Võ Quê
(Vanchuongphuongnam.vn) – Từ trước đến nay, chúng tôi chỉ được đọc và trân quý thơ văn của nhà thơ Lê Quốc Hán qua những bài viết đăng trên các tạp chí, trên mạng thông tin, báo điện tử mà chưa được trực tiếp cầm trên tay một cuốn sách nào của ông. Nay qua mạng xã hội, được biết tác phẩm văn xuôi đầu tay mà ông gọi là ngẫu văn “Hai phía chân dung” (Nhà xuất bản Nghệ An, 2021) ra mắt bạn đọc, chúng tôi vội tìm sách qua anh Nguyễn Trọng Quế, người bạn đồng môn của nhà thơ với tấm lòng mến mộ.
Tác phẩm “Hai phía chân dung” của Lê Quốc Hán
Mến mộ là phải vì chỉ với trang bìa gấp của “Hai phía chân dung” đã thấy hiện ra dòng tiểu sử Phó Giáo sư, Tiến sĩ toán học Lê Quốc Hán là Nhà giáo Ưu tú, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam với các tác phẩm thơ: “Lời khấn nguyện”, “Biển vô cùng”, “Mạc khải”, “Bất biến”, “May”; Bình thơ: “Thơ trong ký ức”, “Giao cảm thơ”; Văn xuôi: “Hai phía chân dung”. Từ những tác phẩm văn học ấy, ông đã nhận 6 giải thưởng văn học có giá trị về thơ, bình thơ, văn xuôi.
Đúng với tinh thần ngẫu văn, 69 bài viết trong cuốn sách dày 356 trang đã có sức hấp dẫn người đọc. Gia quyến, thân thế, sự nghiệp ông phong phú, đa dạng quá. Hình ảnh người cha: “Cha ta, một tín đồ nhiệt thành của tôn giáo thi ca. Người sinh ra bên bến Tam Soa, nơi hai con sông Ngàn Phố và Ngàn Sâu hợp lưu với sông Cả thành Lam Giang rồi đổ ra biển cả. Chẳng biết có phải vì tình đồng hương hay không mà ngày nào Người cũng đọc thơ của chàng thi sĩ họ Cù cho ta nghe. Người thổi vào hồn ta nỗi sầu mang mang thiên cổ” (Điều bí ẩn thứ ba), hình ảnh người mẹ (Người mẹ thứ hai), người thầy (Vầng trăng thơ dại), hình ảnh người chị (Chị tôi), người bạn (Người thi vào đại học điểm mười văn)… qua bút pháp tài hoa của ông đã khơi gợi nhiều hồi ức đẹp, nhiều kỷ niệm quý báu vui, buồn, thương cảm cùng những con người nhân ái, cao thượng, mẫn tiệp, tài năng, trung hậu đã từng gắn kết với cuộc đời ông qua thời bình, thời chiến trên mảnh đất quê hương yêu dấu. Khi viết về họ, những mạch nguồn tình cảm thiêng liêng, tâm huyết trong ông được thể hiện khúc chiết, chân thành, chứng tỏ ông có một tâm hồn lớn, luôn nâng niu, gìn giữ những giá trị văn hóa, tinh thần từng đồng hành với nhịp đời ông.
Đi và viết là một mảng đề tài đặc sắc trong “Hai phía chân dung”. Bên cạnh những trang văn ngẫu hứng, rung cảm, đầy ắp suối nguồn thương yêu dành cho quê hương tươi đẹp, giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, nơi chôn nhau, cắt rốn, nơi học tập, trưởng thành: “Tôi chôn rau cắt rốn ở Kỳ Anh, vùng đất phên dậu từ thời Lý – Trần – Lê là đại bản doanh của Chúa Trịnh thời Trịnh – Nguyễn phân tranh, và trung tâm của chiếc đòn gánh miền Trung gánh hai đầu đất nước mấy trăm năm sau này.
Một người bạn vốn tính lãng mạn đặt cho Kỳ Anh quê tôi cái tên mỹ miều “Thung lũng nàng tiên”. Anh có cái lý của mình, vùng đất này bốn phía bao bọc bởi núi liền núi. Phía Bắc núi Voi phục, núi Xuyên Cầm dăng ngang. Phía Nam Hoành Sơn trải dài, tạo thành biên giới tự nhiên giữa Hà Tĩnh và Quảng Bình. Phía tây dãy Giăng Màn – một khúc Trường Sơn – bốn mùa mây trắng, mây đen bao phủ. Phía đông núi Cao Vọng, núi Bàn Độ cao vút chọc trời với bao sự tích huyền thoại” (Thung lũng nàng tiên), ông Lê Quốc Hán đã rất tinh tế, uyên bác khi tâm huyết viết về những nơi chốn từng qua. Phải chăng từ những trải nghiệm sinh động của thực tiễn cuộc sống đã giúp ông có những tầm nhìn chuẩn xác, những nhận định khách quan nhưng vô cùng tình cảm để mỗi địa danh ông nhắc tới đều sống động, hiện hình các sắc thái, sự kiện, cảnh quan thiên nhiên, của con người, tạo hiệu ứng cho độc giả, khiến họ muốn được tìm về nơi ông đã từng đi và viết. Điều này có thể tìm thấy qua các ngẫu văn “Đất nước đẹp dáng rồng bay”, “Một thoáng Thiên Cầm”, “Về quê Bà Chúa thơ Nôm”, “Chạm ngõ miền Tây”, “Một góc Thành Vinh”, “Ấn tượng Cửu Long Giang”, “Ký sự Đồng Nai”…
Tình yêu dành gởi gắm vào thảo hoa, cây lá trong nhà thơ Lê Quốc Hán cũng bàng bạc, mênh mang cùng cung bậc lãng mạn, trữ tình. Ngẫu văn “Đất nước ngàn hoa” đã khái quát về non sông gấm vóc Việt Nam mùa nào hoa nấy đẹp đẽ, ngập tràn hương sắc. Chăm chút, nâng niu từng con chữ với sự trang trọng thiên nhiên vô hạn, nhà thơ Lê Quốc Hán đã giúp người đọc thích thú với các ngẫu văn “Hoa và người”, “Muỗng và xoài”, “Huyền thoại sen”, “Sự tích cây bạch đàn”…”Hoa sen được xem là cao quý vì dù sống giữa vũng nước tù đọng và bẩn đục, bông sen vẫn nguyên vẹn trắng trong thanh khiết. Người Việt Nam và Nhật Bản xem hoa sen là biểu tượng, là hình ảnh của những người dân thường sống giữa xã hội đầy đê tiện vẫn giữ được tâm hồn thanh sạch. Nó khac với các loài hoa khác muốn giữ được mình phải lui về nơi hoang vắng như lau hay ẩn cư như cúc. Cao quý như vậy, hoa sen thường được dâng lên bàn thờ gia tiên ngày đầu tháng hay được dâng lên bàn thờ Phật mỗi ngày. Hình ảnh hoa sen được trang trí trên các họa tiết nơi đình chừ, miếu mạo thiêng liêng…” (Ký ức sen).
Vốn đã thành công trên lĩnh vực bình thơ, nhà thơ Lê Quốc Hán đã dẫn dắt người đọc vào những ngẫu văn đẹp, hào hoa trong Xuân không mùa với thi sĩ Xuân Diệu: “Hơn nửa thế kỷ trôi qua, hình ảnh Chàng Xuân lên xe rồi còn đưa tay vẫy vẫy, như muốn níu mùa xuân trở lại”; cuốn hút người đọc vào cõi thơ của Huy Cận (Chàng Huy Cận khi xưa hay sầu lắm), của Hàn Mặc Tử (Hành hương theo dấu chân Hàn Mặc Tử), của Nguyễn Bính (Hậu tương tư), của Trinh Đường, Thái Doãn Hiếu (Người tìm trầm).
Từ tác phẩm “Hai phía chân dung” của nhà thơ Lê Quốc Hán, chúng tôi càng hiểu và tôn quý nhiều hơn miền đất Hà Tĩnh, Nghệ An, nơi đã xuất hiện nhiều danh nhân trên nhiều lĩnh vực, trong đó ông Lê Quốc Hán đã sống, đã yêu rất da diết, thiết tha quê nhà đất và người, đã cống hiến hết mình vì sự nghiệp toán học, văn chương; xứng đáng với tình cảm mà bạn đọc trong ngoài nước hướng về ông.
Chúng tôi đồng cảm, đồng tình sâu sắc với nhận xét của nhà thơ Trần Nam Phong về tác giả “Hai phía chân dung”: “Nhà thơ Lê Quốc Hán nói về đạo và đời, lịch sử và thi ca với một kiến thức uyên thâm, phong thái dung dị và có một cái gì đó nhẹ hẫng như không.
Vâng, tôi hiểu để đạt được cảnh giới này, nhà thơ đã đi qua một chặng dài trên hành trình sống, trải nghiệm và viết, nối cái hữu hạn kiếp người với vô biên trời đất và vũ trụ tâm linh”.
Huế 19.5.2021
V.Q