Nguyễn Thanh
(Vanchuongphuongnam.vn) – Hẳn không quá đáng khi nói Việt Nam là đất nước văn hóa mang đậm dấu ấn hội tụ đỉnh cao của huyền thoại thi ca. Hình ảnh thanh quí của những Phật, Tiên… và linh thú, linh điểu như lân, rồng, hạc… tiêu biểu cho những người tốt, bản chất hiền lành đạo đức trong môi trường thiên nhiên thánh thiện, luôn luôn hiện hữu trong truyền thuyết và văn chương người Việt Nam. Đó là biểu tượng thiêng liêng còn tinh đọng tự nghìn xưa như một Âu Cơ, Tiên Dong… trong truyền thuyết của chim Lạc trên trống đồng Ngọc Lũ hay của chim sếu Tam Nông, cò trắng Bằng Lăng. Những yếu tố kỳ ảo ấy từng hòa quyện từ xưa trong những vần “thơ thần” Lý Thường Kiệt cùng chuyện những chiếc lá thần (1) của Nguyễn Trãi thời Lam Sơn tụ nghĩa.
Nhà thơ Lê Chí
Vào một đêm trăng đẹp mùa thơ Nguyên tiêu Xuân Bính Tuất (2006), nhà thơ Lê Chí trở về thăm lại Hà Tiên, vùng đất còn lưu dấu chân anh trong thời chống Mỹ. Xúc cảm nồng nàn từ một vùng đất hứa một thời của thơ ca và lịch sử khai phá, đấu tranh chống giặc, anh đã viết bài thơ “Hạc ”. Trước hiện thực tươi sáng của vùng đất mới biên thùy hữu tình cận miền cuối Việt với nhiều danh lam thắng cảnh: Đông Hồ, Bình San, Phụ Tử… vốn được xem như một “Tiểu Hạ Long” ở miền Nam, tác giả “Về thăm Phụ Tử” (2) đã bâng khuâng cảm xúc, không thể không bộc bạch nỗi lòng.
Hà Tiên từ mấy trăm năm trước là chiếc nôi của tao đàn Chiêu Anh Các do Mạc Thiên Tích (3) sáng lập. Hội thơ đầu tiên ở miền Nam này từng qui tụ được rất nhiều tao nhân mặc khách ở Việt Nam và nhiều nước Đông Nam Á. Đầu thế kỷ hai mươi, cũng từ nơi đây, thi sĩ Đông Hồ lập ra Trí Đức học xá, cùng nữ sĩ Mộng Tuyết hoạt động văn chương rất khởi sắc một thời, gây được tiếng vang tốt trong cả nước. Hà Tiên cũng từng in dấu bước chân giang hồ của nhà thơ yêu nước mang hồn lãng tử Nguyễn Bính trong thời gian tá túc tại gia trang của tác giả “Phấn hương rừng” (4). Soạn giả nổi tiếng kiêm thi sĩ Kiên Giang Hà Huy Hà cũng đã sáng tác nhiều kịch bản cải lương mang nội dung đậm dấu ấn đến chùm giai thoại của vùng đất Phương Thành (5). Nơi đây, hồn thơ nhạy bén của Lê Chí, cộng hưởng bởi quá khứ văn học đáng trân trọng và hiện tại rạng rỡ của một Hà Tiên đã hoàn toàn “đỏ da thắm thịt” sung mãn sức xuân sau ngày giải phóng, tác giả thật sự xúc động đặt nhan đề bài thơ bằng một từ nên thơ cô đọng! Thực sự, một Hà Tiên giờ đây đã thực sự thăng hoa không phải chỉ từ những bàn tay khai phá hay kế thừa di sản hùng hậu ngày trước mà còn từ khối óc mẫn tiệp và trái tim rực lửa của những con người yêu quê hương, thiết tha xây dựng đất nước đẹp giàu. Ngần ấy điều khiến tác giả cảm thấy trong lòng xúc động “nôn nao” phải rạo rực thốt lên điệp khúc của niềm vui mênh mang như sương giăng đỉnh núi, mặn mà như sắc màu tươi xanh đồng nội: Đâu phải bay từ cổ tích/ Hà Tiên ơi/ hạc về ! nôn nao nhớ màu sương đỉnh núi/nôn nao nhớ màu xanh cánh đồng.
Quê hương yêu dấu như được nhà thơ đánh thức để hân hoan đón bóng hạc về. Hạc của hạnh phúc thăng hoa nơi con người giờ đây đã thực sự “ngon cơm đẹp áo” như mong ước chính đáng tự ngàn đời của nhân dân. Ôi đẹp vô cùng đôi cánh hạc chao nghiêng làm nên điệu luân vũ tuyệt vời, chào mừng ánh bình minh hội tụ sẽ đến giữa con người với đất trời và thế giới thiên nhiên hoa mộng: hạc nghiêng cánh/ buổi hừng đông mộng mị/sen cuối đầm bỡ ngỡ khúc tương giao.
Khúc ca đoàn tụ giữa hạc và con người hóa thân thành biển hạnh phúc vô bờ, mênh mang như nước sông Giang Thành, nơi “tiên” ngự thuở nào trong một đêm trăng thanh gió mát, diệu huyền với tiếng nhạc địch ca sênh.
Trước cảnh cao rộng của biển trời bát ngát thì thầm lao xao tiếng sóng, lòng tràn ngập yêu thương, tác giả dùng dằng, ngập ngừng với bao lời tình tự, như muốn quên đi một thời khói lửa tóc tang đôi khi bất chợt nhận ra một thoáng dư thanh của một cung buồn ly biệt thuở nào: Hà Tiên nói gì với sóng lao xao/ bỗng gặp hạc/thương sao truyền thuyết/máu lửa mấy thời ly biệt/ Vẳng khuya tiếng trống Giang Thành.
Vậy đó, Hà Tiên rạng rỡ trước mắt như “ngọc sáng long lanh” nơi bãi bờ Tây Nam đất mẹ từ viên sỏi đến hạt cát thân thương của Mũi Nai, Phụ Tử… Đã thấy rồi ngọc sáng long lanh / Từ viên sỏi quanh Mũi Nai, Thạch Động / Từ hạt cát bên Đông Hồ, Phụ Tử… Hạc đã về cùng lúc nhà thơ cũng trở lại thăm vùng đất kỷ niệm từ lâu “đã hóa tâm hồn” mình. Cuộc tương ngộ kỳ thú như được hò hẹn từ lâu, tác giả được nàng Thơ giáng bút để cảm nhận ra thêm bao nỗi buồn một thời quá khứ đã qua. Và hạc bây giờ lại đến, bay la lả trong trăng, mang đến hiện thực sáng tươi đúng như khát vọng từ lâu của mọi người: Hạc đã về/ bay lả trong trăng/ vỗ cánh nhọc nhằn qua cơn gió bão trăm năm/ như phép lạ/ bây giờ mới tới.
Nếu ngày xưa, những lời thơ phủ định của Thôi Hiệu (… – 754) thể hiện mối hoài cảm trước sự vút bay biền biệt không bao giờ trở lại của hạc vàng: Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản (Hoàng hạc lâu) – Hạc vàng một đi không trở lại – hay nỗi ngậm ngùi tiếc nuối của Tào Đường khi trở lại Thiên Thai (Xóm xưa mây hạc biết tìm đâu!) cùng một mối đồng cảm với thi sĩ Tản Đà (1888 – 1939): Cái hạc bay lên vút tận trời (Tống Biệt)… Hôm nay, nhà thơ Lê Chí biểu lộ tất cả nỗi vui mừng háo hức của anh khi đón hạc về. Bởi lẽ, hình ảnh hạc trở lại là biểu tượng của an lành và ấm no. Sự trở lại của chim “huyền thoại” mang ý nghĩa “về nguồn”, tìm về với quê hương máu thịt giờ đã thực sự thanh bình và tự chủ, là nơi “đất lành chim đậu” như nỗi mong đợi của con người trong bấy nhiêu năm: Bên biển hẹn/ bâng khuâng thức đợi/ Hà Tiên ơi/ xứ hạc/ cuối chân trời.
Bài thơ tự do thông thoáng, thoát ly những qui định về âm luật, điệu vần thường gặp trong thi pháp ràng buộc với niêm luật thi ca cổ điển. Nhưng với thi cảm dạt dào, thi tứ cô đọng tiềm ẩn trong hồn thơ lãng mạn của tác giả, Hạc vẫn bàng bạc cái không khí mơ màng “thoát tục” với chim hạc, hình tượng nghệ thuật trung tâm đẫm tính huyền thoại của bài thơ.
Với “Hạc” của Lê Chí, tôi có cảm tưởng nhà thơ với óc tưởng tượng phong phú và vần điệu tinh tế của mình, anh đã khắc chạm vào vách đá Thạch Động Hà Tiên một bức tranh hạc trữ tình, đầy chất thơ và lung linh sắc màu huyền thoại. Toàn cảnh “họa phẩm” rực rỡ biểu trưng cho một Hà Tiên thực sự “hội nhập” hôm nay, trong đó hình ảnh chim hạc cao diệu mang ý nghĩa gần gũi với con người, nổi bật dưới bầu trời tự do thênh thang, chan hòa ánh sáng ấm áp của phồn vinh và hạnh phúc:
Thơ Lê Chí gần đây thường xuất hiện trên thi đàn tạp chí Văn nghệ trong nước. Lần này, tôi nghĩ, bài thơ “Hạc” của anh đáng được xem là một đóa “bạch mai” trắng tinh một màu thanh khiết đáng yêu mà ta bất ngờ tìm gặp trên ngọn Bình San – Hà Tiên. Bài thơ đẹp ấn tượng vì vừa hiện thực vừa siêu thực nên người yêu thơ cần đọc bằng chiều sâu bộ óc và cảm bằng độ lắng của con tim, mới có thể tìm được hương vị đích thực của áng hoa thơ lung linh sắc màu huyền thoại này.
16.01.2021
N.T
(1) Những chiếc lá rừng mang dòng chữ
“Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần”
(Lê Lợi làm vua, Nguyễn Trãi làm quan)
(2) Về thăm Phụ Tử là nhan đề một bài thơ của Lê Chí cũng viết về một thắng cảnh thuộc vùng đất Hà Tiên, mà Ngũ Lang đã viết lời cảm nhận, đăng trên các tạp chí văn nghệ: Tuần báo Văn nghệ TP HCM, Thời văn
(3) Mạc Thiên Tích (1706- 1780) còn gọi là Mạc Thiên Tứ tự Sĩ Lân, nhà thơ, tác giả “Hà Tiên thập vịnh” (Mười bài thơ vịnh cảnh đẹp Hà Tiên).
(4) Phấn hương rừng, tập thơ của nữ sĩ Mộng Tuyết, được khen thưởng của Tự lực Văn đoàn.
(5) Phương Thành, một tên khác ngày trước chỉ Hà Tiên.