Hình ảnh mùa thu trong hồn thơ dân tộc

12673

                                                                                                          Trần Thanh Xem

(Vanchuongphuongnam.vn) – Trong bốn mùa của thiên nhiên trời đất, mùa thu có lẽ dễ đem đến cho lòng người nhiều cảm xúc vấn vương, bâng khuâng nhất. Cái se lạnh, hanh hao đầu mùa, những chuyển động tinh tế của thiên nhiên qua từng ngọn cây, kẽ lá; màu vàng óng của nắng, của lá vàng mùa thay lá… Tất cả đã mang lại nguồn cảm hứng vô tận để các văn nghệ sĩ thốt lên tiếng lòng trước vẻ đẹp diễm kiều của thiên nhiên.

 

Biết bao bài thơ, nốt nhạc của những tác giả đã thêu dệt nên những bức tranh thu đẹp, song động cho đời. Tuy nhiên, qua mỗi chặng đường lịch sử, bức tranh của đất nước, mùa thu lại được tô vẽ thêm những sắc màu mới lạ với những cung bậc cảm xúc phong phú, nói lên nỗi niềm của thi nhân trước thiên nhiên, vạn vật và lòng người. Nói đến hình ảnh mùa thu trong thi ca Việt Nam, chúng ta có thẻ hình dung ra hai chặng đường sáng tác của các nhà thơ, đó là màu thu trước và màu thu sau cách mạng tháng Tám năm 1945.

Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, khi cả dân tộc còn chìm trong cảnh lầm than, nô lệ, nước mất nhà tan. Vì vậy, bao trùm lên các bài thơ thu trong thời gian này là tâm trạng của người dân mất nước, sầu tư.

Thi sĩ Tản Đà miên man, cảm thu với một nỗi ngậm ngùi, buồn bã, chán nãn thế sự nên có tư tưởng thoát ly thực tại:

“Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi

Trần thế em nay chán nữa rồi

Cung quế có ai ngồi đó chửa

Cành đa xin chị nhắc lên chơi.

Có bầu có bạn can chi tủi

Cùng gió cùng mây thế mới vui

Rồi cứ mỗi năm rằm tháng tám

Tựa nhau trong xuống thế gian cười”

                  (Muốn làm thằng cuội)

Những biến đổi, mai một của cuộc đời khiến Tản Đà đeo mang trong lòng nỗi buồn man mác mỗi độ thu vềNgười buồn nên nhìn cảnh vật đâu đâu cũng buồn, cũng nhuốm màu thê lương. Trời thu ảm đạm, lòng ngổn ngang trăm mối muộn phiền.

Còn dưới con mắt của thi sĩ Huy Cận, mùa thu đến thật chậm rải, nhẹ nhàng như chưa hề đến. Chỉ một cơn gió thoảng, chỉ một đám mây trôi, một buổi chiều lá rụng, với nắng vàng hiu hắt cũng đủ gieo vào lòng nhà thơ nỗi buồn tê tái, não nề:

“Sắc trời trôi dạt dưới khe

Chim bay, lá rụng cành nghe lạnh lùng

Sầu thu lên vút, song song

Với cây hiu quạnh, với lòng quạnh hiu

Non xanh ngây cả buổi chiều

Nhân gian e cũng tiêu điều dưới kia”

(Thu rừng)

Nhà thơ xuân Diệu rung cảm trước vẻ đẹp của mùa thu bằng cái nhìn tinh tế, giàu chất Tây nhưng đượm buồn, chia ly, tang tóc, có vẻ mềm yêu, cô đơn, hoang tái:

“Rặng liễu dìu hiu đứng chịu tang

Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng

Đây mùa thu tới mùa thu tới

Với áo mơ phai dệt lá vàng”;

“Mây vẩn tầng không chim bay đi

Khí trời u uất hận chia ly

Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói

Tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi gì?”

(Đây mùa thu tới)

Bằng những cảm hứng lãng mạn, các nhà thơ mới đã vẽ lên những bức tranh thu thật đẹp, đầy màu sắc. Tuy nhiên, mùa thu trong thơ của các thi nhân thật buồn. Nỗi buồn bàng bạc, u hoài, nỗi buồn của người dân sống trong cảnh lầm than, mất nước, mất tự do. Nỗi buồn ấy qua cái nhìn nhuốm màu đau thương, chán nản nên khi thổi vào thơ càng thêm não nề, xót xa hơn.

Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ra đời, “giọt mưa thu” buồn của người dân nô lệ được làm chủ cuộc đời, được thay bằng “Mùa thu nay đã khác rồi” , đó là  mùa thu của cách mạng. Bước ngoặt lịch sử của đất nước, của dân tộc đã tạo cảm hứng mới mẻ cho các nhà thơ.

Trong niềm hân hoan, đầy tự hào, phơi phới, Xuân Diệu đã viết nên những dòng thơ đầy hào sảng, cháy bỏng:

“Việt Nam! Việt Nam! Cờ đỏ sao vàng/

Những ngực nén hít thở ngày độc lập

 Nguồn lực mới bốn phương lên tới tấp

Nếp cờ bay chen vỗ sóng bài ca

Bốn nghìn năm trông mặt mẹ không già”

(Ngọn quốc kỳ)

Với Tố Hữu, lá cờ đầu đàn của thơ ca cách mạng Việt Nam, cách mạng tháng Tám là luồng gió tươi mới thay đổi lớn lao vận mệnh dân tộc. Ông viết về ngày vui của cả nước, của nhân dân bằng những vần thơ hào hứng, sôi nổi, yêu đời, ngất ngây:

“Thơ ta ơi! Hãy cất cao tiếng hát

Ca ngợi trăm lần Tổ quốc chúng ta

Mùa thu đó, đã bắt đầu trái ngọt

Và bắt đầu nở rộ những vườn hoa”

(Mùa thu mới)

Một vẻ đẹp hồi sinh trỗi dậy. Không tươi vui, không náo nức sao được khi mà từ đây, từ mùa thu cách mạng tháng Tám, mỗi ngọn cỏ dòng sông, mỗi câu hò, điệu hát, mỗi bước chân ta đi thênh thang trên dải đất hình chữ S này đã là của ta, do ta làm chủ:

“Mùa thu nay khác rồi

 Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi

 Gió thổi rừng tre phấp phới

 Trời thu thay áo mới

 Trong biếc nói cười thiết tha

Trời xanh đây là của chúng ta

 Núi rừng đây là của chúng ta

 Những cánh đồng thơm mát

 Những ngả đường bát ngát

 Những dòng sông đỏ nặng phù sa”

(Đất nước – Nguyễn Đình Thi).

Của ta đó những cánh đồng thơm ngát, cả những dòng sông đỏ nặng phù sa. Những cái mà cách đây không lâu nó vốn là của ta mà đâu phải của ta:

Thu nay có gì đó thật quyến rũ, lôi cuốn lạ thường. Con người giờ đây đứng trước mùa thu nghe âm thanh véo von của cuộc sống, lòng ngập tràn niềm tự hào, hoan hỉ. Không còn cái buồn lẽ loi, không còn cái “run rẩy”, cái “đìu hiu”, cái “xao xác hơi may”. Mùa thu giờ đây được khoác lên màu áo mới. Thiên nhiên dường như cũng biết “nói cười”. Nguồn vui nối tiếp nguồn vui được thể hiện trong từng lời thơ, câu chữ. Mà đó đâu chỉ là niềm vui của riêng thi sĩ, đó còn là niềm vui vô bờ bến của dân tộc, của nhân dân ta sau ngày cách mạng tháng Tám thành công. Thời gian trôi nhanh qua hơn nửa thế kỷ, nhưng cảm hứng về mùa thu cách mạng, mùa thu hòa bình vẫn luôn được thế hệ các nhà thơ tiếp tục khai thác, làm nên những tác phẩm có sức sống lâu bền trong lòng bạn đọc.

Giữa tiết trời mùa thu len nhè nhẹ, đọc lại những tuyệt phẩm thơ mùa thu, ngắm nhìn đất nước thân yêu trong sắc thắm trời xanh, từ đồng ruộng, nhà máy, sông biển, núi đồi, chúng ta càng thêm thấm thía những thành quả lớn lao mà cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 đã mang lại. Ôi. mùa thu, mùa của những kỷ niệm, hồi ức không quên, mùa no ấm đang về.

Trần Thanh Xem