Nguyễn Quang Thiều
Trong thời hiện tại mà chúng ta đang sống, nỗi hoài nghi lớn nhất luôn luôn thường trực trong tôi là hoài nghi về sự tồn tại niềm vui. Có chăng chúng ta đã được nếm trải trái chín của niềm vui trong khi cuộc sống của chúng ta luôn luôn bất toàn. Chúng ta luôn kiếm tìm, kiếm tìm bằng cả trái tim chân thành nhất, để hưởng niềm vui được sống trong cuộc đời này. Nhưng những gì chúng ta tìm thấy chỉ là lớp áo choàng (đôi khi đã thay ra) của niềm vui. Và tất cả những gì mà chúng ta mơ hồ đạt tới niềm vui lại đang đày đọa, lừa mị chúng ta nhiều nhất.
Thực tế như vậy nguy hiểm vô cùng đối với ý thức sống của chúng ta. Chúng ta đang cố tạo dựng nó, gọi tên nó và nhiều lúc cưỡng bức nó. Sự ảo tưởng về niềm vui đang ăn rỗng chính tâm hồn của con người như một đàn mối rời bỏ chiếc tổ ấm áp của mình chỉ vì những cơn mưa tưởng tượng. Dường như những trận mưa niềm vui còn chưa đến. Trong ảo tưởng niềm vui, con người luôn luôn có nguy cơ trở nên hư hỏng nhiều hơn. Sự ngạo mạn và ngu ngốc thường được sinh ra trong trạng thái ấy. Đồng thời nỗi sợ hãi, sự cô đơn và khát vọng vượt qua nỗi sợ hãi, cô đơn ấy bị đánh mất. Khi con người rơi vào nỗi đau đớn tinh thần và tuyệt vọng về chính đời sống của mình, khi mà con người dứt hết mọi sợi dây ràng buộc của thiên nhiên, của đời sống, khi ấy con người cần đến Cái đẹp hơn mọi nhu cầu khác.
Cái đẹp không bao giờ biến mất khỏi thế gian cũng như tội ác vậy. Tất cả cùng tồn tại trong đời sống chúng ta mọi nơi, mọi lúc. Vật chất đang biến thế giới chúng ta thành một thế giới mù lòa. Con người thời hiện đại có thể lợi dụng tất cả để phục vụ cho nhu cầu hưởng thụ vật chất của họ kể cả tôn giáo. Càng đắm chìm vào thế giới vật chất, con người càng trở nên tăm tối, giá lạnh và độc ác. Và con người chỉ có một con đường duy nhất là tự hoàn thiện mình, đấy là Thiên mệnh.
Tôi không tưởng tượng nổi con đường tự huỷ diệt như một số triết gia bi quan. Bản chất của nghệ thuật và tôn giáo từ khi được sinh ra là nhằm giúp con người không chỉ lê bước nặng nề mà còn bay lên trên con đường thiên lý ấy. Đấy là con đường giúp con người tự hoàn thiện mình. Sự thực hiển nhiên rằng nếu như chỉ có sự tàn lụi thì thế giới này đã biến mất khi chúng ta chứng kiến bóng tối và tội lỗi không chỉ hoành hành ở khắp nơi mà còn phủ bóng ngay trong tim chúng ta. Nhưng vượt nên trên mọi điều đau đớn đó chúng ta vẫn tìm thấy cảm giác về sự tồn tại của Cái đẹp. Nhưng như Maria Rilke viết: “Đã có bao phát minh, bao nền nghệ thuật, bao nhiêu tôn giáo ra đời nhưng con người chỉ vẫn sống trên bề mặt của đời sống”. Chúng ta đang ngủ trên bậc cửa của Cái đẹp quá lâu bằng sự lười biếng và sợ hãi… Hay giống như câu thơ cổ của Nhật: “Hỏi một người lòng cũng nông như vậy/ Làm sao biết yêu sâu”.
Con người, trong lịch sử của mình, đã trải qua quá nhiều tội lỗi, quá nhiều thất bại, quá nhiều sự nản lòng. Trong lúc con người rơi vào bóng tối của tuyệt vọng thì Cái đẹp xuất hiện. Giống như ta đang đứng trên một vùng đất hoang vu và bao quanh là bóng đêm bất tận và ta không sao tìm được con đường. Bóng tối vây kín và bủa vây khắp nơi, đùn từ dưới lên và đổ từ trên xuống. Con người không còn hành động nào hợp lý hơn là trở thành một phần của bóng tối hay đơn giản hơn là nằm xuống như một nấm đất.
Chính lúc đó. Chính thời khắc quyết định ấy, Cái đẹp xuất hiện như một ánh chớp. Và trong khoảnh khắc, toàn bộ mọi vật đã được soi sáng. Con đường hay dẫu chỉ là hy vọng về con đường hiện lên trong tâm trí chúng ta và không bao giờ biến mất nữa. Từ đấy dù ánh mắt thiêng liêng không ngó xuống với ta một lần nữa thì khoảnh khắc ấy cũng dư thừa. Chúng ta sẽ thoát khỏi sự bủa vây của bóng tối bằng chính con đường trong bóng tối mà ta có khi chỉ một lần nhận thấy.
Có người đã hỏi tôi về người đàn bà trong bài thơ Cái Đẹp trong tập Sự Mất Ngủ Của Lửa có ý nghĩa gì. Trong bài thơ ấy là cảnh một con bò kéo chiếc xe đá trên con đường gió lạnh. Sau xe là người đàn ông cúi mặt đẩy xe. Và trên thùng xe là một người đàn bà mang gương mặt đẹp của Thiên thần. Cả con bò và người đàn ông kia đã nguyền rủa con đường, gió lạnh và nguyền rủa nhau. Con người, con bò và chiếc xe đá nặng nề kia chính là thế giới của chúng ta. Thế giới ấy luôn luôn có sự ngự trị của Cái đẹp. Người đàn bà đẹp là sự ngự trị ấy. Nếu con người kia ngước lên dù chỉ một lần thôi thì anh ta nhận ra Cái đẹp. Anh ta sẽ nhận được sự cứu rỗi. Nhưng anh ta đã không nhận ra nên đã nguyền rủa đời sống của chính anh ta và con đường dài của đời sống ấy đối với anh ta là sự đầy đọa. Nhưng nếu anh ta nhận ra Cái đẹp luôn luôn chờ đợi ngay trước mặt và thuộc về anh ta thì con đường anh ta đang đi sẽ tràn ngập đức tin và sự hy sinh anh ta đang phải trả là một sứ mệnh lớn lao.
Cái đẹp không rời bỏ con người dù họ u tối và tội lỗi đến đâu. Cái đẹp luôn luôn tìm mọi cơ hội để cứu vớt con người. Không phải cái đẹp chối từ con người mà chỉ là con người không nhận ra cái đẹp. Đôi khi, như một nghịch lý có thật, con người chỉ tin vào những gì bí ẩn. Sự hiển hiện gần gũi, thân thuộc quá khiến con người lười biếng không tin tưởng. Con người thiếu tự tin đến mức nghĩ rằng phải trả một cái giá nào đó thì Cái đẹp thực sự mới hiện ra với mình. Khi người đàn ông kia không nhận ra được Cái đẹp thì anh ta chỉ ngang bằng với một con bò. Nếu như anh ta ngước lên, ngước lên một khắc thôi, anh ta sẽ bừng tỉnh tất cả và nếu tôi không nhầm thì dàn hợp xướng vô hình vẫn còn bay quanh đó chờ đợi phút giây ấy để reo ca.
Theo Tuổi trẻ và Đời sống
N.Q.T