Hai cây bút Nguyễn Bích Lan và Nguyễn Thị Kim Hòa được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải Nhà văn nữ ấn tượng.
Ông Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.
Sáng 15/2, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Lễ trao giải thưởng văn học và giải nhà văn nữ ấn tượng. Trong đó, giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam được trao theo danh sách đã công bố từ trước; Giải nhà văn nữ ấn tượng gọi tên nhà văn Nguyễn Bích Lan và nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhận định văn học mang lại hai điều quan trọng trong những năm gần đây: thứ nhất là văn học mang những vẻ đẹp mới, những nghệ thuật mới, những phát hiện mới, những giọng nói mới; thứ hai là văn học khiến chúng ta nhận ra ta không rời bỏ được những vẻ đẹp của đời sống này.
Ông nói: “Chúng ta đến đây để bỏ phiếu cho chủ nghĩa nhân văn, bỏ phiếu cho lòng tốt, bỏ phiếu cho tình yêu thương, bỏ phiếu cho niềm hy vọng về một nền văn học mà chúng ta còn phải đi một chặng đường rất dài, từng bước một”.
Hai nữ nhà văn có hoàn cảnh đặc biệt
Chia sẻ tại buổi lễ, nhà văn Thùy Dương – Trưởng ban Công tác nhà văn nữ, Hội Nhà văn Việt Nam – cho biết đây là năm thứ hai Hội Nhà văn trao giải Nhà văn nữ ấn tượng. Sau nhiều cân nhắc, hội đồng đã thống nhất trao giải cho nhà văn Nguyễn Bích Lan và nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa.
Nhà văn Nguyễn Bích Lan đã có 52 đầu sách dịch, 4 tác phẩm viết cho thiếu nhi, từng nhận giải thưởng dịch thuật của Hội Nhà văn Việt Nam, giải thưởng Sách quốc gia. Trong thời gian qua, mặc tình hình sức khỏe yếu, chị đã xây dựng được 5 tủ sách cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở Đắk Nông, thực hiện nhiều chương trình, hoạt động lan tỏa văn hóa đọc.
Nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa đã in 14 đầu sách, nhận nhiều giải thưởng văn học như Giải nhất cuộc thi truyện ngắn của tạp chí Văn nghệ Quân đội, giải nhất cuộc vận động sáng tác văn học cho thiếu nhi do Việt Nam và Đan Mạch tổ chức, giải nhất cuộc thi tản văn Thương nhớ miền Trung… Năm 2015, bà nhận bằng khen của Thủ tướng chính phủ. Bà được tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn là 1 trong 20 phụ nữ Việt Nam truyền cảm hứng năm 2021.
Trưởng ban Công tác nhà văn nữ (Hội Nhà văn Việt Nam) chia sẻ: “Hai nữ nhà văn này có hoàn cảnh rất đặc biệt: Các chị đều mang bệnh hiểm nghèo; đều tự học, tự vươn lên trong nghịch cảnh và có nhiều đóng góp cho cộng đồng”. Bà cho biết chính sức mạnh ý chí của hai nữ nhà văn đã thuyết phục được hội đồng xét giải.
Hiện nay, dù sức khỏe yếu, hai nhà văn vẫn miệt mài sáng tác và chuẩn bị có sách ra mắt. Nhà văn Thùy Dương nhận xét hai nữ nhà văn Nguyễn Bích Lan và Nguyễn Thị Kim Hòa là hiện thân của ý chí không gục ngã trước thách thức số phận, mang đến niềm tin yêu và những giá trị đích thực trong cuộc sống nhiều bộn bề.
Nhà văn Thùy Dương nói: “Trao giải thưởng nhà văn nữ tiêu biểu cho hai nhà văn Nguyễn Bích Lan và Nguyễn Thị Kim Hòa là trao cho sự dũng cảm và tình yêu cuộc sống, trao cho sự thiện lương và sức mạnh lan tỏa của những người cầm bút chân chính”.
Do sức khỏe không cho phép, hai nhà văn đã không đích thân đến nhận giải được. Hội Nhà văn sẽ chuyển giải thưởng đến tay hai nữ nhà văn sau.
Nhà thơ Nguyễn Bảo Chân (thứ 3 từ trái sang) chụp ảnh lưu niệm tại buổi lễ.
Vinh danh các tác phẩm nổi bật trong năm
Trong sáng 15/2, Hội Nhà văn Việt Nam đã trao giải cho các tác giả đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam. Danh sách giải thưởng đã được công bố từ cuối tháng 12/2022.
Trong đó, tiểu thuyết Bửu Sơn Kỳ Hương của nhà văn Lý Lan đoạt giải ở hạng mục văn xuôi; hai giải thưởng về thơ thuộc về tập Ngàn bài thơ khác của nhà thơ Trần Lê Khánh và tập thơ song ngữ Bóng của ý nghĩ của nhà thơ Nguyễn Bảo Chân; bộ tiểu thuyết Hiệp sĩ thánh chiến của văn hào Ba Lan Henryk Sienkiewicz do dịch giả Nguyễn Hữu Dũng giành giải văn học dịch; tập truyện dài Thung lũng Đồng Vang của Trung Sỹ đoạt giải ở hạng mục văn học thiếu nhi.
Nhận xét về tác phẩm đoạt giải ở thể loại văn xuôi, ông Nguyễn Bình Phương, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nói: “Bửu Sơn Kỳ Hương chọn con đường tự sự với giọng trần thuật dồi dào khí lực, hào sảng, gần gũi trong một cấu trúc tự nhiên, làm bật lên cá tính, phong cách của con người và nét văn hóa đặc sắc vùng Nam bộ”. Ông cho đây là tác phẩm có kỹ thuật nhuần nhuyễn, vượt qua khỏi những gượng ép để tiến tới một cảm quan hiện đại với sự tinh giản mà vẫn khoáng đạt.
Còn về hai giải thơ, ông Nguyễn Bình Phương nói tập Ngàn bài thơ khác của Trần Lê Khánh có những bài nổi trội, cho thấy cách tiếp cận, cách nghĩ, cách cảm mang một tinh thần, một mĩ cảm riêng biệt của tác giả. Tác giả đã phổ được những cảm quan cá nhân lên sự vật, hiện tượng, từ đó tạo ra một thế giới mang biểu nghĩa khác.
Bên cạnh đó, tập thơ Bóng của ý nghĩ được nhận xét là tràn đầy sự chân thành của rung cảm và nhận thức, phần nào đạt tới sự đượm chín trên cả phương diện nội dung lẫn hình thức thể hiện trong hành trình sáng tác của nhà thơ Nguyễn Bảo Chân.
Phát biểu đại diện các tác giả được trao giải, nhà thơ Nguyễn Bảo Chân nói: “Giải thưởng này là một vinh dự lớn trong cuộc đời cầm bút của tôi… Chúng tôi đã sống, đã viết bằng tất cả trái tim mình, về mọi điều trong cuộc sống này”.
Bà cho rằng giải thưởng này vừa là vinh dự, vừa là động lực, lại vừa là thử thách đối với người cầm bút khi mà phải tìm cách đổi mới để không lặp lại con đường đã đi, để những điều mình viết ra tiếp tục chạm đến bạn đọc.
Theo Minh Hùng/Zing