Hai bóng ma – Truyện ngắn của Lại Văn Long

520

(Vanchuongphuongnam.vn) – Lực Phú nằm im, ngấm dần những lời tâng bốc, lờ mờ thấy những vầng hào quang đang tỏa ra trên đầu mình. Lâu nay có nhiều đứa ghen tị, xì xầm ngài là bất tài, vô tướng nhờ bám váy đàn bà mà có chức tước, bổng lộc. Vậy tại sao không cho chúng nó thấy mình tài năng để chúng phải tâm phục, khẩu phục.

Nhà văn Lại Văn Long 

Quan Tổng trấn Lực Phú cai quản mười mấy châu huyện tả ngạn sông Mơ, oai quyền đằng đằng. Đã vậy Lực Phú còn được Hoàng Thái Hậu nâng đỡ, bao nhiêu vai vế trong triều đều nể trọng, hổ báo trong rừng nghe danh khiếp sợ, tôm cá dưới sông cũng mong được ban mưa móc. Gia sản của Lực Phú đâu đâu cũng có, nhà to cho thuê làm dịch quán thương mại ở kinh thành; vườn tược ao hồ tạo sinh cảnh cho nhiều huyện lị. Đoàn thuyền vận khách, tải hàng gần trăm chiếc đồ sộ ngày ngày xuôi ngược sông Mơ. Rạp hát, mã trường (nơi tổ chức đua ngựa), chợ búa ngài cũng xây dựng khắp nơi. Đó là chưa kể trang trại ngựa quý nghìn con dưới chân núi Vọng, mấy chục cỗ xe song mã, tứ mã sơn son thiếp vàng lộng lẫy; bầy chó săn hung dữ mỗi ngày tổn phí nhiều hơn lương bổng triều đình trả cho giáo chức một huyện. Mỹ nhân, ca nhi, nữ sĩ… toàn loại tài sắc lẫy lừng, ai ai cũng mơ ước được hầu đức ngài Tổng trấn. Lực Phú có cả bầy tôi tớ toàn chức sắc, phẩm hàm suốt ngày thay nhau ton hót, nịnh bợ nhưng chỉ có “tứ quân sư” được coi là cật ruột. Một hôm ngài vừa ái ân với mỹ nữ Kiều Xuân trong căn lầu nghênh phong xây chênh vênh sườn núi Vọng bước ra, chưa kịp tắm rửa đã thấy “tứ quân sư” gồm: Tri huyện Châu Cát, Cai bạ Thiếu Tường, Cai tổng Thục Khoái, Chánh ty Thanh Thoại chia làm hai hàng đứng khúm núm hai bên chiếc ghế dài bọc da báo, chạm trổ cầu kỳ. Lòng đang vui vì chén thuốc cường dương làm mỹ nữ ngất ngây, thán phục; Lực Phú hất hàm hỏi:

– Có gì không các chú em thân thiết?

Bốn người kia đồng loạt a vào khênh ngài chỉ bộ đồ lụa trắng đẫm mồ hôi nhớp nhúa trên người, đặt lên ghế rồi thay nhau lấy khăn trong thau dược liệu quý thơm ngát, ấm áp cởi áo, tụt quần ngài lau rửa tỉ mẩn từ trên xuống dưới. Lực Phú sải tay nằm ngửa trên ghế, thích thú nhưng kinh ngạc hỏi:

– Anh vừa bổ nhiệm các chú giữ trọng trách ở các ty, huyện sao không lo công tác mà kéo hết đến đây?

Các quan bé chưa kịp trả lời thì Kiều Xuân xiêm áo trễ tràng từ trong phòng bước ra. Ánh mắt của nhiều đàn ông làm nàng giật mình e thẹn, nhưng khi thấy các đấng trượng phu mặc lễ phục triều đình oai vệ lại đang quỳ mọp lau rửa chỗ dơ của chủ nhân kiêm tình nhân của nàng, Kiều Xuân không nhịn được, bụm miệng cười. Lực Phú liếc qua, nhíu mày bực bội:

– Các chú giành mất việc của các nữ tì, tiếng đồn ra ngoài, triều đình trách ta “chọn tớ làm quan, lấy quan làm tớ”.

Các hạ quan lao nhao giải thích:

– Chúng em hết lòng vì dân vì nước, máu đổ đầu rơi còn chưa sợ há gì vài lời đàm tiếu vu vơ!

Lực Phú tròn mắt, nhướng đôi lông mày rậm:

– Lau rửa cho anh mà các chú gọi là… vì dân vì nước ư?

– Vâng ạ! Chúng em tự hào được phục vụ một thiên tài thi văn – nghệ thuật, một báu vật sống quốc gia đấy ạ!

Ở cương vị giàu có, quyền uy mười mấy năm nay, ngày nào Lực Phú cũng nghe vô vàn câu nịnh nọt tâng bốc, nhưng chưa có câu nào lạ như câu này, ngài đắn đo, bần thần:

– Các chú đều là cật ruột của ta, theo ta từ thuở hàn vi, đều biết ta chưa đỗ một kỳ thi nào, chưa hiểu thế nào là thi văn – nghệ thuật… Chả qua phu nhân ta họ hàng với Hoàng Thái Hậu, ta cũng tận tâm phục vụ người nên Thái Hậu nâng đỡ ta mới có chút công danh, tiền bạc chứ có thiên tài, bảo vật gì đâu?

Tri huyện Châu Cát béo ụ, phè phỡn hồng hào, cười tít mắt:

– Tại đại nhân khiêm tốn nên mới nói thế chứ thiên hạ ai ai chẳng biết ngài là bậc kỳ tài, anh minh; cai quản một địa hạt bao la giúp dân giàu, xứ mạnh nên mới được Hoàng thượng tin dùng, bá quan nể trọng. Mà đã là nhân tài thì làm việc gì cũng hơn người. Thi văn – nghệ thuật nước nhà mấy năm nay chả có tác phẩm nào ra hồn, mong ngài ra tay cứu vớt!

Cai Bạ Thiếu Tường cũng ngưng tay cầm khăn chùi rửa, dập đầu xuống đất cất giọng nghẹn ngào:

– Thi văn – nghệ thuật là sức sống, tinh hoa của dân tộc, niềm tự hào của quốc gia với lân bang, du khách. Hoàng thượng bận trăm công nghìn việc đối nội đối ngoại, củng cố binh lực, thảo phạt phản loạn, giữ yên biên cương bờ cõi nên đâu còn sức lực, thời gian để lo việc này. “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”, chúng em tài hèn sức mọn không thể xoay chuyển tình hình, chỉ cúi đầu khẩn cầu đại nhân mau mau đem tài ra cứu nước!

Lực Phú bàng hoàng, nửa tin nửa ngờ:

– Giúp thế nào khi ta có biết thi ca, văn phú gì đâu?

Cai tổng Thục Khoái cài lại vạt áo cho Lực Phú rồi quệt nước mắt thút thít:

– Người tài như đại nhân mấy trăm năm mới xuất hiện một lần. Đất nước này, dân tộc này trông đợi ở đại nhân lắm lắm!

Chánh ty Thanh Thoại bỗng tỏ mừng rỡ, reo lên:

– Trên khuôn mặt nhân hậu, cương nghị của đại nhân có rất nhiều ẩn tướng thể hiện những ẩn tài chưa phát lộ. Để chúng em chọn ngày lành tháng tốt, sắm lễ vật tế trời đất, thánh thần rồi thì bao nhiêu ẩn tài của đại nhân sẽ phát tiết thành những tác phẩm vĩ đại, bất hủ để nghìn đời sau phải thán phục đấy ạ!

Lực Phú nằm im, ngấm dần những lời tâng bốc, lờ mờ thấy những vầng hào quang đang tỏa ra trên đầu mình. Lâu nay có nhiều đứa ghen tị, xì xầm ngài là bất tài, vô tướng nhờ bám váy đàn bà mà có chức tước, bổng lộc. Vậy tại sao không cho chúng nó thấy mình tài năng để chúng phải tâm phục, khẩu phục. Hơn nữa quyền uy đến hưu chế cũng hết, tiền bạc lúc nhắm mắt xuôi tay cũng xong; làm nghệ thuật – thi phú vừa thơm danh vừa trường tồn. Làm xong có món quà tao nhã, sang trọng kính dâng Thái Hậu với Hoàng Thượng thưởng lãm thì còn gì bằng! Nghĩ đến đó, sướng lâng lâng rồi, nhưng ngài vẫn vờ vịt giả lả:

– Thôi thì anh chiều theo ý các chú.

Đám “quan em” hí hửng, mừng rỡ…

*

Rằng tháng Giêng trời cao mây thoáng, trăng vằng vặc soi rọi, tiết trời mát mẻ, vạn vật thanh bình. Hai ma đói là Háo Danh và Ảo Tưởng tóc tai bù xù, quần áo rách rưới, mặt mũi lem luốc hốc hác, tay chân khẳng khiu, bấu áo nhau trôi lang thang giữa dương thế…

Ảo Tưởng đảo đôi mắt lanh lợi, khịt mũi đánh hơi rồi vỗ vai bạn reo lên:

– Hình như có cúng kiến, mau theo mùi nhang trầm tìm đến xơi lễ vật mày ơi!

Háo Danh nghiêng đầu, vành tai to giật giật rồi gật gù:

– Ừ… có ai đó gọi tên chúng mình, đi nào!

Hai ma tan biến thành luồng gió bay về hướng núi Vọng.

*

Lầu Nghênh Phong nằm lưng núi Vọng, đồ sộ và sáng rực. Từ con đường dẫn lên núi và chung quanh lâu đài gỗ kiêu sa, quân lính với giáo mác sáng ngời, mấy trăm bó đuốc rừng rực, đứng im lìm chờ lệnh. Trên ban công rộng rãi, chắc chắn hướng ra mặt sông Mơ mênh mông lộng gió, một hương án trang nghiêm được bày ra với đèn lồng treo tứ phía, lễ vật phong phú đầy ụ và đỉnh đồng to cả người ôm được đốt trầm thơm ngát. Pháp sư mặc áo thụng đen – trước ngực, sau lưng áo là biểu tượng âm dương, tóc dài xõa chấm lưng, cầm một thanh kiếm nhỏ tay phải, tay trái là bó nhang thơm cháy đỏ đứng trước hương án. Sau lưng pháp sư là Tổng trấn Lực Phú, bốn đồ đệ là Thiếu Tường, Châu Cát, Thục Khoái, Thanh Thoại đứng hai người mỗi bên tả hữu. Thầy trò, huynh đệ đều mặc đồ đen, tay cầm nhang thành khẩn.

Pháp sư múa gươm, lắc bó nhang làm tàn lửa nổ lách tách, bay như đom đóm rồi cất giọng the thé, nhiễu nhại như diễn tuồng:

– Tết Nguyên Tiêu trời trong trăng sáng… ư… hừ… quan Tổng trấn Lực Phú… ư… hừ… làm lễ khai bút. Trời Phật trên cao, thánh thần núi Vọng, sông Mơ và các anh linh hùng thiêng, các hồn ma thảm tử vì tao loạn, thiên tai, bạo bệnh… xin hãy cùng về hưởng lộc tế lễ này, gia ân phò hộ… ư… hừ… cho Tổng trấn Lực Phú… ư… hừ… khai bút đề thơ… ư… hừ… chữ tuôn như suối, nét mực rồng bay… ư… hừ… ý hay đúng bậc thi hào… ư… hừ…

Pháp sư vừa dứt câu, cả đội quân nhạc đồng loạt đánh trống, thổi kèn, gõ phèng la inh ỏi làm cư dân chung quanh núi Vọng đang ngủ giật mình, nhìn lên lưng núi đèn đuốc như hoa đăng mà kinh hãi, tò mò không biết chuyện gì? Tế lễ xong, pháp sư bưng chén rượu hất tung về hướng sông Mơ rồi cắm nhang từ hương án đến đất đai chung quanh, sau đó cầm gương đứng qua một bên lẩm bẩm đọc chú, bắt ấn. Lực Phú bước đến trước hương án, quỳ đội nhang, khấn:

– Ta chay tịnh 7 ngày, không ăn mặn, không tửu sắc; tắm gội bằng nước thơm, trong đầu nghĩ toàn chuyện tử tế, đợi đến giờ thiêng, khí phách anh hùng bừng bừng trỗi dậy, cả dạ lẫn tâm minh sáng lạ thường… xin bố cáo trời đất, quỷ thần bắt đầu sự nghiệp chấn hưng văn hóa nước nhà…

Khấn xong, Lực Phú lạy ba cái, vái tứ phương rồi bước mạnh mẽ đến bàn viết chong đèn 4 góc, trải sẵn giấy, mài sẵn mực, bút lông đủ loại xếp hàng dài. Tổng trấn đứng thế khệnh khạng, xắn tay áo rộng, chọn bút dứt khoát, nhúng bút vào nghiêng rồi hét lên một tiếng “Khai bút”!

Bốn đệ tử thân tín vội vàng chạy đến đứng bốn góc giữ tờ giấy to, nín thở chờ quan “đại khai văn hóa”. Tổng trấn bặm môi trợn mắt, giương bút lên cao rồi hạ xuống hí hoáy viết… “Ta là Lực Phú/ Tổng trấn vùng này/ Hôm nay khai bút…”.

Viết được ba câu, mười hai chữ thì đứng như trời trồng, nhíu mày nhăn trán không biết viết thêm gì. Bốn gã Châu Cát, Thiếu Tường, Thục Khoái, Thanh Thoại đưa mắt lo lắng nhìn nhau rồi nhìn pháp sư cầu cứu. Pháp sư nhanh trí chọc gươm lên trời 9 lần, hét lớn:

– Chữ hay chữ đẹp/ Ở chín tầng mây/ Mau nhập về đây/ Lực thay nhân loại/ Nói được nỗi lòng/ Mong trời soi xét/ Cho chữ về đây!

Hai ma đói vô hình vô thanh nãy giờ chứng kiến lễ cầu chữ long trọng, tốn kém, ồn ào của bậc quyền uy, giàu có, không nhịn được cười. Ma Ảo Tưởng nói với ma Háo Danh:

– Chúng mình giúp lão í đi!

Háo Danh hỏi:

– Giúp thế nào?

Ảo Tưởng thì thầm vào tai bạn rồi hai ma cười khùng khục, tiến nhập vào lão quan to, giàu có đang bất lực, khổ sở, bứt rứt với cây bút sơn son thếp vàng, tờ giấy rộng trắng tinh mới viết được ít chữ. Lực Phú bỗng rùng mình, lắc lắc đầu rồi linh hoạt khác thường, chỉ bút vào mặt “tứ quân sư”, mắng:

– Chúng bây tham mưu sai rồi!

Đám kia hốt hoảng sụp lạy:

– Xin đại nhân chỉ dạy!

Tổng trấn vứt bút, chống nạnh dương dương tự đắc:

– Người xưa có câu “Thà làm anh hùng để thi nhân ca ngợi, chớ làm thi nhân ca ngợi anh hùng”, ta đã có cơ đồ rạng rỡ mấy chục anh hùng cộng lại cũng không bằng. Thi sĩ khắp thế gian phải ca ngợi ta mới đúng, việc gì ta phải vất vả hạ mình làm thi nhân?

“Tứ quân sư” đang quỳ mọp dưới đất lật đật đứng dậy rối rít xum xoe:

– Vâng! Đại nhân nói rất đúng, chúng em sẽ làm ngay ạ!

*

Lực Phú mặc quan phục oai phong, ngồi chễm chệ trên ghế bành bọc da báo được hai tì nữ xinh đẹp đứng sau lưng đấm bóp và hai cô khác đút nước cốt sâm bồi bổ. Quan lớn hưởng lạc mà mặt vẫn đăm đăm cau có. Bỗng lính gác vào bẩm báo có “tứ quân sư” đến, Lực Phú phẩy tay đuổi tứ nữ tì lui ra sau. Châu Cát, Thiếu Tường, Thục Khoái, Thanh Thoại ì ạch khiêng một cái rương cẩn xà cừ sang trọng, nặng trịch. Lực Phú cười cười vui vẻ:

– Hôm nay là ngày gì mà các chú lại tặng quà cho anh? Nhìn bề ngoài đã sang thế này quà bên trong ắt là giá trị lắm đây!

Châu Cát quệt mồ hôi, thở hổn hển:

– Vâng, thứ này còn quý hơn vàng bạc châu báu, bốn chúng em phải đích thân lặn lội suốt cả 6 tháng nay cho kịp lễ sinh nhật của đại nhân ạ!

Lực Phú nhổm dậy tròn mắt:

– Thứ gì mà các chú phải lao tâm, tận lực thế, mau mau mang ra anh xem!

Bốn gã lật đật mở rương rồi khệ nệ bưng ra cuốn sách dày đến hơn gang tay, bìa bọc da và chữ mạ vàng óng ánh, kính cẩn dâng lên bề trên. Lực Phú đỡ một cuốn to như địa bạ của làng, nặng như đứa trẻ 3, 4 tuổi lên đùi mình, ngắm nghía, lẩm nhẩm đọc: “Lực Phú – bậc đại nhân, đại trí”. Ảnh chân dung của Tổng trấn cũng được một họa sĩ tài hoa thể hiện sống động, to gần bằng khuôn mặt thật trên bìa sách; nhìn vào y hệt một vị tiên thánh nhân từ mà nghiêm nghị. Quan lớn lặng người kiềm nén xúc động, mấy ngón tay run run lật từng trang được in bằng loại giấy thượng hạng trắng, thơm, mịn màng như văn thư của vua, nổi bật nét chữ tài hoa được viết bằng bút, mực nhập từ ngoại quốc về nên đẹp không thể tả. Lực Phú đọc lướt vài dòng… “Quan Tổng trấn Lực Phú là vị Bồ Tát sống, ngài luôn chăm lo từng miếng ăn, giấc ngủ cho mấy chục vạn dân tả ngạn sông Mơ”… Lật trang khác… “Ngài là vị sơn thần oai dũng giữa những mùa mưa bão. Ngài chỉ huy quân lính cứu hộ nhân dân và bản thân ngài cũng lao vào lũ dữ cùng quân, binh hàn đắp các miệng đê bị vỡ”… Còn trang gần cuối sách… “Ngoài tài lãnh đạo, trị an, khai thác thủy lợi, phát triển nông nghiệp, khuyến canh cây dâu để mở mang nghề dệt, khuyến học để đào tạo nhân tài… Ngài Lực Phú còn có biệt tài thi ca, thư pháp, nhạc, họa cổ kim khó ai sánh bằng. Mỗi đêm, sau khi vắt kiệt sức lực, trí tuệ để lo cho dân, cho nước; Ngài lại miệt mài chong đèn ngồi sáng tác những vầng thơ bất hủ, những tác phẩm thư pháp, thủy mặc đỉnh cao hoặc viết những cuốn sách dạy Trung – Nghĩa – Lễ – Trí – Tín. Ngài muốn góp phần nâng cao niềm tự hào về văn hóa nghệ thuật và chất lượng nhân sự cho dân tộc, quốc gia…”.

Lực Phú đọc đến đó đỏ mặt, tía tai ngượng ngùng. Ngài lí nhí hỏi “tứ quân sư”:

– Sách này ai viết vậy?

Thục Khoái tóc xoăn, mặt tái, nụ cười vừa nông vừa đểu, bước đến xoa tay chỉ vào từng cái tên ở từng trang:

– Bẩm đại nhân đây là công trình tập thể, những lời nhận xét về đại nhân đều do các nhà nghiên cứu, nghệ sĩ – văn nhân lừng danh hoặc những phú ông, doanh gia giàu có; chức sắc quan lại ở khắp mười mấy châu huyện; những nhà giáo, học trò đỗ đạt cao viết ra đó ạ!

Lực Phú nhíu mày:

– Có những người chưa biết mặt ta, sao có thể ca ngợi ta bằng lời hay ý đẹp như vậy?

Thanh Thoại ẻo lả, mặc diêm dúa đồng bóng, giọng ái nam ái nữ the thé:

– Bẩm đại nhân, tứ huynh đệ chúng em chia nhau dẫn binh sĩ hùng hậu, gươm giáo sáng ngời đến gặp từng người, hỏi họ nghĩ về đại nhân thế nào thì viết ra giấy trắng mực đen để chúng em cầm về làm bằng chứng. Sau này triều đình có muốn kiểm tra cũng không thể bắt tội thầy trò mình được! Đi đến đâu cũng nghe từ già đến trẻ, nam phụ lão ấu đều nhất nhất ca ngợi đại nhân như thánh sống ạ, làm chúng em xúc động, tự hào vô cùng vì đã may mắn được hầu hạ cho bậc đại nhân, đại trí được quốc dân, sĩ trí, công thương, chức sắc kể cả các nhà sư, các đạo sĩ… tôn thờ như vậy ạ!

Thiếu Tường mắt trắng dã, dáng đi lom khom, lấm la lấm lét mà có nét gian ngầm như kẻ đầu trộm đuôi cướp, đến thủ thỉ vào tai Lực Phú:

– Thấy người sang, kẻ hèn khắp thiên hạ đều ca ngợi đại nhân nên chúng em đã tập hợp các lời khen lại, cho in thành 20 vạn cuốn sách đẹp thế này rồi ạ!

Tổng trấn giật mình, bàng hoàng:

– 20 vạn sách…? Chi phí in sách sẽ lớn khủng khiếp, đủ xây một trường thành dài đến mấy dặm, các chú lấy đâu ra cả kho tiền như thế? Các chú phá sản rồi phải không?

Châu Cát cười rung rinh khuôn mặt béo ụ:

– Chúng em không phá sản mà còn được nhiều lợi lộc nhờ sách này!

Lực Phú nhíu mày:

– Là sao?

– Chúng em in sách xong, bán mỗi cuốn giá ba lượng bạc. Vì quá ngưỡng mộ anh tài của đại nhân nên thiên hạ đổ xô mua sách. Nhưng chúng em chỉ cho phép mỗi hộ gia đình được mua một, hai cuốn; Phú ông, doanh gia, chủ hiệu chỉ được mua mười cuốn; Các nha, phủ, châu huyện, đội binh, đội kiểm, đội cơ mỗi nơi chỉ được mua trăm cuốn dù có đông người đến đâu cũng vậy. Tiền lãi bán sách đến mấy nghìn lượng vàng chúng em cho nhập hết vào ngân khoản của đại nhân rồi ạ!

Nghe đến mấy ngàn lượng vàng Tổng trấn mừng rơn nhưng vẫn chưa yên tâm nên hỏi:

– Trong sách có mấy bài thơ, bài văn hay; những bức tranh thủy mặc thật đẹp đề tên ta là tác giả, mà ta có viết vẽ gì đâu, nhận vơ có khi nhục!

Châu Cát cười xòa:

– Khi đại nhân tuần du bốn phương, chỉ đạo đại sự, mỗi lời của đại nhân đều toát lên học thức uyên thâm, trí dũng kiêm toàn, hạnh nhân Bồ Tát… nên chúng em cho người ghi chép lại rồi thể hiện qua văn thơ, nhạc họa để đời nay và các thế hệ mai hậu cùng được thưởng lãm, nâng cao nhận thức, thẩm mỹ cho muôn triệu người đó ạ!

Tổng trấn lưỡng lự:

– Như thế có ổn không?

Vẫn giọng the thé của Thanh Thoại:

– Bẩm đại nhân rất ổn ạ! Ngày xưa Đức Phật ra đời ở xứ Thiên Trúc cũng tuần du giảng đạo, rồi các đệ tử và người mộ đạo mới ghi chép lại thành rất nhiều tạng kinh. Các tạng kinh đó đều ghi là của Đức Phật chứ có nói các đệ tử hay người mộ đạo là tác giả đâu? Cả thế giới hai nghìn năm qua đều công nhận điều này mà! Với lại cái khó là ý tưởng của bậc vĩ nhân, chứ thêm chữ thêm nét vào thì kẻ vũ phu, thất học cũng làm được!

Tổng trấn gật gù:

– Ừ… vậy cũng được! Cám ơn các chú đã lao tâm khổ tứ với lễ vật mừng sinh nhật quá đặc biệt này. Vừa giúp anh có thêm chút tiền tiêu pha vừa nổi tiếng khắp thiên hạ. Thế nào anh cũng đền đáp xứng đáng!

“Tứ quân sư” nhìn nhau hí hửng rồi Châu Cát dẻo miệng đề xuất:

– Xin đại nhân cho chúng em xây tháp công danh cao đụng mây trên đỉnh núi Vọng. Bốn mặt tháp khắc tên đại nhân sơn son thếp vàng để mấy trăm thuyền bè qua lại trên sông Mơ, ngàn vạn khách thập phương xuôi ngược Nam – Bắc – Tây – Đông được ngày ngày nhìn thấy tên ngài nổi lên giữa trời xanh lộng gió ạ!

Lực Phú giật mình, đắn đo:

– Như thế còn tốn kém hơn cả việc in sách?

Thục Khoái lấy trong túi đeo bên hông ra một cái tháp nhỏ bằng gốm tráng men, dài độ hai gang tay dâng lên:

– Chúng em đã cho làm 20 vạn cái tháp như vầy để dân chúng được toại nguyện kính ngưỡng đại nhân. Mỗi nhà đã có đơn xin mua một vài cái chia cho con cháu làm vật gia bảo. Các trường học, y viện, đình làng, chợ búa đều có công văn thỉnh cầu được mua, đặt tháp nơi tôn nghiêm để cầu phúc lộc ạ. Tiền bán các kỷ vật này đủ xây tháp cao đến 9 tầng mây rồi, đại nhân xin đừng bận tâm!

Lực Phú cười tủm tỉm:

– Đúng là trời phật cho anh gặp được “tứ quân sư”, để các chú giúp lo mấy việc cỏn con cho anh tập trung đại sự. Xin cám ơn, cám ơn các chú!

*

Trời rét buốt, gió ù ù, hai bóng ma Háo Danh với Ảo Tưởng trôi lang thang trên xóm làng xác xơ, hiu quạnh, ruộng đồng hoang hóa, vườn tược tiêu điều. Háo Danh sờ cái bụng lép kẹp trách:

– Tại mày xúi lão Tổng trấn làm chuyện điên khùng mới ra nông nỗi này. Giờ đến chút nhang khói cũng không có nói gì đến quần áo, thức ăn, rượu trà cho giai cấp ma chúng mình?

Ảo Tưởng thở dài:

– Đâu ngờ cái bọn tham quan luồn cúi ấy lại bóc lột tận xương tủy dân nghèo để có tiền mua danh cho quan anh chúng nó. Mỗi thằng được quan anh cho lên hai, ba cấp rồi mày ạ! Tao với mày bỏ xứ này đi cho rồi, ở đây mình vừa đói vừa nhục với dân mà có khi vô tình còn giúp lão Tổng trấn ăn chơi điếm đàng, vô liêm sỹ đó nảy sinh những ham muốn bệnh hoạn làm khổ đời thêm!

– Hay mình lên kinh thành mách vua trị tội thầy trò nhà nó?

– Vua cũng là người, tránh sao được tham – sân – si, tao với mày lên mách Trời đi, Ngọc Hoàng Thượng Đế chắc chắn công minh hơn vua!

– Phải đó, đi nào!

*

Thượng Đế mặc Hoàng bào lấp lánh sang trọng như hoàng đế các cường quốc. Nghe hai con ma đói trình bày xong ngài vuốt râu dài gần chạm ngón chân, cười hiền hậu:

– “Tứ quân sư” là mấy đứa cháu gọi ta bằng chú, bằng cậu. Chúng học hành kém lắm, tai tiếng tùm lum nên đâu thể bố trí ở lại Thiên Đình được. Ta đành phải cho chúng đầu thai xuống trần gian. May mà gặp được Lực Phú tuy tài cán không nhiều, nhưng số có nữ nhân phò trợ nên cũng được làm Tổng trấn. Mấy đứa cháu ta do hợp tính hợp tình với Lực Phú nên vừa được lên mấy cấp. Nhiệm kỳ sau chúng quay lại Thiên Đình ta có giao việc lớn cũng không sợ các Thánh, Tiên dị nghị vì chúng có nhiều thành tích trong quá trình luân chuyển về cơ sở và phát triển theo đúng lộ trình như quy hoạch!

Hai con ma nhìn nhau sửng sốt, ma Ảo Tưởng cố vớt vát tố cáo quan tham hại dân, hại nước:

– Bẩm ngài thầy trò Tổng trấn vơ vét bóc lột làm dân tàn mạt, cả vùng tả ngạn sông Mơ trù phú ngày nào giờ tan hoang, tiêu điều. Tội ấy lớn lắm ạ!

Thượng Đế cau mày, phẩy tay:

– Ở đâu cũng có người giàu người nghèo; xứ sở phát triển và xứ sở chưa phát triển. Nếu thấy chỗ nào có người nghèo, vùng đất nào chưa trù phú cứ đem quan ở đó ra trị tội thì… còn ai dám làm quan nữa, còn đâu mệnh quan để quản lý xã hội nữa? Thôi hai người lui ra để ta còn nghỉ ngơi!

Hai ma nhìn nhau nghẹn ngào rồi òa khóc tức tưởi…

(Cũng có người kể rằng sau này Ngọc Hoàng thượng đế truyền thánh chỉ trừng trị bọn quan to quan bé tham nhũng, háo danh, bất kể thân thích với ngài. Song tác giả không dám viết điều đó vì sợ độc giả chê cười là… ảo tưởng! Thôi thì có sao viết vậy, có gì sai sót xin Ngọc Hoàng lượng thứ!)

1.1.2018

L.V.L