(Vanchuongphuongnam.vn) – 6 giờ sáng, cánh cửa sắt cũ kỹ mở ra, cái xe gỗ tự chế được đưa ra khỏi cửa, đặt ngay ngắn phía trước đầu con hẻm, vài cái bàn, cái ghế đẩu được sắp xếp ngay ngắn dọc hai bên tường, quán café dì Năm bắt đầu mở bán như thường lệ, cái quán tồn tại trong con hẻm nhỏ của khu nội đô Sài Gòn, ngót nghét gần cả chục năm nay.
– Cho ly đen đá nha Năm.
– Ờ, có liền!
Người đàn ông là khách quen của quán, cũng ở xóm này, làm nghề thầu xây dựng, sáng nào cũng mở hàng quán café dì Năm. Kéo chiếc ghế đẩu dựa vào bờ tường, người đàn ông ngồi xuống rồi mở tờ báo Thanh niên ra đọc, sáng nào cũng vậy, café đen và tờ báo giấy là hai thứ không thể thiếu từ lâu của dân Sài Gòn vốn vẫn quen với lối sống điềm nhiên, giữa sự ồn ào hối hả.
– Nay hổng đi làm hả? – Dì Năm đem ly café đen đặt trên cái phin còn nóng hổi và ly đá trong veo nhìn đã phát thèm, cất giọng hỏi người đàn ông.
– Nay em nghỉ, làm cả tháng rồi, nay nghỉ đưa mẹ con nó đi chơi.
– Chà! Đã nghen.
Nói dăm ba câu, dì Năm lại vội vội vàng vàng đi về phía quán, tầm này khách đã bắt đầu đông, đa phần cũng là dân trong hẻm với mấy người là nhân viên của công ty, siêu thị xung quanh. Lạ lắm nghen! Cái quán dì Năm dù đơn giản, chẳng cầu kỳ, chỉ vài cái ghế đẩu cũ kỹ và cái bàn nhựa lâu năm vậy mà sáng nào cũng đông khách, có hôm chẳng còn chỗ ngồi, mấy người khách đành phải mua đem đi mà miệng thì tiếc rẻ: “Trời, nay ra trễ cái hết chỗ ngồi luôn hen!”.
Sở dĩ quán dì Năm đông khách vì dì Năm vốn là dân Sài Gòn từ thời cha sanh mẹ đẻ, cái tính vốn dĩ đã hào sảng nên bán buôn rộng rãi, ai cần thêm đá thì thêm, ai cần thêm trà thì thêm, có người ngồi từ sáng tới trưa, dì Năm cũng vẫn xởi lởi chẳng trách phiền, lại còn hồ hởi: “Ngồi đi, có gì dzui dzui thì kể Năm nghe, bán buôn cả ngày, có biết mẹ gì đâu”. Rồi Năm lại cười khanh khách.
Quán đông, hẻm chật, người ra rồi lại người vào, quán dì Năm từ lúc nào đã trở thành nơi tập trung những câu chuyện thời sự vòng quanh cả nước, từ chuyện chính trị gia, đến chuyện kinh tế thị trường, rồi mấy cái chuyện ồn ào của thầy bà nào đó, cũng được dân “café vỉa hè” đem ra bàn luận, rôm rả, xôm tụ, mà cũng đậm chất giản dị, bình dân, chẳng triết lý, chẳng khoa trương, cứ ai biết gì thì nói nấy, y như bản tính của dân Sài Gòn thẳng tơn, mộc mạc.
– Đá chống lên kìa!
Ông chú ngồi uống café, chỉ cái chân chống cho cô gái trẻ vừa quẹo vô đầu hẻm, hôm thì có chị dẫn xe ra, đạp máy hoài không nổ, vậy là mấy chú mấy anh ngồi uống café cũng bày tỏ sự ga lăng, tới nổ máy dùm, rồi nói vội “đi đi, ơn nghĩa gì”. Thỉnh thoảng uống nước xong hay ăn tô phở, tô bún, đứng dậy trả tiền, chủ quán khoác tay “Thôi khỏi, có người trả rồi”. Người Sài Gòn vẫn vậy.
Hẻm Sài Gòn, đi vài căn là có quán, nào quán café, quán hủ tiếu, quán canh bún, cơm tấm nhà làm,…Sáng sớm dậy, đi một vòng từ đầu hẻm tới cuối hẻm là thấy ngập tràn người mua kẻ bán trong con hẻm nhỏ, Sài Gòn đất chật người đông, chỉ sợ không tiền chứ không gì là không có.
Ấn tượng nhất con hẻm này là nhà may Đông Phương, cái tiệm may ba đời truyền lại, nổi danh một góc thị thành, dù nằm trong con hẻm nhưng nói tới nhà may Đông Phương thì cứ như nói về một đặc điểm ấn tượng trứ danh của người Sài Gòn chính gốc với cái biển hiệu được viết tay, khách may nào là dân nghệ sĩ, nào là dân kinh doanh, phú gia, công chức đều có đủ. Dù qua nhiều năm, chủ tiệm cũng không in máy biển hiệu, nếu có cũ thì cho đem sơn phết lại, bởi vậy mà cái bảng hiệu vẫn giữ được nét mỹ thuật xưa xưa, cổ điển, ai nhìn vào cũng thấy ấn tượng như thấy một Sài Gòn cách nay cả chục năm về trước.
– Chị đẹp, cho hai dĩa “xà bì chưởng”, đem qua dùm em nghen!
– Có liền có liền!
Cậu thanh niên áo trắng đóng thùng, lò đầu ra ngoài cửa sổ của một công ty tư nhân nhỏ nhỏ nằm trong con hẻm, nói với chị bán cơm tấm. Nhận được yêu cầu của khách hàng, chị bán cơm mặt hớn hở, tay nhanh thoăn thoắt múc cơm vào dĩa, những vá cơm trắng phau, nóng hổi đơm trên cái dĩa mẹt bằng nhựa sạch sẽ, món “xà bì chưởng” là cách nói trại của món sườn bì chả, tên gọi vừa vui vừa quen thuộc của dân cơm tấm Sài Gòn.
Chưa đầy 5 phút, hai dĩa cơm với miếng sườn tẩm óng ánh, miếng chả vàng ươm và mớ bì mỏng tơi hấp dẫn đã nằm gọn trên dĩa nhựa, bên dưới lớp mỡ hành và vài lát dưa leo thái mỏng, kèm chén nước mắm đỏ au được chị chủ quán nhanh nhẹn mang vô cho khách ở công ty.
Đối diện quán cơm tấm là quán hủ tiếu Ba Hùng, quán nổi tiếng cũng khá lâu năm, chủ quán là người gốc Hoa, sống trong hẻm cũng trên dưới ba chục năm, quán mở từ khi dân Sài Gòn còn chưa có xài điện thoại, đến nay quán hủ tiếu đã mở ra hai chi nhánh vì quán bán ngon, lại mang danh người Hoa bán hủ tiếu nên nhiều người coi đó là thương hiệu món này. Ở con hẻm này, quán Ba Hùng là nơi mở hàng sớm nhất, tầm 4 giờ sáng đã thấy quán mở đèn, khói bốc lên nghi ngút, mùi thơm của hành phi, tỏi ớt, nước dùng bay ngào ngạt đầu trên xóm dưới, gần 5 giờ sáng đã có khách ghé quán ăn. Nói tới quán Ba Hùng thì người ở địa bàn khác cũng nghe tên, bởi hiếm khi có quán hủ tiếu người Hoa mà tồn tại lâu năm ở đất Sài Gòn này lắm.
– Ê, chiều có trận Việt Nam – Mã lai, hú mấy chiến hữu ghé quán Tâm nha!
– Oke, oke, chiều ghé!
Chiếc xe máy chạy ngang quán hủ tiếu, người đàn ông cất giọng hồ hởi với một thanh niên đang ngồi ăn gần phía bên ngoài. Quán Tâm là quán café có màn hình rộng, nằm ở gần cuối hẻm nhưng có không gian thoáng đãng, chủ quán cũng là dân gốc Sài Gòn nên cũng rất xởi lởi nhiệt tình, mỗi lần có trận đá banh là quán thành nơi tụ họp của dân ghiền bóng đá, cứ vô đó là tha hồ vừa uống café, vừa cổ vũ qua màn ảnh rộng, chủ quán thì tiếp nước liên tục, thỉnh thoảng lại còn có quà tặng cho khách khi Việt Nam đá thắng, thành ra quán này cũng là nơi tụ họp giải trí của người dân trong hẻm.
***
Nắng bắt đầu lên, mỏng và nhẹ trên những nóc nhà nội đô sầm uất, giữa sự ồn ã của người và xe, chị chủ tiệm tạp hóa tên Thoa cất giọng trầm lặng:
– Chiều coi ghé thăm nhà bà Thanh, nghe nói bả bịnh, một mình nuôi hai đứa nhỏ, giờ còn bịnh coi bộ cũng khổ.
– Chỉ bị sao vậy chị?
– Nghe nói có khối u trong phổi.
Người khách hàng vào tiệm tạp hóa, cũng là dân trong hẻm, mua mấy dây dầu gội đầu, nghe lõm câu chuyện nên sẵn tiện hỏi thăm:
– Chị Thanh má con Bích hả chị?
– Ừa, bả đó.
– Tội hen, hèn chi lúc này thấy bả ốm yếu, em đâu có biết bị bịnh, tưởng đi làm cực quá nên ốm.
– Bị bịnh, hôm qua mới kể tui nghe.
– Khi nào đi thăm nói em, em gửi chút đỉnh tiền.
– Ừa, chiều đi nè.
Người phụ nữ móc trong túi áo tờ một trăm ngàn đưa cho chị Thoa, trong túi chắc còn sẵn nhiêu đó nên đưa luôn. Tôi cũng lấy trong túi áo một ít tiền đưa cho chị chủ tiệm. Lòng người Sài Gòn, chẳng cần câu nệ, cứ thấy thì cho, cứ nghe thì giúp, chẳng toan tính phân vân, lá lành đùm lá rách vẫn luôn là tấm lòng những người chòm xóm láng giềng, mà dân Việt Nam mình vốn vậy, nghe đồng bào khó khăn thì có bao nhiêu là giúp bấy nhiêu, ai có gì giúp nấy, tương thân tương ái mà chẳng cần nhận lại điều gì.
Hơn 5 giờ chiều, con hẻm lại đông keng người ra vào tấp nập, người tan tầm, học sinh cũng tan học, hàng quán lại mở ra bán giấc chiều tối, bồi bàn rôm rả đón khách. Nơi kinh doanh ăn uống, giải trí bắt đầu đông đúc sau giờ nghỉ trưa vắng vẻ.
Những bản nhạc phát ra từ giọng ca Tuấn Ngọc trầm vang trong quán café “Hiệu Sách” ở đầu con hẻm, quán này có nhiều người là dân trí thức, sinh viên, họ ghé quán thư giãn, làm việc và đọc sách, không gian quán nhỏ nhưng tập trung và ấm cúng, cách bày trí cũng mang nét nghệ thuật đặc trưng nên dù nằm trong hẻm nhưng vẫn thường đông khách.
Đèn đường nhấp nháy, Nhà thờ sáng choang khi Trời vừa sụp tối, người mộ đạo xiêm áo chỉnh tề để đi dự lễ. Hình như càng về đêm, Sài Gòn càng bước vào nhịp sống náo nhiệt và đẹp đẽ của một thành phố trang hoàng và hiện đại.
Bên ngoài con đường lớn, xe cộ đông đúc nối đuôi nhau, bên trong con hẻm, chị chủ tiệm Tạp hóa bỏ mấy món quà vô cái bịch xốp, không quên một phong bì được đóng góp bởi người dân trong hẻm để gửi thăm nhà người bệnh. Tôi lẽo đẽo theo sau chị, đi bộ chừng chục mét là tới nhà chị Thanh, nhà chị nằm trong con hẻm này nhưng cũng phải rẽ vô hai con hẻm nữa nhỏ hơn mới tới nhà của chị.
Căn nhà cấp bốn lâu năm với mái tôn cũ kỹ, thiếu ánh sáng bởi xung quanh là những bức tường của nhà hàng xóm, một cánh cửa sắt cũ được khép hờ, chị Thoa gõ nhẹ, rồi cất tiếng gọi:
– Bà Thanh ơi.
Có tiếng mở cửa, người đàn bà bước ra khi cánh cửa hoen rỉ đã mở rộng hơn, một dáng người gầy gò dong dỏng cao, mái tóc xộc xệch chắc là chị đang nằm ngủ, gương mặt hiện lên nét mệt mỏi với hốc mắt hõm sâu.
– Bà Thoa hả? Đi vô đi.
Tôi và chị Thoa chậm rãi bước vào bên trong, căn nhà nghe nồng nồng mùi thuốc, nhưng cũng khá gọn gàng, hai chị em tôi tìm một góc để ngồi, chị Thanh thì loay hoay dọn dẹp lại một ít đồ đạc còn bừa bộn.
– Thôi, để đó đi, lại đây tụi tui hỏi thăm chút. Chòm xóm chứ có ai đâu mà hình thức.
– Uống nước nha, để tui lấy nước.
– Thôi thôi, nước gì, tui bán tạp hóa mà bà lấy nước làm chi? Ngồi đi.
Chị Thanh ngồi xuống chậm rãi trên chiếc giường, gương mặt vẫn lộ vẻ mệt mỏi
– Rồi nay sao rồi? Bịnh sao mà giờ mới biết?
– Ừa, tui cũng thấy mệt lâu rồi, bị ho khó thở, mà nghĩ tại làm nhiều nên mệt, tưởng bịnh thời tiết. Mà bữa mệt quá nên vô khám, bác sĩ cho đi chụp hình mới nói bị khối u trong phổi.
– Trời đất ơi!
Chị Thoa cất tiếng thở dài. Tôi cũng im lặng khi nghe chị Thanh chia sẻ.
– Làm lụng cũng phải để ý sức khỏe chứ Trời! Có gì bà phải đi khám liền chứ sao bà ỷ y quá vậy?
– Dạ, rồi bác sĩ nói khối u đó có sao không chị? – Tôi hỏi chị mà lòng cũng thấp thỏm lo âu.
– Chưa em, bác sĩ nói theo dõi thêm.
– Dạ, cầu mong là không có gì. Chị cũng giữ gìn sức khỏe nghen.
– Ừa, chị chỉ lo cho hai đứa nhỏ, nó còn nhỏ, đang đi học, lỡ chị có gì, không biết tụi nó ra sao.
Người phụ nữ trầm giọng, chị Thoa có vẻ cũng trầm tư, tôi cũng không biết nói gì, chỉ nghe lòng mình hơi nằng nặng…
– Thôi, niệm Phật, cầu nguyện cho bịnh dữ hóa lành, rồi cũng phải lo cho cái sức khỏe. Mai tui đi vận động mấy anh chị em trong xóm mỗi người góp ít phụ cho bà.
– Dạ, để em nói với địa phương, có gì hỗ trợ thêm cho chị.
– Cám ơn bà nghen, cám ơn em, giờ chị cũng chỉ biết cầu nguyện Trời Phật thương mình cho bệnh đừng có gì trở nặng để còn sức mà lo cho hai đứa nhỏ, chứ hổng mong cầu gì hơn.
– Bởi vậy, thấy chưa, con người chỉ có sức khỏe là quan trọng nhất. Không có sức khỏe thì nằm trên đống tiền cũng đâu có nghĩa gì đâu.
Nói đoạn, chị Thoa chậm rãi tiếp lời:
– Nè, tui đem qua cho bà ít đồ, với ít tiền của mấy chị em trong xóm gom lại, mai tui đi vận động tiếp. Theo dõi coi tình hình tới đâu, có gì thì nói con Bích nó qua nhắn với tui. Nhớ nghen!
– Ừa, tui biết rồi, cám ơn bà với Nhi nghen!
– Ơn nghĩa gì, nghe mắc mệt. Rồi thuốc men có tiền mua uống hông?
– Có, tui có mua.
Chị Thoa và tôi hỏi thăm người phụ nữ vài điều rồi cũng góp sức động viên, thương cảm cho hoàn cảnh mẹ con neo đơn, gánh nặng quàng lên vai một người phụ nữ, giờ đổ bệnh vẫn còn lo cho hai đứa nhỏ. Cái mong ước nhỏ nhoi của một đời người đôi khi không phải là xa hoa, giàu có mà chỉ là có sức để mà bươn chải để lo cho con, cho có cái để ăn, để mặc qua ngày.
– Thôi nghỉ đi, tui đi dìa. Có gì thì nhắn tui.
Cuộc trò chuyện cũng dừng lại khi Trời đã tối, người phụ nữ với dáng vẻ khá nặng nhọc bước ra tiễn tôi và chị Thoa, vài tiếng ho phát ra từ lồng ngực nghe khàn và đặc của người đang bệnh, tôi lặng lẽ theo chị Thoa bước đi qua những con hẻm vòng vèo sẫm tối.
Sài Gòn lên đèn rực rỡ, quán café Tâm bắt đầu nhộn nhịp khách quen, cái màn hình rộng đã được bật lên chờ đón trận cầu hấp dẫn, những chiếc bàn đã có người ngồi kín, vài người mặc áo cờ đỏ sao vàng hân hoan phấn khởi, không khí bên ngoài khác hẳn trong ngôi nhà ảm đạm, trầm buồn với tiếng người đàn bà quyện trong mùi nồng nồng chất thuốc.
Tiếng cười giòn tan phát ra phía ngoài sau lưng tôi, từ bên quán ốc nằm trong con hẻm, nhiều bạn trẻ tuổi teen đang ngồi bên những dĩa hải sản bình dân, thơm nức mũi mùi chiên xào, gia vị. Tiếng í ới liên tục của bồi bàn kêu khách tránh vô với những cái dĩa thức ăn trên tay đang bưng đi vội vã.
Hẻm Sài Gòn vẫn tấp nập, thân quen với màu vừa cũ xưa vừa hiện đại, như một bức tranh tổng thể hòa vào nhau tạo nên nhịp sống đời thường, có những đông vui, có những thâm trầm, lung linh như những ngọn đèn chớp nháy trong giàn bông giấy đầu con hẻm nhỏ, nâu trầm như màu của những mảnh đời còn nặng gánh mưu sinh, nhỏ thó ẩn sâu trong góc khuất cuối đường.
Sài Gòn, những con hẻm tình người thành thị!
Đ.V.P.T