Hồ Biểu Chánh – Tiểu thuyết gia tiền phong

1493

Nguyễn Thanh

(Vanchuongphuongnam.vn) – Hồ Biểu Chánh (1884-1958) tên thật là Hồ Văn Trung, tự Biểu Chánh, hiệu Thứ Tiên. Ông là người Gò Công (nay là Tiền Giang), một nhà văn lớn, một tiểu thuyết gia tiền phong của cả nước.

Nhà văn Hồ Biểu Chánh

Hồ Biểu Chánh xuất thân từ gia đình nông dân, học chữ Nho, Quốc ngữ, tiếng Pháp và tốt nghiệp bằng Thành Chung (Diplôme de Fin d’Études) từ trường Chasseloup-Laubat, Sài Gòn. Bắt đầu ra làm ký lục, thông ngôn, rồi Tri huyện, Tri phủ, Đốc phủ sứ, Hồ Biểu Chánh từng đắc cử Nghị viên Thành phố Sài Gòn và làm Cố vấn trong chính phủ Nguyễn Văn Thinh. Bận rộn với cuộc đời công chức, nhưng yêu văn học, ông viết rất sớm. Hồ Biểu Chánh có một sự nghiệp văn chương đồ sộ trong văn học sử nước nhà.

Tác phẩm Hồ Biểu Chánh đa dạng, tổng cộng khoảng hơn 130 cuốn. Dù suốt đời làm việc trong chính quyền thuộc địa, Hồ Biểu Chánh vẫn giữ được nhân cách thanh cao của nhà văn và lưu lại một di sản văn hóa quý báu cho dân tộc. Hiện nay, mộ phần nhà văn Hồ Biểu Chánh đang nằm tại một trang trại khoáng đãng rộng hơn 3.000m², gọi là An Tất Viên (theo di nguyện của nhà văn) tại Đường số 8, Phường 11, Quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh.

Hồ Biểu Chánh được sinh ra trong một gia đình nghèo. Thuở nhỏ học giỏi và trưởng thành đi làm việc trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt của nước nhà từ cuối thế kỷ 19, khi Pháp khởi sự hình thành guồng máy cai trị thực dân tại Việt Nam. Về phương diện văn hóa, Nam bộ sớm được tiếp xúc và phổ biến rộng rãi chữ quốc ngữ. Người ta được biết những cuốn từ điển đầu tiên của Trương Vĩnh Ký, hay Pétrus Ký (1837-1898), Huỳnh Tịnh Của, tức Paulus Của (1834-1907) được coi là bước đầu đặt nền tảng cho chữ quốc ngữ. Trên đà phát triển của loại chữ có nguồn gốc từ chữ La Tinh này, một nền văn học – báo chí bằng chữ “quốc ngữ” dần dần khai sinh, thay thế cho chữ Hán đã tồn tại hơn 19 thế kỷ qua. Tờ “Gia Định báo” (1882) là tờ báo đầu tiên bằng quốc ngữ ra đời tại miền Nam. Sau đó những tờ báo : Nam Kỳ Nhật trình (1897), Nông Cổ Mín Đàm (1901), Lục Tỉnh Tân văn (1907) lần lượt ra đời,.. Giới độc giả cao tuổi Nam bộ sống vào đầu thế ky 20, ít ai không biết cuốn tiểu thuyết bằng quốc ngữ đầu tiên được ra mắt tại Nam bộ: “Thày Lazaro Phiền” in vào năm 1887 của Nguyễn Trọng Quản (1865-1911). Tiếp theo đó, khí thế  xông lên, các nhà văn thế hệ tiền phong ở Nam bộ nối tiếp cho ra mắt người đọc những tiểu thuyết: “Hoàng Tố Oanh hàm oan” (1910) của Trần Chánh Chiếu (1868-1919), “Nghĩa hiệp kỳ duyên” (1919) tức là “Chăng Cà Mum” của Nguyễn Chánh Sắt (1869-1947). Trên 30 năm sau, ở miền Bắc, Hoàng Ngọc Phách (1896-1973) mới viết cuốn tiểu thuyết “Tố Tâm” (viết năm 1922, in 1925), Nguyễn Trọng Thuật (1883-1940) viết “Quả dưa đỏ”(1925), Nhất Linh (1906-1963) với “Nho phong” (1926)… Trong bối cảnh các nhà văn đàn anh buổi đầu phát triển mạnh mẽ nền tiểu thuyết quốc ngữ, dù đang phải đi công cán đó đây, Hồ Biểu Chánh vẫn cầm bút, say mê viết không ngừng nghỉ.

Hồ Biểu Chánh hăng hái liên tục trình diện với làng văn, làng báo những sáng tác của mình bắt đầu từ năm 1910. Như một số nhà văn, Hồ Biểu Chánh bắt đầu bằng những tác phẩm dọ dẫm để nhận đường: những tập thơ và sách dịch nhưng nội dung cũng đã mang dấu ấn của thể loại truyện: U tình lục (thơ) – Sài Gòn, 1910; Vậy mới phải (thơ) – Long Xuyên, 1913; Tân soạn cổ tích (Cổ văn Trung Quốc) – Sài Gòn, 1910…Khi đã định vị con đường viết văn xuôi của mình, Hồ Biểu Chánh sáng tác cuốn tiểu thuyết đầu tiên “Ai làm được” (Cà Mau-1912), mà có ý kiến cho rằng nhà văn đã phỏng theo cuốn truyện André Cornélis của Paul Bourget (2)  khi đang làm việc tại Cà Mau.

Nhà văn không thờ ơ với các thể loại khác: phê bình, hồi ký, hài kịch, hát bội, cải lương, truyện ngắn, biên khảo… Nhưng tiểu thuyết vẫn là sáng tác hùng hậu nhất của Hồ Biểu Chánh. Chưa nói đến những tác phẩm thuộc chủng loại văn học khác, chỉ trên bốn thập niên tính từ cuốn tiểu thuyết đầu lòng “Ai làm được” (Cà Mau -1912) cho tới cuốn in sau cùng “Lẫy lừng hào khí” (Phú Nhuận-1958), nhờ thông thạo tiếng Hán và tiếng Pháp, Hồ Biểu Chánh vừa sáng tác, lẫn phóng tác, đã sở hữu trên 65 cuốn tiểu thuyết, thể hiện rõ nét ông là một ngòi bút dạt dào sức sống – một công trình lao động nghệ thuật hiếm thấy ở các nhà văn.

Xét riêng về thể loại tiểu thuyết, người đọc dễ thấy thấy Hồ Biểu Chánh có một nghệ thuật viết tiểu thuyết khác biệt với các nhà văn ở miền Bắc, thể hiện phong cách đặc thù của một nhà văn Nam bộ. Giới văn học nhìn tiểu thuyết là thể loại truyện dài, xây dựng dựa trên cốt truyện hư cấu, có nguồn gốc từ phương Tây (chữ Pháp), Trung Quốc (chữ Hoa) hoặc ở nước ta (chữ Hán- từ thế kỷ 19 về trước). Các nhà văn viết tiểu thuyết tác nghiệp như một nghệ thuật mô tả và tự sự, minh hoạ tích cách không gian, thời gian và nhân vật trong quỹ đạo bút pháp riêng, chủ đề và quan điểm tư tưởng cá nhân của mình. Mỗi tác phẩm thuộc thể loại tiếu thuyết là một thế giới rất riêng, cũng có cây cỏ, loài vật và con người với sự sống, hình thành do bộ óc sáng tạo của nhà văn được coi như là thượng đế. Do vậy, cầm bút viết truyện dài hay tiểu thuyết, nhà văn mỗi người mội vẻ, nhưng tác giả vẫn không bao giờ tách rời khỏi những cột mốc kỹ thuật: cốt truyện, chủ đề tư tưởng, bút pháp nghệ thuật (mô tả, tự sự: bối cảnh không gian, thời gian; nhân vật: chân dung (portrait) ngoài như khuôn mặt, vóc dáng; chân dung trong như tâm lý, tình cảm, tập quán, hoạt động; cảnh vật cùng với lời văn, phong cách riêng (style) của mỗi người.

Tác phẩm đầu tiên của nhà văn Hồ Biểu Chánh mang vóc dáng một cuốn tiểu thuyết bằng thơ  – như truyện Kiều của Nguyễn Du. Đó là cuốn U tình lục (Roman annamite par Hồ Văn Trung, Imprimerie Schneider, Sài Gòn, 1913). Truyện xảy ra tại Gó Công. Bằng lối thơ lục bát, tác giả kể lại đôi bạn học từ nhỏ, lớn lên yêu nhau: Lê Tấn Nhơn và Lâm Cúc Hương. Họ thề nguyền chuyện trăm năm. Khi chàng đi học tại Mỹ Tho, ở trọ nhà gia đình họ Lâm lại muốn gả Cúc Hương cho Tạ Văn Thiên, một thanh niên dốt nát, ăn chơi, con quan huyện sở tại. Tấn Nhơn đi thi đậu trở về được Cúc Hương cho biết chuyện và đề nghị cùng chàng trốn đi. Nhưng Tấn Nhơn sợ bị dị nghị, hại cho thanh danh gia đình. Tình yêu bồng bột khiến họ lén lút ái ân về sau có với nhau một đứa con. Trong khi đó, Xuân Lan, chị họ con dì của Cúc Hương lại thầm yêu Tấn Nhơn, bày kế ly gián hai người bằng một bức thư giả mạo. Thất vọng, Tấn Nhơn bỏ đi Bắc lập công danh. Cúc Hương đau khổ vì xa người yêu danh dự, lại bị cha mẹ nhận lời cầu hôn của quan huyện trong lúc mang tiếng chửa hoang, Quan huyện buộc Lâm phải nộp vạ và bồi thường danh dự. Nàng bị cha đuổi đi, nhảy sông tự tử may nhờ một ngư ông cứu thoát, cho về ở chung. Ít lâu sau, Cúc Hương sinh được một trai đặt tên là Tuấn Anh thì ngư ông qua đời. Nàng về Sài Gòn ở nhờ nhà một người để đi may thuê và mướn người nuôi con. Cúc Hương bị Bảy Tuấn, bạn của chủ nhà muốn lấy nàng làm vợ lẻ nên bị vợ Bảy Tuấn tới đánh ghen, khiến nàng phải dời chỗ ở. Trong thời gian đó, ở Bắc, Tấn Nhơn làm tri huyện, không màng tới chuyện tình duyên. Nhân có người anh từ trong Nam ra khuyên chàng nghỉ việc về phụng dưỡng cha mẹ. Về đến quê nhà, nghe kể lại chuyện Cúc Hương có thai, bị đuổi cha đánh khỏi nhà, định tự tử và cha mẹ nàng đã đi tu. Chàng hối hận cho người đi tìm cha mẹ Cúc Hương. Trong khi Tấn Nhơn đang áy náy xót xa vì những đau khổ oan khiên của người yêu, Cúc Hương dẫn con về giao cho chàng nuôi để đi tu đang lúc ông Lâm bà Lâm cũng vừa về tới, Tấn Nhơn và Cúc Hương đã cảm thông, cùng sum hợp và hưởng hạnh phúc lâu dài bên nhau.

Nhận xét về văn phong của Hồ Biểu Chánh trong truyện này, người đọc nhận thấy tác giả viết lời thơ dễ dải, ít dùng tu từ – vài chỗ còn lỗi chính tả: “Vật mình ngã xuống giây lâu/ Hết mê rồi tỉnh, hết sầu rồi than “ (Câu 691-692) nên câu thơ không trau chuốt giống như lời ăn tiếng nói trong đời thường của người Nam bộ. Nhiều chỗ “U tình lục” có những câu thơ ảnh hưởng của Truyện Kiều: “Cúc Hương trở gót trướng hoa/ Ruột gò chín khúc/ lụy sa đôi hàng” (Câu 531-532). Tóm lại, Hồ Biểu Chánh viết U tình lục trong giai đoạn văn học ở nước ta, chữ quốc ngữ mới vừa làm vai trò chuyển tiếp từ chữ Hán Nôm, cốt truyện có tính mô phỏng, lời thơ không tỉa tót, nhiều câu còn ảnh hương Nguyễn Du. Truyện mang ít nhiều màu sắc luân lý và kết thúc có hậu cũng như đa phần tiểu thuyết khác của Hồ Biểu Chánh.

Sau cuốn truyện bằng thơ U tình lục là tác phẩm “Ai làm được” (viết: 1912, nhuận sắc: 1922, in lần thứ 4 – Nxb. Mai Hương, Sài Gòn 1953) được coi là cuốn tiểu thuyết chính thức viết bằng văn xuôi đầu tiên của Hồ Biểu Chánh gồm 6 chương. Đây là câu chuyện lấy bối cảnh ở Cà Mau (1894) tóm tắt như sau: Phan Chí Đại từ Vĩnh Long xuống làm thầy ký tại dinh của viên tri phủ sở tại có cô con gái tên là Bạch Tuyết. Nhưng bà phủ lớn mẹ của Bạch Tuyết đã chết do bà phủ hai đầu độc để giựt chồng. Bà lại âm mưu toan tính, nếu ông ngoại của Bạch Tuyết, một người đang giàu có lớn – cha ruột của mẹ Bạch Tuyết – là Bạch Khiếu Nhàn chết thì nàng hưởng trọn gia tài của ông ngoại. Bà dì ghẻ muốn ép gả nàng cho cháu ruột bà ta để đoạt gia tài. Nhưng Bạch Tuyết vốn đã yêu Chí Đại nên không bằng lòng. Bà phủ hai vu khống Bạch Tuyết lấy Chí Đại để sau đó, ông phủ đuổi chàng đi khói Cà Mau. Bạch Tuyết trốn luôn theo Chí Đại và nuôi chí báo thù cho mẹ. Cả hai cùng lên Sài Gòn. Chàng đi làm lon-ton, kéo xe, nàng lãnh may quần áo. Họ có với nhau một con, nhưng vì trong cảnh túng thiếu, đứa bé bệnh chết. Ông Khiếu Nhàn lên Sài Gòn tìm cháu ngoại đem về ở với mình và lo cho Chí Đại đi coi việc vớt ngọc ở Ấn Độ dương để chàng có việc làm. Thấy vậy, ông tri phủ xin Khiếu Nhàn cho Bạch Tuyết về ở với ông. Bạch Tuyết không muốn sống cùng dì ghẻ, bỏ trốn lên Sài Gòn nhưng cũng bị ông bà phủ lên bắt về. Trong lần trở về nhà, Chí Đại bắt gặp ngay lúc bà phủ hai đang đè Bạch Tuyết đổ thuốc độc vô miệng nàng. Chí Đại giựt chén thuốc độc, cứu vợ thoát chết. Chí Đại tố cáo tội ác của bà dì ghẻ gian ác, khiến bà bị kêu án tám năm cấm cố.

Người đọc nhận thấy, các sự việc trong truyện diễn ra mạch lạc, họp lý dẫn đến kết cuộc rất tự nhiên, thực tế như trong đời thường. Hồ Biểu Chánh viết “Ai làm được” với chủ đích luân lý rõ ràng. Nhà văn muốn thể hiện lòng thương người ở ông ngoại Khiếu Nhàn đối với cháu Bạch Tuyết, tinh thần tự lập của Chí Đại, uy quyền tuyệt đối của người cha (ông phủ) đối với con (Bạch Tuyết) trong hôn nhân và gián tiếp đặt vấn đề tự do luyến ái. Đó là trường hợp Bạch Tuyết bỏ nhà trốn theo sống như vợ chồng với Chí Đại vì bị đẩy tới bước đường cùng nhưng không giống như việc Cúc Hương đã hiến thân cho Tấn Nhơn, một vấn đề ‘tiền dâm hậu thú’ được coi là điều cấm kỵ trong gia đình có luân lý, xã hội có đạo đức. Làm sáng lên chủ đề tư tưởng bàng bạc, tình tiết dàn trải trong truyện, Hồ Biểu Chánh đã sử dụng lối văn giản dị, tự nhiên đôi lúc mang màu sắc địa phương, rât gần gũi với tính cách mộc mạc, phóng khoáng của người Nam bộ

Dù đã viết qua nhiều thể loại: thi ca, sân khấu, biên khảo, dịch thuật, truyện ngắn, Hồ Biểu Chánh vẫn được xem là một nhà văn viết tiểu thuyết mạnh nhất. Tiếp bước những nhà văn ở Nam bộ, trong giai đoạn từ hơn thập niên ở cuối thế kỷ 19 đến hai thập niên đầu thế kỷ 20, như Nguyễn Trọng Quản, Trần Chánh Chiếu, Nguyễn Chánh Sắt, đã khởi đầu mở đường cho thể loại văn học sáng tác mang tính hư cấu này, Hồ Biểu Chánh viết mạnh, viết nhiều mà đa phần là tiều thuyết luân lý mang ý nghĩa phong tục và kết thúc có hậu. Truyện bố cục kiểu chương hồi, theo hai tuyến nhân vật chính diện và phản diện, với động tác dồn dập nhưng ít khi mô tả chi li hành động và diễn tả tinh tế chân dung, tình cảm, tâm lý nhân vật trong các tình huống xảy ra sự việc.

Dù vậy, theo nhà phê bình Vũ Ngọc Phan trong Nhà văn hiện đại – tập 2, trang 188, 189 – đôi lúc, người đọc cũng bắt gặp những xen thuật sự có nhân vật, Hồ Biểu Chánh tả thật tuyệt vời, và sinh động như trong truyện “Cha con nghĩa nặng” (Sài Gòn – Nxb.Tấn Phát, 1953). Đó là sau xen cãi nhau giữa hai vợ chồng Trần Văn Sửu, người vợ đanh đá Thị Lựu vốn đã bị nhiều tai tiếng, chủ động làm hòa với anh chồng quê mùa chất phác. Đây là một đoạn tả “xen” tuyệt khéo và ý nhị, bộc lộ được tâm tính tương phản cao độ của hai vợ chồng: “Cách một hồi lâu, Thị Lựu ở trong buồng cất tiếng kêu rằng: – Cha thằng Sung, ạ!/ – Giống gì ?/ – Vô biểu một chút/ Trần Văn Sửu lồm cồm ngồi dậy đi gài cửa, bưng đèn đem để trên bàn thờ mà tắt, rồi men men đi vô buồng, miệng cười ngỏn ngoẻn, vì đã quên hết những điều Hương tuần Tam nói hồi trưa đó rồi” (tr. 36). GS. Bùi Xuân Bào cũng cho rằng “đoạn văn trên không những hoàn toàn thành công mà còn táo bạo trong văn chương thời bấy giờ” (3) (Le roman vietnamien contemporain – Bùi Xuân Bào – Tủ sách Nhân văn Xã hội, Sài Gòn 1972). Cũng có những cảnh sinh hoạt hay cảnh làm lụng ngoài ruộng, hoặc cảnh chiều ngoài đồng, Hồ Biểu Chánh tả rất khéo. Bằng vài nét bút chấm phá mà tác giả đã vẽ nên được những bức tranh thủy mặc sinh động. Đây là đoạn văn tả cảnh làm lụng ngoài ruộng: “Một bữa nọ, nhằm tiết tháng bảy, trời mưa lu ầm, lu ỳ. Ngoài đồng, nông phu làm lăng xăng, người thì lo phát cỏ, kẻ thì lo trục đất. Mấy đám mạ gió thổ dợn sóng vàng vàng; trong hào ấu, trái già cuốn đỏ đỏ”. Và đây là đoạn tả một cảnh chiều ngoài đồng: “Mặt trời chen lặn, ếch uệch oạc kêu vang mé hào, trâu na nẩn đi lần về xóm. Lúa cấy đã giáp đồng hết rồi, đám nào chưa bén thì coi vàng vàng, đám nào đã nở thì coi xanh mướt.

Hồ Biểu Chánh là người Nam bộ nên lời lẽ, cốt cách nhân vật trong truyện đều thể hiện chân dung nhân vật theo tích cách thật thà dễ dải của con người nơi vùng đất mới. Có một điều người ta hay nghĩ đến là, vì hoàn cảnh xa xôi cách trở, nhiều tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh in ở trong Nam không được phổ biến rộng rãi cho độc giả ở phía Bắc, nhiếu nhà phê bình văn học cũng chưa có dịp đọc tác phẩm của Hồ Biểu Chánh nên sự nhìn nhận, đánh giá không được đầy đủ và hợp lý. Trong khi, một số người đọc ở miền ngoài vốn đã quen với lối văn biền ngẫu, từ đối từ, vế đối vế, câu đối câu, thường gặp ở những nhà văn đầu thế kỷ 20 như Phan Kế Bính, Nguyễn Bá Học, hoặc những câu văn giản dị, cô đọng mà sâu sắc ở Nhất Linh, réo rắt du dương đầy tính nhạc ở Khái Hưng hoặc trong sáng trũ tình ở Thạch Lam…

Dù ý kiến có khác nhau, Hồ Biểu Chánh, với trọn một đời người cầm bút, coi cuộc sống văn chương như hơi thở của mình và đã đạt được những thành tựu văn học quan trọng nhất là về tiểu thuyết nên ta có thể nói: Hồ Biểu Chánh là một nhà văn tiền phong, có công lớn trong sự hình thành nền tiểu thuyết Việt Nam. Hay nói rõ thêm, nhà văn Hồ Biểu Chánh là một tiểu thuyết gia phong tục và luân lý hàng đầu, sáng tác theo khuynh hướng hiện thực trong giai đoạn 1912-1932. Bên cạnh dòng văn học lãng mạn từ 1932, tác phẩm của Hồ Biểu Chánh đã làm một sứ mệnh gạch nối, dọn đường cho nền văn học hiện thực phê phán rồi hiện thực xã hội chủ nghĩa nối tiếp của những nhà văn đương đại về sau.

N.T 

(1) Tên thật của Hồ Biểu Chánh

(2) Ý kiến của LM. Thanh Lãng.

(3) (Le roman vietnamien contemporain – Bùi Xuân Bào – Tủ sách Nhân văn Xã hội, Sài Gòn 1972).

* Các ảnh trong bài mượn lại của Nguyễn Khuê

 

Tư liệu tham khảo:

– Nhà văn hiện đại – Vũ Ngọc Phan, tập 2 (Nxb. Vĩnh Thịnh, Hà Nội, 1953)

– Chân dung Hồ Biểu Chánh – Nguyễn Khuê (Nxb. Lửa thiêng, Sài Gòn, 1974)

– Bảng lược đồ Văn học Việt Nam – LM.Thanh Lãng, tập hạ (Nxb. Trình bày, 1967

– Việt Nam Văn học sử giản ước tân biên, tập 3 (Nxb. Quốc học tùng thư, 1965)

– Nghĩ về Hồ Biểu Chánh – Sơn Nam – Tập san Văn, Sài Gòn trước 1975

– Hồ Biểu Chánh, một nhà văn viết rất siêng – Đông Hồ – Tập san Văn, Sài Gòn trước 1975

– Từ điển Văn học – Bộ mới (Nxb. Thế Giói, 2004)