Hắn và tôi

859

Mỹ An

(Vanchuongphuongnam.vn) – Hắn học lớp Đệ Nhị trên tôi một lớp, cùng ở chung nhà trọ, học chung Trường Trung học Trần Cao Vân – Tam Kỳ – Quảng Tín (Nay là tỉnh Quảng Nam). Hắn ở làng Sơn Yên gối thế núi bà Hiển, tôi ở làng An Tây dựa sông Tiên chảy ngược, hai làng cách nhau con đường cái lớn đi ngang qua cánh đồng Sa, đồng Cầu.

Hắn người cao mắt to mày rậm sóng mũi dọc dừa, thế đứng như núi. Tôi thấp bé tóc mượt, dáng nằm như sông. Hắn sống phớt Ăng-lê, tỏ ra không sợ cái gì trên đời, ngay cả hỏa tiễn réo qua đầu nổ chớp lòe trước mặt vẫn không sợ, ngậm điếu thuốc lá phì phèo đi giữa đường, tôi loay hoay chạy trốn như gà mắc đẻ. Hắn tỏ ra dửng dưng với đời. Tôi đắm chìm trong Khúc tình buồn “Thà như giọt mưa vỡ trên tượng đá” của Nguyễn Tất Nhiên.

Hắn và tôi khác nhau nhiều vậy nhưng lại chơi thân với nhau thành đôi tri kỷ. Nhớ hồi năm 1970, hắn rủ tôi về nhà cùng mở lớp dạy hè. Hắn dạy lớp 4 lớp 5, tôi dạy lớp 2 lớp 3, tiền học phí thu được chia nhau để phụ tiền ăn tiền trọ và mua áo quần, dụng cụ học tập.

Một chiều ngày hè năm học 1972 – 1973, hắn chạy ù đến tìm tôi, mặt  sáng rỡ, bất chợt buồn thiu, hắn nói:

– Tao đậu Tú Tài rồi! Nhưng không có tiền chạy giấy hoản dịch gia cảnh, tao phải đi lính thôi! Còn mày cố gắng năm sau vào đại học Văn khoa. Tao thấy nó hợp với cái tạng của mày. Biết đâu sau này mày thành nhà thơ nhà văn cũng nên!

– Tao mà thơ với văn cái nổi gì! Tôi phản ứng:

Nhìn chằm băm vào mắt tôi, hắn nói như một triết gia:

– Mày biết Napoleon không? Hồi sinh thời ông đã từng nói với một viên sĩ quan trên tàu: “Hãy đọc sách và quan tâm đến thi ca. Các nhà thơ là những người có khả năng chắp cánh cho tâm hồn và mang đến cho ta cảm giác thần tiên”. Dừng một lúc hắn tiếp:

– Mày thấy đó, Napoleon là một vị tướng tài ba của thế giới giữa thế kỷ XIX, câu nói của ông đã cho thấy thi ca tác động đến tâm hồn con người như thế nào rồi. Nói xong, hắn đăm chiêu đốt điếu thuốc Ruby queen hít một hơi, nhìn vào khoản không gian yên lặng. tôi khâm phục trí nhớ của Hắn, phụ họa thêm:

– Ừ! Bây giờ chiến tranh, toàn những chết chóc, đau thương và mưa gió làm sao có thơ được!

Hắn phản bác:

– Có chứ! Bên cạnh chiếc gươm lại tìm thấy cây đàn. Mày có biết thú đau thương không? Thơ cũng từ đó mà ra cả! Mưa thì ướt áo nhưng mưa cũng thi vị. Mưa làm cho cảnh vật, con người thật lãng mạn. Mày có nhớ dưới mưa, bọn mình đã từng súng sính trong chiếc áo mưa đạp xe chở nhau từ Tam Kỳ về Tiên Phước qua những hàng me mưa bay lất phất, tao hát vang bài “Ngày dài trên quê hương” của Trịnh Công Sơn: “Một người già trong công viên/ Một người điên trong thành phố/ Một người nằm không hơi thở/ Một người ngồi nghe bom nổ/ Một người ngồi hai mươi năm”. Còn mày như ông cụ non ngu ngơ ngốc nghếch… Nói xong, hắn vô tư ngửa mặt lên trời cười ha…ha… khoái chí!

Mấy tháng sau hắn nhập ngũ, học 9 tháng tại Trường Sĩ quan Thủ Đức Sài Gòn, còn tôi tiếp tục lên học năm Đệ Nhất cấp chuẩn bị thi Tú Tài năm học  1973 – 1974. Hắn đi rồi, còn lại mình tôi trong căn gác trọ đìu hiu, đêm đêm nghe tiếng súng vọng về lòng lại bâng khuâng lo cho hắn nhưng kịp nhớ ra hắn chưa đến ngày ra trường. Những lá thư viết vội của hắn gửi cho tôi về sau ngày một ít hơn. Nhớ hắn, tôi lục lại xem thấy thương những nét chữ  đã nhuốm màu quan san bụi đường chinh chiến.

Cuối năm 1972, hắn xin phép về thăm tôi. Ăn cơm lính mới mấy tháng mà trông hắn lạ hoắc. Hắn cao to ra, nước da ngăm đen đầy nắng gió. Hắn mặc bộ quân phục ủi hồ láng cón, gun tay áo đến khuỷu tay, tóc cắt ngắn, chân mang giày bốt đờ sô, đội mũ lưỡi trai trông rất oai. Tôi đón hắn lúc trong túi không có một xu. Hắn thăm tôi trong tay không còn một cắt nhưng hắn vẫn dứt khoát rủ tôi đi nhậu cho được. Hắn nói phải uống vài ly để mừng ngày hội ngộ. Thế là hắn đi ký nợ 3 cây thuốc capstan, sang quán nhà bên bán lại lấy tiền đi nhậu, mai hắn về nhà xin tiền xuống trả.

Ngồi bên nhau uống mấy ly bia larue con cọp, nói chuyện trên trời dưới đất đến nửa đêm nghe chếnh choáng, mỗi đứa dõi theo một suy nghĩ. Hắn vào nghiệp lính cũng đành, chỉ tội cho ông già có mình hắn là con trai độc nhất…! Còn tôi không biết tương lai thế nào. Ngày mai vẫn còn tiếng súng, chết chóc, đau thương… biết đâu mà lường. Đêm huyền hoặc từ những bóng đèn mờ tàn phế hắt ra thứ ánh sáng lộn xộn không rõ mặt người. Chợt nghe bài hát của nhạc sĩ Tuấn Khanh từ chiếc máy cassette vọng ra: “Quán nửa khuya đèn mờ theo hơi khói. Trút tâm tư vào đêm vắng canh dài…” Bất chợt hắn thở dài…! Lần đầu tiên tôi thấy hắn thở dài. Có lẽ hắn đang nhớ đến người cha kính yêu đang ở quê đêm đêm thao thức chờ hắn. Lòng hắn nặng trĩu se lại. Những làn khói thuốc nhẹ nhàng mả sao bỗng dưng đêm nay nặng trịch đến thế!

Sau đó, hắn tốt nghiệp khóa sĩ quan loại Ưu nên được ưu tiên chọn địa điểm về quê  Tiên Phước. Với quân hàm Chuẩn úy, chức vụ Trung đội trưởng Địa Phương Quân, hắn như con nai tơ ngơ ngác bước vào đời binh nghiệp ở tuổi 19, đóng quân tại nhà thờ Tả Lâm xã Tiên Thọ huyện Tiên Phước. Ban đêm đi chốt trên các cao điểm, hắn cho lính về nhà nghỉ hết, còn mình ở lại, chỉ huy có gọi điện kiểm tra hắn thụt pháo sáng để báo có đơn vị hắn đang ở đó. Tôi hỏi hắn vì sao làm vậy? Hắn bảo: “Mày không biết tao phản chiến à! Tao ghét chiến tranh còn Việt Cộng với tao là anh em ruột mà! Cùng một mẹ, cùng da vàng máu đỏ sao lại phải ghét họ, giết họ? Mà Việt Cộng họ vào đánh, họ chết, tao cũng chết! Họ cũng là người, tao cũng là người thì sao phải chết vô lý vậy? Nên tao cho anh em về hết, còn mình tao ở lại, Việt Cộng có vào không thầy tao ở đâu mà đánh, không đánh thì có đâu mà chết!”

Hắn nghĩ như thế cho nên ở “vùng xôi đậu ” mà hắn không sợ Việt Cộng, hắn như sống giữa lòng thành phố, mỗi sáng thức dậy hắn mang cây đàn Guitar đi tà tà gần hơn 3 cây số để đến Xóm Mới Tiên Thọ uống cà phê.

Rồi một ngày hè năm 1973, tôi nghe tin sét đánh – hắn đã bị tử trận lúc 5 giờ sáng, giậm phải mìn trên đường đi uống cà phê từ nhà thờ Tả Lâm đến Xóm Mới. Tôi bàng hoàng chạy ra nhà vĩnh biệt Quảng Tín mong kịp nhìn mặt hắn lần cuối cùng nhưng người ta đã khâm liệm hắn bỏ vào quan tài và chuẩn bị đưa thi thể lên xe GMC về an táng tại quê nhà Tiên Kỳ Tiên Phước. Tôi theo xe đưa hắn về nhà, đến con đường cái lớn đi ngang qua cánh đồng Sa xứ đồng Cầu thì xe dừng lại cho hai hàng quân đưa hắn về thăm cha trước khi ra vườn nằm dưới huyệt lạnh.

Ngày hôm sau lễ truy điệu hắn được tổ chức  trong không khí đau thương xúc động của đơn vị dòng tộc gia đình bà con làng xóm anh em bạn bè thân hữu gần xa đến thăm viếng, tiễn đưa hắn về nơi an nghỉ cuối cùng. Hắn ra đi gửi lại cho đời người cha kính yêu bắt đầu kiệt sức bởi chỗ dựa duy nhất của ông là hắn, vậy mà hắn cũng bỏ ông mà đi. Nên năm sau ông cũng theo hắn luôn.

Còn tôi, nghe theo lời hắn, vào Trường Đại học Văn khoa Huế nhưng ra trường lại đi dạy học, viết văn làm thơ. Và lại luôn tự vấn về hắn. Hắn không sợ chết thế mà vẫn cứ chết. Hắn không ngang tàng lỳ lợm yên hùng như vài người đã ngộ nhận. Hắn cũng không phải có nợ máu với nhân dân, không thù ghét cộng sản mà ngược lại muốn bảo vệ gìn giữ mạng sống cho đôi bên. Mới ra trường ăn chưa hết tháng lương, không làm hại đến cách mạng, mà ngược lại nghĩ cho cùng hành động của hắn mang tính nhân đạo nhân văn sâu sắc, ít ra là không gieo rắc sự đau thương mất mát cho mọi người. Hành động của hắn góp một phần nhỏ bé để mục tiêu giải phóng dân tộc thống nhất đất nước sớm kết thúc đến ngày thắng lợi. Vì thế mà mỗi năm đến ngày 30 tháng tư thống nhất đất nước và ngày Quốc Khánh 2 tháng 9, tôi lại nhớ đến hắn và bài viết này xem như một nén tâm nhang để tưởng nhớ đến hắn, tưởng nhớ đến những người bạn như hắn đã có những nghĩ suy và hành động thầm lặng có lợi cho cách mạng, góp cho cuộc chiến 45 năm trước trên đất nước này đỡ phần tổn thất, sớm kết thúc thắng lợi trong niềm hân hoan của mọi người vào ngày 30 tháng tư và Quốc Khánh 2 tháng 9.

              Tiên Phước, 2/9/2020

M.A