(Vanchuongphuongnam.vn) – Thế là chúng tôi được lệnh vượt sông Thạch Hãn. Sau trận chiến thành cổ Quảng Trị năm 1972, người ta gọi sông Thạch Hãn là dòng sông máu. Bao ký ức về dòng sông ùa về, nơi máu xương đồng đội tôi đã chảy ở nơi này. Tiếng pháo địch cày suốt dòng sông. Đau quá. Có nhiều đồng đội đang là sinh viên năm thứ nhất cũng xung phong vào quân ngũ và chuẩn bị có mặt ở bên kia sông, nhưng rồi không qua được dòng sông trong một đêm Thạch Hãn. Trong số bạn chiến đấu vượt được vào thành cổ, có tôi và Hoàng Tuân. Dòng sông cách chỗ chúng tôi không xa lắm. Đêm về khuya, tiếng pháo địch vơi dần, hướng về dòng sông mà bàng hoàng đau đớn…
Ở chiến trường, chỉ có khói lửa và mùi thuốc súng, ít khi có khoảng khắc hiếm hoi để nghĩ suy, tản mản hồn mình. Người lính nào biết chớp lấy những giây phút lặng yên đằng sau những loạt pháo của địch, tranh thủ ghi mấy dòng thư gửi về gia đình, người thân. Tôi cũng tranh thủ viết được một lá thư gửi về nhà, trước khi chuẩn bị bước vào trận đánh. Hoàng Tuân và tôi đều quê Nghệ An. Trước đây hai người ở hai đơn vị khác nhau. Tình cờ được bổ sung vào một đơn vị mới, tăng cường con số để bước vào cuộc chiến thành cổ. Hai trận đầu, đơn vị tôi đánh bật những đợt phản công của phía Việt Nam Cộng hòa ra khỏi vòng ngoài của phòng tuyến thành cổ. Trận thứ 3, tôi chuẩn bị đánh sập ổ đại liên của địch. Cuộc chiến vòng tuyến trong vô cùng ác liệt.
Tôi cố lấy sức bắn quả B40 về phía ổ đại liên đang nhả đạn. Đám khói lửa phía trước bùng lên, ổ đại liên im bặt, đồng đội phía sau ào lên, tiếng súng nổ giòn dã. Tôi mừng quá, chuẩn bị bò dậy để tiến lên. Bỗng một quả pháo địch chụp phía trước không xa, tôi kịp nhoài người xuống rất nhanh. Đất trời tối mịt. Tôi bị thương nhẹ. Đồng chí Đường, quê ngoài Thái Bình nhận ra tôi trong đám khói bom và đưa về chốt kịp băng bó vết thương. Những trận đánh tiếp theo, quân ta đang dồn sức đánh bật địch ra khỏi một số địa điểm quan trọng trong thành cổ. Một trận mới của đơn vị tôi lại bắt đầu. Quân ta và địch giành nhau từng tấc đất. Một nhóm địch liều mạng vào gần, tôi điểm súng liên tục. Bất ngờ đạn hết. Có những tên địch lò dò tới, hòng bắt sống tôi. Lúc đó, Hoàng Tuấn và một người lính ở phía sau nhào về phía chiến hào. Tuấn nhả đạn, mấy thằng ngụy đổ nhào xuống. May quá, có Hoàng Tuấn đến kịp. Đơn vị của tôi được bổ sung lực lượng, tấn công địch mọi phía, trận này ta tiêu diệt rất nhiều sinh lực địch.
Thời gian sau, địch tăng cường chi viện, quyết tâm giành lại những vùng đất thành cố bị ta chiếm giữ. Tiếng bom đạn không lúc nào ngớt.
Mùa mưa sắp đến. Để bảo toàn lực lượng, các đơn vị còn lại được lệnh rút về bên kia sông Thạch Hãn. Tôi và Tuân sang bên kia sông vào ngày 16 tháng 9 năm 1972. Bom đạn địch lại cày xới dòng sông nhằm cản bước quân ta. Dòng sông cuộn lên mang theo những dòng máu đỏ. Tạm biệt dòng sông Thạch Hãn, dòng sông huyền thoại, tôi và Tuân lại tiếp tục hành quân cùng đồng đội để tham gia những chiến dịch tiếp theo.
Sau 1975, trở về đất Bắc. Hoàng Tuân về lại trường Đại học sư phạm Hà Nội để học tiếp các năm còn lại. Tôi về trường Đại học tổng hợp sử. Bạn bè sống sót sau chiến tranh được trở lại trường, gặp nhau mừng vui khôn xiết. Tôi và Hoàng Tuân lại về bên nhau, gặp mặt đứa nào cũng như già đi, nước da đen sạm. Những vầng trăng mùa hạ lại về nơi này. Đi qua mùa trăng, chúng tôi ôn lại những kỷ niệm một thời máu lửa bên dòng sông Thạch Hãn. Ngày ấy, có hôm chúng tôi mệt nhoài người vì vừa qua một trận chiến đấu. Đêm về khuya, vầng trăng còn nán lại trên bầu trời, nhìn ánh trăng cứ trôi dần về dòng sông Thạch Hãn, chúng tôi lại hình dung ra rất rõ bóng dáng bao đồng đội đã chìm xuống dòng sông. Trăng như sà xuống dòng sông, màu máu của đồng độiloang đều trên mặt sông. Đi dưới những hàng cây xanh bên trong sân trường đại học, lòng chúng tôi luôn hoài niệm về một thời sống chết có nhau trong đạn lửa.
Chuẩn bị ra trường, Tuân bảo tôi:
– Hoàng Chinh ơi! Ta trở về quê thôi. Xa quê bao năm rồi. Mình muốn được sống và làm việc nơi miền quê gắn bó bao tháng ngày. Quê hương miền Trung có gió Lào thổi dọc mùa hạ, mang theo cái nóng khô đốt lửa những cồn cát trắng. Nắng mưa, bão tố bào mòn da thịt con người xứ Nghệ. Chính từ đây, ta đã lớn lên rồi.
Thế là Tuân về quê dạy học. Còn tôi, hai năm làm việc tại Hà Nội, được phân công về làm ở một tạp chí. Sau một thời gian chuyển về làm phóng viên, rồi biên tập viên của tờ báo tỉnh, tôi quen Hoàng Chinh những dịp đến toà soạn gửi một số bài báo cho Chinh biên tập. Hoàng Chinh giúp đỡ tôi cái thuở ban đầu tập tành viết báo và đã kể cho tôi nghe về cuộc chiến máu lửa mùa hè 1972 tại thành cổ Quảng Trị.
Ngày 20/11, Hoàng Chinh vội đi công tác, nhờ tôi chuyến món quà đến Hoàng Tuân. Nhà thầy Tuân ở Cồn vàng. Trước đây mái trường cấp 3 được xây dựng tại nơi này, biết bao thế hệ học sinh trưởng thành từ vùng cát vàng. Vẫn nhớ thời học sinh ở xa, một số trọ trong nhà dân, số thì làm tạm túp lều tranh phía Nam bãi cát của trường. Phía bên con đường vào làng mới, còn sót lại mấy cây phượng và cây bàng. Về lại trường xưa, tôi nhớ về bạn bè tôi thời trước 1975. Lúc đó cuộc chiến tại miền nam đang trong giai đoạn quyết liệt, tất cả cho miền Nam. Không biết bao bạn bè ra đi nơi chiến trường mà không được trở về khi miền Nam đã hoàn toàn giải phóng. Lớp tôi có đến 5 đứa, toàn những cậu học giỏi, hy sinh tại chiến trường miền Nam.
Làng Long Phan nơi gia đình tôi ở, có mấy đứa cháu con chú bác được học văn với thầy Tuân. Chúng nó bảo, học văn với thầy Tuân thích lắm. Đám học trò nhắc mãi hình ảnh thầy Tuân trong buổi thầy ngoại khóa về hình ảnh người lính trong thơ ca qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Những bài giảng của thầy, nhất là dạy hoc các tác phẩm viết về chiến tranh, luôn để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng học sinh. Thầy khuyên học sinh học văn phải đam mê sử, tìm hiểu văn chương phải lấy lịch sử làm nền. Trước khi bước vào trang sách văn học, phải tìm hiểu cuộc sống, những yếu tố ngoài văn bản liên quan đến tác phẩm văn học. Có hôm đàm đạo chút ít về văn chương với thầy Tuân, tôi được nghe thầy nói những điều bổ ích. Thầy Tuân tổ chức cho học sinh đi tham quan ngã ba Đồng Lộc, Hà Tĩnh. Mấy học trò của thầy Tuân kể lại chuyến đi thú vị, ấn tượng cho tôi. Sau khi viếng mộ mười cô gái tại nghĩa trang, thầy dẫn học sinh vào thăm bảo tàng. Thầy Tuân và trò dừng lâu ngắm nhìn các hiện vật các cô gái để lại: lọn tóc thề, chiếc lược, bức thư gửi mẹ, dép cao su, cuốc xẻng, ba chiếc áo của Võ Thị Hợi, Nguyễn Thị Xuân, Trần Thị Hường. Có sổ tay ghi những bài hát, học bạ, chiếc va ly của Nguyễn Thị Hường. Đọc lại những dòng thơ trong bài Cúc ơi, thầy Tuân và học sinh lặng đi hồi lâu:
“Cúc ơi! Em đang ở đâu không về tập hợp
Chín bạn đã quây quần đủ mặt:
Nhỏ – Xuân – Hà – Hường – Hỡi – Rạng – Xuân – Xanh
A trưởng Võ Thị Tần điểm danh
Chỉ thiếu mình em
(Chín bỏ làm mười răng được!)
Bọn anh đã bới tìm vẹt cuốc
Đào sâu bao nhiêu bọn anh không cần
Chỉ sợ em đau nên lát cuốc chùng
Cúc ơi! Em ở đâu”
…………………………………..
(Trích bài Cúc ơi – Yến Thanh)
Đã từng đi qua cuộc chiến tranh, những dòng thơ đầy xúc động gợi cho Hoàng Tuân bao nỗi niềm day dứt, khôn nguôi về hình ảnh mười cô gái ngã ba Đồng Lộc. Thực tế, trải nghiệm cuộc sống lại đi về trên trang sách, đọng lại trong bài giảng của thầy cô. Cuộc sống như những bông hoa tươi tắn những bức tranh đủ sắc màu, được thầy cô học trò gom nhặt về với mái trường thân yêu. Trân quí biết nhường nào.
Đối với Hoàng Tuân, ngày về với gia đình, ngày đến trường là ngày của niềm vui. Khi mới về, những hàng cây hai bên phía trong cổng trường còn non nớt, bây giờ đã lớn, những vòm cây xanh tươi tỏa bóng. Bao mùa hạ nơi sân trường đỏ thắm màu hoa phượng…. Ngày nối ngày, bụi phấn vẫn rơi đều trên lớp học mỗi sáng mai lên. Niềm vui của người thầy, từ người lính tham gia chiến trận được trở về đứng trên bục giảng. Mái trường thân yêu như vòng tay người mẹ ôm trọn cuộc đời Hoàng Tuân. Bao dự định, khát vọng về nghề nghiệp Hoàng Tuân hướng tới. Người thầy đã về bến đỗ bình yên. Bến đỗ của cuộc đời còn lại.
Một ngày mùa đông, Hoàng Tuân bước sang tuổi năm sáu, tóc bạc nhiều, người thầy Tuân gầy nhanh quá. Đi khám bệnh mới biết bị ung thư dạ dày. Những cơn đau dữ dội, hành hạ thầy. Hôm tôi và Hoàng Chinh đến thăm Hoàng Tuân tại bệnh viện. Tuân mặc bộ quần áo màu xanh nhạt. Hoàng Tuân tâm sự:
– Mình được trở về sau chiến tranh, xây dựng gia đình, rồi có hai con. Đứa đầu ra trường, có việc làm ổn định, đứa sau mới năm nhất đại học ngoại thương. Thế là hạnh phúc. Nghĩ lại, biết bao đồng đội, bạn bè hy sinh. Có ngày lên đường, nhưng mãi mãi không có ngày trở về, mất mát quá lớn.
Được hai năm, đến tuổi năm chín, sức khỏe Hoàng Tuân xuống hẳn và qua đời vào một ngày thu. Hoàng Chinh và tôi dự lễ viếng và an táng thầy Tuân. Học sinh và giáo viên đến rất đông. Ngôi mộ Hoàng Tuân nằm ở vùng quê phía tây huyện nhà, ở dưới chân đồi thoai thoải. Buổi chiều mùa thu, những hàng cây trên sườn đồi lặng gió. Đám mây trắng trên bầu trời như sà xuống ngọn cây cao. Bóng dáng Hoàng Chinh vẫn đứng mãi trong bóng chiều thu đổ xuống, gió chiều gom những chiếc lá vàng trút xuống sườn đồi. Tôi nghe Hoàng Chinh nói những lời thật đầy ý nghĩa trước ngôi mộ người bạn, tiếng Hoàng Chinh vọng xuống dưới đất quê Tuân, dưới đám cỏ vàng úa, tiếng gọi bạn chìm sâu hun hút về phía xa dãy đồi…
N.V.N
Chân dung tác giả bài viết – Nguyễn Văn Ngọc.