Hoàng Thị Thu Thủy
(Vanchuongphuongnam.vn) – Tôi biết em vì tôi thường tìm thơ viết kịch bản, còn biết em vì có buổi tôi vừa bước ra khỏi lớp, thì cũng là lúc đến giờ của em, chúng tôi cùng dạy cho một lớp Đại học liên thông… Rồi sách của em xuất bản, và em nhắn tin tặng thơ cho tôi: “Thương hoài thương hủy”, chữ em viết tặng rất đẹp. Tập thơ dày dặn những bài thơ sắp xếp kín trên trang giấy, không để khoảng trống (302 bài). Tập thơ được bố cục thành 3 phần, tên mỗi phần đã gợi cảm hứng cho người đọc: buồn vui chi cũng tím bầm nhớ thương; thương dân ca, nhớ hò khoan quê mình; những điều không nói thường là rất đau.
Tập thơ “Thương hoài thương hủy” của nhà thơ Nguyễn Lãm Thắng
“cứ hẹn miết, rồi không về, bắt mệt!/ đợi với chờ, nghe ớn họng ông quơi!/ hứa cho cố, để cuộc tình trớt quớt/ mấy chục năm, ông lạc mấy phương trời?/ nói ông biết, quê chừ, đau rát rạt/ sông chết rồi, nước cạn xịt, đục câm/ núi trọc lóc, núi cúi đầu, xơ xác/ ngó ráng chiều, như ngó rạch dao đâm/ ông đi hoài, có khi mô ông nhớ/ thời trẻ trâu, ai cũng nhớp như lồi/ quần áo rách, vá đùm, lòi lỗ đít/ chổng chồng mông, là thấy cả sao trời/ một thời đói, chuối, nần, khoai, sắn ghế/ con chữ nằm bí rị, toát mồ hôi/ đành nghỉ học, lo ruộng đồng, than củi/ nghe máu bầm trong giọt nước mắt rơi/ khổ, khổ thiệt, rứa mà mình cũng lớn/ đứa mô dòm, cũng bự chảng hết trơn/ rồi tới lúc, biết dị òm, mắt tịt/ lại rủ rê đi gò gái bên cồn/ thân thiết quá, cũng làm ra xa cách/ cứ như là, rồi vẫn cứ như không/ câu hát cũ héo queo từng nút nhạc/ mấy chục năm, tui cũng đã theo chồng/ bữa hơm tết, tình cờ tui gặp lại/ mới biết ông già, và ớm nhách như ri/ nhưng cái tính trổ trời và nói ngẳng/ nói chung là, hắn vẫn cứ y nguy/ ông cứ trách, nhưng tui là con gái/ như trái cau non rớt xuống ục bùn/ ai biểu ông chi, tui đâu làm phách/ chỉ tóc dài, mới hiểu được dây thun/ chừ ông ở chỗ mô? mà xa quắc/Biết khi mô, tui mới ghé thăm ông/ thôi rứa hị! trách hờn chi, bày đặt/ bởi đất trời vốn dĩ quá mênh mông” (thương hoài thương hủy).
Bài thơ đậm chất phương ngữ Quảng Nam (nằm trong số 50 bài thơ thuộc Phần 1 – “buồn vui chi cũng tím bầm nhớ thương” – kể về tuổi ấu thơ của chàng trai xứ Quảng, kể kí ức bằng thơ, sử dụng phương ngữ như nhà thơ Nguyễn Lãm Thắng quả là tài hoa, độc đáo. Không hổ danh là giảng viên đại học chuyên sâu nghiên cứu Hán Nôm, ngôn ngữ học và văn hóa Việt Nam; thi sĩ quê Đại Lộc đã nắm vững phương ngữ quê nhà đến mức bắt vần vào thơ cứ tự nhiên như không, và nếu những phương ngữ “răng, ri, mô rứa…” của xứ Huế được mọi người biết đến qua thơ Tố Hữu; thì chúng tôi cũng đã biết đến những phương ngữ Quảng Nam “quơi, trớt quớt, bự chảng, hơm, ớm nhách, ục bùn, xa quắc” qua thơ Nguyễn Lãm Thắng. Câu chuyện “thời trẻ trâu” trong tứ thơ trôi chảy gợi về kí ức tuổi thơ thật tự nhiên, dồi dào hình ảnh, mà hễ nhớ đến thôi nước mắt đủ rưng rưng, sử dụng giọng thơ “tỉnh queo” cái tôi thi nhân tự độc thoại, đối thoại, câu chuyện ngày xưa được kể bằng thơ thật sinh động và dư âm tiếc nuối ngậm ngùi khiến cho hình ảnh thơ như có thần, thu hút đối tượng trữ tình là em và cả độc giả. Tôi rất thích câu thơ “chỉ tóc dài, mới hiểu được dây thun” trong bài thơ, dù chẳng hiểu tận cùng sâu xa ý nghĩa của câu thơ, mơ mơ hồ hồ mà ám ảnh.
Cả tập thơ có nhiều bài thơ nhắc về quê hương, nơi “chôn rau cắt rốn” của anh, một địa danh mà hễ nhắc đến ai cũng nhớ “Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm”; tuổi thơ – quê hương xuất hiện trong mỗi trạng thái cảm xúc của nhà thơ là một vùng kí ức khó quên: “tình quê”, “gặp cô hàng xóm bồng con so”, “một ngày của mẹ”, “đêm quê mưa dữ”, “ký ức tuổi thơ”, “buổi trưa ở làng”, “nhớ Quảng Nam”, “về quê ngồi ngó nắng vàng”, “nắng hạn không giới hạn”… Nhà thơ đã đưa những bài thơ nhớ quê vào Phần 2: “thương dân ca, nhớ hò khoan quê mình”, dẫu đã gom vào một mảng thì giọng Quảng, xứ Quảng trong thơ anh vẫn in hằn trong cả tập thơ. Ở bài thơ “nhớ Quảng Nam” anh nhắc đến các địa danh, các tên đất, tên làng thân thương, trìu mến, gan ruột, bởi vì không chỉ là địa danh mà còn là văn hóa, là đặc sản mỗi vùng đất mà hễ nhắc đến ai cũng mong mỏi một lần ghé qua: “nhớ chi lạ đêm trăng Hoài Phố/ dắt em qua chạm bóng Chùa Cầu/ nhớ Mỹ Sơn một chiều nắng ấm/ em nghiêng tóc thề bên tháp cổ rêu xanh/ nhớ chi lạ một tô mì Quảng/ trái lòn bon ngọt quá chừng chừng/ nhớ bánh tráng thịt heo Đại Lộc/ trái mít non thương nhớ cá chuồn”. Là thơ mà đọc lên như có âm nhạc bởi tính liên văn bản quá rõ, nó “như một bức tranh khảm” mà mỗi câu thơ đọc lên là âm vang cả một miền nhớ. Tôi nhớ, có lần một sinh viên ngành Việt Nam học của tôi thuyết trình về mì quảng xứ Quảng Nam, em nói do nắng, gió Quảng Nam mà hạt gạo ở đây khi làm ra mì quảng có hương vị riêng, không lẫn vào vùng miền nào… Nói về nắng nơi đây, bài thơ “buổi trưa ở làng” của nhà thơ thật ấn tượng: “buổi trưa làng nóng sôi sôi/ con ve giơ cẳng lên trời nằm đơ/ ngọn cây đọt cỏ xụi lơ/ chó le lưỡi thở, bò ngơ ngác dòm/ gà mẹ đẻ, ré um sùm/ gà con nghí ngởn dưới lùm ớt xiêm/ trên khu đĩ có con chim/ nói chi hổng biết, mắt lim dim buồn/ thằng cu bên ảng cởi truồng/ dội liền mấy gáo nước tuôn ra hè/ ông già nằm ngủ phẻ ra/ nắng trưa lổ đổ nằm đè lên ông/ ấm chè trên bếp phập phồng/ củ khoai nướng đã khét nồng trong tro/ con gà trống gáy o o/ gót chân sạm, dắt toan lo ra đồng”.
Khi đọc bài thơ “Chợ Tết” của nhà thơ Đoàn Văn Cừ, Đào Duy Hiệp đã viết: “Nhà họa sĩ “ngây thơ” Đoàn Văn Cừ đã trình bày cho ta biết một “bản nguyên sống” trong sự tồn tại hồn nhiên, bề bộn mà lại nhịp nhàng của đời sống…”([1]). Đặt “buổi trưa ở làng” bên cạnh “Chợ Tết” có vẻ như “khập khiễng” vì không gian và thời gian không giống nhau, nhưng hãy đọc kĩ hai văn bản để thấy cái nhìn của thi nhân ở mỗi thời có nét tương đồng và khác biệt khá lý thú. Không gian trong “Chợ Tết” rộn ràng, tấp nập, được nhìn từ xa đến gần, từ thiên nhiên đến con người – trung tâm của bức tranh chợ tết. Thời gian từ tinh mơ cho đến vãn cảnh chợ – từ “Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi” đến “ánh dương vàng trên cỏ kéo lê thê”, và các tác giả trong Thi nhân Việt Nam đã viết về những câu kết trong bài thơ: “Những câu ấy đều khép lại một thế giới và mở ra một thế giới: khép một thế giới thực, mở một thế giới mộng…”.
Thế thì “buổi trưa ở làng” ngược lại, câu kết của bài thơ mở ra thế giới thực trong sự cảm thông, chia sẻ với cái nhìn cận cảnh về hình ảnh người nông dân “chân lấm tay bùn” – “gót chân sạm, dắt toan lo ra đồng”. Sau sự là tình; các hình ảnh, âm thanh như diễn ra trong thước phim quay chậm, tất cả dường như ngừng chuyển động vì nắng trưa: từ “con ve giơ cẳng lên trời nằm đơ”, cho đến “bò ngơ ngác”, “chó le lưỡi”, “ngọn cây đọt cỏ xụi lơ”… “thằng cu cởi truồng”, “ông già nằm ngủ phẻ ra”… thì hình ảnh hoán dụ “gót chân sạm” lại “dắt toan lo ra đồng” thật thương cảm. Nhà thơ Trần Đăng Khoa trong bài thơ “Hạt gạo làng ta” cũng có những câu thơ cực tả về công việc vất vả cực khổ của người nông dân qua kết cấu đối lập (8 câu đầu đối lập với câu cuối): “Hạt gạo làng ta/ Có bão tháng bảy/ Có mưa tháng ba/ Giọt mồ hôi sa/ Những trưa tháng sáu/ Nước như ai nấu/ Chết cả cá cờ/ Cua ngoi lên bờ >< Mẹ em xuống cấy…”. Nguyễn Lãm Thắng sử dụng hình ảnh đối lập giữa 15 câu thơ đầu với 1 câu thơ cuối, quả là tuyệt bút, khi tập trung miêu tả cảnh vật, con người trong trưa nắng đều đứng im, mệt mỏi, đơ ra vì nắng, và hạ câu kết thật đắc địa với hình ảnh hoán dụ: gót chân sạm, dắt toan lo ra đồng – gót chân sạm – gót chân đã sạm đi vì nắng bởi lo liệu công việc chu toàn. Một hình ảnh thật sự ám ảnh người đọc. Không – thời gian luân chuyển trong bài thơ “buổi trưa ở làng” với cái nhìn đa chiều, cùng sự quan sát tỉ mỉ, trong sự lắng nghe âm thanh, tiếng động tinh tế. Có lẽ nhà thơ đã sáng tạo từ mới “nghí ngởn”, người ta thường sử dụng từ “tí tởn”, “hí hửng”, nay với gà con thì – “gà con nghí ngởn dưới lùm ớt xiêm”.
Với cái nhìn nghệ thuật độc đáo về thế giới và con người như thế thì câu chuyện nhà thơ là tác giả của 5 bài thơ (hoặc trích đoạn) được đưa vào sách giáo khoa bậc Tiểu học là một câu chuyện khá lý thú: “… một duyên tình cờ, bài thơ “Nắng hồng” của Nguyễn Sư Giao in ở trang 179, còn bài thơ “Hoa giấy” của Nguyễn Lãm Thắng in trang 180 – hai cha con tựa lưng vào nhau”([2]). Đó là những bài thơ được chọn trong tập thơ “Giấc mơ buổi sáng” với 345 bài trong 1.000 bài viết cho thiếu nhi…
Chàng trai Nguyễn Lãm Thắng từ xứ Quảng ra thi “Thấy O gái Huế chân đi không đành”, và anh không chỉ trở thành giảng viên của khoa văn Đại học Sư phạm Huế, mà còn là người thơ của xứ sở mộng mơ. Anh đã bén duyên, cắm rể ở mảnh đất thần kinh, và rồi da diết, luyến lưu, mời mọc bạn bè xa gần đến với Huế, đến với miền đất của thi ca, nhạc họa: “Về Huế đi anh!/ Ta dìu nhau qua lối Kinh Thành/ Chiều sen thơm ửng vàng giọt nắng/ Tay cầm tay Ngọ Môn nghiêng bóng/ Đường Nội thành biêng biếc lá xanh/ Về Huế đi anh!/ Tay cầm tay ta dắt qua cầu/ Dòng sông Hương dạt dào con sóng/ Câu tình yêu trao nhau đầm ấm/ Nghe chiều mềm trong tóc em bay/ Về đây anh nhé!/ Khúc Nam Bình chờ ai luyến thương/ Bóng con thuyền dệt tơ khói sương/ Có anh về hạ ơi! vấn vương/ Về đây anh nhé!/ Đã bao chiều lòng em nhớ mong/ Trái tim buồn này anh biết không?/ Rối tơ lòng, thơ chưa viết xong/ Chừ Huế riêng em!/ Nón bài thơ thương nhớ cong vành/ Chiều bơ vơ đôi tà áo trắng/ Cổng trường xưa chừ răng im vắng/ Em gửi lòng phía ánh trăng xanh” (Về Huế đi anh). Với tứ thơ luyến lưu, dìu dặt “về Huế đi anh” nhà thơ vừa mời gọi, vừa tự tâm tình với mỗi góc phố, hàng cây – nơi chàng trai tóc xanh xứ Quảng đến đây rồi vương vấn với tình đời, tình thơ: “thần Kinh xao xác ngô đồng”, “tôi lăn cùng phố cùng mưa”, “man mác, mênh mông và đau đáu”, “dế kêu đêm nhớ Việt”, “tôi về giữa phố đêm nay”, “mưa mù như nhang khói”, “ngó mà bưa”, “cà phê sáng ở Thủy Dương”… Nói đến Huế người ta thường nghĩ Huế là mưa, Huế là thanh, Huế là dịu… Nơi nào cũng có mưa, nhưng sẽ chẳng có địa danh nào ở đất nước Việt Nam có mưa nhiều như ở Huế. Mùa đông ở Huế là mùa mưa, mưa dầm dề, mưa lê thê, và nhà thơ Nguyễn Lãm Thắng cũng có nhiều bài thơ viết về mưa Huế khá ấn tượng: “mưa từ góc chợ Đông Ba/ mưa ăn buổi sáng mưa qua Tràng Tiền/ mưa tuôn hết đứng rồi nghiêng/ đâm vô làm rách nỗi phiền muộn tôi/ Hùng Vương, Lê Lợi bùi ngùi/ Đội Cung lạnh, Bến Nghé bồi hồi thêm/ bất ngờ, phố ướt tèm nhem/ tôi phơi tôi giữa bốn bên lạnh lùng” (tôi lăn cùng phố cùng mưa). Mưa trên từng góc phố, mưa xuyên ngày xuyên đêm là cách nói quen thuộc, nhưng mưa mà “đâm vô làm rách nỗi phiền muộn tôi” thì mới, mang cá tính sáng tạo của nhà thơ, dù nhà thơ không nói lạnh mà thấy lạnh, không nói cô đơn mà thấy cô đơn, không nói buồn mà thấy buồn, vì mưa mà “tôi phơi tôi giữa bốn bên lạnh lùng”.
Nhà thơ định hình, định danh mỗi tên đất, mỗi địa danh Huế vào thơ và thơ như là sự ghi nhớ những bước chân của anh trên mọi nẻo phố phường. Nhiều khi đọc thơ anh, tôi đoán xem gia đình anh đang sống ở con đường nào trên thành phố Huế, rồi chợt nghĩ, con đường nào, góc phố nào cũng in hằn dấu chân thi sĩ: “gió thổi tới, mây tuột lui/ tôi văng khỏi Huế, về ngồi Bao Vinh/ một mình. hết sức làm thinh/ nhìn đời, vất vưởng lục bình nổi trôi/ Mậu Tài gần một chút thôi/ đắn đo Tiên Nộn, bồi hồi Thanh Tiên/ chung dòng, mà sóng rất riêng/ trăng Địa Linh, đã nằm nghiêng dưới cầu/ Trại Hòm đóng cửa từ lâu/ mà sao quán vẫn xanh màu Mụ Đa?/ tri âm gần, tri kỷ xa/ chiều hiu hiu gió như là heo may” (man mác, mênh mông và đau đáu). Những Bao Vinh, Mậu Tài, Tiên Nộn, Thanh Tiên… gợi liên tưởng đến những câu ca dao, những dấu tích văn hóa ở nơi này, đúng là man mác mà đau đáu, thật lạ, cứ như anh đang “ngấm” đến tận cùng những giá trị văn hóa ở mảnh đất kinh kì. Đất Huế níu chân anh, anh tri ân nơi mình lập nghiệp, tạo dựng hạnh phúc bằng những vần thơ bồi hồi thương nhớ. Anh xứng đáng được ghi danh vào thế hệ thi sĩ đương đại viết cho Huế đẹp và thơ.
“cuối năm thả khói lên trời/ đốt ưu tư chạm mắt người buồn tênh/ tóc còm cõi phận lênh đênh/ đã đôm đốm bạc nỗi mình xanh xao” (dọn vườn cuối năm). Cuối năm thi sĩ dọn vườn, còn tôi thì đi mãi vẫn chưa hết vườn thơ của anh, càng đi càng nhận ra thi sĩ không chỉ có tài thơ mà luôn mang trong mình trái tim đau đáu với hai quê “thương dân ca, nhớ hò khoan quê mình”. Thi tứ dồi dào trong cảm xúc thăng hoa cùng cái nhìn của thi nhân vừa tinh tế, vừa tường tận, và anh đã có ý thức ghi dấu phương ngữ Quảng Nam vào thơ của mình; sẽ đến lúc người ta nhắc đến anh là nhắc đến phương ngữ Quảng Nam và ngược lại. Còn Huế ghi danh thi nhân Nguyễn Lãm Thắng viết về Huế với trái tim luôn ăm ắp nỗi niềm “những điều không nói thường là rất đau”, bởi vì “buồn vui chi cũng tím bầm thương nhớ”.
Huế 16/1/2021
H.T.T.T
—
([1]) https://www.thivien.net/%C4%90o%C3%A0n-V%C4%83n-C%E1%BB%AB/Ch%E1%BB%A3-T%E1%BA%BFt/poem-D3wrKcf7SBsjhsqBdwn9aw
([2]) https://thethaovanhoa.vn/van-hoa/nguyen-lam-thang-5-bai-tho-xuat-hien-7-lan-trong-sgk-n20200624082947416.htm