Hành trình mặc tưởng cùng Nghi lễ của ánh sáng của Lê Tuân

800

Nguyên Bình

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tôi thả tôi rơi tự do vào trường thơ Nghi lễ của ánh sáng một thế giới đảo chiều phân cực chợt hiện chợt khuất, nơi mà ý thức lơ lửng quanh những vòng tròn ảo giác.

Nhà thơ Lê Tuân

Hiện hữu tàng hình, đuôi sao chổi lóe lên ở một Chổ khuất, nơi con người “Cùng ẩn nấp mà chưa nhận ra nhau”. Làm sao nhận ra được khi: “Lửa cháy muôn nơi/ ngựa hí vang trời, chẳng ai tìm ai cả”. Không nhận ra là một tất yếu? bởi Dưới chân người bất tử, “Ngày gió/ đêm hương/ yêu thương bằng ngôn ngữ nào cũng được”. Không, Erato, “Xưa là giọt lệ/ thượng đế đánh rơi”, nên ta vỗ về em: “Em về/ đừng nhớ mai sau/ trồng hai hàng gió xanh màu mị du”. Vâng, cây mai sau sẽ lớn và ta sẽ hoang thai, để một sớm chợt ta tự hỏi Cái mất lớn nhất là gì, ai nhặt được?

Câu hỏi rất vô minh: “Em /ra sông lấy nước/ có nhặt được cái mất lớn nhất của tôi”. Hỏi để vay em tiền kiếp rồi xin trả cho mai này. Ở cái thời khắc đó, ta Ngóng tìm tiếng hạc gọi bầy, hạc vàng Thôi Hộ đã bay đi, ta trở lại tìm dấu chân ngàn xưa còn in trên bãi cỏ hoang ngày mai: “Người đứng chi đây mà sầu tủi, một mình em làm sao cứu rỗi được cuộc vui, đừng mang im lặng chất đầy lên thuyền trăng nữa, đã non cao biển mặn rồi, em mong manh nhỏ bé, mang đi xa thế không sợ vỡ sao?”. Có gì đâu mà rạn vỡ, nguyên khối của thời gian chưa định lượng, vật thể chưa định hình, em là ảo giác, là mông lung. Trong một giây va chạm hư huyễn, ta và em hợp thành Người nghiện ngập trần gian đêm đêm chổi tre: “Quét đường, quét chưa cạn bóng đêm”. Và, trong bóng đêm mù lòa ấy, nhìn quanh thảng thốt, chốn này, chỉ là Một nơi hiu quạnh, hiu quạnh đến nỗi mất ý niệm thời gian “Ở đó/chưa bao giờ là quá khứ/xót thương, đâu đã bị khướt từ”. Ai khước từ ai, khi tất cả đều là thiên hà, là gương soi big bang từ đám tinh vân. Ôi, trần gian nhỏ bé này, Như Lan hỡi :“Ráng thêm chút nữa/ tình ơi/ chỉ còn một bước chân trời là qua”. Bước nhỏ thôi, về phía bên kia chân trời, về phía bên kia cuộc người, là vĩnh hằng mặc tưởng. Và từ đó tôi sẽ đi, ra đi, nhưng Chẳng phải lúc này, “Vâng/ tôi sẽ đi nhưng chẳng phải lúc này/người là ai”, mà thúc giục, mà gióng giả lên hồi hồi chuông nguyện, tôi thăm thẳm mình tôi nhưng chẳng phải lúc này.

Thế đấy, có hề chi, chưa đi, ta đã vội xin về, xin quá giang định mệnh em, ta năn nỉ: “Chừng nào em về/ cho tôi quá giang/ Chuyến tàu Noah lần nữa”. Ta mới về từ Vương quốc vô thể, làm thân Hiệp Khách: “Ngồi quán cô liêu/ Trăng yểu điệu bên triền đá mờ sương/đêm nay hiệp khách nhường đường cho gió bụi…/ Hiệp khách buồn đặt thanh kiếm xuống/ vẫy chào quán trọ/ bình thản bước đi như bao người trước đó”. Chỉ vậy thôi, ai cũng là một cuộc lữ hành, con đường nào cũng dẫn về La Mã, so đo chi số phận một linh hồn?

Chẳng có Oan khiên nào cả, “Cây/ trăm năm/chẳng thiên nhiên nữa là”. Cây cũng oan nghiệt phần số, gió lay trăng rụng, vậy thì tôi là cái gì nếu không là hư vô: “Đêm qua/ sông chảy vào sông/ tôi lơ ngơ chảy vào không có gì”. Thế cho nên, Đừng nói gì thêm nhé, “Có phải/người đã nghe/ cả những điều con chưa kịp nói”. Hãy để ta tâm sự cùng thượng đế. Hãy lặng im nhận quà gió, lắng nghe thiên thu và không nói. Nỗi buồn còn đó, hiện hữu giữa vô hình, vô khối, giữa tôi và nàng, nàng là ai và tôi ra sao? “Nàng, đẹp như tôn giáo, thấp thoáng bên đường biên mờ ảo, tôi, cây mọc rừng hoang, xanh rêu triền đá, lạc vào hội hóa trang hoang dã”. Nhận diện ra nhau chưa, hỗn thức giao thoa, thần linh và thần thoại, vũ trụ và bìa rừng, chỉ là thế, hỗn mang thế giới, chan hòa và bùng vỡ vô thức.

Tồn tại nào cũng Bơ vơ, ngàn năm vẫn vậy, dòng đầu nguồn xuôi bến hạ lưu, sông chảy trong thời gian mặc định, trước sau vẫn vậy: “Rồi ngàn năm sau/ở phía xuôi nguồn/cũng buồn như thế”. Ta làm hạt bụi, giọt nước, phiêu du, Lang thang giữa: Mênh mông/ ngồi rót tràn ly/nghe chừng đã thấm biên thùy chưa nhau. Thế đấy, biên thùy từ thuở hồng hoang phiêu bồng, rót ly vô hình vô tướng, em và ta đã từng đối diện trong hố thắm, có con Đường về nào không, để ta tím lại, em, tha nhân vắng mặt, ô hay, chẳng phải là đường đang đi đây sao? Chưa mầm đã lá, chưa lá đã xanh, chưa đi đã đến và chưa đến đã về. Đừng hỏi nữa, hãy lắng nghe, tiếng suối trên ngân hà, bước qua ghập ghềnh thiên cổ. Người Còn có điều gì muốn thấy không? Thiên, địa, nhân, bay lên lao xuống đã bao lần, tìm kiếm hư vô và còn có điều gì muốn thấy???

Không kế thừa tôn giáo, tri thức, văn minh, tôi nhận diện tôi và ngẫu nhiên bỗng thấy Trái đất hình vô tội, không vuông tròn, dâu bể tang thương, con người đánh lừa nhau để hủy diệt, tàn phá bản ngã, giam cầm ý thức, để: “Tình người trơn dần như đá/ con chim bói cá trượt chân/ gõ vào thịt da/ tôi lo cho em và trăng/ sẽ ra sao ngày nến vàng khăn trắng”. Em và tôi tồn tại trong cai khối u minh đó, biết ra sao ngày sau? Nhưng, dẫu sao cũng còn tình yêu được tôn vinh muôn thuở: “Gái/ trai/ thần linh/ dân dã/ tất cả đều ôm hôn hai chúng tôi/ họ bảo/ trái đất hình vô tội”. Bởi, trái đất nơi bắt đầu sự sống, nơi chưa đựng tình yêu. Vậy mà ở đấy, nỗi buồn lên ngôi Nơi đâu cũng có, nỗi buồn chật kín cả trần gian, bóng tối bá đạo, cô đơn len lách vào tận thâm sơn “còn nơi nào chưa có”. Đàn cừu vô tư lự, thân xác quên linh hồn, “đêm ấy ẩn sĩ tự khổ đau khi nghĩ về vận may đã đến với mình, càng khổ đau hơn khi chẳng biết kẻ thù của vĩnh cửu là ai, người đốt tịnh cốc ngàn năm cháy rụi rồi âm thầm xuống núi”, và tự hành trên nhành thiên hương, Thênh thang rong ruổi:

đò nào chở nổi thênh thang

thiên hương

dạ mị

cuốn ngàn năm bay

người qua đây

nhé

dừng tay

ta dang thần thoại bên cây phong trần

hội tan chưa nhỉ

phù vân

ngồi thêm một chút tình nhân rồi về.

Bà Rịa, 7/2/2021

N.B

* Phần in nghiêng là tên các bài thơ trong Nghi lễ của ánh sáng