Hai người – Truyện ngắn Phùng Văn Khai

778

(Vanchuongphuongnam.vn) – Gã độc thân ngồi một mình trong căn phòng tuềnh toàng của khu nhà trọ. Trước mặt gã là chiếc máy vi tính cóc gặm chập chờn chữ nghĩa. Không hiểu sao, lũ chuột rất khoái cắn chí các dây nhợ của chiếc máy tính.

Tranh minh họa – nguồn: internet

Gã mặc kệ. Khi kết thúc công việc, gã túm gọn tất cả cho vào cái bao tải rồi treo lủng lẳng nó lên như người thắt cổ bằng một sợi dây cước. Lũ chuột đã nhiều lần trượt chân ngã từ sợi dây cước xuống sàn đá hoa nham nhở bị gã đánh cho chí tử. Có con bị gã đánh chết tươi. Có con bị gã đánh què hoặc bắt sống. Và khi ấy, thường là cuộc hành hình diễn ra như một vở tuồng cổ nhiều lớp lang, chỉ gã mới được quyền độc thoại duy nhất, tha hồ làm mưa làm gió với nạn nhân. Sau một thời gian, dường như lũ chuột sợ gã, chúng đến ít dần rồi tuyệt nhiên không đến quấy rầy nữa. Bọn chúng chẳng tìm được gì ở đây. Thế lại hóa ra yên hàn, hòa bình tạm bợ trong căn phòng như cái ống cống lúc nào cũng âm u, nóng nực, ẩm mốc kinh người, chỉ độc gã và lũ gái điếm già còn trụ lại được.

Tuy nhiên, cái câu chuyện chết tiệt của gã về Chị tóc dài thì nó không dừng lại ở đó. Đầu tiên người ta bảo gã nói dối. Gã cãi. Sự thật mà. Chị ấy vẫn còn ở đó mà. Còn bao nhiêu nhân chứng. Những người già họ không nói dối đâu. Các anh đừng vu oan cho tôi tội nghiệp.

Mà tôi nói dối các anh để làm gì. Một bài báo còm, mấy đồng nhuận bút nhỏ nhặt, làm sao tôi lại phải nói dối. Họ bèn quát. Đồ tâm thần, không nói dối mà là bôi đen xã hội. Còn nguy hiểm nữa. Hay cậu có âm mưu gì? Ai xui khiến làm việc đó? Xuất phát từ động cơ nào? Nghe nói ngày xưa cậu học hành hay thắc mắc ý kiến ý cò lắm. Gã bỗng run. Ôi chao, việc có thế sao họ cứ làm rối lên. Lại còn ngờ mình có âm mưu. Gã bỗng uất, ngắc ngứ toan cãi lại. Nhưng người của tổ chức bảo:

– Thôi, cậu còn trẻ, còn tương lai, cậu đi chỗ khác tìm việc. Cái nhân vật tóc dài tóc ngắn của cậu nghe đâu cũng bỏ khỏi làng rồi. Chắc đã theo giai đánh đĩ rồi. Chúng tôi lạ gì các cô các cậu. Thích tự do tự tại, cái gì cũng thắc mắc, lo hão lo huyền. Mà nói thật, đời cậu cũng chẳng ra quái gì đâu. Hay ho gì ngữ cậu. Nếu không nể ông chú ông bác gì đó nhà cậu bên tổng cục, chúng tôi hê cậu đi từ lâu rồi. Từ rày chúng tôi phải quản lý cậu khác đi mới được. Cậu đưa mấy thứ ba lăng nhăng ấy lên, suýt nữa hỏng cả việc lớn.

Cứ thế, tay cán bộ tổ chức thao thao. Gã chỉ biết im lặng nghe, thi thoảng trố cặp mắt thạch sùng u uất nhìn ra ngoài. Mọi thứ ở đời sao rắc rối thế nhỉ? Tại sao họ không cho mình nói lại? Tại sao không điều tra và tiếp tục phản ánh trên tờ báo? Gã tặc lưỡi. Gã cũng chỉ dám tặc lưỡi khi đã về đến căn phòng trọ tồi tàn của mình. Hình như ngoài trời sắp mưa. Tiếng sấm nổ đì đoành, ánh chớp hằn lên lóa nhóa. Căn nhà cấp bốn lợp prô xi măng vặn răng rắc dưới vòm trời xám ngoét chỉ chực đổ ập xuống. Gã ngồi chồm hổm trên chiếc giường chỉ còn ba chân, cái chân gãy được thay thế bằng tảng bê tông nham nhở, đội kênh góc giát giường đến nửa gang. Đang cáu bực vô cớ, bỗng cánh cửa chính có ai giật thốc ra, kêu loành xoành. Một mái đầu tổ quạ ló vào, tròng mắt trắng dã vì thiếu ngủ, cặp môi xám ngoét, má bợt bạt son phấn rẻ tiền trộn lẫn nước mưa. Ả gái nhìn gã van vỉ, nói câu được câu mất:

– Em đánh rơi chìa khóa, anh có cái búa sang phá cửa giúp em. Em chết mất.

Gã độc thân lừ đừ bước khỏi chiếc giường ọp ẹp, không nói không rằng, lục sục tìm con dao cùn và chiếc búa cụt cán đi theo ả điếm. Lưng ả cong oằn trong lằn chớp, bước đi thập thễnh rất khó coi. Gã bước theo sau, chỉ mấy bước ngắn đã đến căn phòng cuối dãy nhà trọ. Ả điếm như không còn chút sức lực nào, ả lả đi, dựa vào ngạch cửa. Gã phải kéo ả sang một bên. Gã ngắm nghía cánh cửa ọp ẹp bị hóc khóa không nói không rằng giáng luôn một búa. Cánh cửa kêu lành phành bật mở ra toang hoác. Mấy con chuột chí chóe chạy thục mạng, có con phóng bừa vào chân gã. Có lẽ thấy gã nên chúng sợ hãi chăng? Mặc kệ ả, mặc kệ lũ chuột, gã thu dọn đồ nghề trở lại đầu dãy nhà, nơi có thế giới riêng của gã.

***

Như dự kiến, bài viết của gã về Chị tóc dài không thể in được. Đã thế, lãnh đạo tờ báo mà gã cộng tác mời gã đến, nhỏ nhẹ:

– Cậu cứ viết những gì viễn tưởng đâu đâu thì được chứ đừng đụng đến thực tế như thế. Cái giọng của cậu, khi đụng đến thực tế cứ như châm chích người ta, bố ai chịu được. May mà bài của cậu được ban biên tập kịp thời phát hiện ra chứ không có lẽ toi ráo cả. Thời buổi này là thời buổi nào mà cậu ấu trĩ thế. Trí thông minh của cậu để ở đâu? Rõ thiểu năng trí tuệ. Trí óc cậu chắc chắn có vấn đề, nó sai hỏng ở đâu đó. Mà mấy ai ngờ cậu trông khù khờ thế sao không an phận, lại cứ xông vào những chỗ chẳng ra làm sao ấy làm gì. Cậu đưa lên, có khi không cứu được người ta mà lại dẫn đến phiền lụy không chừng. Thôi, mặc kệ họ. Đi xem có nơi nào xây nhà tình nghĩa thì viết, viết thương cảm chả là thế mạnh của cậu đấy thôi. Nhớ là ấm áp, nghĩa tình, làm gương làm mẫu cho người đời, cho xã hội. Còn bề chìm của nó, không đến lượt cậu lo. À mà tháng sau, có lẽ chúng tôi sẽ họp để bàn về vấn đề giảm bớt cộng tác viên. Có gì cậu thông cảm nhé.

Gã nặng nề cất bước khỏi phòng vị phó tổng biên tập. Đi đâu bây giờ? Về căn phòng cũ kỹ nghe lũ gái già rên rẩm than vãn chửi rủa cuộc đời ư? Rồi chờ đợi tóm bắt và phán xử lũ chuột đói hôi hám kinh niên? Cũng đã lâu, chắc là quá sợ hãi cái tính nết bất thường của gã, lũ chuột không còn dám lai vãng. Chúng chỉ cắn chí vụng trộm đâu đó, như là trong giấc mơ của gã. Từ hôm gã phá cửa cho ả điếm, dường như ả muốn trả ơn gã. Mấy lần gã thấy ả thập thò, bồn chồn bứt rứt điều gì, như muốn nói với gã điều gì đó. Khi giáp mặt gã, một khuôn mặt hoang hóa, cô hồn, hốc hác, tròng mắt thạch sùng hằng ngày luôn trố ra lúc ấy bạc phếch như kẻ trúng độc kế ở mặt trận, ả chết lặng. Gã không buồn phẩy tay mời vào hoặc đuổi ả điếm đi. Gã lừ đừ nhìn ra phía cửa, nơi có chút ánh sáng yếu ớt đang bị ả điếm che lấp. Cái bóng rùm ròa của ả kéo một vệt loang lổ trên bức tường ẩm mốc, bẩn thỉu kinh niên. Ả đoán chừng gã đang ốm. Đang ốm bắt làm chuyện ấy thế chó nào được. Khỉ thật. Ả muốn trả công gã cũng khó khăn. Ả hiểu, bây giờ, đối với ả, kể cả việc trả công một ai đó cũng chẳng còn dễ dàng nữa.

Gã độc thân lọc cọc xe máy đi về phía cái hồ nhỏ cuối thành phố. Gã tiến đến bên chiếc ghế sứt sẹo đầy rác bẩn phủi phủi rồi ngồi xuống. Mỗi lúc phải suy nghĩ hoặc có khi chẳng có việc gì cả, gã thường đến đây, ngồi xuống chiếc ghế xi măng sứt sẹo. Chiếc ghế bê tông cụt chân này được khiêng từ bãi thải xây dựng ngay gần hồ. Cái chân cụt của nó được gã kê mấy hòn gạch vỡ. Gã ngồi im, phía trước gã, cái hồ nước ngập ngụa rác rưởi, chuột bọ kinh người. Cái thành phố ồn ào như một đám rước sao lắm rác rưởi thế không biết. Cứ đêm đêm, xe lớn xe bé lén lút, nghênh ngang, nửa lén lút nửa nghênh ngang thi nhau trút rác xuống hồ. Một đêm có trăng, gã đang mải vẩn vơ suy nghĩ việc ả điếm thì chiếc xe chở rác đến đổ xuống góc hồ. Trong ánh trăng, gã kinh hoàng nhận thấy hình như có một cẳng chân người bết máu lẫn trong đám rác đang trút xuống. Tim gã như có ai bóp nghẹt. Chẳng lẽ ở đâu đó họ giết nhau rồi băm xác ra thủ tiêu vào rác rưởi? Gã thở dốc. Chẳng lẽ tai nạn xây dựng, tai nạn giao thông đâu đó rồi cứ thế họ gom vào trút bừa xuống đây? Hay thi thể ở bệnh viện lọt ra không ai kiểm soát?

Như kẻ mộng du, gã tiến lại bên chiếc xe quái đản, giọng nghít lại:

– Bác tài, bác tài, hình như có… có cái chân người?

Chiếc xe đã xả xong đống tướng rác rưởi hôi nồng nặc. Gã lái xe bịt khẩu trang chỉ hở đôi mắt ngầu đỏ vì thức đêm nhiều thò đầu qua cánh cửa quát rin rít:

– Thằng điên! Cút mẹ mày đi.

Rồi gã lái xe nện mạnh chân ga. Chiếc xe chồm lên như chực nuốt chửng người điên phía trước. Theo phản xạ bản năng gã nhảy giạt sang một bên. Chiếc xe rác phả khói xăng mù mịt. Mùi cống rãnh, nước tiểu, xú khí trùm lên. Gã như lọt vào một ổ vòi rồng tối tăm mù mịt. Chân đứng không vững. Gã ngã bệt xuống đám rác rưởi bẩn thỉu. Một chốc khói tan, mùi xú khí cũng nhạt đi, gã uể oải bước về chiếc ghế xi măng sứt sẹo và ngồi xuống. Đầu óc gã ong ong như có trăm ngàn con ong vò vẽ bay loạn xạ ở trong. Đột nhiên đầu gã nhói lên. Rồi tất cả tối sầm lại. Những đám mây đen ở đâu ùn ùn kéo đến. Sấm chớp nổ đì đoành. Nhưng chờ mãi, chờ mãi vẫn không một giọt mưa. Bầu trời đêm tự nhiên từ từ sáng lên. Gã rùng mình. Gã đã bị choáng ngất từ lúc nào không biết nữa. Bây giờ chắc đã nửa đêm. Gã ngẩng mặt nhìn trời. Trăng thượng tuần vằng vặc trên đỉnh đầu. Có tiếng ì ầm nơi góc hồ. Kệ chúng mày, gã thầm nhủ và uể oải đứng dậy.

Gã độc thân rời căn phòng ọp ẹp, nơi mấy ả gái già luôn quấy rầy gã bất cứ lúc nào. Nửa đêm cần phá cửa, lũ này cũng nhờ gã. Mẹ kiếp! Sao lũ ấy hay đánh mất chìa khóa thế không biết. Có ả đói quá, mò sang xin gã gói mì tôm. Gã không buồn rời chiếc bàn vi tính, hất hàm chỉ về phía thùng mì treo lủng lẳng như một thằng thắt cổ. Gã chống chuột nên phải phòng bị thế. Ả loay hoay một lúc thì làm đứt dây, thùng mì tung tóe rơi xuống sàn. Gã không nói một lời, trương cặp mắt thạch sùng nhìn ả rồi rời bàn vi tính, đến dọn dẹp cho ả. Gã chia đám mì ra làm hai phần, đưa cho ả một nửa còn thì để cả lên bàn. Vừa cọc cạch gõ vừa bóc một gói nhai sống. Một lúc thì khát nước, gã với tay túm cổ chai nước phía cửa sổ tu òng ọc. Ả kia đã cắt đứt tư duy sáng tác của gã. Mai gã sẽ khóa cửa trong, mặc kệ chúng, sống chết kệ xác. Là khi cáu gã lẩm bẩm thế chứ mai đâu lại đóng đấy, các ả kia lại nhờ vả, có ả khôn ranh còn nịnh gã. Gã chua chát cười, nằm ịch xuống cái giường khập khiễng, tính chợp mắt tí chút. Nhưng gã không tài nào ngủ được. Từ chiều, chiếc quạt tậm tịt lờ đờ không chút gió đã trêu cáu gã. Gã đá bộp vào cái quạt. Cái quạt lịm hẳn. Căn phòng càng khuya càng hầm hập thiêu sống gã. Điên tiết, gã mở cửa, dắt chiếc xe cà tàng ra sân. Hôm nay như chiều chủ, chỉ một phát nó đã nổ giòn giã. Gã lẫn hút trong các ngõ ngách óc ách tiếng chó và tiếng người đàn bà đánh mắng con.

Gã ngồi xuống ghế đá bên bờ hồ quen thuộc. Chiếc ghế cập kênh luôn đón gã (thì ngoài gã ra còn ma nào đến đây) niềm nở trong im lặng. Ở đây mùi hôi thối của bãi rác góc hồ bốc lên nồng nặc nhưng chính vì thế mà gã yên thân. Bãi rác lớn dần, tràn gần ra giữa hồ. Cứ đà này, chỉ già năm nữa chiếc hồ sẽ biến mất. Chắc chắn, khi ấy gã lại phải tìm cái hồ tù đọng làm khu xả rác khác. Khi đầy rác, người ta chỉ cần đổ lên trên một lớp cát, như trang trí, như phi tang một vụ việc. Thế rồi tưng bừng cờ hoa khẩu hiệu, loa phóng thanh inh ỏi đấu thầu. Những người ăn mặc lịch sự đến cắt một cái băng đỏ, đọc những lời lẽ hoa mỹ, khúc chiết. Mặt ai cũng vừa hớn hở vừa sặc sụa ăn thua. Chúng nhấm nháy, thì thọt với nhau, lúc căng thẳng im lìm, lúc ồn ào như sôi. Rồi tất cả biến đi, để lại những cái cọc dọc ngang trên mặt cát. Lại già một năm nữa, bãi cát biến thành khu dân cư. Những dãy nhà cao tầng mọc lên như nấm. Xe ô tô đến nhung nhúc. Chúng đưa cho nhau những cục tiền thẳng thớm, còn sực nức mùi mực in. Khi ấy, lũ kia nhìn gã như con nghiện. Một ả to béo nào đó chỉ trỏ. Y như rằng một lát có hai người mặc sắc phục đến hằm hè, ngọt nhạt đuổi gã đi. Gã chưa đi đã thấy ịch một cái phía sau, chiếc ghế đá sứt sẹo bị hai người đồng phục đạp đổ lăn chiêng. Đó là giờ khắc báo cho gã biết đã đến lúc phải tự tìm một cái hồ đang bị rác lấp khác.

Gã ngồi lặng trên ghế đá, chịu đựng mùi hôi thối nồng nặc bốc lên. Gã đã bốn lần chuyển chỗ trong bảy năm ở thành phố. Nơi gã đến sau, càng ngày càng xa trung tâm. Gã cũng đã quen với điều này. Đêm nay, gã muốn kiểm điểm một số việc mà gã chứng kiến. Gã không hiểu sao mình luôn vướng vào chuyện không đâu. Buổi chiều, khi cơ quan báo, nơi gã làm cộng tác viên đã tuyên bố cho gã tự do. Chao ôi! Tự do ư? Chuyện ở tờ báo cuối cùng đã kết thúc. Sớm muộn cũng thế cả. Lũ người ấy sao hiểu được gã. Vĩnh viễn không hiểu gã. Gã bồi hồi nhớ lại những ngày đầu tiên lên thành phố. Bao hoài bão, dự định, ấp ủ về ngày mai. Những đêm trắng bên trang giấy. Chữ nghĩa nhung tuyết xôn xao. Mà đã qua rồi. Khác đi nhiều quá. Khác đi một cách không thể lường được. Không thể lường trước lại có lúc này, trên chiếc ghế đá sứt sẹo, lấm đòn, mọi thứ đều nhạt nhẽo, trống rỗng.

Đang miên man nghĩ, bỗng ánh sáng những chiếc đèn pha ô tô loáng nhoáng chiếu về phía gã, gã mặc kệ. Từ lúc gã ngồi đây, đã có hàng chục chiếc xe đủ các loại đến trút những thứ bẩn thỉu xuống lòng hồ. Những chiếc xe cồng kềnh, ù ì bò về phía góc hồ. Bóng chúng hắt lên nền trời đêm những khối hình xù xì, động cựa một cách quái đản theo mỗi nhịp chao lắc. Hôm nay chúng đột nhiên đông đúc, lúc nhúc như những con bọ hung khổng lồ cày xới bãi phân trâu sau trận mưa rào mà ngày còn chăn trâu cắt cỏ bên triền đê vùng quê gã chứng kiến. Gã thản nhiên nhìn về phía đó. Những chiếc càng cua đen lạnh loáng nhoáng chống lên trời. Ầm ầm rác rến đổ xuống. Trong đám rác đủ thứ thượng vàng hạ cám, gã đã từng nhìn thấy cả máu me, tã lót, gói bọc, chai lọ lầy nhầy, rác rưởi đang ầm ào trút xuống.

***

Gã độc thân nghĩ nhiều đến Chị tóc dài. Không biết rồi sự việc sẽ kết thúc ở đâu? Mọi sự rồi sẽ đi đến đâu trong thế giới hỗn mang. Trong một chuyến công tác về vùng quê lúa, gã vớ được một câu chuyện rất đáng thương. Chuyện về một người đàn bà tóc dài ở trong chiến trường ra, chị sống ở ngôi chùa bỏ hoang cạnh đình làng. Chị rất đẹp. Mái đình nhanh chóng xôn xao. Hàng đêm, tiếng chó cắn, tiếng chân người thậm thịch. Tiếng trâu bò gõ móng bồm bộp lẫn trong tiếng thở dài thườn thượt. Chị được trả về từ bệnh viện tâm thần khi cuộc chiến kết thúc.

Từ một người xanh xao, đầu bù tóc rối, luôn im lặng như cái bóng ở góc đình, chỉ mấy năm sau chị lột xác hẳn. Mỡ màng, căng mẩy, mái tóc dài như suối vấn vít, len lỏi bên những rễ đa rễ si buông từ trời xuống. Rất nhiều xe commăngca tìm đến ngôi đình. Đám chức sắc luôn phải tiếp các đồng đội của chị. Chị nói và cười, chị đung đưa, ngấm nguẩy trước những đàn ông càng ngày càng đến nhiều với chị. Chị hoạt bát trong sự chào đón của dân làng. Người ta bầu chị vào đội sản xuất, vào đội văn nghệ, vào ban lãnh đạo hợp tác xã. Họ chỉ còn thiếu nước rước một ông cán bộ đặt vào ngôi đình sống với chị hoặc rước chị ra khỏi ngôi đình đặt vào một căn nhà ấm cúng của ông cán bộ nào.

Đang phơi phới như thế, chị có thai. Chị vẫn hân hoan niềm nở mặc kệ những nghi kỵ, lườm nguýt của nhiều người. Chị bỏ đội sản xuất, đương nhiên. Chị bỏ hợp tác xã, đương nhiên. Những ngày ấy chị sống bằng gì chỉ có trời mới biết. Từng ở chiến trường, từng vào sống ra chết, chị sá gì miệng lưỡi thế gian. Bao nhiêu người bỏ xác ở trong ấy mấy ai biết đến họ. Bây giờ chị sắp sinh ra một con người, chị bất chấp tất. Ngôi đình là mái nhà cũng là pháo đài của chị. Tổ chức không dám dây với chị. Chị đã cống hiến trọn tuổi thanh xuân của mình, người ta đã từng giải thích, động viên, hứa hẹn đủ điều với chị ngày lên đường, bây giờ vì lẽ gì mạt sát người chiến thắng trở về.

Những bà lão lưng còng tóc bạc có con trai con gái không trở về tìm đến với chị. Cả những ông lão thương binh sống một mình sau khi cống hiến những đứa con cuối cùng luôn chở che chị. Cái làng cũng lạ, thời ấy mà đã như cái nôi che chở người đàn bà không chồng mà chửa. Ở một đất nước bao nhiêu hủ tục cũng còn có không ít những ốc đảo như thế. Ngày tháng thoi đưa, ngày sinh nở cận kề, những bà lão cắt cử nhau ở bên người con gái của làng, đón chờ tiếng khóc trẻ con. Làng này cũng đã lâu không có tiếng trẻ con khóc.

Rồi cái gì đến thì cũng đến. Đêm chị trở dạ, bầu trời u ám. Đêm ấy là một đêm đông, trời tối đen như mực. Những bà lão mắt kém đốt lên những ngọn đèn dầu vây quanh chị. Mụ đỡ được các bà vời về hôm trước đang loay hoay từ chập tối. Tiếng rên của chị đã bắt đầu nhỏ dần, có lúc lịm đi bên những mái đầu bạc. Những chiếc khăn sô lệt sệt ướt át khô quăn, cứng quèo. Đã có tiếng thở dài cất lên. Mụ đỡ, một người lão luyện nổi tiếng khắp vùng, khuôn mặt đanh lại như đang suy nghĩ điều gì ghê gớm lắm. Mụ xắn cao đôi tay áo nâu bạc, bóng mụ đổ lên vách tường trong ánh đèn dầu nhập nhoạng hằn một khối hình thù kỳ quái. Mụ khấn thầm những điều không ai nghe rõ rồi làm động tác gì đó trong ánh đèn đang lụi.

Chị oằn rú lên. Một cục thịt đen thẫm, lầy nhầy, hình thù kỳ dị hiện dần, hiện dần dưới bàn tay mụ. Không nghe thấy tiếng khóc. Những bà lão dớn dác nhìn vào mắt nhau. Cả một đời dài dặc bây giờ họ mới giáp mặt với giây phút này. Khối thịt đen thẫm ngọ nguậy trong tay mụ đỡ. Mụ bàng hoàng kêu trời rồi chới với ngã sấp xuống đám xô chậu máu me. Một cơn gió bấc thổi vụt đến. Ngọn đèn dầu tắt ngóm. Im lặng rợn người. Không nghe thấy tiếng mụ đỡ. Không có tiếng khóc cất lên trong đêm.

Khi ánh đèn le lói trở lại cũng là lúc chị tỉnh dậy. Rồi chị lại ngất đi khi nhìn thấy hình hài yêu thương chờ đợi của mình. Một khối thịt đen thẫm, phập phồng, phập phồng. Mụ đỡ sau cơn choáng váng nằm bệt góc nhà không nói không rằng. Những bà lão ngồi sát vào nhau, những sợi tóc trắng lưa thưa bay dạt về một phía. Có ai đó bế hòn máu đặt sát vào chị. Chị nghiêng người ôm nó vào mình. Có ai đó đắp thêm cái mền bông, loay hoay che ánh sáng của ngọn đèn dầu. Ngoài kia dòng sông gầy guộc mùa đông đang thở, đang hát khe khẽ những lời chỉ cỏ cây mới hiểu. Sông ơi! Sông chảy thì ích gì. Sông đã chảy đi bao nhiêu nước và sẽ còn chảy bao nhiêu?

Là một người thông minh, trong những giọt nước mắt đớn đau, chị hiểu được hoàn cảnh của mình. Thuở bé, chị từng được nghe kể về những hoàng hậu, hoàng phi xinh đẹp tuyệt trần được nhà vua sủng ái sau một đêm sinh ra những đứa trẻ dị dạng, quái, lập tức ngày hôm sau cả ba họ lên đoạn đầu đài. Những vu hãm rùng rợn được ẩn dưới miệng lưỡi đưa đẩy của thế gian. Chị đã từng khóc rất nhiều trước những câu chuyện cổ tích oan khiên giáng xuống những người phụ nữ, kể cả phi tần hoàng hậu bị hãm hại bằng mưu ma chước quỷ. Khi còn ở chiến trường, chị cũng nghe nói phong thanh về nhưng không ngờ lại giáng lên đầu mình, trong đêm đông này, ngay khi danh phận của chị đang còn nhiều bàn cãi.

Mấy tháng gần đây, một số đồng đội đã thông tin cho chị về sự xuất hiện ác hiểm của . Ngày các chị sống ở những cánh rừng chết đến hàng tháng, đã có sự cảnh báo về . Cơ mà ở chiến trường, ngày ấy, mấy ai nghĩ đến một ngày xuất hiện ở trong mình. Có nhiều đứa cũng ở trong ấy ra, đã sinh con đẻ cái bình thường. Nghĩa là khả năng bị có thể chỉ là những đồn đoán vô căn cứ, những sợ hãi mơ hồ. Trong suốt thời gian thiên thần nhỏ bé của chị hình thành và lớn lên, chưa một lần chị nghĩ đến . Bây giờ thì chắc chắn đã xuất hiện rồi, giáng cho chị một đòn ác hiểm không báo trước. Rồi ngày mai, sự thật này vỡ ra, những ả lắm điều, những gã ve vãn, những tay đội trưởng sản xuất háo sắc sẽ tung tin đồn nhảm. Bọn chúng sẽ vu chị phạm húy đình đền nên bị phạt rồi tìm cách tống cổ chị ra khỏi làng, tách rời khỏi những bà mẹ tóc trắng. Các mẹ một đời nhịn nhục, lam làm, luôn chịu thiệt thòi, oan khuất, che chắn thế nào trước miệng lưỡi thị phi của bọn chúng. Chị không còn nước mắt để khóc. Chị sợ trời sáng. Những người đàn bà ở xung quanh chị cũng sợ trời sáng. Không ai bảo ai, họ cầu mong trời đừng sáng. Có thể nào trời không sáng được không?

***

Chị tóc dài ôm cái bọc tiến về phía bờ sông. Từ chiều, giọt máu đã không còn ngọ nguậy nữa. Những bà lão già cũng đã trở về làng, ôm chặt mảnh ngực gầy gò ho sù sụ. Những sợi tóc trắng rối bời trên con đường đất nhỏ. Chỉ còn một mình chị trong ngôi đình rộng mênh mông. Những hàng cột đen thẫm âm u đứng sắp hàng như dõi theo từng hành vi của chị. Nước mắt không còn, chị lặng lẽ ngước nhìn từng chùm ánh sáng yếu ớt giội xuống những rêu mốc trên nóc ngôi đình cổ. Những rễ, đa rễ si buông rối bời vô nghĩa lan tràn trên mặt đất. Chị đã quyết định rồi. Nó phải ngủ ở thềm sông, nơi những bậc đá rêu mốc chứng kiến buổi tối đầu tiên chị trở thành thiếu nữ cách đây hơn ba mươi năm. Hôm ấy cũng là một buổi chiều mùa đông nhưng trời ấm và sáng. Khi chị thấy ươn ướt phía dưới và kỳ quặc sợ hãi không hiểu chuyện gì xảy ra vội vàng dắt con trâu cái trở về làng. Đến tối chị mới hiểu mọi việc. Người mẹ xoa đầu con gái, thầm thì căn dặn. Chị xấu hổ nép vào mẹ bên ngọn đèn dầu. Bây giờ mẹ chị cũng không còn.

Chị không còn ai thân thích trong ngôi làng nhỏ. Chị vừa suy nghĩ vừa ôm cái bọc tiến về phía bậc đá. Chị đặt nó xuống, bắt đầu dùng chiếc xẻng nhỏ khoét từng nhát xuống mặt đất. Những nhát xẻng cứa vào lòng đất. Chị bỗng cảm thấy cái gì ươn ướt, dấp dính như ngày xưa nhưng chị không còn muốn suy nghĩ về nó nữa. Chị đào khẩn trương với những động tác dồn dập. Có lúc chị phải dừng lại để thở. Công việc này quá sức đối với một người mới sinh như chị. Chị muốn giọt máu của mình phải được ẩn thật sâu dưới lòng đất. Căn nhà của nó rồi cũng dần dần hiện hình. Bàn tay chị đã làm biết bao căn nhà như vậy ngày còn ở trong rừng. Những ngày như thế, mọi thứ trên đời dường như không còn ý nghĩa gì nữa, kể cả niềm tin thánh thiện và những giấc mơ hoan lạc. Chỉ còn lại sự câm nín vô hồn và u ám bóp nghẹt những đôi vai mảnh dẻ.

Lúc ấy, không hiểu tại sao chị lại thấy ươn ướt, nhớp nháp, nhưng chị mau chóng quên ngay những bản năng ấy. Căn nhà hiện rõ dần dưới bàn tay chị. Chị quỳ xuống trước cái hố đen thẳm, nhìn sâu xuống dưới ấy. Ồ! Ngôi nhà đẹp đẽ biết bao. Con của ta. Con hãy vui đùa ở đây cho thật thoải mái với dòng sông và những bậc đá nghìn năm tuổi. Chị ngẩng nhìn trời. Bầu trời xám và thấp trơ khấc vô hồn như không hiểu bất kỳ điều gì đang xảy ra ở bên dưới. Chị nhoài người về phía cái bọc, nâng nó lên, ấp nó vào ngực mình. Đôi mắt đã cạn khô của chị nhìn nó. Tất cả bỗng trong veo. Cả những phiến đá. Cả dòng sông. Cả bầu trời xám thấp và cả căn nhà nhỏ đột nhiên trong suốt. Đứa bé đã ngủ ngoan. Không biết là nó đang cười hay đang nghĩ ngợi những điều mà nó không bao giờ hiểu được. Chị xúc từng xẻng đất trang trí căn nhà. Khi khép lại cánh cửa, một tiếng hét vang lên, loang loáng trên khắp mặt sông. Chị ngã vật xuống bên căn nhà nhỏ.

Khi người ta đưa chị đến bệnh viện thì dường như chị đã lên được thiên đường. Chị gần như mất hết máu. Trần gian oái oăm đã giữ chị lại theo một cách riêng mà không một bác sĩ nào hiểu được. Cũng từ buổi ấy, chị rời bỏ ngôi làng. Ôi ngôi làng của chị. Ngôi làng thân thuộc từ tấm bé. Tuổi thơ chị ở đó. Những tưởng từ cánh rừng ra chị sẽ mãi mãi ở đó. Ngôi làng ngày tiễn chị, tiễn những người trẻ tuổi vào rừng theo một nghi lễ riêng, nghi lễ của người từng trải những thăng trầm, giặc giã. Ngôi làng nghìn năm tuổi như gầy hơn, rắn đanh lại. Rễ đa rễ si buông trầm mặc xuống dòng sông im lặng chảy. Người đi rất nhiều. Người về rất ít. Họ vẫn nối nhau đi, không phải chỉ bây giờ mà từ hàng ngàn năm đã như thế. Điều này chỉ dòng sông hiểu rõ nhất. Tiếp đó là từng thớ đất đồng làng. Vãn đi mỗi bàn chân thân thuộc, đồng làng rút mình lại, âm thầm trút nhựa vào lúa ngô, rau đậu, mặn mòi, iu ấp. Đã bao mùa đã qua. Bao mùa sẽ tới. Ngôi làng sao giản dị vô cùng. Ngày còn ở rừng, chị chỉ ao ước được trở về ngôi làng ấy, bờ tre ruộng lúa ấy, nhìn các mẹ các chị,  những người già đã chờ đợi trong hy vọng và tuyệt vọng. Chị sẽ hòa mình vào những đứa trẻ ở làng, và, chị sẽ sinh ra những đứa trẻ. Chao ôi! Mặc kệ người đời. Mặc kệ tất thảy.

***

Gã độc thân một mình trở lại ngôi làng, nơi Chị tóc dài đã ra đi. Gã nhẩm nghĩ, có lẽ mình phải về đấy. Chẳng thể bỏ mặc câu chuyện mà gã đã khơi lên. Thực ra, không có gã, câu chuyện vẫn diễn biến như thế chứ khác đi thế nào được. Đôi khi chúng ta chẳng có cách gì hay ho khi can dự vào đời sống. Không có anh A hay chị B, mặt trời vẫn mọc, vẫn đầy rẫy tai ương mọc như nấm dưới mặt đất. Gã lầm lũi bước. Khổ người to ngang, dáng hơi lùn của gã hóa ra đắc dụng. Gã bước từng bước chắc nịch, quả quyết tiến về phía ngôi làng. Kia rồi, gốc đa đã hiện ra. Mái đình đã hiện ra. Chiều chạng vạng hắt lên từng chùm ánh sáng từ dưới mặt sông giội vào ngôi đình nhỏ. Gã ngồi xuống thềm đình. Vắng lặng một cách kỳ lạ. Như thế càng tốt. Gã vốn không thích sự ồn ào. Gã ngồi dựa vào cây cột phía góc khuất nhìn ra sông.

Ngôi đình không hiểu vì lý do gì biệt lập hẳn với làng. Chắc ngày xưa khi tập hợp đội sản xuất, họ đã gom dân vào phía trong kia. Thiếu gì những cuộc tách dân khỏi đình chùa, thậm chí là phá dỡ đình chùa quăng tượng ném chuông xuống các dòng sông. Từng đã có lúc như thế. Từng đã có nhiều thời như thế. Những hưng vong trên mảnh đất này diễn ra hàng ngàn năm sử sách có thể chỉ ghi chép đại khái nhưng sự lưu truyền trong dân gian vẫn còn đó. Điều này chắc chắn dòng sông biết. Gã ngồi bó gối nhìn sông chảy. Giờ khắc dần trôi. Khi những tia nắng cuối cùng chui xuống dòng sông, cũng là lúc đầu óc gã chuyển động nhanh hơn, những suy đoán đan cài, luân chuyển loang loáng trong trí não. Chị kia đã bỏ đi rồi? Đành là thế. Thì gã đây chứ còn ai khác, mạnh khỏe, có học hẳn hoi vẫn quả quyết rời làng. Nhưng chị ấy đi đâu? Cầu mong chị đừng nghĩ điều gì dại dột. Và đứa bé? Nói gì thì nói, nó cũng là một sinh linh. Một sinh linh sớm chịu khổ đau oan khuất. Còn người đàn ông? Phải có một người đàn ông nào đó chứ? Hắn biệt vô âm tín nơi nao? Biết đâu khiếm khuyết là do hắn? Một gã Sở Khanh đào tẩu trong giờ phút đớn đau tột cùng của kẻ mình từng ôm ấp ư? Thật không còn hiểu ra làm sao nữa. Ngày trước, do ngần ngại, cả do dựa dẫm vào những suy tưởng đặc biệt của mình, gã đã không hỏi mấy bà già điều đó. Hỏi những điều ấy, gã thấy không ổn. Không nên truy hỏi nhau đến cùng những điều như thế. Mọi công khai hay níu giữ phải là ở quyền chị. Đã mất mát, đớn đau, dọ dẫm ích gì. Cậu là ai? Cậu dựa vào đâu để hỏi? Kể cả là biết được sự thật thì ích gì cho cậu, cho người đàn bà kia? Cả các mẹ già nữa. Các mẹ vẫn chưa đủ khổ đau hay sao? Các mẹ có tội tình gì? Gã bơi miên man trong ngập tràn những câu hỏi quẩn quanh, vô lý và có lý. Gã từ từ đứng dậy. Đúng rồi, ta sẽ hỏi mụ đỡ. Một người kinh nghiệm như mụ ít ra sẽ cho ta biết thêm được chút gì.

Tạm biệt dòng sông, gã rời khỏi ngôi đình nhỏ, bước ngược lại hướng đi ban chiều, xuyên qua một làng, rồi hai làng, tìm đến nhà mụ đỡ. Mụ vốn nổi tiếng khắp vùng nên chẳng khó khăn gì gã tìm được nhà mụ. Một gian nhà tranh vách đất cũ kỹ. Xung quanh là vườn, rất rộng, nhiều cây cối, đặc biệt là cây thuốc. Mùi cây cỏ thơm hăng hắc ngấm vào khứu giác.

Mụ đỡ đang ngồi trên chiếc chõng tre. Nghe xong tâm tư và những câu hỏi của gã, mụ im lặng nhìn ra phía trước. Chiếc đèn bão đong đưa sát vách hắt ánh sáng lao chao như ngọn lửa ma trơi. Dường như mụ đang có điều gì suy nghĩ lắm. Mụ nói nhỏ, lầm rầm như nói với chính mình. Oan nghiệt! Oan nghiệt quá! Trong mấy chục năm giúp bà con  khắp vùng chưa lần nào ta đau đớn và bất lực như vậy. Ta đã cảm thấy điều chẳng lành từ khi bắt mạch cho nó. Nó cũng như con ta, hiền hậu, an lành, sao trời nỡ làm tình tội. Đứa con gái duy nhất của ta cũng trạc tuổi nó, ngoan hiền lắm, tóc nó cũng dài, nó cũng vào chiến trường, vào những khu rừng.

Hôm tiễn chúng nó đi, ta đã linh cảm điều xấu sẽ giáng xuống chúng nó. Con ta không về. Vĩnh viễn. Nỗi đau ấy đang nguôi dần trong khoai lúa, trong tiếng khóc của những đứa trẻ bên dòng sông này, cả những người mẹ nữa, đã cho ta vịn vào để sống những ngày còn lại, thì đột ngột xuất hiện, đánh quỵ ta, ám ảnh. Từ hôm ấy, ta không dám ra khỏi nhà. Nhiều người vời ta đến giúp nhưng ta đều từ chối. Ta không thể chịu đựng thêm một lần nữa. Chao ôi, cái ngày tiễn chúng vào rừng chúng hồn nhiên lắm, tranh nhau gọi ta là mẹ, hẹn ngày về, hẹn sẽ sinh cho ta lũ lượt trẻ con. Mà đứa mất đứa còn, đứa còn như thế khác gì đã mất. Chắc là con bé bỏ đi rồi. Ta biết điều đó. Ta biết là nó mắc căn bệnh quái quỷ từ chiến trường, chứ dòng sông này, đồng đất này, ngàn đời cha ông tổ tiên ta không bao giờ có chuyện như thế. Thôi từ nay ta sẽ đóng cửa nghề, mãi mãi không bước ra khỏi làng nữa. Ta trồng cây thuốc cho dân làng trong mảnh vườn này thôi. Cậu cũng đừng hỏi thêm ta điều gì. Ta không muốn nói thêm điều gì nữa.

Gã độc thân ngồi bất động, cái bóng hắt lên vách đất kéo thành một vệt tối sẫm. Chiếc đèn bão đung đưa, lao chao trên vách nhà. Bà lão không nói gì nữa. Gã nhìn bà cụ. Tai ương đã giáng xuống cuộc đời chỉ biết làm phúc giúp dân làng của cụ. Cứ tưởng đứa con không trở về đã là đau đớn lắm, đã là một dấu chấm hết. Thế mà mọi chuyện chưa thể kết thúc. Nỗi đau tiếp tục xuất hiện, thình lình, không báo trước, nằm ngoài tính toán của những người hiền lương như cụ.

Gã chậm chạp đứng dậy, nói mấy câu từ biệt bà cụ rồi lặng lẽ bước vào màn đêm tối sẫm. Khi ấy, hình ảnh Chị tóc dài đã bắt đầu dần dần hiện lên. Gã nhìn thấy rõ ràng từng bước chân chị đi về phía thềm sông. Chị ngồi xuống bên cạnh nấm mộ cỏ đã mọc xanh. Trước mắt chị, dòng sông u uẩn chảy. Dòng sông đã chảy bao nhiêu năm và nó sẽ chảy bao nhiêu năm nữa. Người đàn bà thì thầm điều gì đó với những lá cỏ trên nấm mộ. Chị nói rất nhỏ nên gã không nghe thấy. Chỉ hiện lên khuôn mặt chị bừng sáng khác thường bên nấm cỏ xanh. Cả triền sông, cỏ xanh mịn màng, trải miên man ra tận mép nước. Có tiếng cá quẫy tũng toẵng dưới lòng sông.

Bên kia sông, từng ngọn khói chiều thơ thới, ngoằn ngoèo thả lên bầu trời im lặng. Gió gần như không thổi, chỉ khe khẽ lướt trên những lá cỏ mềm. Những chú kiến nhẹ nhàng di chuyển trên những cành cỏ xanh trên nấm mộ nhỏ. Dường như, lũ kiến cần mẫn không chút bận tâm trước sự xuất hiện đường đột của người đàn bà. Ở đây, chúng mới là chủ nhân đích thực của thềm sông, cây cối và những bậc đá. Tổ tiên chúng, đã ăn đời ở kiếp ở đó. Chúng sinh ra, vật lộn, gây dựng cơ nghiệp, già yếu và hóa thành đất đai ở thềm sông. Người đàn bà vẫn ngồi im lặng. Không ai biết chị đang nghĩ gì.

Phía trước, dòng sông u uẩn chảy.

P.V.K