn của Hội Nhà văn Việt Nam tại Quảng Bá, Hà Nội. Tưởng hay nhưng việc được theo lớp lại làm chị hoảng sợ trước lừng lững những tên tuổi như Phạm Tiến Duật, Tô Ngọc Hiến, Thúy Bắc… Thật may trong lớp có các đồng hương như Lê Minh Khuê, Phạm Hoa đã an ủi chị phần nào. Số là trong đoàn có một học viên có trình học vấn hẳn hoi, đã bỏ lớp giữa chừng, ban điều hành khóa học cử người về địa phương để động viên thì bị vị đó nói trắng luôn: Học làm chi? Tôi không thể ngồi cùng bàn, ăn cùng mâm với con Mường ít học ấy được. Mũi tên đã rời khỏi cung thì không thể thu về – một lời nói, một hành tung thiếu công bằng sáng suốt đã làm đổ gục Hà Cẩm Anh trong một thời gian khá dài.

Bẳng đi gần 30 năm, quãng thời gian này xảy đến một biến cố, chồng chị ngã bệnh hiểm nghèo nằm dài trong 4 năm, nhà có duy nhất cái xe đạp Thống Nhất cũng phải bán đi để chạy chữa. Đến năm 1994 anh mất, chị lâm vào cảnh mẹ goá con côi. Giai đoạn này chị thi thoảng có viết kí sự sau những lần đi thực tế để phản ánh đời sống của bà con vùng sâu vùng cao. Bất ngờ nhất đối với làng văn trong tỉnh, là năm 2000 đùng đùng Hà Cẩm Anh xin nghỉ chế độ trước tuổi vài năm, dù sau đó chị vẫn giữ trọng trách Trưởng ban Ban Văn học Dân tộc & Miền núi – Hội VHNT Thanh Hóa để cùng chung tay góp sức xây dựng, phát triển văn học miền núi và đội ngũ viết văn trẻ là người dân tộc thiểu số của tỉnh nhà. Chị kể phải hưu non là do cần tiền mua cho con trai cái xe máy đi làm. Người mẹ có tên Hà Thị Ngọ vất vả gian nan là vậy còn tác giả Thím Cò Khoai vang vọng hồi nào lại chỉ như chiếc lá mỏng tang vèo ngang thung lũng Si Dồ của xứ Ba mường. Rồi đột nhiên, như con báo lao mình qua hẻm núi Chuông Cò, từ sau lúc hưu chị đột ngột viết văn trở lại. Nhiều sáng tác của chị được đăng trên Tạp chí Văn nghệ xứ Thanh, nhưng bùng nổ nhất là chùm 5 tác phẩm trong cuộc thi truyện ngắn 2003 – 2004 của Tuần báo Văn Nghệ.

Một đêm đã sang khuya có tiếng chuông điện thoại đột ngột vang lên, nhà văn Dạ Ngân lúc ấy là biên tập viên Báo Văn Nghệ vội nhấc máy. Đầu dây bên kia là nhà thơ Hữu Thỉnh, khi đó là Tổng biên tập, ông không giấu được sự hồ hởi, nói như reo: Tuyệt vời! Trên cả tuyệt vời, cuộc thi của chúng ta đã tìm được trạng nguyên rồi, mà lại là người Mường, Hà Thị Cẩm Anh cái tên thật đẹp. Hôm sau, cuộc gặp đầu giờ sáng tại văn phòng của báo càng rôm rả vì có thêm vài vị khách bởi chuyện trạng nguyên của tổng biên tập; ai cũng khen tên tác giả và nội dung truyện là đẹp là hay, mà còn là gái Mường nữa, thì chắc xinh lắm. Nhà văn Dạ Ngân một lần vào Thanh công tác đã thực sự trố mắt khi lần đầu trông thấy Hà Cẩm Anh. Nhà văn đã thuật lại y chang vụ trạng nguyên với chị. Dạ Ngân kể, trong buổi sáng tại văn phòng của Báo Văn Nghệ sôi nổi chuyện người sắp giật giải cuộc thi của báo thì chỉ một người trong số khá đông luôn cười tủm tỉm, đó là nhà văn Ma Văn Kháng, bởi ông đã từng gặp Hà Cẩm Anh nên chẳng lạ gì nữ tác giả đang được mọi người tưởng tượng là rất xinh này.

Năm đó, 2004, Hà Cẩm Anh đoạt giải quán quân cuộc thi báo Văn Nghệ với truyện ngắn Gốc gội sù sì. Chuyện kể về xứ Mường Vang của thung lũng Si Dồ có một gia đình khá đặc biệt: Người chồng tham gia chiến trận nhiễm chất độc sau chiến tranh trở về sống cùng vợ. Hai đứa con gái họ sinh ra, người chị tên Sun da trắng, tóc dài xoã xuống chấm sàn đẹp như Nàng Nga – một ả nàng xinh đẹp trong truyện thơ cổ của người Mường; người em tật nguyền bộ mặt dị dạng đến mức loài thú hoang cũng phải khiếp đảm, em bị cả xứ mường coi như đồ ma xó. Lẽ ra chị Sun phải có cuộc đời đẹp như mơ, thì ngược lại, cô bị lừa tình bởi một gã trai miền xuôi có học, có nghề nghiệp đàng hoàng, sau bị phạt tù do tiếp tay cho lâm tặc. Sun định chọn lá ngón để thoát phận bạc, nhưng sự quẫy đạp của bào thai, đã dành lại cho chị sự sống, và hơn thế, sau còn cho chị đứa con trai đẹp như một thiên sứ giáng trần. Người em xấu số do bộ mặt dị dạng tật nguyền, nhưng bù lại, phần còn lại của cơ thể cùng tâm hồn em đẹp, và nồng nàn như lửa. Song ác thay, cái phần được coi là thiên nhiên ban tặng cho hạ giới ấy của người em lại bị che khuất bởi quần bởi áo. Do vậy, em bị xa lánh, bị cả xứ mường chối bỏ. Hạnh phúc không tự đến với ta, thì ta đi tìm hạnh phúc. Em luôn thầm nhủ với mình như thế. Trong rừng có gốc gội sù sì lâu ngày bị sâu rầy đục khoét thành tàn tật. Em đã nương vào cái hốc của gốc gội để chọn nó làm nhà, nhằm thỏa niềm vui được chăm sóc bảo vệ cánh rừng. Thượng đế đã đền cho em một người đàn ông, anh ta đã nhận ra vẻ đẹp nội tâm, và hơn thế, đã cảm được toà thiên nhiên trong phần còn lại trên cơ thể em. Hai chị em, mỗi người một lối đi, rồi sau cùng họ đã xây nên được hạnh phúc cho mình. Truyện ngắn Gốc gội sù sì có 5 nhân vật, dung lượng cỡ vạn từ nhưng với thời gian không gian cùng số phận mỗi con người trong tác phẩm, thì có thể xem nó xứng đáng như một thiên tiểu thuyết. Mà không chỉ trong Gốc gội sù sì, hình tượng người phụ nữ với tính cách đặc trưng văn hoá Mường, vẻ hoang dã của vùng sơn cước xứ Thanh đã hiện ra trong các truyện khác của Hà Cẩm Anh như Mưa bụi bay bay, Những đứa trẻ mồ côi, Nước mắt đỏ…, bằng một niềm xúc động chân thành.

Một lần tôi hỏi nhà văn Hà Cẩm Anh, khi mới sang tuổi 14 làm ở trại chăn nuôi viết Thím Cò Khoai là do tuổi nhỏ thích mà viết nhưng sao chị có thể đeo đẳng với nó cả đời, cái gì đã thôi thúc nhà văn? Mình viết để giải tỏa, và đúng là đời sống cần mình phải lăn lộn để kiếm thêm! Chị cười nói thản nhiên, chị ví mình như con gà rừng cần mẫn bươi đất lật cỏ ấy mà. Dịp khác, sau lần thăm chị ốm mới dậy, tôi cười cười trêu, kiếp sau nếu được tái thế nhà văn họ Hà có chọn văn làm nghề nữa không? Chị cười hiền, nếu trời bắt tội thì vẫn phải cắm cúi vậy thôi. Hỏi vậy, bởi tôi luôn tự vấn mình, giá như Hà Cẩm Anh không chọn văn làm nghề mà chịu khó học hỏi từ truyền thống người dân tộc để hành nghề bốc thuốc hoặc làm cô giáo vùng cao thỉnh thoảng chơi chút văn chương thì đời sống biết đâu sẽ khá hơn. Nhưng số phận đã chọn để trao cho chị thiên chức.

Đời văn của Hà Cẩm Anh dài dặc nhưng đậm sắc nhất là từ năm 2000 đến nay, một lượng lớn các tác phẩm gồm: 3 tiểu thuyết, 10 tập gồm cả truyện ngắn và truyện viết cho thiếu nhi, 3 kịch bản văn học dành cho điện ảnh cùng không dưới 30 giải thưởng văn học từ trung ương đến địa phương; cái cao nhất được thưởng tới 60 triệu. Tất cả đã chứng tỏ cho sức viết cùng đóng góp của chị.

Hà Cẩm Anh có tiền sử bệnh tim nên mỗi lần gặp tôi, chị hay phàn nàn: Mình chỉ lo chết không xong tiểu thuyết thứ tư Huyền thoại Hàm Rồng để kết thúc nghiệp viết. Một vẻ buồn thấp úa làm cái miệng ít cười của chị thêm nhàu lại. Người như chị, lớn lên trên đồng đất xứ mường, nhiều năm thời bao cấp trong và sau chiến tranh đói quay đói quắt, hẳn nhiên cơ thể sẽ sinh ra cho chị nhiều kháng thể để tạo nên sức đề kháng chống lại bệnh tật. Đấy là chưa kể tới sự bấn bíu việc nhà việc đoàn thể đã luyện cho người đàn bà này sự mài dũa trui rèn.

Con nai gầy vượt suối Rạc Troong – bỗng nhiên lần tiếp chuyện gần đây nhất làm tôi liên tưởng chị với hình ảnh con nai gầy trong thung lũng Si Dồ của truyện Gốc gội sù sì – Đó cũng chính là hình ảnh dấn thân của nhà văn Hà Thị Cẩm Anh để giành giật lấy những phút giây ít ỏi của hạnh phúc từ cuộc sống hôm nay.

Viết trong ngày giãn cách xã hội của dịch siêu covid                                                                                             L.V.Q