Hạnh phúc mỉm cười – Truyện ngắn Phạm Đình Phú

647

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nữ bác sỹ Hoàng Anh, người con gái Thủ đô, sinh năm 1946. Trải qua biến cố cuộc đời, vượt qua đạn nổ bom rơi, cuối cùng, người bác sỹ dáng mảnh mai ngày ấy đã kiên cường, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trở về sau ngày “mùa xuân đại thắng”.

Khi tuổi xế tà, chị Hoàng Anh bộc bạch:

– Chỉ cầu mong có dịp gặp những đồng đội, đồng nghiệp cũ! Mong một lần trở lại chiến trường xưa!

Ừ, cầu mong cứ cầu mong! Tâm nguyện cứ tâm nguyện! Vai mòn, sức cạn, đôi chân “xẻ dọc Trường Sơn” nay teo tóp, chậm chạp. Ánh mắt cũng mờ dần. Di chứng vết thương chiến tranh, chất độc dioxin đang ngày đêm hành hạ “nữ bác sỹ trẻ” ngày nào. Dù không thể tin, nhưng đó là sự thật! Đại úy thương binh – bác sĩ – thầy thuốc ưu tú Trần Hoàng Anh vĩnh biệt chúng ta sáng ngày 27/7 năm kia.

Trở lại Trường Đại học Y khoa Hà Nội, năm 1965, gặp tân nữ sinh viên Hoàng Anh dáng người tầm thước, nước da trắng hồng, nụ cười tươi rói. Cô xuất thân trong một gia đình y khoa truyền thống, khá giả. Mẹ và chị gái cô là những bác sỹ có uy tín ở Hà Nội bấy giờ. Em gái Thanh Phượng, học chuyên khoa Nhi, hai năm nữa ra trường. Với kết quả luận văn tốt nghiệp loại ưu, đầu năm 1971, Ban Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, đã “chấm” Hoàng Anh. Cô chưa cần trợ giúp của bố mẹ và chị. Bất ngờ, một ngày bác sỹ Hoàng Anh xin gia nhập quân đội. Và C207, Trường Đại học Quân y là đơn vị đầu tiên, bộ quân phục rộng thùng thình đầu tiên, phù hiệu “chuẩn úy” đầu tiên, lấp lánh cầu vai bác sĩ Hoàng Anh. Không còn nghi ngờ gì nữa!

Sau hơn ba tháng hành quân, vùng đất, bầu trời, bác sĩ Hoàng Anh dừng chân lâu nhất, đầu tiên là Tây Ninh, nơi có trụ sở cách mạng “Chiến khu D”. Chị kể lại khi nằm trên giường bệnh:

– Thử thách đầu tiên, lớn nhất với nữ bác sĩ trẻ như tôi, không phải là “tay kéo tay dao” mà là “tay liềm tay cuốc”. Lao động sản xuất, tự túc lương thực – một nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị lúc này! Nhấp ngụm nước mát, bác sĩ hồi nhớ lại:

– Đạn bom, đói lả, vắt bám, muỗi cắn, sốt rét… cũng là một thách thức nữa với người con gái thủ đô. Nạn thiếu muối, ăn nhạt, những cơn sốt đe dọa, chân không bước nổi. Trong giấc mơ, hương vị tô phở Cửa Nam Hà Nội hiện về, nóng hổi, thơm phức, cồn cào, rỏ giải!

Đơn vị gần vùng địch, sống – chết chỉ trong gang tấc. Đồng đội thay nhau “ra đi” mỗi tuần do nạn sốt rét, thiếu ăn, thiếu thuốc. Một đêm, đầu 1972, bất ngờ địch càn quét, trực thăng quần thảo, pháo dập. Bệnh xá nằm trong tầm ngắm. Được lệnh, bác sĩ Hoàng Anh cùng đồng đội, cấp tốc di chuyển đơn vị, bảo toàn lực lượng.

– Không thể nào tưởng tượng!

Bác sĩ Anh mô tả: – Đồ đạc chuyên môn lỉnh kỉnh, lương thực, thuốc men trên vai. Trong khoảnh khắc, chúng tôi tự tạo cho mình sức mạnh ngỡ trời ban. Dũng cảm, mưu trí, thoát khỏi vòng vây nguy hiểm của địch. Rồi xa dần, cách dần tiếng lũ địch hung hãn, ý ới gọi nhau và cả những câu chửi thề. Ngày hôm đó, cùng nhau nhịn đói, nhịn khát. Thương binh “nhịn” cả đau. Một bệnh nhân trẻ qua đời do cơn sốt ác tính ập đến!

Đã rất nhiều lần bác sỹ giúp thương bệnh binh vượt qua tử thần. Nhưng với mình, đây cũng là lần cô thoát chết trong gang tấc. Sáng mùa khô, bác sĩ Hoàng Anh cùng hai nam y tá bị trực thăng địch truy đuổi khi đang ẩn nấp sau gốc cây trơ cành, trụi lá. Bác sĩ nhớ lại như in:

– Linh cảm không lành, tự dưng khó chịu, cung mày nhíu lại, nước mắt cay cay. Ba chị em nhanh trí chạy, thoắt vào cánh rừng xanh phía trước, cách chừng hai trăm thước.

… Lại một ngày lạc đường, đói lả – ngày không thể nào quên! Rừng Tây Ninh có đường dành riêng cho voi đi. Hố nông, hố sâu lởm chởm. Hôm đó, bác sĩ Anh ở lại buôn giúp một sản phụ, sáng hôm sau về sóc một mình. Hoàng Anh đi nhầm vào đường hố voi, bất ngờ hụt chân, ngã xuống vực bên bờ suối. Một mình vượt suối, trèo đèo giữa núi rừng hoang vu, đói lả. Ngày sau, chị về lại chiến khu, đôi chân rã rời, phờ phạc.

Ở chiến trường Tây – Nam, chẳng có ai không nếm mùi “sốt rét cơn”. Bác sĩ Hoàng Anh kể lại:

– Tôi cũng không ngoại lệ! Cơn sốt rét rừng bất chợt ập tới như cơn bão, ớn lạnh, rét run từ trong ra ngoài. Đó là lúc từng hạt hồng cầu bị vỡ, cơ thể mất nhiệt, thiếu nước. Cơn sốt rừng thường xảy ra lúc cơ thể xuống sức, do căng thẳng, đói khát, và khi lượng ký sinh trùng hoành hành, lấn át. Bệnh xá mỗi ngày tiếp nhận hàng chục ca sốt ác tính. Chính tôi cũng nếm trải, nhức đầu, ói mửa, không ăn được, phải chống chọi cả tuần!

Đầu năm 1972, giáp mùa mưa, đơn vị được lệnh rút về Campuchia củng cố lực lượng. Đoàn quân cùng thương bệnh binh, trẻ em, mang vác, gánh gồng nửa tháng trời. Đồi dốc, đường rừng, lầy lội, dép cao su, trầy trượt, chân đau. Sau thời gian dài, căng thẳng, vất vả, Hoàng Anh vẫn khôi hài:

– Tôi thực sự đuối sức, tức cảnh, ngã nhào ngay sườn dốc. Rất may, tôi chỉ gãy hai xương bàn chân trái, tụ máu, sưng đau, tập tễnh bước. Hai nam đồng nghiệp thương tình, thay nhau cõng bác sĩ. Trên đầu, máy bay địch rà lượn. Không rõ chúng tiễn chân hay chào đón đồng đội chúng tôi?

Giữa năm 1973, Lộc Ninh giải phóng. Thượng úy bác sỹ Trần Hoàng Anh được điều về Bệnh viện Lộc Ninh. Sau chiến dịch, bệnh nhân về khá đông, họ phải căng sức, gồng mình phục vụ, không quản giờ giấc. Mỗi ngày Hoàng Anh đứng mổ từ sáng đến chiều, có ca mổ kéo kéo dài 10 – 12 giờ. Càng gần thắng lợi, càng nhiều gian nan! Biết vậy, không ai cảm thấy mệt mỏi. Tất cả vì chiến thắng! Vì bệnh nhân thân yêu! Chờ đón ngày sum họp!

Sài Gòn giải phóng lúc trưa 30/4/1975, những nơi núi rừng, Hoàng Anh mãi 3 giờ chiều mới chính thức nghe tin. Tin chiến thắng về dồn dập. Niềm vui tràn nước mắt. Mọi người ôm nhau, hòa vào nhau, rạo rực, rưng rưng, sung sướng, tự hào. Họ cười reo, hô vang núi rừng, thỏa khao khát, chờ mong, đón đợi…

Hòa bình thống nhất trong niềm kiêu hãnh, vui sướng của toàn dân tộc. Bác sĩ Trần Hoàng Anh nhớ về hơn 1.095 ngày đêm sát cánh cùng “anh chị giải phóng quân”. Nơi chiến trường đầy gian khổ, căng thẳng. Nơi máu xương đồng đội, đồng nghiệp, chiến sĩ, đồng bào mình đã đổ xuống. Chị không dấu nổi cảm xúc:

– Bao trùm lên tất cả là nỗi nhớ, niềm tin tất thắng, lòng yêu thương. Nhớ Thủ đô Hà Nội – trái tim Tổ quốc. Nhớ quê hương, mái trường, bạn bè. Nhớ người đã yêu, đang yêu và cả hình bóng người suýt yêu – dan díu trải lòng!

Mối tình đầu đến với Hoàng Anh khá sớm. Đó là tình yêu dành cho người thầy. Nhưng thầy đã lập gia đình, sau khi cô hành quân vào chiến trường, mất liên lạc. Năm “sem sém” tuổi 30, nhân dịp về họp tổng kết “Y tế quân – dân y miền”, Hoàng Anh gặp đồng nghiệp Võ Sóng Hồng – hợp “lý giai nhân”. Họ chung nỗi niềm, chung cảm xúc, cùng cảnh ngộ. Hai người đến với nhau nhờ “mối mai” chuẩn xác từ trung tá Hai Hùng – cán bộ Phòng Tổ chức miền. Nhưng họ “kết” được với nhau, từ hai trái tim cùng chung nhịp, sóng hình sin và tần số “H” (+1-1). Đôi bạn thật sự sẻ chia, thử thách, tâm đồng ý thuận. Dẫu khoảng cách, chiều cao, cân nặng xa nhau những hơn chục mùa khô nắng lửa. Đó là sự thật, chị bộc bạch:

– Chúng tôi làm lễ cưới lúc này không dễ đâu! Phải được cấp ủy, ban chỉ huy chấp thuận. Phải có hai đồng chí, đại diện hai họ, làm chứng, bảo lãnh nữa!

Rồi đám cưới thời chiến, đúng luật, long trọng được cử hành. Lễ cưới “Ba không, mười lăm phút” nơi chiến khu – không giấy kết hôn, không rước dâu, không bia rượu, và chỉ trong một phần tư giờ. Tiệc cưới chỉ là vài đĩa bánh kẹo, nước lá cây rừng, hương thoảng. Đơn sơ là vậy, nhưng chú rể cô dâu tràn đầy niềm tin yêu, “5 yếu tố tình thương” nắm chắc bốn bàn tay – mãn nguyện.

Đà Lạt, nơi mái ấm gia đình bác sĩ Sóng Hồng – Hoàng Anh dừng chân, hạ cánh. Họ thanh thản, yên bình, tràn ngập niềm vui, ấm áp yêu thương, lấp lánh tự hào. Mái nhà có đủ bốn thành viên, “nếp thơm tẻ dẻo”. Và hiện nay, Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh là nơi lập nghiệp của hai cháu, tiến sĩ Võ Văn Hoàng Ngọc và thạc sĩ Võ Hoàng Thanh Tú.

Năm 2015, lúc sức khỏe cho phép, nhân dịp đón Tết cổ truyền, vợ chồng Hoàng Anh cùng con cháu, về thăm Hà Nội. Đó là lần “đi gần” sau cuối, chị về thăm nơi mình sinh ra và lớn lên. Giữa lòng thủ đô, trước đông đảo bạn bè, người thân, con cháu, Hoàng Anh không dấu nổi niềm sướng vui – một cảm xúc thật, sâu kín lâu nay:

– Hạnh phúc nhất với chúng tôi, không chỉ là đất nước trọn niềm vui, Bắc – Nam sum họp mà còn là điều vi diệu – con cháu không bị khuyết tật do chất độc da cam! Dù cả ba và mẹ cùng nếm trải, sát cánh bao năm nơi chiến trường cùng bạn bè, đồng chí, anh em chị, đồng đội!….

Tp Hồ Chí Minh, tháng 3/2022

P.Đ.P