Hành trình toa tàu con chữ

679

(Vanchuongphuongnam.vn) – Sự chỉn chu trong nghệ thuật nói chung cũng rất cần ở người sáng tạo, nhất là tác phẩm văn chương đâu chỉ miệt mài bên bàn viết mà được gom góp ít nhiều trên mỗi chặng đường ta qua. Trong toa tàu truyện ngắn dự thi trong Cộng đồng Văn xuôi trên fb. thu hút cuộc chơi con chữ đa dạng phong phú như tìm về nguồn cội tâm hồn mình để gắn bó sẻ chia. Dẫu đầu máy phải tốc hành cũng theo quy định chung khuôn khổ nhất định. Giá trị ở mỗi tác phẩm là tìm đến bạn đọc dù chỉ một lần đã là dấu ấn khó quên.

           Và đúng vậy. Không chỉ tóp mười truyện ngắn hay được tuyển mà hầu hết các truyện được đăng đã có tứ truyện vừa cô đúc vừa thú vị cảm xúc khôn nguôi. Cái duyên dẫn truyện của các tác giả nói chung rất khéo. Cái khéo là mỗi người mỗi vẻ. Có khi như tình tự với chính mình, có khi bức xúc trong giao tiếp, trong cảm nhận thường ngày cuộc sống quanh ta,… Sự tồn tại của mỗi nhân vật trong thể loại truyện ngắn âu cũng là cách gửi gắm của tác giả theo định hướng tích cực, hãy vì con người xích lại yêu thương, tử tế với nhau.  Ở đây, trong mười truyện ngắn được chọn ra phần nào cân nhắc kĩ càng với ý nghĩa nền chung tiêu chí thể loại văn học.

         *Trên điểm dừng từ một truyện ngắn Bonsai của Cáo Đen Cụt Đuôi và Đường lên cổng trời của Nguyễn Công Đức đã là một phong cách định hướng sáng tác với những ai say mê nghiệp văn chương.

           Với nhân vật “tôi” trong Bonsai trên tầng cao chung cư có được từ trợ giúp của gia đình với cảm xúc dâng đầy như những cô gái bình thường. Nghề nghiệp tự do- freelance content creation, dẫn đến thói quen ngỡ bản lĩnh mà đâu thể…, mà lạ thật món dâu tây thể như của chua ai thấy cũng thèm, và hiển nhiên lực hấp dẫn tranh luận từ nhân vật “anh”- thế giới gọi là ảo mà rất thật với “tôi” thường ngày vun vén, chăm tỉa cây si. Đó là, trong cách “Lịch Thiệp”- nhân vật “anh” đã làm thay đổi cách sống “tôi”. “Anh- Lịch thiệp với lí do vắng lui tới, nhắc nhở thói quen  “tôi” cần duy trì… Trong những hụt hẫng một mình, thay đổi được bản ngã hoàn thiện để dẫn đến cái tự ngã đời mình nhận ra cái giá cuộc đời đâu chỉ là vốn tự nhiên, mà phải được cắt gọt uốn nắn theo đường nét, tựa cái thế của Bonsai tuân theo kĩ thuật riêng vốn có cũng là kì công đâu dễ dàng. “Tôi” vỡ òa trong viết lách, không còn phải ngạc nhiên, “tôi” cảm thấu trong lời nói: “Và cô gái của anh ạ! Có thể ta sẽ chẳng thương nhau đến ngày sau, nhưng ít nhất giờ đây, anh sẽ nắm tay em đưa em quay về với cuộc sống đúng tuổi hai mươi”. Náo nức sáng tạo lựa chọn và cân nhắc, để theo đuổi văn chương đâu dễ gì…

          Còn Nguyễn Công Đức với Đường lên cổng trời luôn dành sẵn chìa khóa mở ra cho những ai thỏa thích khám phá, đó là thực tế hiển nhiên với người viết lách, và không thể ai muốn là cũng được. Có đi, có đến, có va vấp như sơ suất chút khi “…con xe loạng choạng dúi đầu vào vách núi, gã bật bổ ngửa tênh hênh ra cái rãnh thoát nước bên đường…”. Rồi tiếp va vấp con ngựa thồ bên đường… Nhưng vượt qua thôi. Sự trùng điệp của núi rừng, và hình ảnh vẻ đẹp thuần túy người đồng bào các dân tộc ta nơi đây là nhân chứng địa danh của đất nước, thuần túy đức hạnh, biết phản kháng bảo vệ duy trì nếp sống gia đình “…Em bảo không phụ em làm ăn thì nằm im trong gầm nhà ấy, quấy phá thì liệu thần hồn. Còn nếu thương em thì lo cùng nhau mà làm ăn…” họ lại rất tinh tế bắt chuyện trong công việc và cả yêu lắm thơ văn. Bên cạnh đó còn những tồn tại cũng làm tổn thương bao điều suy ngẫm: “phải chăng gã cũng như cô, phận kiến sâu nhỏ bé, chọc vào tổ ong bầu chỉ tổ rước họa vào thân. Thời tuổi trẻ gã cũng hăm hở, cứ nghĩ phía trước mọi cái đều màu hồng, cho đến khi thực tế cuộc sống vỗ thẳng vào mặt những điều trần trụi nhất gã mới nhận ra đời không như là mơ…” Cách lựa chọn trang viết cho đời mình để khai thác con chữ cũng là chân lí cho người say mê văn chương như gã.

           *Còn Ngược gió của Đào Phạm Thùy Trang xoay quanh quán ăn mở rộng tính cách những nhân vật có hoàn cảnh gia đình riêng. Ở bé Đen, tuổi mười bốn, lẽ ra còn ăn học đã phải sớm ra đời kiếm sống, không thể nhín nhịn mà chỉ nhín nhịn âm thầm khi cậu chủ quán hối thúc công việc, nhưng Đen cũng không thể nghỉ làm vì dù sao ở đây vẫn được miếng ăn thơm, mà trước đó hai cha con nó bữa no bữa đói chỉ mua một hộp cơm, thêm phần cơm riêng nữa. Khi bên ba lúc ngược gió, xe chòng chành, Đen hồn nhiên mơ trên chặng đường được đi khắp mọi miền đất nước, hào hứng mà vẫn nhớ nhắc không quên mang theo bức chân dung mẹ. Thật đáng quý. Chủ quán trẻ, nhân vật A Khang trải qua mấy chặng “ngược gió” để trở về làm chủ chính mình. Có những thái quá hối thúc người làm cũng chỉ vì sợ khách chờ lâu rồi bỏ đi. Đó là đích duy nhất kiếm thật nhiều tiền phụ mẹ nuôi em đi học. Nhưng A Khang rất bình dị, nếu như người chủ quán trước đây đã từng xúc phạm Khang và những người phục vụ thì lúc này ngược lại xem “Hai đứa “lính” cũng tuổi em của Khang chứ to tát gì. Nhưng đôi khi mệt quá, chửi cũng là xả xì trét vậy đó. Với lại tụi nó, nhất là thằng Đen cũng còn ham chơi lắm” Và trong cử chỉ “Anh Khang cười hì hì bưng hai dĩa bột chiên thập cẩm cho hai “lính”…” rồi sau đó mới tiếp cho phần mình và cho dì sáu rửa chén. Riêng ở nhân vật Ly, mười tám tuổi chờ giấy báo nhập học CĐSP biết tranh thủ đi làm, ở với mẹ được mẹ quan tâm san sẻ những yêu thương nhẹ nhàng để trở thành con người bình thường, không tầm thường là được. Ly kết nối yêu thương tạo hòa khí thân thiện với mọi người. Truyện cho cái kết dù ngọn gió quất ngược mưa vào quán, họ- những mảnh đời biết san sẻ công việc cho nhau vẫn ấm áp bảo bọc cuộc sống còn khó khăn này.

           *Trăng thu trên cao của Lê Mỹ Thạnh viết về nhóm bạn tuổi mới lớn đã sớm ra đời, phát triển tự nhiên như tranh nhau mạnh được yếu rút, muốn thể hiện mình như những ngựa non nông nổi “háu đá”. Mỗi nhân vật như thằng Thành, thường gọi Thành heo. Tân còn gọi Tân Ga,… Biết lập nhóm khoanh vùng, tranh nhau điểm bán. Dũng thì gọi Dũng mọi, chúa nịnh, ném đá giấu tay. Mộc còn gọi Mộc rèn,… Hình ảnh Mộc cũng là điển hình về một tuổi thơ trong sáng hồn nhiên, yêu quý công bằng. Đức tính ấy có được, dẫu là không cha, mồ côi mẹ, sống cùng người cậu thợ rèn hiền lành chân chất, bên người anh gần nhà khuyên đọc sách, lẽ phải ở đời, học thêm thế võ giữ thân. Từ đó, Mộc nhận ra điều cần tránh, nên làm. Từ đó, tiếng nói của Mộc rèn đã kịp thời trở thành bậc đàn anh cho tình “hữu nghị” kết nối thân tình, sẻ chia của nhóm bạn choi choi, sau trận đấu với nhóm tứ trụ Thành heo. Kể cả lúc Thành heo đánh nhau với Lâm chiếu, Mộc ra tay với Hải Bắc cũng vậy. Truyện không chỉ dừng ở đó, mà hình ảnh trăng thu trên cao, níu kéo tuổi thơ làm lồng đèn cùng với Thọ xù chăm học, với trang văn miêu tả “… chị mây muốn đùa cợt trăng thôi nên có lúc làm cho đêm mơ màng. Cành lá dừa che đi thứ ánh sang nhàn nhạt cộng với ngọn gió biển thổi vào làm Mộc nhớ đến má vô cùng”. Vâng, Mộc vẫn còn bé lắm. Và trăng thu chỉ trên cao soi tỏ tình cảm Mộc đã dành cho Thành heo, đang ngồi nhà tay trái bó bột, đầy xúc động. Ngỡ viết tuổi thiếu niên nhưng đầy bức xúc với người lớn cũng như trách nhiệm cộng đồng quan tâm uốn nắn.

          *Chùm truyện Mẹ tôi của Tang Tử và O Sen của Lê Phượng, Vết nhơ của Tiết Minh Hà xoay quanh về thân phận phụ nữ. Cách viết theo lối truyền thống, các nhân vật khó tháo gỡ phận mình, cam chịu đến nghẹt thở người đọc.

           Nếu như ở Mẹ tôi cái nghĩa, cái tình đã thêu dệt vào nhau, khi nhân vật “mẹ tôi” sinh ba cô con gái, đâu là cái lỗi. Cái lỗi chính là từ việc thao túng tâm lí hà khắc trọng nam khinh nữ, nối dõi tông đường mới dẫn đến rối loạn cảm xúc trong người đàn ông uất ức trút cái giận vô cớ không làm chủ được mình, gieo cái khổ chất chồng mà “mẹ tôi” cam gánh. Đã vậy, đâu còn biết tâm hồn các con thơ dại bị tổn thương. Tháo gỡ bi kịch gia đình là đến khi các con đã lớn, khi “mẹ” vào phòng mổ gửi lại: “Minh ơi, nếu mẹ không còn thì chăm sóc bố con”. Còn ở quê thì “bố ra chỗ ngã ba đường cái giao với đường làng, ngồi suốt bổi chiều, mắt hướng về những chiếc xe khách tuyến Hà Nội- Thái Bình… chờ mẹ”. Cái ràng buộc, gắn bó đợi chờ níu kéo nhau về chung mái gia đình, dẫu đã từng nhàu nhĩ.

           Đến truyện O Sen của Lê Phượng, dẫn dắt người đọc cảm nhận đất trời khô hạn, để sẻ chia và cảm thông tuổi khao khát yêu O Sen, thiếu nữ xinh đẹp gia đình thuần túy đã không gỡ ra được với nhân vật chú Dịp. Khi người mẹ chỉ biết ngăn cấm. Miệng đời đẩy O Sen tìm dòng sông giải thoát. Và bí mật về người đàn ông- nhân vật Thành bên kia sông vắng vẻ cứu được mẹ con O Sen ấm áp thật lòng. Nhưng tận sâu bên kia bờ sông là người dân làng, là cơ sở hoạt động cách mạng… Người đàn ông- thử lần trở về, được đón nhận từ sự đợi chờ hơn năm năm của hai mẹ con và đôi tay kia đã từng làm “bà đỡ” cho đứa con chị ra đời, giờ đã gửi lại tay mình cho đất nước quê hương. O Sen lấm láp những bước chân vụng dại đẫm trong bùn lầy, vẫn theo bản năng tự nhiên bắt gặp ánh sáng bên kia sông tỏa hương sây hạt tồn tại cho cái kết nhân văn.

          Nếu như sự đối lập gặp trong O Sen, giữa hai người đàn ông trong thời chiến ở hai công việc khác nhau, thì Vết nhơ của Tiết Minh Hà, lại là nhân vật hai người đàn ông trong thời bình tương phản nhau trong cùng một tổ chức công đoàn. Hình ảnh nhân vật O Sen cũng như nhân vật Nhớ- cô công nhân, chỉ là nền đẩy những nhân vật hai người đàn ông trong truyện yêu đạo đức, yêu cái sắc và lòng ham muốn tồn tại. Ở Vết nhơ, tác giả đề cập mọi nguyên nhân đầy hạn chế, cách phô hình thức và uy quyền, như nhân vật trưởng phòng tổ chúc từ việc lạm dụng cô gái có bầu, tung tin quy chụp đạo đức người khác để bảo vệ thanh danh chính mình. Mà cách dân gian thường chỉ trích ném đá giấu tay. Sau bốn mươi năm, mọi thắt gút được tháo gỡ khi Nguyên, con trai của Nhớ trở về xóa vết nhơ Ông Hân đã gánh lấy. Còn cái vết nhơ âm ỉ theo thời gian của nhân vật trưởng phòng giờ bên kia ngôi nhà cho đến chết có hẳn đã phai. Và “Nhớ” lặp lại đâu đó cận cảnh phim ảnh, trong đời sống quanh ta. “Nhớ” trong Vết nhơ cảnh tỉnh mưu cầu quyền lợi ắt dễ bị lạm dụng đều mang tính tiêu cực từ hai phía, đừng dễ dàng đánh đổi cuộc đời mình cho người khác.

           *Một góc nhìn về Mắt bão của Trần Mai Lan là sự đối phó nghịch cảnh của tự nhiên và thử thách tâm hồn, cho ta yêu quá những người ngỡ thầm lặng gắn liền với trạm khí tượng thủy văn mà biết bao hồi hộp trước cuồng phong dữ dội ngoài biển kia… Nhưng ngoài kia “…khi nghe tin thuyền của chú Ba bị chết máy bị lùi lại phía sau, Chiến quyết định quay lại để lai dắt thuyền chú cùng về. Chú Ba với gia đình anh là hàng xóm “tối lửa tắt đèn” có nhau đến mấy chục năm nay ở xóm làng chài này…”. Đó là cái tình của người đi biển. Còn với cái tình của nhân vật Hảo với công việc ở trạm khí tượng trong tổ hai người khẩn trương linh hoạt, Hảo từng “… gọn gàng trong bộ áo mưa, lom khom đi như bò lên vườn quan trắc, từng bậc đá trơn tuột, mưa xối xả quất vào mặt, vào người rát rạt như ai ném đá. Níu chắc từng cánh cửa lều, soi đèn đọc số liệu,… cố gắng tập trung cao độ làm các thao tác nhanh gọn cho một ca trực, ghìm người dò dẫm từng bậc đá để trở về trạm, kịp báo “ốp”. Để giảm rủi ro thiên tai, ấy vậy mà thiên tai sóng dữ đã cướp đi bốn mạng người, trong đó có Chiến. Nhưng trong tầng nghĩa ẩn dụ, “Mắt bão” chính là cái nhìn của đất trời soi thử thách lòng người, ở đây trong sự bình lặng tiếp xúc từ mối quan hệ gia đình, đồng nghiệp,… thì Hảo – vợ Chiến có là bình yên tâm hồn, hay những xáo trộn khi chưa kịp báo tin mừng đã có con với anh. Nếu có khao khát yêu dậy lên quấn riết cơ thể Hảo ngỡ dao động cảm xúc tuổi xuân đằng sau những lời từ chối mai mối. Nếu trên đất liền, công việc của trạm khí tượng ngành thủy văn, có gặp rủi ro thiên tai ứng phó cũng chỉ là trách nhiệm chung. Nhưng người đi biển như Chiến trong bão táp ấy thử thách nguy nan. Truyện sẻ chia một bài học nhân sinh không có sự hỗ trợ thần thánh siêu hình nào, mà quyết định thuộc về con người với công việc và tình yêu thương, hẳn là tượng đài của sự xả thân trên sóng bão được tôn vinh.

           *Đến với Buông bỏ của Lê Trung Lương chính là khơi gợi cảm xúc trong tâm hồn người khi thường ngày buộc phải thao túng tâm lí với các thành viên trong gia đình, nhất là con cái. Cứ om đòm lo lắng, cưng nựng. Kỳ Vỹ- nhân vật chính trong Buông bỏ, không tuyên huấn phương pháp giáo dục như thế nào, nhưng tất cả con anh đã vào nề nếp. Lê Trung Lương đã dành hẳn những cảm xúc tự phát vấn cho hai nhân vật trải qua va vấp thường ngày của mình: Kỳ Vỹ và Trầm Thi- vợ của Kỳ Vỹ. Chính Kỳ Vỹ đã lựa chọn sự thao túng cho chính mình. Đưa vợ đi biển, biết ở đây không đẹp. “Nhưng bằng cái mơn man của gió và mạnh mẽ của sóng sẽ đánh tan đi sầu muộn. Có hai tâm hồn đồng điệu là cũng vui rồi, thỉnh thoảng, cô nhìn anh cười một cái và nói vậy…” Để cùng thả hồn mình vào thiên nhiên, vào kỉ niệm từ thanh âm tiếng đàn vọng xuống xa xưa. Đó còn là cách hâm nóng những rung động đầu đời mà trân quý khoảng khắc bên nhau lúc này. Truyện xây dựng từ một không gian gia đình, những bận rộn công việc níu kéo. Rèn nề nếp cho con cũng là nghệ thuật của bậc cha mẹ. Và như thế sẽ đỡ mất thời gian. Hãy thả lòng mình chăm chút tâm hồn thư giãn từ tiếng đàn vọng đến, từ tiếng sóng yêu bờ, từ con đường mơn man gió,… từ tiếng chim chíu chít trên cành. Những cảm nhận thế giới quanh ta mà tận hưởng mà trân quý. Và đó chính là nguồn năng lượng sống mới mẻ tưới mát tâm hồn, những bộn bề thường ngày sẽ rơi rớt sau lưng. Cách Buông bỏ của nhân vật Kỳ Vỹ, cũng là một nghệ thuật sống con người, đôi khi chúng ta bị vòng xoáy danh lợi hơn thua mà quên tất cả tự nhiên với cảnh đẹp của quê hương đang đón đợi.

         *Truyện Ranh giới của Thụy Hân viết về hai mảnh đời gieo neo, thầm lặng được giới thiệu là hai vợ chồng bán hoa trong bối cảnh không gian chợ hoa tháng chạp. Từ cách dẫn truyện “Cánh vạn thọ đầu tiên mơ màng hé mắt đầu tháng Chạp, trong cái nắng lấp ló len mình qua tầng mây dày trắng đục. Nhà ai đốt rác trong vườn…” cuốn hút người đọc sức sống đón nhận mùa xuân đất trời và người bình yên đến lạ. Nhưng kì thực, cảnh người bán hoa và mua hoa, bán cái nhọc nhằn, nài nỉ, quỳ lạy,… mua cái sắc hương trong mặc cả, so đo. Vốn người chăm hoa, như gã- từ công nhân môi trường, có thể lúc đầu từ bản năng, đưa người đàn bà về nhà, thèm khát, đánh đập,…, rồi dần dà bỏ thuốc, mang về cho “chị” một cành hoa, rồi chăm “chị” đau nằm viện, miếng cháo lúc ốm, về lắp cái lọc không khí để chị thở. Duy nhất với “gã” chị phải sống. Còn “chị” từ nỗi đau khốn khổ đứt ruột cho đứa con mới vừa sinh ra, hụt hẫng mất mát…, mà mất cả niềm tin về cuộc sống. Có thể từ đó, “Người đàn bà tĩnh lặng đến mức ngang phè” của chị, rồi dần bên cạnh vẫn có gã chăm sóc. “…Chết thì có gì đáng sợ. Không sống mới đáng sợ. Chị thấy chị không còn sống từ đời thuở kiếp nào. Phải biết, mấy năm nay, cái cục u ngay phổi đang lớn dần kia vẫn không đè chết chị”. Điều ấy cho chị quay về thực tại bên gã, ở gã cũng có sự tĩnh lặng của đè nén ham muốn, nhưng cái tĩnh lặng ngỡ hóa đá trong chị lại có những bông hoa, từ tay gã đem về trao tay chị, đã biết làm mềm chứng lãnh cảm bấy lâu, bền bỉ nương nhau cho cái rổ rá cạp lại thật quý biết chừng nào. Cái giá trị đời sống tinh thần mới đáng nâng niu và trân trọng. Cái ranh giới tồn tại song hành thường ngày giữa cơ cực và đầy đủ, giữa tổn thương và lành lặn, giữa giới tính đàn ông và đàn bà đâu còn xa lạ, cái ranh giới giữa thức và mơ kết truyện níu kéo mảnh đời của hai con người xích gần bên nhau hơn.

         Mười truyện ngắn hay trên trang fb. Cộng đồng Văn xuôi 2023 được chọn ra có cách bức phá riêng. Điểm nhìn của tác giả với nhân vật trong khoảnh khắc nào đó, với kĩ năng vốn có hấp dẫn người đọc về một kết quả phía sau ý nghĩa của mỗi truyện ngắn, mỗi người mỗi cách nghĩ khác nhau. Nhưng nếu biết đồng cảm và thanh lọc để tìm về nguồn cội chân lí giá trị văn chương là bừng tỉnh cảm xúc, những ma mị xua tan, lấp vào chỗ trống tin yêu với tình người tha thiết lắm./.

Nguyễn Thị Phụng