(Vanchuongphuongnam.vn) – Chú Thanh ngồi bên lũy tre đầu xóm, những chiếc rễ tre đã già, rễ cọc đâm xù xì tầng lớp chồng lên nhau. Chiếc rễ bám cả những tầng rêu phủ của lớp thời đi qua còn đọng lại.
Rít điếu thuốc lào rồi nhả khói vào không trung, làn khói cuộn tròn, vo viên như cuộc đời chú Thanh vậy. Cuộc đời chú đi qua, có từng khúc, từng khúc một. Như khúc sông dập dềnh trên bãi, khúc mía từng đốt trong vườn. Mỗi khúc đi qua, niềm vui thì ít, nỗi buồn thì nhiều. Nỗi buồn hằn lên trên khóe mắt chú những vết chân chim thật sâu và dày.
Lũy tre này, chỉ một tháng nữa thôi người ta sẽ phá đi làm đường bê tông. Mọi cảnh quan nơi nhà chú chỉ còn lại hình ảnh kỷ niệm. Thế nên chiều nay ngồi đây, tại lũy tre này tự nhiên chú thấy nhớ, những hình ảnh từ ngày xưa hiện về với chú như một thước phim quay chậm, từng đoạn, từng khúc một.
Ngày xưa nhà chú Thanh nghèo lắm, hồi ấy làng quê ai cũng nghèo, nhưng nhà chú Thanh nghèo nhất. Căn nhà trát vách bằng bùn đất trộn với phên nứa và rạ rơm. Cả bốn anh em và mẹ chú Thanh chui vào đó để sống, để ngủ bao đêm rét mướt mùa đông lạnh giá. Bố chú đi bộ đội mãi không về. Chiến tranh liên miên, cái sống cái chết chẳng biết thế nào, ngay cả trong suy nghĩ người ta còn tạm bợ như thế nữa là một mái nhà để ở. Chỉ cần có cái che mưa che nắng là tốt lắm rồi. Nhưng căn nhà ấy, ngày mưa thì dột, ngày nắng thì những lỗ thủng từ chỗ bị dột, nắng xiên vào như đứng ở ngoài trời, chỗ nào cũng nắng và ánh sáng khắp căn nhà nhỏ.
Cái nghèo hồi ấy thường bị dân làng khinh lắm. Họ nhìn anh em nhà chú Thanh với ánh mắt chẳng hề thiện cảm. Bởi vì chẳng có cái ăn, họ thường vác rá sang hàng xóm vay gạo, vay thóc. Mà vay một lần, hai lần chứ ai cho vay mãi được. Cứ thế họ khinh nhà chú Thanh nghèo chẳng ai buồn cho vay mượn gì nữa. Chú Thanh cứ vác cái đi, lại vác cái rá nhẹ tênh về, lòng buồn rượi rượi vì cơn đói của đứa trẻ mười tuổi cứ réo gọi, cuộn trào trong chiếc bụng rỗng.
Những lúc như thế, mẹ chú lại héo hon tựa cửa buồn não lòng. Trên trời vẫn bàng bạc một màu mây xám, dưới nhà, cả bầy con nheo nhóc chưa kịp lớn khôn. Chú Thanh là con cả, chú thường dắt em trai kế là Cảnh đi bắt cua, bắt cá ở dưới đồng. Ngày nào cũng thế, sau mỗi buổi đi sáng đi học về hai anh em chú lại mò mẫm xuống đồng tìm con cua, con cá hay vài con tép mọi. Có những bữa cơm tép kho tương mặn chát, nhưng cơm chẳng đủ xới một lượt đơm. Mặc dù cơm đã độn sắn độn khoai đủ cả. Nhưng chú Thanh thương em trai nhiều lắm. Nhìn cái dáng nhỏ thó và ốm yếu của chú Cảnh, chú Thanh lại nghĩ mình muốn nhường em những gì chú có, ngay cả bát cơm suất ăn của chú hằng ngày.
Những buổi đi tát vét trên đồng, người hai anh em mốc thếch toàn bùn đất vì đằm bùn nhiều, nước giếng tắm gội qua loa chẳng hết được. Hai anh em chẳng quan tâm điều đó, họ chỉ cần bắt được nhiều cua cá, mong sao đủ bữa ăn là được.
– Anh Thanh ơi! Sau này lớn lên anh ước điều gì?
– Anh chỉ ước bố về, nhà mình giàu lên, có đủ quần áo ấm để mặc, có cơm trắng để ăn.
Hai anh em thường nói chuyện khi nằm ngủ cùng nhau trên chiếc giường tre chen chúc với cả nhà. Mùa hè, nhìn ra ngoài trời bàng bạc ánh trăng đơn lẻ, trăng cũng gầy xơ xác. Mùa đông, người ta có rơm rạ ấm để lót ổ ấm nằm, nhà chú Thanh chỉ có ra lũy tre đầu xóm, gom những chiếc lá thành đụm nhỏ, lót vào chiếc giường tre cho ấm. Nhưng hơi ấm từ lá tre thì ít mà hơi ấm từ sự chật chội của mấy mẹ con nhà chú Thanh truyền cho nhau thì nhiều. Họ nghèo mà thương yêu nhau. Và nằm bên nhau rồi, lần nào cũng là những câu hỏi và câu trả lời của hai anh em như thế. Nghe ước mơ nhỏ bé và xa xôi.
Thấm thoắt thời gian qua mau, ông Nam- bố chú Thanh trở về. Chiến tranh đã biến ông trở thành người bệnh binh mang trong mình bao ốm yếu mỗi khi trái gió trở trời. Ông kể rằng ông đi qua những hàng cây xơ xác không còn nổi chiếc lá màu xanh, vì bom đạn dày xéo. Vậy mà chú Thanh lớn lên, chú lại tiếp tục viết đơn xin ra trận khi chiến tranh biên giới nổ ra năm 1979.
Ngày lên đường nhập ngũ, chú Thanh nhìn lại mái nhà tranh, nhìn chú Cảnh và đàn em đang lớn khôn còn nheo nhóc. Vẫn lũy tre xanh rì rào đón gió, chú Thanh ra đi, lòng bồi hồi, vừa nhớ vừa thương khi chiếc ba lô nặng trĩu mà lòng chú còn nặng hơn. Thế mà nơi rừng xanh biên giới bạt ngàn hồi ấy, bom đạn không làm chú bị thương. Chiến tranh xảy ra ngắn ngủi nên người lính đặc công đưa chú trở về quê hương rất sớm. Sau hai năm hoàn thành nghĩa vụ quân sự chú trở về. Cả nhà chú lại đoàn tụ, bữa no bữa đói nhưng đầm ấm tình thương.
Chú Thanh yêu cô Mận xóm bên nhiều lắm! Hai người thường đứng trên cánh đồng lộng gió, những buổi hò hẹn đêm trăng, chú Thanh thổi sáo cho cô Mận nghe. Chẳng biết vì yêu tiếng sáo hay vì thương chàng trai lãng tử si tình mà cô tiểu thư con nhà giàu lại ngã vào tình yêu của chú Thanh như điếu đổ. Mặc cho gia đình cấm cản vì nhà chú Thanh nghèo, cô Mận vẫn nhất định lấy chú Thanh, sướng khổ cô nhất chịu chứ không ai cản được.
Từ ngày cô Mận về làm dâu, hai vợ chồng làm đồng áng, tăng gia sản xuất chăm chỉ nên căn nhà mới bằng gạch ngói cũng được xây lên. Nói là là được xây lên nhưng trong căn nhà đó, chắt chiu bao nhiêu sự cố gắng có mồ hôi, nước mắt của hai vợ chồng trẻ ngày ấy. Nhưng đổi lại sự vất vả nổ lực là mái ấm rộng rãi cho cả nhà. Không sợ bị dột những ngày mưa và áng sáng xiên vào những ngày nắng nữa.
Cùng lúc đó, chú Cảnh cũng lớn lên. Chú Cảnh không đi bộ đội như chú Thanh nữa, chú yêu sớm rồi lấy cô Minh, cô vừa mới lớn lên, gái mười tám đôi mươi mới biết yêu đã lấy chồng. Ngỡ tưởng căn nhà êm ấm khi có thêm hai nàng dâu tần tảo. Ai ngờ, sống chung đụng nên bát đũa cũng xô nhau. Cô Minh thấy cô Mận- chị dâu giỏi giang nên sinh lòng đố kỵ. Ngày một ngày hai về thủ thỉ với chồng, chán thủ thỉ với chồng cô Minh lại thủ thỉ với mẹ chồng, chia rẽ nội bộ. Mà vốn tài khéo mồm nên cô Minh thuyết phục chồng và mẹ chồng tài lắm. Họ cứ thế ghét cô Mận ra mặt. Cô làm gì họ cũng không ưa, dịu dàng quá cũng ghét, mà chăm chỉ quá cũng hờn. Chú Thanh bất lực đứng giữa hai bên. Một bên là người thân ruột thịt tình thân máu mủ. Một bên là người vợ đầu gối tay ấp bao kỷ niệm. Chú Thanh nhìn sâu vào mắt chú Cảnh mà hỏi chú ấy:
– Cảnh! Thế rốt cuộc vợ chồng mày muốn gì ở cái nhà này?
– Em muốn anh và bố mẹ ra đất khác ở, còn vợ chồng em ở lại đất này. Vợ chồng em muốn ở riêng.
Vậy hóa ra vợ chồng chú Cảnh muốn được tự do riêng tư. Nhưng họ lại muốn ở mảnh đất và ngôi nhà do chính vợ chồng chú Thanh kỳ công xây nên. Chú Thanh nhìn vào đôi tay chai sần của mình, rít một điếu thuốc lào, thả làn khói xám lên không trung rồi nói:
– Được thôi! Tao có ăn cháo mà để cho mày được ăn cơm tao cũng cam lòng.
Nói rồi, chú Thanh làm thủ tục sang tên sổ đỏ cho chú Cảnh cả miếng đất ấy. Việc còn lại chú Thanh cùng cả nhà xây một căn nhà nhỏ ở mảnh đất trong góc vườn để ở. Thực ra chú Thanh không phải nhu nhược như cô Mận vẫn từng hiểu lầm. Chú chỉ vì thương em cả tuổi thơ cơ cực cùng gia đình. Nhớ những ngày no đói bên nhau, tủi thân thế còn sống được nữa là bây giờ. Có sức khỏe thì vẫn còn lao động, vẫn tạo ra của cải. Chú Thanh cứ khuyên vợ nhẫn nhịn như thế cho qua ngày, bởi một điều nhịn là chín điều lành. Nhìn bàn tay chai sạn và làn da nắng gió của chú mà cô Mận thương chồng đền thắt lòng.
– Vì yêu anh em nhịn được tất cả, miễn vợ chồng mình hiểu nhau. Chỉ cần sau những mệt mỏi, chúng mình còn ngồi bên nhau, anh thổi sáo cho em nghe là em hạnh phúc rồi!
Chú Thanh mỉm cười, chú ôm cô Mận vào lòng, ừ thì cuộc đời này đôi khi chỉ cần có thế. Sau những mệt mỏi vợ chồng vẫn yêu thương và hiểu nhau là đủ hành phúc rồi.
Nhưng có những người, vì quá quen được ưu ái và đối xử với nên họ coi đó là điều nghiễm nhiên và không thấy trân quý. Cô Minh vẫn hằn học ngay cả khi vợ chồng chú Thanh nhường hết, cho hết. Cô Minh tranh được suất đất ở phía ao cá đấu thầu khi hợp tác xã phân cho. Đến khi ông Thanh cũng muốn có ao để làm mô hình kinh tế Vườn – ao – chuồng (VAC) thì vợ chồng chú Minh lại bán suất đất ao đó đắt gấp bốn lần so với giá của hợp tác xã. Chú Thanh bấm bụng, thôi thì cũng là lọt sàng xuống nia, có bị hớ vì đắt thì cũng vào cửa nhà em trai mình, chẳng đi đâu mà lo. Chú Thanh và cô Mận vẫn mua với giá đất đắt cắt cổ như thế, họ vẫn vui vẻ, vì vợ chồng luôn san sẻ, hiểu nhau.
Chú Thanh vì muốn kinh tế khấm khá hơn, chú đi xa quê hương vào Nam buôn bán. Mọi việc lo lắng cho gia đình con cái đổ hết vào đầu cô Mận ở nhà trông coi, chăm sóc. Lúc này cả bố và mẹ chồng cô đều già yếu, ốm đau. Có những lúc mệt mỏi quá, cô muốn nhờ em dâu phụ giúp. Cô Minh chẳng phụ giúp lại còn ngoa ngoắt mắng cô Mận:
– Chị ơi! Lúc ông bà có của nả vợ chồng em đâu được cái gì? Thế mà lúc ốm đau chị còn định bắt vợ chồng em chăm sao?
Cô Mận cay đắng nuốt nước mắt vào trong. Một mình cô cáng đáng việc đồng áng và chăm hai ông bà ốm nằm liệt một chỗ. Mái tóc cô xơ rối bào ngày chưa kịp chải, bàn tay thon mượt ngày xưa cũng chai sần vì rám nắng, sạm đen. Cuộc đời cứ quăng quật cô như thế, chỉ có tấm lòng thanh thản mỗi khi cô nhìn lên trăng và nhớ chồng đi làm ăn ơ phương xa.
– Anh ơi, hôm nay trăng lên anh có ngắm trong không? Trên trái đất chỉ có một vầng trăng thôi anh nhỉ! Biết bao giờ anh về, vợ chồng mình gặp nhau, anh lại thổi sáo cho em nghe.
Cô Mận viết những tự tình trong lòng như thế vào cuốn nhật ký. Những nét chữ vụng dại như người bạn tâm tình sẻ chia những bí mật thầm kín nhất mà nhiều lúc cô chẳng dám kể với ai. Kể cho mẹ cô thì kể những niềm vui, chứ kể lể những nỗi buồn khiến mẹ nghe buồn thêm nên cô chôn chặt trong lòng không ai biết.
Một ngày trời ngả sang thu, những đứa con của cô chuẩn bị tới trường cho lễ khai giảng thì bố chồng cô mất. Sau bao ngày chăm ông nằm liệt giường, trước khi tắt hơi thở cuối cùng, mặt ông méo xệch rồi ông có nói một câu khiến cô nhớ mãi:
– Mận này! Con là đứa con dâu tốt, bố hiểu điều đấy. Vợ chồng thằng Cảnh nó bất hiếu, nhưng bố không răn dạy được nữa rồi!
Nói rồi ông trút hơi thở cuối cùng, trên mặt ông, vầng trán vẫn nheo lại như nỗi niềm day dứt còn chưa thỏa lòng. Mẹ chồng cô vì mòn mỏi bao ngày tháng, cơ thể già nua của bà cũng không trụ được sau mất mát về ông. Bà cũng nhắm mắt xuôi tay về trời một tháng sau đó.
Một đời người ngắn ngủi vỏn vẹn có mấy chục mùa xuân đã trôi qua. Ông bà giờ đây đã nằm lại cánh đồng bát ngát, mênh mông gió. Cánh đồng năm nào chú Thanh và chú Cảnh vẫn đi bắt cua bắt cá, thế mà những đứa trẻ ấy đã trưởng thành. Họ vẫn phải vận lộn với cuộc đời như sợi dây cuộc sống bó buộc nhau.
Chú Cảnh nghe vợ đòi tiền phúng viếng bố mẹ phải chia cho chú một nửa. Chú Cảnh hỏi chú Thanh xem ông bà ra đi có để lại của để dành gì không thì phải chia cho chú công bằng.
– Mày lại nghe con vợ mày xui láo đúng không? Mày biết bố mẹ cả đời khổ sở nghèo túng, bố mẹ có gì ngoài tình thương yêu mà mày nỡ nghe vợ mày đối xử với cả nhà như thế?
Sau bao nhiêu năm uất ức, chú Thanh đã vỡ òa và tát cho chú Cảnh một cái hằn năm ngón tay lên má.
– Bốp! Mày hãy thức tỉnh và suy nghĩ lại đi Cảnh! Cái nhà này đã ai làm gì sai với mày?
Chú Cảnh lúc đầu còn tức, nhưng rồi lặng im và như thức tỉnh điều gì. Chú Cảnh bỏ về cùng cô Minh sau cuộc cãi nhau đòi chia của cải ông bà để lại bất thành.
Đêm. Trời đã vào tiết mùa thu mà cơn mưa sầm sập bầu trời kéo gọi nhau đến. Những tia chớp trên không như hình cành cây xé toạc bầu trời. Lần đầu tiên chú Cảnh thấy đau khổ. Không phải đau vì cái tát của chú Thanh hằn lên trên má, chú đau bao nhiêu năm nay chú nghe vợ mà đánh mất đi nhân cách của mình mất rồi. Chú Cảnh lại nhớ những ngày xưa khốn khó, chú Thanh chẳng tiếc gì em trai luôn bao bọc chú, nhường nhịn chú từng chút một. Người ta ai cũng có phần tốt phần xấu trong lòng, Chằng biết có phải chú yêu vợ không mà cô Minh nói gì chú cũng nghe. Để rồi có ngày anh em lại bất hòa nhau như thế này. Bố mẹ chú thì cũng đã mất rồi. Nghĩ đến thế chú Cảnh lại càng thấy đau.
– Anh Thanh! Em xin lỗi anh, em xin lỗi vì những năm qua em không đủ tỉnh táo để phân biệt đúng sai. Em đã đối xử với anh chị chẳng ra gì. Cho em xin lỗi!
Sau ba ngày vùi đầu đau khổ trong nhà, chú Cảnh đã thẳng vào nhà chú Thanh và cúi đầu xin lỗi.
Chú Thanh nhìn người em trai, mái tóc em trai và mái tóc chú Thanh cũng bắt đầu pha bạc màu hoa râm. Họ cũng đi qua nửa đời người mất rồi. Chú Thanh rưng rưng xúc động trước lời xin lỗi ấy, bao tức giận cho đến bây giờ, trước mặt chú Cảnh, chú Thanh chẳng còn nhớ điều gì nữa. Chú chỉ nhớ về người em trai chú hết mực yêu thương từ nhỏ tới giờ, mới đó đã mấy chục năm trôi qua mất rồi.
– Cảnh này! Bố mẹ mất rồi. Còn có mấy anh em chúng mình. Mấy đứa em gái cũng đi lấy chồng xa. Ngày xưa rau cháo còn sống qua ngày mà tình thương đủ đầy, bây giờ có miếng ăn rồi, đừng để thiếu cả tình cảm anh em.
Nói rồi chú Cảnh gục đầu vào chú Thanh và khóc. Chú Cảnh như đứa trẻ lớn bỗng nhiên bé lại mà ngã vào vòng tay bao dung của anh trai mình.
– Anh đánh đòn em đi như ngày xưa mẹ vẫn thường đánh lúc em làm sai ý. Em xứng đáng bị như thế anh ơi!
Cô Minh cúi mặt xuống như tỏ ý xin lỗi với cô Mận. Cô Mận mỉm cười, bởi trong lòng cô chẳng có gì ngoài tấm lòng rộng lượng thứ tha. Đánh kẻ chạy đi chứ chẳng ai đánh kẻ chạy lại. Cô sống chịu đựng, nhẫn nhịn bao nhiêu năm cũng chỉ mong đợi giây phút vợ chồng chú Cảnh hiểu ra và nghe một câu xin lỗi vậy thôi là đủ lắm rồi.
Từ ngày hôm ấy, người làng thấy chú Thanh mặt mũi tươi tỉnh hơn hẳn. Hai anh em ngồi bên lũy tre đầu xóm ngày xưa, vài điếu thuốc lào, ấm nước chè và câu chuyện đang kể dở. Chuyện yêu thương từ kỷ niệm ngày xưa gọi về. Lũy trẻ già vẫn đung đưa ngọn gió mát rượi mùa thu.
N.T.N