Hoàng Liên Sơn
(Vanchuongphuongnam.vn) –Tôi đã đọc nhiều truyện ngắn của Phùng Văn Khai, thấy nhân vật cũng đủ cả sĩ, nông, công, thương, nhưng thường ở tầm cán bộ xã, tiểu thương đầu cầu và không dễ đọc vị nhân vật – tác giả. Vì vậy khi cầm bản thảo thơ anh, cảm giác đầu tiên là khấp khởi về triển vọng sẽ khám phá ra nhân vật – tác giả nhiều hơn bởi “người thơ phong vận như thơ ấy”.
Trong bài thơ Khúc sông Hồng mở đầu của tập, anh mở ra cả điểm đi lẫn đến theo không gian vừa trầm tĩnh vừa sống động của sông, và cho thấy sự tương hợp giữa hai nơi ấy:
Âm âm lời đá núi mây bay
U u sừng trâu cọ ngày vỡ đất
Anh đồng thời đề cập điểm đi và rất nhiều điểm đến theo thời gian, mà mỗi điểm đến chỉ cần một từ cũng đủ để người đọc định vị như hồng hoang, bia đá bảng đồng, ứa máu tổ tiên, chín năm…
“Cá tôm rì rầm lau sậy hồng hoang
Tre trúc mang mang bia đá bảng đồng
Ứa máu tổ tiên mạch sông thắm thiết”
“Em hẹn lời sông chín năm thắt ruột”
Tình yêu trong thơ Phùng Văn Khai thường là những biểu tượng chung chung điểm xuyết trong các bài thơ, ít đứng độc lập thành thơ tình tự thân:
“Ta như suối theo sông về em vụng trộm âm thầm”
“Vết đạn bắn cổng thành xưa đôi chim cặp rác”
Anh làm rõ, làm mới và mở rộng thêm một nhận thức lịch sử kinh điển:
“Không phải bốn nghìn năm mà vạn năm,
còn sau nữa
Máu tổ tiên ta, máu ta nuôi sông đỏ”
Hoặc một hình tượng văn học kinh điển (ở từ định phận chứ không phải từ hồng hạc):
Hồng hạc bay định phận giữa trời
Anh khẳng định mối tương tức sâu sắc giữa người Việt và sông Việt đang và sẽ tiếp tục:
Những ngôi nhà đang cao những cây cầu đang lớn
Vẫn thì thầm in sắc sông khuya.
Chữ “rợp” khiến “chim hạc” dù là “tượng hình” trở nên sống động:
Chim hạc tượng hình rợp trống đồng linh hiển
Động biển ở đây không hẳn chỉ vì thời tiết:
Văng vẳng tiếng Thơ Thần những ngày động biển
Anh ghi nhận sự thay đổi sâu sắc của đời sống (kể từ khi các con sông hung dữ nhất đã có nhà máy điện trị thủy) từ trong những đồ vật rất đỗi bình dị:
lụt lội mơ màng đáy chum sành vò vại
Anh đóng góp những từ láy mới khá gợi cảm mà tôi đồ rằng do ngữ cảnh thơ, xúc cảm thơ gợi cho anh chứ không phải sản phẩm của nhào nặn nghĩ ngợi:
“Lặng im lặng im mùi cỏ mật lưng lửng chân trời trong veo ngõ sâu tịch mịch”
“Đằm đẵm ngày đi vẹt gót chân mây lúc lỉu
buồng hoa dâng mật”
Đôi khi anh tỏ ra có vẻ tự ti, nhưng ngẫm kỹ lại là tự tôn:
Thơm tho ủ sữa ngọt ngào ta chua mặn
Anh cho phép sự hình dung bản chất của cả không gian lớn và thời gian dài chỉ bằng một từ hợp lý và đắc địa:
Vạm vỡ mùa màng cật ruột mấy mươi năm
Xin nói thêm một chút về nghĩa đen của từ cật ruột để các bạn đọc trẻ thành thị hôm nay có thể hình dung thêm về ý tứ của tác giả: Mỗi thân tre đều có phần cật là ở sát vỏ ngoài (có ít) và ruột. Nếu đan rổ rá, dậm… thì phần cật thường được dùng ở các bộ phận bao ngoài như vành, và phần ruột nằm trong.
Lối ví von đời người với thiên nhiên, nắng mưa giông bão không còn mới nữa. Tuy nhiên ở đây Phùng Văn Khai lại đóng góp bằng chữ cuộc, và cách đặc tả bằng từ “mau thưa” hết sức độc đáo:
Nay cuộc nắng mai cuộc mưa
Đây cao rộng kia mau thưa cuộc người
Anh thấy vô thường hiện diện trong cả thành, trụ, hoại, diệt:
Mùa màng em ta hồng lên da thịt
Mẹ mải khâu vết sẹo mãi chưa lành
Cha hương khói vàng thêm từng tấm giấy
Lỗ chỗ cánh cò ướt áo sang sông
Và xác quyết sứ mệnh của mình:
Ta thêm thắt trời cao dăm trang sách mỏng
Từ “dăm” khiêm nhường khéo cân bằng với “trời cao” đầy kiêu hãnh. Và tiếp ngay sau phút thăng hoa, anh tỉnh táo trở về hiện hữu:
Tiếng chuông chùa thoảng đâu đây.
Bài thơ Lau sông Hồng như anh em họ của bài Khúc sông Hồng, nhưng tiêu điểm là lau:
Tôi sợ mình không đến được trăm năm
Kính cẩn vái lau sông Hồng nghìn tuổi
Trẻ như cây Hà Nội
Như hoa văn trên bia đá bảng đồng
Tới đây tôi tự hỏi lối hỏi của dân khoa học tự nhiên, chả lẽ tuổi thọ của lau là nghìn tuổi thật, bởi vì dẫu lớp nghĩa bóng của câu thơ có hay tới đâu thì cũng cần trên nền lớp nghĩa đen không sai. Và rồi tôi hiểu lau ở bài thơ không còn là những thân cây riêng lẻ tuân theo qui luật thành trụ hoại diệt, mà là cả bãi, cả triền sông dường như không lúc nào thiếu vắng. Nên lau vừa nghìn tuổi, vừa trẻ; lau trở thành nhân chứng, theo trục thời gian, điểm danh từng mốc lịch sử: chim Lạc, Bà Trưng, Vạn Xuân – Trấn Quốc, Nam – Bắc liền cành…
Mặt người hồng như mặt sen hồng
Nam – Bắc liền cành
Lau từng bông thơm tơ tóc
Những mẹ già móm mém bến sông
Tôi sợ mình không đến được trăm năm
Cha mẹ buổi trời xanh mây trôi bời trắng
Tôi tự hỏi, sao ông sợ mình không đến được trăm năm mà uống khỏe và làm việc quần quật thế? Rồi tự trả lời người như Phùng Văn Khai sẽ luôn biết đủ.
Anh sáng tạo ra một kiểu từ láy riêng, chính xác và thích hợp:
Tiếng gà khuya ràng rạng ánh ngày.
Trong bức tranh tĩnh vật Cây bàng góc phố, mọi thứ rất động:
nhất loạt trẫm mình xác phố
chân người điếng lá đăm đăm
Chắc “người” cũng không đa sự đến mức xót xa gì khi đặt chân lên lá, mà do óc liên tưởng tới quá trình “hoại, diệt” của vạn vật mà thấy “điếng” thôi.
Bàng cũng chịu trận:
vết đạn loang tường âm ỉ
thân nghiêng hằn ụ mây đêm
Trong khi đó thì:
Những phố những đèn
lồng lộng trang kim
ngậm đau cật ruột
Từ trang kim ở đây hẳn là một phần của “vàng mã trang kim”.
Và tư thế của bàng cũng ít nhiều giống tư thế của dừa (đứng canh trời đất bao la) trong thơ Trần Đăng Khoa:
Trăm năm chống trời góc phố
chìm nổi thịnh suy
cơ hàn gân cốt
tự mình ngẫm nghĩ cao xanh.
Câu kết này, phép tu từ là nhân hóa, nhưng đồng thời cũng ngỏ một thông điệp rằng hằng hà sa số kiếp trước, cây đã từng là tổ tiên của loài người.
Ngoái về quá khứ là thế, còn tương lai thì sao?
mai rồi tan mây khói
tôi ở đâu trong hút hắt sông Hồng.
(Hà Nội của tôi)
Có thể sẽ lại thành một cây bàng chăng?
Từ đầu tập thơ tới đây, tôi thấy nổi trội là giọng trữ tình công dân đầy bổn phận, và tới bài thơ Nhà số 4 (trụ sở của tạp chí Văn nghệ quân đội) thì nhận ra thơ với anh không chỉ là sở thích mà còn là nghề nghiệp. Và khi tiền bối của anh đã:
Ai người cát non kê biển
Tổ quốc u oa đánh vần
Thì anh phát đại nguyện:
Ta nguyện như hương cháy đỏ
Thơm cùng hoa đại đêm đêm
Ta nguyện như đèn sáng tỏ
Âm thầm chờ đợi trăng lên.
Viết về các danh nhân lừng lẫy trong lịch sử, nhiều người đã làm, và khoảng trống cho phát hiện của người đến sau đương nhiên hẹp lại. Trong bài Nguyễn Trãi, anh đã định vị rằng bậc quân tử có thể chấp nhận oan khiên cho bản thân mình như một phần của lịch sử:
Côn Sơn rêu thẳm xanh
lòng người xanh rêu thẳm
Bởi vì danh nhân cũng không hoàn hảo, trong khi tai vạ luôn rất gần:
Thiên tài sao mơ ngủ
công danh tủi nhục cầm
Tuy nhiên Nguyễn Trãi hẳn luôn đau đáu mong cầu cái oan ngày một giảm bớt, nhất là nỗi oan với những đứa trẻ vô tội:
“tơ tóc lìa máu ấm
vằng vặc sáng đêm đêm”
“dòng máu non tơ tóc
nhỏ buốt mấy trăm năm”
“thương cỏ hoa bằn bặt
bầu máu thơm sữa nguồn”
Sau tới ba lần nhắc đến con trẻ, đoạn kết của bài thơ vẫn là đòi máu cho con trẻ:
“Ta đâu cần bia, bảng
ơi nọc người thế gian
trả máu non tơ tóc
về u oa tiếng đàn.”
Cũng là viết về danh nhân, nhưng bài thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm được đặt cạnh bài thơ Nguyễn Trãi như một tương phản:
Ông tự nhận mình dại dột
thanh am vắng vẻ lui về
Và thái độ dứt khoát:
mặc chốn quan trường gươm máu
giang san chao đảo phân ly
Ông như đã đắc đạo:
thiên hạ mênh mang vạn dặm
tiếc gì một thoáng mây bay
Ông lui về không phải vì vô trách nhiệm, mà nhận ra thực trạng không thể sửa chữa:
Vương quyền đảo điên sớm tối
cỏ hoa liệu có thanh nhàn
người say máu người u tối
lương thần liệu có vô can
Danh nhân thứ ba gợi hứng cho Phùng Văn Khai chính là cụ Trạng Bùng – Phùng Khắc Khoan, người sinh thời vua sáng tôi hiền nên mặc sức cống hiến tài năng:
Cảm hoá kẻ thù ấm tay bầu bạn
Câu thơ đề xuyên mấy trăm năm
Lời thơ dâng bát ngát trăng rằm
Trung Hoa mênh mông, Trung Hoa thán phục
Là ca ngợi cụ Trạng, lại cũng là thiên nhiên dạy con người sống sao cho thong dong:
Mấy trăm năm xanh cỏ xanh cây
Mây Kẻ Bùng dường bay dường thanh thản
*
* *
Bài Thơm sen là một câu chuyện cô đọng của sen và người qua từng mốc thời gian:
Mười ba tuổi
tắm ao sen
em ửng áo cầu ao
sen nghiêng bẽn lẽn
Tiếp theo là một chi tiết “kinh điển” trong văn học về người lính:
Mười tám tuổi
tạ sen vào tiếng súng
em hẹn dấu chim trong
lấm tấm cau mừng
Mười năm
đằng đẵng sen khuya
đợi thức
xanh hương nhụy
Và cái kết vẫn kinh điển, nhưng theo nghĩa mất mát mà siêu thoát:
Anh về
tấm giấy
tiếng mõ chùa tự bấy thơm sen.
Ở trong bài thơ tiếp theo về sen, anh viết nhiều và kỹ, nhưng phần tôi cảm nhận sự khác biệt so với bạt ngàn những bài thơ sen của các tác giả khác là:
Trùng trùng thân đứng bên thân
Cao dày hơn sóng ân cần hơn mây
Cũng trên cái nền sen, nhưng bài này nghiêng về tiếng nói công dân:
Những gạch đá đền đài đã cũ
Mây trắng bay ngang cũng cũ rồi
Duy máu đỏ của người trung nghĩa
Mãi tươi màu trong sắc hoa sen
Hương cháy đỏ ruột từng bông sen thắm
Đang rạng dần trong sắc lá xanh kia
Và khi nhà thơ cũng là một người lính:
Ta quỳ xuống trước mộ người tuấn kiệt
Quỳ trước sen Gò Tháp giữa sương khuya
Anh cũng không quên nhắc tới hiện tại để thấy hy sinh là ý nghĩa và đáng giá:
Gò Tháp hẹn về ấm sáng mỗi vành nôi
Những tưởng viết về sen nhiều đến thế thì ngay với bản thân Khai cũng có thể sa vào mòn nhàm, nhưng không, anh vẫn tiếp tục nhận ra những “chất” mới ở sen, trong bài Sen Tháp Mười:
Máu chảy giữa lòng thơm lên phía trước
Sen giống người từ cách sắp đội hình:
Người nối người sen nối sen thơm thảo
Trong cách vượt qua gian khổ:
Từ đêm đen từ sình lầy cơ cực
Đã rạng hồng trong sắc hoa sen
Và kết bài là một khổ thơ tình yêu! Phùng Văn Khai ít làm thơ tình lắm, nên cái tình yêu chung chung nghiêng về biểu tượng, rất an toàn này tôi cũng giới thiệu với bạn đọc cho thêm phần đa dạng trong thưởng thức:
Ta đã đến Tháp Mười tay đã nắm tay em
Đã thưa với mẹ cha đã hẹn xuồng ba lá
Đã thì thầm với sen suốt đời ta mắc nợ
Và suốt đời trả nợ riêng em.
*
* *
Trong bài Nhắn tìm đồng đội, Phùng Văn Khai điềm đạm kể câu chuyện mất mát đau thương của người ruột thịt. Anh nói về tuổi nhập ngũ:
(đôi mắt ngày nào trong vắt
hằng tin vào điều mình tin)
Và vẻ đẹp chọn môi trường mà tỏa sáng:
lũ cồn bơi vượt sông Lăng
Rồi cái kết cũng như vô vàn mất mát đau thương khác:
hòa bình vàng hai tấm giấy
Tuy nhiên sông nước thì không vô tình:
Sông Lăng lầm lụi ngoài kia
Sau rất nhiều nỗ lực tìm kiếm không thành vì nguyên nhân dễ hiểu, anh chợt nhận ra điều mấu chốt:
Sông Lăng chợt nhoè mặt giấy
tôi viết đã ba bốn lần
ba bốn lần người trong ảnh
mỉm cười mây trắng sông Lăng.
Họ không quan trọng cái việc anh có tìm thấy hay không nữa rồi!
Ở bài thơ tiếp theo, tôi thích cái khổ thơ chỉ có 4 câu mà đủ cả kịch tính lẫn cao trào này, và nhận ra nhà văn Phùng Văn Khai bởi chất văn chính là ở đó:
Có tự bao giờ sông Lăng?
trẻ con hỏi người già im lặng
người già hỏi người già hơn im lặng
nhẩm tính tuổi mình dè dặt tuổi sông
Tôi không rõ Phùng Văn Khai đã phải là Phật tử chưa, có pháp danh chưa, nhưng hai câu thơ này hệt lời Đức Phật đã dạy chú sa-di La-Hầu-La con trai mình về hạnh nhẫn nhục của nước:
Chẳng bao giờ sông tính thiệt hơn
nhận vào lòng mình biết bao rơm rác
Anh tiếp tục đóng góp những từ láy ngồ ngộ, vui vui:
cá mương rỉa giận lưng trâu lựt sựt
lô nhô vạt áo gái làng đêm trăng
chưa ngần ấy đã thản nhiên sông Lăng
Từ “ngần ấy” có nghĩa là gì? Trong trường hợp này thơ không phải để hiểu!
Anh không thi vị hóa sông theo kiểu mùa nào cũng tràn trề, nhưng phần tả thực là vậy chứ hồn cốt sông vẫn:
mùa đông gầy guộc quặn mình hôm mai
mà vâm váp tình xứ sở
Anh tinh tế khéo léo khi tả những cảnh huê tình:
gái làng khoả trăng
rô, mương lựt sựt
Nhưng cái kết thì có vẻ chưa thật sự xứng tầm với một bài thơ hay.
Đêm nay chạnh một đêm trăng
một mình ta một sông Lăng ngọn nguồn.
Phùng Văn Khai đã bắt đầu cách tân đáng kể về ngôn ngữ thơ ở một số bài, gợi liên tưởng tới ngôn ngữ của nhà thơ tiền bối cùng họ với anh – Phùng Cung. Bài Đợi:
Mất dấu em xanh
thơm tết tóc
Tuổi về thức cốm
vỡ mây khuya
Cây chìm đáy mộ
ngày câm rạn
Cỏ biếc hôm mai
đá rụng thề.
Ngôn ngữ thơ không suôn sẻ trơn tru và tiết tấu gập ghềnh, ý thơ cũng đầy đột biến:
Người đi biệt thẳm
xương mặn biển
(Mộ gió)
Từ “vầng cỏ” rất mới, mà rất trang trọng:
Ta về cúi trước
hai vầng cỏ
Cũng như nhiều bà mẹ khác, mẹ trong thơ Phùng Văn Khai chịu thương chịu khó. Trong bài Thơ về mẹ:
tối muộn nằm
tinh sương chốt cửa khẽ khàng
sương mùa đông chưa tan
Còn đây là chân dung tự họa của anh (gọi là nhân vật trong thơ cũng được):
Con lấp xấp năm mươi
khù khờ, ngộ nhận
bị lừa tiền, tình, danh, phận…
toàn yêu mây, cỏ, trăng, hoa, bướm, đình, chùa…
toàn chơi với các nhà thơ
Và anh thành thật mà thành kính:
Có phải mẹ Phật, Tiên
có phải con cóc nhái
thơ khượt văn rỗng oang oang
vấp sưng mặt rớm máu hòn sỏi đỏ
Anh chỉ ra qui luật bù trừ gia giảm để sự cân bằng luôn vững vàng:
Con toàn chộ quan
mẹ bênh vực ăn mày
ngày thịt cá đổ đi
đêm hẩm hiu hạt nhặt
Và trên tất cả, mẹ luôn nhẫn nại lặng im bởi biết những đứa con đã được gieo mầm thiện trong tâm thì luôn đi đường sáng:
Lặng im
đêm đêm hạt móc
ngẩng cầu trời tóc mẹ ta xanh.
Là nhà văn, lai lịch trong thơ của anh ta khó mà giấu được. Và bài Thơ tặng mẹ cũng là một truyện ngắn được triển khai theo thời gian tuyến tính: Bốn tuổi, tuổi thơ… Anh tả lớp mầm non thời chiến rất sống động:
lớp mầm non nửa chìm dưới hầm nửa khuất sau vòm lá mẹ bận ra đồng cho đất đai sinh sôi
Và sau chiến tranh người cha không về thì:
Mẹ không lấy chồng
mùa đông mẹ dài cho mùa đông con ngắn
hoa xoan tím nôn nao vầng ngực
chó cắn khuya lăn lóc tiếng thở dài
năm ấy bão về con hết cấp hai
Vẫn là “chỗ ướt mẹ nằm chỗ ráo con lăn” thôi, nhưng Phùng Văn Khai đã chọn một cách nói mới, hay và thuyết phục.
Mẹ tiếp tục hy sinh:
những đàn ông thưa đến nhà mình
năm con vào đại học
Ấm thì dễ thấy rồi, nhưng sáng là sự quan sát rất tinh:
nhà mình hôm ấy ấm và sáng
anh cũng là bộ đội
cưới một tuần anh đi Trường Sa
Anh đã gián tiếp đề cập đến thời gian ở nhiều bài thơ, nhưng tới bài thơ Thời gian thì thành cuộc đối thoại trực tiếp, thành những câu hỏi cắc cớ mà nhức nhối, mà rất đáng tìm câu trả lời:
sao thời gian xanh cây cỏ
mà héo con người?
đắng cay không gặm sắc trời
mà đang tay vắt kiệt người lầm than
Tuy nhiên không phải cứ trong dòng thời gian như thế thì chúng ta có quyền sống buông thả:
điều lành dành dụm chẳng dám tiêu pha
phía bồi cây cải đơm hoa
vạt rau răm đắng mặn mà nổi trôi
Nhưng rút cục cảm thức bi quan lại quay về:
Xanh bên bồi
xanh bên lở
đá mòn thăm thẳm sông sâu
xóa lần xóa lượt còn đâu
nên thân cát trắng một màu thời gian.
Có một định nghĩa về nhà thơ là người biến thế giới của mình thành thế giới của người khác. Thế giới “của mình” ấy ở Phùng Văn Khai rất đậm phần bổn phận, trách nhiệm công dân và nhiều đại tự sự. Và thật khoái thú khi rút cục hóa ra anh không vì thế mà quên chơi.
rong chơi đến tận lỡ làng
còn sang kiếp khác gẩy đàn phiêu ly
(Khúc rong chơi)
Tuy nhiên chơi như xả thân thì lại gợi nhiều suy nghĩ:
bao nhiêu mây đen
trẫm mình xanh đất
bao nhiêu nẻo khuất
phù sa lấp đầy
Và rút cục hóa ra là chơi kiểu vui khỏe có ích:
đời người ừ nhỉ đời cây
gió rung thì hát khúc này rong chơi
Trong lúc rong chơi ấy, anh vẫn tỉnh táo nhận ra tác động tiêu cực của thời gian không chỉ về phía kém may mắn:
Thời gian xô lệch bên bồi
ngậm ngùi bên lở
Trong bài thơ về một người chơi khác, thi sĩ Hoàng Cầm, anh chỉ ra nghịch lý:
Trời rộng như nhau
mưa dần xanh cỏ
đời chật như nhau
bốn bề sóng gió.
(Mưa xứ Đông)
Nghịch lý này Nam Cao từng đề cập “hạnh phúc cũng chỉ là một cái chăn hẹp, người này co thì người kia bị hở”. Tuy nhiên Phùng Văn Khai đã phát triển thêm một bước dài khi chỉ ra sự vô minh của “đời”, tức là trời vẫn rộng, vẫn đủ sống cho tất cả chúng sinh muôn loài đó thôi, nhưng không biết bảo nhau thì thành chật.
Và anh tiếp tục mạch đối sánh trời/ người ấy ở một bài thơ khác, nhưng nhiều hơi ấm hơn:
Lắng nghe mầm cây mọc
chợt thấy ngày mai vui
biết rằng mình nặng nợ
không bằng đất bằng trời.
(Ngẫu khúc)
*
* *
Như tôi đã đề cập ở trên, thơ tình của Phùng Văn Khai khá là chung chung. Ta dễ thấy đôi ba dấu hiệu của tình yêu mà khó thấy câu chuyện tình:
không biết thổi khèn thổi sáo
đành chỉ tìm vào mắt nhau
(Với Hoà Bình)
Cũng chưa biết khèn sáo và nhìn vào mắt, anh nào hiệu quả hơn!
tôi lặng nhìn em không nói
bập bùng bếp lửa đê mê.
Khi có từ đê mê thì tình cũng cụ thể thêm một chút rồi nhỉ?
Tuy nhiên, đến bài Thơ tặng vợ thì tôi đã thấy chi chít dấu hiệu của tình yêu trong một câu chuyện tình. Mở đầu đã có chút ngang ngang, vừa “khác”, lại vừa “chân quê thuần hậu”:
Vợ mình khác vợ người ta
Chân quê thuần hậu thì ra vợ mình
Và càng đi sâu vào “tả thực” thì càng rõ ra kiểu ngợi ca rất… đa chiều:
Vợ mình đẹp vợ mình xinh
Vợ mình đỏng đảnh vợ mình đung đưa
Vợ mình mặn vợ mình chua
Vợ mình mau vợ mình thưa bìm bìm
Vợ mình mặn, chua thì ít nhiều có thể hình dung được; nhưng mau, thưa sẽ khiến độc giả tha hồ mà suy diễn, tưởng tượng.
Sự đa chiều thể hiện ở cả chân dung tự thân và trong tương tác với chồng:
Vợ mình nuôi cá nuôi chim
Nuôi ong nuôi bướm in tiền chồng chơi
Bảo là “chân quê thuần hậu” xem ra không thuyết phục lắm!
Và sự đa chiều ngổn ngang của khổ thơ tiếp theo cho thấy sự ngang cơ của đôi bên, cũng cho thấy trong tình chồng vợ chân thành thì không có khái niệm ai cao ai thấp, cũng không quan trọng ai cưa ai thịt ai:
Vợ mình từng đã ăn gian
Mấy lần rút tuổi để toan thịt mình
Chưa cưa mình đổ ình ình
Môi vợ mình hé trái tim mình phồng
Bài thơ là một ví dụ điển hình cho thấy để có một bài thơ hay, nguyên mẫu và tác giả đều quan trọng!
Tập thơ khép lại bằng một bài thơ Chân dung tự họa, nhưng rút cục tôi cũng thấy chung chung như những vần thơ tình yêu của anh vậy, bởi đó có thể là Phùng Văn Khai, mà cũng có thể là bất kỳ ai; trừ hai câu kết của bài:
Một mình ngồi khóc hoa rơi
say rồi lại hát với người tình thâm.
Và tới đây tôi chợt nhận ra với lối tư duy, thao tác của một thi sĩ nhưng lại cũng là của một nhà văn, Phùng Văn Khai đã gửi gắm (bảo giấu diếm cũng không sai) nhiều tâm sự, tư tưởng, thậm chí cả cá tính của cá nhân mình vào cỏ cây, vào các nhân vật không tên, có tên, trong lịch sử và đương đại. Thế nên hành trình tìm chân dung nhân vật – tác giả sẽ còn tiếp tục.
Khóc và hát, hai phần quan trọng nhất tạo nên thi sĩ Phùng Văn Khai. Dù sao tôi vẫn chúc anh, trong đời hay thơ sẽ thêm hát mà bớt khóc.
H.L.S