Hình ảnh người lính sau chiến tranh

1207

Ninh Văn Chất

Về tiểu thuyết Gặp lại của nhà văn Lê Lâm, NXB, 2010

(Vanchuongphuongnam.vn) – Trong văn học Việt Nam, hình tượng người lính luôn là đề tài thu hút các nhà văn, nhà thơ tham gia miêu tả, khắc họa. Những trang văn viết về người lính luôn đầy ắp chất liệu hiện thực, đó là những “thước phim” được dựng lên ở nhiều “góc quay” khác nhau đã phản ánh muôn mặt đời sống người lính. Vẫn mạch đề tài đó, ở tiểu thuyết Gặp lại, Lê Lâm đã góp tiếng nói của mình để làm phong phú thêm cho bức tranh về người lính, đặc biệt là những người đã từng tham gia cuộc chiến.

Tiểu thuyết Gặp lại của nhà văn Lê Lâm

Hơn 300 trang tiểu thuyết, với giọng văn nhẹ nhàng, cuốn hút, tác giả đã từng bước dẫn dắt người đọc đến với những mảnh đời, số phận khác nhau của các nhân vật. Họ là những người lính trở về với cuộc sống đời thường sau khi chiến tranh kết thúc. Gặp lại những người thân sau bao năm xa cách, liệu họ có hòa nhập, bắt nhịp được với cuộc sống đời thường? Với những trăn trở đó của người đã từng trải nghiệm thực tế, tác giả đã dựng nên bức tranh của ngày “gặp lại” không ít những tình cảnh éo le, khóc cười ra nước mắt.

Các nhân vật với những tính cách, diện mạo khác nhau dần hiện ra qua nét vẽ của tác giả. Hùng, nhân vật chính của tiểu thuyết được tác giả tập trung miêu tả cũng là người trải qua nhiều “sóng gió” nhất. Bị thương trong chiến tranh, trở về quê khi người yêu đã lấy chồng, lận đận khi đi xin việc, bị bạn bè xấu tìm cách lôi kéo, hãm hại… đó là tất cả những trở ngại ngăn cản anh trên con đường hòa nhập với cuộc sống đời thường. Tuy nhiên bằng bản lĩnh vững vàng của một người lính đã từng xông pha trận mạc, anh đã vượt qua tất cả và khẳng định được giá trị của mình trong công việc, trong niềm vui sáng tạo nghệ thuật. Khi được giao trọng trách “Trưởng ban an ninh” khu vực, anh luôn hết lòng vì công việc. Cũng nhờ có sự động viên, chia sẻ của những người đồng đội như Thắng, Chí, người giáo viên dạy Văn hay như tốp lính trẻ có cùng sở thích “yêu thơ” mà anh thêm tin tưởng vào tương lai. Qua thời gian anh đã rút ra cho mình những kinh nghiệm sống: “Làm lính thì ở đâu cũng phải chiến đấu thôi, dù là ở chiến trường hay khi đã về đối mặt với cái xấu. Chỉ mong là người lính không bị cái xấu nó khuất phục, để đổi màu của lính thành cái màu mà kẻ xấu muốn”…

Bên cạnh Hùng, những đồng đội của anh cũng không được hưởng niềm hạnh phúc trọn vẹn. Định, một người dày dạn trong chiến đấu, vượt qua được bom đạn kẻ thù nhưng lại phải chịu nỗi đau tột độ khi chứng kiến đứa con trai duy nhất của mình hy sinh ở chiến trường khi đang làm nhiệm vụ. Ái, một người lính sẵn sàng dành cả cuộc đời để cống hiến cho quân đội. Anh đã từng lấy vợ mà không được sự đồng ý của bố vợ, sống xa vợ con và đến khi gặp lại thì đã “toan về già”. Cần, một người nhẫn nhịn, phải chịu đựng người vợ đanh đá, chua ngoa suốt bao năm tháng vậy mà cuối cùng lại bị vợ đuổi ra khỏi nhà… Tuy nhiên ngoài những đau thương, mất mát hay nỗi bất hạnh, người lính vẫn còn đó nguyên vẹn tình yêu. Người đọc bắt gặp những mối tình lãng mạn giữa Phụng và cô giao liên Hơ Lung hay anh lính trẻ tên Thái và Loan, cô gái Nam bộ. Đó là những trang viết đẹp, thể hiện được nét riêng của người lính trong tình yêu.

Ngoài hình ảnh người lính, tác giả cũng khéo léo dựng lên chân dung của những kẻ phản diện khiến người đọc nhiều khi phải ngỡ ngàng như bắt gặp họ ở đâu đó ngoài đời. Đó là Linh, một kẻ cơ hội, luồn lách để leo lên đến chức “Phó Tổng biên tập” của một tờ báo dù không có chút tài năng gì. Dong, kẻ tìm mọi cách để được giữ lại làm giảng viên đại học nhưng kì thực trình độ chỉ bằng “sinh viên”. Họ là bạn học của Hùng nhưng luôn đố kị và tìm mọi cách để hãm hại anh. Hận, một tay giám đốc nông trường bất chấp mọi thủ đoạn để giành được “vợ lính” dù phải cách chức cả một “Trưởng phòng tổ chức” gương mẫu. Hối, một kẻ hèn nhát rời bỏ cuộc chiến nên suốt đời phải sống chui lủi, không dám đối diện với đồng đội cũ… Tác giả đã “mượn” lớp nhân vật này đã tô thêm vẻ đẹp của người lính bởi họ càng xấu xa bao nhiêu thì hình ảnh người lính càng “lung linh” bấy nhiêu. Chính điều này đã giúp cho độc giả thêm trân trọng những phẩm chất cao đẹp, ý chí vững vàng của người lính.

Đọc Gặp lại, người đọc còn bắt gặp bóng dáng của những người phụ nữ phải chịu bao đau thương do chiến tranh gây ra. Đó là mẹ Nhân, người phải sống thui thủi một mình khi đứa con trai duy nhất hy sinh. Thu, người phụ nữ trẻ, tháo vát nhưng phải chịu cảnh góa bụa, một mình nuôi con khi chồng mãi nằm lại chiến trường. Vợ Ái, người phụ nữ độ lượng, chấp nhận cảnh “đơn chiếc” để chồng cống hiến cả cuộc đời cho quân đội… Tất cả đều dấy lên trong lòng người đọc một niềm xót xa, thương cảm.

Qua những cuộc đối thoại của các nhân vật, tác giả cũng dựng lên một lớp hệ thống ngôn từ sâu sắc mang đậm chất triết luận. Đó là những quan điểm, cách nhìn nhận xoay quanh chuyện “bếp núc” của những người viết báo: “Báo rất cần văn như là “gia vị” cho món ăn vậy. Đọc những bài báo khô khan, thiếu văn dễ gây cho ta cảm giác chán. Ngược lại anh biết chú trọng đến chất văn dễ hấp dẫn người ta hơn”; hay người viết văn, làm thơ: “Viết một cái tin ngắn phải có thực tế thì sao làm một bài thơ, một truyện ngắn lại thiếu thực tế được? Cái mà người ta gọi là vốn sống ấy là phải sống đã, phải hết mình đã rồi mới có tác phẩm được”…

Với văn phong giản dị, ngôn từ được gọt giũa, sắc cạnh nhưng không lên gân đã mang lại cho người đọc một cuốn sách mang đậm chất “lính” nhưng không chỉ dành riêng cho người lính. Cách xây dựng nhiều lớp nhân vật đan xen với những số phận, phẩm chất, tính cách khác nhau thể hiện vốn sống phong phú của người viết. Tuy những tình tiết của tiểu thuyết chỉ xoay quanh hình ảnh người lính trong thời bình nhưng vẫn mang được hơi thở của cuộc chiến tranh. Trong Gặp lại, ta bắt gặp một Lê Lâm trầm tư, hoài niệm, chiêm nghiệm mọi niềm vui, nỗi buồn của cuộc đời trong bóng dáng nhân vật Hùng. Gặp lại là sự tiếp nối cảm xúc của tác giả từ hai cuốn tiểu thuyết Sau cánh rừng lặng gió (2006)Trở về (2009) ra đời trước đó.

N.V.C