Hai bà mẹ – Truyện ngắn Vũ Tuấn Hoàng

566

(Vanchuongphuongnam.vn) – Hay bà ta bị câm? Một người đàn ông lên tiếng hỏi phiên dịch. Cũng chẳng ai biết được. Mọi cố gắng của họ từ khi bước chân vào ngôi nhà này chẳng khác nào một hòn sỏi ném xuống đáy vực sâu hun hút, không hề có tiếng vọng.

Nhà văn Vũ Tuấn Hoàng 

 Hai người đàn bà hoàn toàn xa lạ, nhưng số phận đã đưa đẩy họ phải gặp nhau trong một hoàn cảnh éo le khó lòng tưởng tượng. Họ đứng mặt đối mặt, cách nhau khoảng hai bước chân, nhưng không hề hiểu được nhau. Họ là hai người đàn bà của hai nền văn hóa khác nhau như chính diện mạo bên ngoài vậy. Ai đã tạo nên cơ hội cho cuộc hội ngộ bất đắc dĩ này? Để trả lời câu hỏi đó, cần phải có thời gian và độ lùi cần thiết. Đây là công việc của các nhà sử học, những người sống bằng quá khứ. Cái đang xảy ra không thể gọi là lịch sử. Song, cuộc gặp mặt của hai người đàn bà không hề quen biết nhau này là một sự kiện mang tính lịch sử, là sản phẩm của những biến cố lịch sử mà họ chỉ là những con ốc vít vô cùng nhỏ bé trong một guồng máy, chính xác hơn là một cơn lốc khổng lồ – Chiến tranh.

Một đống lửa to được đốt lên trên sàn nhà bên cạnh chỗ hai người đang đứng. Ngọn lửa réo lên phần phật cố xua đuổi những cơn gió rét căm căm, lúc thì lồng lộn hú hét trên nóc nhà, đập những tấm phên tường rầm rầm, lúc lại rên rỉ như giọng của một mụ phù thủy già lòng dạ nham hiểm, trong một bản làng heo hút nằm dưới chân một ngọn núi vô cùng hiểm trở.

Người đàn bà Mỹ to béo, cao lớn. Người đàn bà Việt gầy gò bé nhỏ. Ánh lửa hắt ra từ đống củi đang cháy nỏ khiến khuôn mặt của bà già Mỹ đỏ hồng lên và khắc sâu thêm những vết nhăn nheo trên khuôn mặt khắc khổ của bà già Việt. Đi cùng đoàn còn có ba người đàn ông khác và một phiên dịch. Cả bốn người ăn mặc như các vận động viên leo núi thám hiểm. Song, ngọn núi họ đang muốn chinh phục không phải nằm sau nhà cách một vạt lúa nương. Ngọn núi đó đứng trơ trơ ngay trước mặt bốn người. Im lìm, bất động. Bao nhiêu câu hỏi được đặt ra, nhưng bốn người chỉ nhận được sự im lặng tuyệt đối.

– Hay bà ta bị câm? Một người đàn ông lên tiếng hỏi phiên dịch. Cũng chẳng ai biết được. Mọi cố gắng của họ từ khi bước chân vào ngôi nhà này chẳng khác nào một hòn sỏi ném xuống đáy vực sâu hun hút, không hề có tiếng vọng.

Một cơn gió lạnh buốt thổi thốc từ trong núi ra, xộc thẳng vào cửa chính. Tấm phên tường run lên cầm cập. Những lưỡi lửa réo vù vù. Hình như, trong mắt người đàn bà Việt cũng cháy một ngọn lửa. Rồi, không một ai ngờ tới, người đàn bà Mỹ giật tung cúc áo ngực. Mọi người còn ngớ ra, chưa hiểu ra sao. Hai bàn tay mập mạp của bà xé toạc lần áo lót bên trong. Bà chìa bộ ngực đồ sộ của mình ra và hét lên:

– Bà hãy nhìn đây! Bà có tim hay không? Tôi đã nuôi nó bằng chính đôi vú này. Nó là giọt máu duy nhất của đời tôi – Bất ngờ, người đàn bà Mỹ quỳ sụp xuống, đi bằng đầu gối đến gần. Khoảng cách giữa hai người chỉ còn lại nửa mét. Bà ta ôm mặt khóc nấc lên, thổn thức, át cả tiếng gió rít từng cơn bên ngoài.

Người đàn bà Việt vẫn im lặng.

Ánh mắt bà từ từ chuyển sang nhìn vào mái tóc của người đàn bà đang quỳ trước mặt mình. Cũng một màu trắng như chính mái tóc của bà. Có bao nhiêu màu tóc trên thế gian, nhưng cuối cùng đều trở thành màu trắng hết.

– Bà đã từng làm mẹ chưa? – Bà già Mỹ gào lên – Bà sống một thân một mình thì làm sao hiểu được thế nào là tình mẫu tử! Trời ơi, tôi đã phải quỳ xuống cầu xin, mà quỳ xuống chân ai mới được chứ? Tất cả, tất cả chỉ vì con tôi, vì nắm xương tàn của thằng Jon tội nghiệp, thằng Jon mà tôi đã nâng niu chăm bẵm trên đôi tay này đây – Vừa nói bà vừa vòng tay lại làm động tác như đang ẵm một đứa trẻ. Nước mắt chảy ràn rụa trên mặt. Đột nhiên, bà chồm tới, ôm lấy bàn chân đi đất của người đàn bà Việt – Tôi van xin bà, bà nỡ lòng nào! Tại sao bà không nói, dù chỉ một câu thôi: Nắm xương tàn của con tôi ở đâu? Trong khe  núi hay vạt rừng nào? Chỉ một mình bà biết nơi máy bay rơi. Hãy vì Chúa, bà nói đi, tôi cầu xin bà!

Mọi người đứng quanh đều xúc động và im lặng, cúi đầu. Tiếng khóc của người mẹ mất con trong chiến tranh nghe bi thảm, não nuột đến mức con chó già đang khoanh mình nằm cạnh đống lửa tránh rét cũng phải tru lên một tiếng dài ai oán. Loài cầm thú còn như vậy, huống hồ con người.

Song, bà già Việt vẫn im lặng. Một sự im lặng đầy bí ẩn. Trước những cơn giông lớn thường có những khoảnh khắc im lặng đáng sợ như thế này. Bà già Mỹ chợt đứng bật dậy. Bà đưa tay lên cổ giật chiếc dây chuyền vàng, rồi tháo tiếp chiếc nhẫn cưới và dúi tất cả vào tay bà già Việt.

– Đây, bà cầm lấy đi! Tôi hiểu ra rồi, bà muốn được trả công, cũng phải thôi, ở đời có ai giúp không ai gì đâu!

Bà già bản xứ đưa tay lên nhìn hồi lâu, những ánh sao vàng li ti phản chiếu ánh lửa bếp hắt lên. Không ai hay biết bà đang suy nghĩ gì.

– Thế nào? Bà vừa lòng rồi chứ? Xác con tôi nằm ở đâu?

Bà già Việt chìa nắm vàng trả lại, khuôn mặt không hề biểu lộ chút tình cảm gì.

– Sao? Người đàn bà Mỹ tròn mắt ngạc nhiên – Không cần vàng à? Hay chê ít?

Nói đến đây, bà chạy ngay đến bên một người đàn ông cao lớn đi cùng và lục trong chiếc balo bằng vải bạt sau lưng ông ta. Rồi, bà rút ra một chiếc xắc nhỏ màu đen. Bà hấp tập dốc ngược chiếc xắc ra sàn. Những đồng đôla mới, cũ trào ra. Một đồng xu bằng đồng lăn tròn trên lớp ván gỗ, rồi rơi tụt xuống khe hở. Bà già Mỹ quẳng chiếc xắc sang một bên và cầm xấp tiền tiến lại:

– Đây, tất cả số tiền này là của bà. Bà có thể sống sung sướng đến ngày cuối cùng của đời bà. Hãy cầm lấy và trả lời đi!

Mọi người ngớ ra, đưa mắt nhìn nhau như muốn nói: Chuyện đang xảy ra ở đây là trên sân khấu hay trong cuộc đời thật?

Con chó già sủa lên mấy tiếng rồi cúp đuôi chạy biến vào trong góc nhà. Tiếng gió hú trên đỉnh núi cũng lặng dần. Chẳng ai biết phải làm gì, nói gì trong cái bầu không khí chết lặng đến ghê người này. Giữa sàn nhà, đống lửa bỗng rực lên, hình như nó cũng linh cảm thấy sắp có chuyện không lành sắp xảy ra.

– Đi! Bà già đột nhiên lên tiếng

– Tiền đã làm cho người câm bật nói! Người đàn ông cao lớn đeo ba lô quay lại nói bằng tiếng Anh với những người đi cùng.

Cả tốp người cười nói ồn ào sửa soạn khởi hành. Một người đàn ông, chắc là nhà báo, rất tâm đắc với cảnh tượng vừa xảy ra, cứ oang oang nói về một thiên phóng sự sẽ ra mắt độc giả trên tờ Time. Mọi người rục rịch xuống thang gác. Bên ngoài, trời đã rạng sáng. Người đàn ông cao lớn bước xuống thang gác cuối cùng. Ông giữ cánh cửa để chờ bà già ra cùng. Mấy người ở bên ngoài đang bàn tán xôn xao chuyện gì đó. Ai cũng thán phục vẻ đẹp nên thơ của ba chiếc hồ con ngay sát cạnh nhà. Một làn sương sớm như khói phủ trên bề mặt, được điểm xuyến bởi những mảng hoa rừng sặc sỡ mọc viền xung quanh bờ.

– Phong cảnh thần tiên! Ông nhà báo thốt lên và lấy máy ảnh ra.

– Phải chăng đây là một chuyến du lịch! Người đàn ông đứng cạnh họa theo.

Người đàn bà Mỹ lặng lẽ đi đến bên sát hồ, vừa lấy khăn lau nước mắt vừa hái một bông hoa rừng. Bỗng, có tiếng hét thất thanh từ trong nhà vọng ra. Mọi người đổ xô trở lại. Họ đứng chết lặng trên ngưỡng cửa. Bà già, tay lăm lăm con dao đi rừng sáng loáng. Ngay sát chân bà, người đàn ông đang gào lên, muốn nhảy xổ vào đống lửa đang cháy ngùn ngụt.

– Tôi chém ngay nếu ông thò tay vào!

– Lạy chúa tôi, đôla cháy, tiền cháy, trời ơi, bà ta điên mất rồi!

Tất cả đổ xô lại bên đống lửa. Những cặp mắt ngơ ngác, tiếc rẻ. Những tờ Đôla đỏ rực lên, chuyển nhanh sang màu đen, rồi bay lao xao trên sàn nhà. Chắc hẳn, trong đời những vị khách từ bên kia trái đất, chưa bao giờ họ được mục kích một cảnh như trong trường quay của Hollywood này. Không ai thốt ra được một lời. Họ đứng im bên đống lửa đang lụi dần, đầu cúi xuống như đang mặc niệm cho những đồng tiền bị cháy rụi thành tro. Cũng có thể, như tổ tiên họ xưa kia  tìm ra vùng đất mới, ở đây họ cũng tìm ra một mảnh đất mà họ không thể hiểu nổi, một mảnh đất bí ẩn, hoang sơ giữa kỷ nguyên của các khám phá vũ trụ.

*

Cuộc đời đi sưu tầm dân ca và truyện cổ tích đã đưa tôi đến ngôi nhà của cụ già, người lưu giữ một kho tàng phong phú về văn hóa của vùng này. Tiễn chân tôi trở về Hà Nội, cụ già chỉ tay ra ba chiếc hồ con và run run nói:

– Kia là ba quả bom của tên phi công quẳng xuống trước khi đâm đầu vào sườn núi. Lúc đó tôi ở trên nương, nhìn thấy khói bốc lên từ phía nhà mình, chạy về đến nhà chỉ thấy ba cái hố sâu hoắm. Chồng cùng bốn đứa con nhỏ không để lại chút dấu vết gì…

Tôi lặng người đi, không biết nên nói gì hơn nhìn trân trân ra ba chiếc hồ con xinh xắn, cây cỏ tươi tốt mọc um tùm xung quanh. Tôi chỉ biết kính cẩn quay sang nhìn bà cụ già lưng còng, người vừa hát cho tôi nghe những làn điệu dân ca mượt mà, bàn tay bà đang run run vịn vào thanh lan can cầu thang. Phía trước mặt chúng tôi là một ngọn núi cao sừng sững. Một dòng suối nhỏ chảy từ khe núi ra, uốn lượn qua các tảng đá rêu phủ xanh rờn, trước khi đổ vào ba chiếc hồ con. Nước hồ trong vắt, mát lạnh. Phải chăng, đó là nước mắt của núi rừng?

V.T.H