Trương Anh Tú
(Một trao đổi – tiểu luận về thơ)
(Vanchuongphuongnam.vn) – “Hoa anh nói“ là một loài hoa được sinh ra từ tập thơ “Những mùa hoa anh nói“ (Thơ Trương Anh Tú – NXB Hội nhà văn, tháng 10- 2018). Và, “Hoa anh ơi“ là tên những bông hoa xuất hiện từ bài thơ cùng tên của nhà thơ Xuân Diệu (viết từ năm 1962). Nhưng sao “Hoa anh nói“ và “Hoa anh ơi“ lại có “duyên“ gặp gỡ nơi đây! Để trả lời câu hỏi này, và hơn thế nữa, để hiểu những cánh đồng trời xanh trong “hoa anh nói“ và “hoa anh ơi“ nhung nhớ điều gì, mời bạn đọc cùng tôi (tác giả tập thơ “Những mùa hoa anh nói“) đọc bài viết này.
Nhà thơ Trương Anh Tú
Tập thơ “Những mùa hoa anh nói“ (NMHAN) ngay từ khi lên khuôn cho đến khi ra mắt đã và đang nhận được những ý kiến phản hồi của bạn đọc. Bên cạnh các bài đưa tin, các cuộc phỏng vấn, trò chuyện với tác giả về tập thơ được giới thiệu trên báo chí, trên Đài tiếng nói Việt Nam… nhiều bài bình luận của của các nhà báo, nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình đã dành cho tập thơ những đánh giá tích cực.
Bài “Trong trẻo hồn nhiên một hồn thơ Hà Nội“ của PGS-TS – nhà văn Vũ Nho viết về tập thơ NMHAN là một trong những bài bình luận mới nhất (đăng trên trang “Tác phẩm & Bạn đọc“ – thuộc Diễn đàn CLB văn chương – Hội nhà văn Việt Nam).
Như nhan đề của bài phê bình, nhà văn Vũ Nho tập trung phân tích những bài thơ viết về Hà Nội, về tình yêu trong tập thơ; bày tỏ ấn tượng “về một Hà Nội trong thơ Trương Anh Tú“; “ấn tượng về một hồn thơ trong trẻo, hồn nhiên, tươi trẻ, giàu lạc quan“… Ông dành phần còn lại của bài viết để nêu ý kiến, trao đổi lại với những nhận định, đánh giá của các tác giả có bài bình luận viết về tập thơ NMHAN in trong tập thơ và ngỏ ý “chỗ nào chưa chuẩn thì bạn đọc, tác giả và cả anh Đỗ Quyên sẽ chỉnh sửa và trao đổi lại“.
Sự trao đổi thẳng thắn và lời đề nghị thảo luận của nhà văn Vũ Nho là rất đáng trân trọng và cần thiết. Đó là tín hiệu của những chuyển động, những xung lực nội tại, là sự tìm tòi, là giấc mơ sinh sôi của thơ ca; là yêu cầu/ đòi hỏi/ đối thoại văn chương… để mở ra những thông hiểu, đi tìm những giá trị, và tất nhiên không chỉ dừng lại ở tập thơ NMHAN. Tôi không ngần ngại viết những dòng trao đổi này, với tâm huyết có thể làm sáng tỏ hơn những điểm cần bàn, đồng thời đưa ra những trao đổi chung trong việc cảm thụ thơ, như việc đọc – hiểu – cảm nhận – giải mã một bài thơ hoặc tìm hiểu thế nào là thơ hay.
Trước hết để bạn đọc có cái nhìn toàn cảnh về tập thơ NMHAN, xin được trích dẫn những đánh giá của nhiều tác giả dành cho tập thơ:
1- Trong bài “Những bài thơ Tú nói“ (in trong tập thơ NMHAN và đã được giới thiệu trên trang Web của NXB Hội nhà văn, trên báo điện tử của Hội nhà văn và trên Tạp chí Sông Hương) nhà thơ – nhà PBVH Đỗ Quyên viết: “Chúng tôi cả nghĩ, nếu các tác phẩm văn nghệ cho một nền giáo dục cần 4 tiêu chí (thứ tự tùy theo mỗi quốc gia) – đó là tính giáo dục, chất nghệ thuật, độ nhân bản, tầm dân tộc – thì một số bài hay của tập thơ đã như nhiều bài trong sách giáo khoa hiện nay ở Việt Nam. Đó là các bài Những mùa hoa anh nói, Thơ trong lễ hội hóa trang, Đôi mắt… Chúng tôi tin rằng, “Những mùa hoa anh nói” sẽ là “hộ chiếu” cho tác giả chính thức đi vào làng thơ Việt đương đại“…
2- Trong bài “Bay theo… Những mùa hoa anh nói“ (in trong tập thơ NMHAN và đã đăng trên Tạp chí Thơ, trên báo điện tử của Hội nhà văn Việt Nam) nhà báo – biên tập viên văn học Bích Hạnh cảm nhận: “Những mùa hoa anh nói mang đến những bầu trời mà người đọc muốn bay theo bằng đôi cánh của cảm xúc, tâm hồn; và bay cao, bay xa hơn bằng tư duy, ý tưởng… Tính triết trong thơ Trương Anh Tú luôn được trình bày bằng những ngôn ngữ đẹp, giàu chất thơ mà tác giả dày công tìm tòi, sáng tạo… Cái tự nhiên ấy thật ra đã là cả một quá trình thấm và ngấm sâu trong tâm hồn nhà thơ: tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương tổ quốc, yêu đời yêu người, và tư duy mở rộng: “Trái đất này sẽ nhỏ/ Nếu chẳng ngắm bầu trời/ Bầu trời này sẽ nhỏ/ Nếu chẳng ngắm mây trôi” (Tiếng hát)“…
3- Trong bài “Ngẫu hứng với chùm thơ của người làng phố trên đất Đức – Trương Anh Tú“ (in trong tập thơ NMHAN) TS – nhà giáo Trần Việt Hà bình luận: “Văn chương của Trương Anh Tú cũng giống như dòng sông mát lành, để tâm tư cảm xúc của con người thỏa sức ngụp lặn, để nhân cách con người thỏa thuê soi bóng, để kí ức của con người thỏa lòng đồng vọng với những giấc mơ“…
4- Trong bài “Trương Anh Tú – Một hồn thơ thuần Việt“ (đăng trên báo Thanh Niên) nhà thơ Nguyễn Việt Chiến bày tỏ: “Đọc thơ Trương Anh Tú, tôi ngỡ như vừa chạm vào một nguồn nước trong lành nơi cái giếng làng bao đời lặng lẽ nằm im lìm dưới những bóng tre. Để hiểu rằng điệu hồn thơ Việt của anh đã và sẽ cất lên những tiếng tri âm, tri kỷ từ nguồn cội ấy của quê hương chúng ta“…
5- Trong bài “Lắng đọng cùng những mùa hoa anh nói“ (đăng trên báo Người Lao Động) nhà thơ Lê Minh Quốc nhận xét: “Với Thơ viết bên những lá cờ ở Liên hợp quốc, một lần nữa công chúng lại biết đến nhà thơ Trương Anh Tú, trở về từ nước Đức: “Những lá cờ hãy đứng bên nhau/ Hãy hát cho tình yêu/ Hát cho tình đồng loại/ Hát cho tự do/ Hát cho lòng nhân ái/ Hát như lòng mẹ bao dung ôm những đứa con mình…”. Rõ ràng, anh đã gửi đến một thông điệp: Trên trái đất này, con người có thể vượt qua chiến tranh bằng tình yêu, lòng nhân ái. Một mạch thơ hiện đại hướng về cái đẹp, những điều tốt lành…
Có người làm thơ bằng cảm xúc, nhịp điệu của từng con chữ nhằm bật lên một tứ thơ mới; với Trương Anh Tú, nhà báo Bích Hạnh đã có nhận xét khiến tôi rất đồng tình, đó là những bài thơ “mà người đọc muốn bay theo bằng đôi cánh của cảm xúc, tâm hồn; và bay cao, bay xa bằng tư duy, ý tưởng”. Vâng, muốn thế, đã nhà thơ thì anh có nghĩa vụ phải làm mới, viết mới lại vấn đề… không mới. Ấy mới là sự thử thách.
Với nhiều nhà thơ, dù già dù trẻ thì chủ đề về tình yêu vẫn là một mạch nguồn của cảm xúc. Khi nhà thơ Xuân Diệu rung cảm mãnh liệt về nụ hôn: “Đã hôn rồi, hôn lại/ Cho đến mãi muôn đời/ Đến tan cả đất trời/ Anh mới thôi dào dạt…” – là một cách diễn đạt cực hay, nồng nàn, táo bạo và quyết liệt. Thế thì, người đi sau phải chọn lấy cách nào khác? Với Trương Anh Tú: “Trái tim chồm lên/ muốn quẫy, đạp, xô văng ngàn phía/ siết chặt em rồi/ sao vẫn quá xa xăm”. Để rồi, cuối cùng: “Trái tim nhỏ nhoi/ trái tim lặng lẽ/ Mới được chào đời/ từ phút/ hôn em”. Từ nụ hôn, không chỉ nụ hôn, anh đã hướng đến một hồi sinh, một sự mới lạ ngay từ trái tim của chính mình… Tôi nghĩ, Những mùa hoa anh nói của Trương Anh Tú là một trong những ấn phẩm đáng chú ý trong thời gian gần đây”…
6- Trong bài “Thơ Trương Anh Tú – Bay qua cõi nhân sinh với những giấc mơ xanh“ (đăng trên trang Văn Chương Phương Nam – Diễn đàn văn học của Hội nhà văn TPHCM) nhà thơ Trúc Linh Lan chia sẻ: “Những mùa hoa anh nói”. Một tập thơ có niềm vui, nỗi buồn, sự cô đơn, tuyệt vọng, trăn trở, băn khoăn, một sự run rẩy thoáng qua, một phút chốc ngẩn ngơ…Nhưng sắc xanh chủ đạo suốt tập thơ đã làm cho hồn thơ dạt dào sức trẻ, dạt dào niềm tin yêu cuộc sống. Bạn yêu thơ như muốn cùng tác giả cất lên tiếng hát “với trời xanh” từ “ngôi nhà nhỏ” trên “con thuyền nhỏ” với “nụ cười nhỏ”… để thêm “Yêu cuộc sống này/ Không hẹp như bàn tay “. Hãy nhìn cuộc sống này bằng một đôi mắt bao dung, nhân hậu, một đôi mắt yêu thương cuộc đời… Thơ Tú không trúc trắc khó hiểu, giàu suy tưởng, giàu nhạc điệu… Đọc thơ Tú, lòng tôi trong trẻo quá. Thơ Tú như cơn mưa cuốn trôi đi bao bụi bậm đời thường. Đưa con người đến với những ước mơ cao đẹp để tiếp tục cuộc hành trình: “Thênh thang trong cõi vô thường/ Lẫn trong dâu bể… con đường màu xanh”. Phải chăng “…Có những tâm trạng và cung bậc tình cảm của con người chỉ có thể diễn đạt bằng thơ. Chính vì thế thơ không chỉ nói hộ lòng mình, thơ còn là sự an ủi, vỗ về, động viên khích lệ người ta đứng dậy đi tới”.
“Những mùa hoa anh nói“ của nhà thơ Trương Anh Tú đã làm được điều này”…
7- Trong bài “Đọc những mùa hoa anh nói“ (đăng trên báo Lao Động cuối tuần) PGS-TS- nhà thơ Lê Quốc Hán trình bày: “Với đôi mắt thi nhân “trong lặng im hạt cát/ đã bao lời biển khơi”, Trương Anh Tú đã đặt chân lên mặt đất bao nhiêu đất nước khác nhau, nhìn lên những bầu trời bốn phương khác nhau, nhưng rồi tác giả nghiệm ra: “Anh hóa bầu trời/ Anh cũng là mặt đất”. Anh đã được hưởng trái đắng ngọt ngào của “Tình yêu như cánh chim/ bay đi phía cuối trời”, được thưởng thức cái đẹp tượng trưng qua những mùa hoa để rồi ngộ ra rằng muốn tìm được cái đẹp đích thực phải tự bàn tay khối óc mình làm ra: “những mùa hoa anh nói/ phải tự trồng anh ơi”. Nhưng dù đi đâu, trái tim người thơ vẫn hướng về quê hương đất nước, đâu chỉ một phút Ngẫu hứng sông Hồng mà cả cuộc đời khi người thơ đã tan vào em như hơi thở mùa thu để trở thành một tiếng sóng, một hạt mưa rồi từ đó bay lên, hát với trời xanh.
Điều cảm nhận của tôi là thơ Trương Anh Tú có nét riêng. Những gì anh trăn trở kiếm tìm như “Ngàn năm hoa vẫn nở/ Biển có cạn bao giờ/ Những con đường không ngủ/ Sáng lên bằng giấc mơ”, những gì anh tâm niệm và hướng tới: “Thênh thang trong cõi vô thường/ Lẫn trong dâu bể con đường màu xanh” đã được ký thác khá đậm nét trong tập thơ này… “Những mùa hoa anh nói” là tập thơ thứ hai của Trương Anh Tú. Với những gì đạt được, tôi cho rằng đây là một thành công đáng ghi nhận”…
8- Trong bài “Đi dưới trời xanh“ (đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội) tác giả Phúc Nguyễn bình luận: “Đọc thơ Trương Anh Tú, nếu ta có bất chợt gặp một cơn giông, một cảnh đời bất hạnh, ví như cuộc đời nghèo khổ của người đàn bà nơi nước Mỹ (Phiên tòa), hay gặp cái bi trong bầu trời thơ Phùng Cung: Thuyền / Thuyền về đâu / Người / Người về đâu / Không bến đỗ / Không tiếng gọi đò… (Ngủ đi trái tim ơi), thì sau cuối cái đọng lại vẫn là những tầng nấc, những cánh cửa của bầu trời mở thông vào sâu rộng văn hóa, nhân văn: “Vượt qua cơn lũ/ Là trời xanh thôi!… Biển xanh, mây trắng, ánh trăng, ngôi sao, dòng suối, giọt sương, giọt nắng, bông hoa… đi một cách tự nhiên vào thơ Trương Anh Tú, là nguồn cảm hứng bất tận dưới bầu trời xanh của thi nhân. Cái mới cái riêng ở đây là, những thi liệu quen thuộc này trở nên sống động, lấp lánh bởi những liên tưởng, so sánh, ví von lãng mạn đến từ những rung động chân thành của tác giả trước vẻ đẹp thiên nhiên, con người… Thơ Trương Anh Tú thuộc dòng thơ trữ tình lãng mạn. Đặc biệt là hình ảnh trong thơ anh bao giờ cũng đẹp, trong sáng, nhiều khi trong vắt như một bức họa, làm nhòa đi cả câu chữ trong bài. Vần, nhịp cũng rất thanh thoát, giàu chất nhạc, nhiều bài như khúc hát của tuổi xuân, phơi phới niềm tin yêu cuộc đời. Cũng vì thế tính tư tưởng, tính triết lí trong thơ anh có phần hồn nhiên, và thường hòa quyện, cộng sinh cùng cảm xúc của một hồn thơ thanh bạch: Để trời xanh em ơi/ đã bao đời mây trắng/ để biển xanh em ơi/ sóng ngàn năm vẫn sóng“…
–
Quay trở lại bài viết “Trong trẻo hồn nhiên một hồn thơ Hà Nội“ của nhà văn Vũ Nho và trước khi đi vào bàn luận, tôi vẫn phải nhắc lại một điều rất hiển nhiên rằng: Bể học là vô cùng. Mỗi ý kiến – đánh giá – phê bình là một cánh cửa, một cách đọc, một khơi gợi, để bạn đọc có thể tìm hiểu, tiếp cận, khám phá, bước vào không gian tập thơ, và đương nhiên “thước đo chuẩn mực“ của mỗi ý kiến – đánh giá còn phụ thuộc vào năng lực cảm thụ, kinh nghiệm thẩm mỹ cũng như góc nhìn và cách đánh giá của các tác giả.
Tập thơ Những mùa hoa anh nói của nhà thơ Trương Anh Tú
Về phần mình, là tác giả tập thơ, tôi sẽ cố gắng hồi đáp từng phần, theo các điểm cần trao đổi như trong bài viết mà nhà văn Vũ Nho đặt ra (tạm chia thành A-B-C-D để tiện theo dõi), với tinh thần học hỏi, tôn trọng học thuật; lấy cái hay, cái đẹp, cái đúng để khai mở, làm chân lý.
A- Nhà văn Vũ Nho đánh giá, ba bài bình luận của ba tác giả viết về tập thơ NMHAN in cùng tập thơ (có trích dẫn và đánh số thứ tự 1-2-3 ở trên) là “rất công phu“ nhưng “đánh giá hơi quá về những gì có trong tập thơ“… song đáng tiếc không đưa ra những dẫn chứng cụ thể để biện giải cho nhận định cũng rất chung chung này (vì “hơi quá“ và “về những gì“ không mang định lượng và đối tượng cụ thể; không biết nên hiểu thế nào là “quá“ và “không quá“ và “những gì“ là gì). Hay ông “cụ thể hóa“ điều này khi đặt ra những bàn luận cụ thể với một số đánh giá của nhà PBVH Đỗ Quyên?
Nhà văn Vũ Nho viết: “Nhà phê bình Đỗ Quyên rất nhiệt tình và công phu. Nhưng thực ra với tôi, lại không mấy thuyết phục. Cái tên “ hoa anh – nói” được Đỗ Quyên cho là loại hoa mới, ngang với hoa “Đừng quên tôi” (Forget- me-not). Tôi chỉ thấy bình thường. Bởi từ hồi những năm sáu mươi của thế kỉ trước, Xuân Diệu đã có bài thơ về tên hoa còn gợi cảm hơn nhiều: Hoa “anh ơi”! (Tuyển tập Xuân Diệu, Nxb Văn học, 1983, tr. 288)“…
Khi đọc câu bình luận này của nhà văn Vũ Nho tôi đã thấy ngay cái gì đó chưa thấu đáo, chính xác hơn là có sự so sánh không thống nhất. Vì “cái tên “hoa anh – nói” được Đỗ Quyên cho là loại hoa mới (hoa MỚI – TAT nhấn mạnh), ngang với hoa “Đừng quên tôi” (Forget- me-not), còn nhà văn Vũ Nho chỉ thấy BÌNH THƯỜNG. MỚI phải đối với CŨ, không thể so sánh với BÌNH THƯỜNG. Nếu cái tên “hoa anh – nói” được Đỗ Quyên cho là loại hoa ĐẸP hay ĐẶC BIỆT thì nhà văn Vũ Nho mới có thể dùng từ BÌNH THƯỜNG (tức cùng một “kênh“ để so sánh). Hay ý của nhà văn Vũ Nho là: “Hoa anh nói“ không có gì mới, là đã cũ chăng (khi ông dẫn: “Từ hồi những năm sáu mươi của thế kỉ trước, Xuân Diệu đã có bài thơ về tên hoa còn gợi cảm hơn nhiều: Hoa“anh ơi”!“)?
Nhưng “hoa anh ơi” là “hoa anh ơi”! “Hoa anh nói“ là “hoa anh nói“! Nếu xét về bề mặt – khái niệm – tên gọi, hiển nhiên, tên – “hoa anh nói” bình đẳng, ngang hàng với tất cả các tên gọi của mọi loài hoa khác (như hoa “Đừng quên tôi” (Forget- me-not) mà nhà PBVH Đỗ Quyên so sánh, hay “hoa anh ơi“ do nhà văn Vũ Nho nêu ra). Và như vậy, cái tên “ hoa anh – nói” được Đỗ Quyên cho là loại hoa MỚI, ngang với hoa “Đừng quên tôi” (Forget- me-not) là hoàn toàn chính xác. Chẳng nhẽ “hoa anh ơi“ lại triệt tiêu/“cấm“ “hoa anh nói“ không được MỚI hay một loại hoa nào khác không được ra đời sao?!
Còn để xét tên hoa nào “gợi cảm hơn“ (theo ý của nhà văn Vũ Nho) thì chúng ta phải đọc cả hai bài thơ (1- “Hoa anh ơi“ của Xuân Diệu và 2- “Những mùa hoa anh nói“ của Trương Anh Tú), để tìm hiểu về nội hàm – ngữ nghĩa liên tưởng của “Hoa anh ơi” và “hoa anh nói“, dù rằng đã là hoa thì hoa nào cũng đẹp, cũng gợi cảm, mà cái đẹp, cái gợi cảm không chỉ ở hình thức, cái đẹp còn ở hương hoa, là cách sống, là tư thế sống biết vươn lên, biết hết mình với đất trời của mỗi loài hoa.
Và thực ra cái tầm vóc của bông hoa tư tưởng – bông hoa nhân văn trong mỗi bài thơ mới là cái đích đến của thơ ca, mới là cái có thể “định giá” được vẻ đẹp của những bông hoa thơ!
Hoa “anh ơi”
Hoa này là hoa “anh ơi”
Là hoa một buổi đẹp trời, ta đi
Nắm tay trò chuyện thầm thì
Bỗng nhiên em thốt: “Hoa gì? anh ơi”
Cây thanh một tán lá cười
Một vùng hoa nở hồng tươi một vùng
Sắc đào như thể rung rung
Toàn cây là một nỗi lòng nở hoa
Anh tìm tên mãi không ra
Phải anh đào? Hoặc như là ô môi?
Biết bao yêu mến trong lời
Thốt kêu hai tiếng từ nơi ruột rà
Từ rày xin đặt tên hoa:
“Hoa anh ơi” một chiều ta nở dầy.
Xuân Diệu (1962)
Qua bài bình luận của nhà văn Vũ Nho tôi mới tìm trong mạng và biết bài thơ “Hoa anh ơi“ của Xuân Diệu. Từ những bông hoa có thật (nhưng không biết tên), qua ngòi bút của nhà thơ XD, hoa trở thành “hoa anh ơi“ – bông hoa trữ tình của tình yêu, của lòng người. Bài thơ tự nhiên như một câu chuyện ghi dấu cảm xúc, mang dấu ấn của tình yêu say đắm.
Những mùa hoa anh nói
(Một mẩu đối thoại)
Tôi tìm những bông hoa
Nồng nàn từ đồng nội
Hương được hong từ gió
Sắc được hái từ mây
Cả hoa và cả lá
Từ giọt sương vơi đầy.
Cô bán hàng nghĩ ngợi
Không có đâu anh ơi
Những bông hoa ở đây
Được nuôi từ lồng kính
…
Trăm hoa cùng một sắc
Nghìn cánh cùng một hương
Nở rồi tàn cùng lúc
Sợ mặt trời, gió sương.
Đẹp sao những loài hoa
Đã một lần thật sống
Để đi hết bầu trời
Của tận cùng sự sống!
Tôi yêu những mùa hoa
Nhựa căng từ lòng đất
Hương được hong từ gió
Sắc được hái từ mây
Cả hoa và cả lá
Từ giọt sương vơi đầy.
Cô bán hàng tư lự
Chợt buồn rồi xa xôi
Những mùa hoa anh nói
Phải tự trồng, anh ơi!
Trương Anh Tú
(Đăng lần đầu trên Tạp chí VNQĐ năm 2008)
Bình luận về tên bài thơ/ cũng là tên tập thơ – “Những mùa hoa anh nói“ (trong bài phê bình “Những bài thơ Tú nói“) nhà PBVH Đỗ Quyên viết: “Ngay lúc mở bản thảo tập thơ, lần đầu tiên khi nó còn mang tên khác, lướt Mục lục, mắt tôi đậu luôn ở “Những mùa hoa anh nói”! Thắc mắc quá, đang vội cũng mò xuống tìm bài đọc cho tới khi “thủng văn bản”. Ngẩn ngơ… Đến ngày tác giả quyết định đổi tên tập thơ thành Những mùa hoa anh nói, tôi mường tượng: riêng nhan đề ấy đã đủ lưu danh trong làng thơ Việt đang tràn ngập (đến mức khủng hoảng) sách thơ.
Tôi khoái nhất tên bài thơ, tên tập thơ vì 3 lý do: 1. Mang vẻ thơ ngây, tự nhiên từ câu nói của phái nữ trong đối thoại bình thường, khiến nhớ ngay đến một điểm quan trọng trong lý luận khi phân biệt thơ điệu nói với thơ điệu kể, điệu ngâm (được xem là thay đổi lớn lao của thơ Việt từ sau thời Thơ mới; 2. Toát ra chân dung thơ của tác giả; 3. Từ đây, trong các loài hoa trên đời hay trong làng thơ, thêm một loài hoa, tên là Hoa anh nói: hoa Anh-nói, kiểu như hoa Forget-me-not (Đừng quên tôi/em/anh)…
Thơ tự sự, câu chuyện và đối thoại. Lãng mạn kiểu “ngày xưa Hoàng thị”. Ý nghĩa giáo dục rành mạch. (“Những mùa hoa anh nói/ Phải tự trồng, anh ơi!”). Tính tư tưởng nhân văn chân phương; nhịp thơ, vần điệu, hình ảnh – tất cả đều thuộc về truyền thống.
Bài thơ hay vì có mắt thơ, là câu thơ “xuất thần” được chọn làm tên bài, tên tập thơ: Những mùa hoa anh nói, như đã nói ở phần đầu. Thơ, hệt như mỹ nhân, lạ vậy. Chỉ một nốt son đúng chỗ có thể tôn chủ nhân lên bội phần“…
Nhà báo Bích Hạnh – một cây bút bình luận sách cũng phân tích rất sâu sắc về tên bài thơ / tập thơ “Những mùa hoa anh nói“ (trích từ bài “Bay theo… Những mùa hoa anh nói“): “Ngay từ cái tên “Những mùa hoa anh nói” đã khiến người ta muốn chú ý, lại rất “đúng” giọng của tác giả. Đến khi đọc tập thơ này, với nhiều bài đẹp như những bức tranh, âm điệu du dương như có nhạc, thì bài thơ “Những mùa hoa anh nói” nổi bật bởi có một cái tứ rất riêng và lạ, đậm chất “Trương Anh Tú”, vừa nồng nhiệt, lãng mạn vừa chuyển chở tư tưởng lớn lao. “Những mùa hoa anh nói” không chỉ ca ngợi vẻ đẹp và sức sống mạnh mẽ, mãnh liệt của tự nhiên; mà HOA còn là cái đẹp, là con người, là tinh thần, nghị lực, sự tận hiến, cũng như khẳng định cái tôi, khẳng định cá nhân nhỏ bé mà vô cùng kiêu hãnh trong thế giới bao la: “Đẹp sao những loài hoa/ Đã một lần thật sống/ Để đi hết bầu trời/ Của tận cùng sự sống!”. Không những thế, “Những mùa hoa anh nói/ Phải tự trồng anh ơi” còn là sự định hướng của nhà thơ, mang sứ mệnh to lớn đặt vào mỗi con người. Nhất là trong cuộc sống hiện đại, khi sự nhân bản, sao chép, cái giả, cái ảo, những hào nhoáng bề ngoài càng “nở rộ” thì con người lại càng cần phải lớn lên bằng chính sức mạnh thực chất của mình. Một bài thơ mang lớp lớp tư tưởng trong từ ngữ đẹp!“…
Hẳn là qua những dòng bình luận trên đây bạn đọc đã có thể cùng mường tượng ra sức gợi của “hoa anh nói“ và cũng có thể tìm thấy bông hoa cho riêng mình. Rõ ràng khi đi sâu, tìm hiểu trường ngữ nghĩa – liên tưởng của tên gọi các loài hoa trong mỗi bài thơ, ta sẽ thấy “cái được biểu đạt“ của “hoa anh nói“ khác “cái được biểu đạt“ của “hoa anh ơi“.
“Hoa anh nói“ không chỉ là những bông hoa tự nhiên. “Hoa anh nói“ là hoa tư tưởng, hoa tâm hồn, là hoa nhân văn mang triết lý nhân sinh biết “một lần thật sống/ Để đi hết bầu trời/ Của tận cùng sự sống“. Chỉ có thơ ca và cái đẹp vĩnh cửu mới có thể bay lên, gieo vào mùa màng của tâm hồn con người những bông hoa ấy – những bông hoa của trí tuệ mang tầm vóc và tư tưởng thời đại, nhưng cũng chân thật nhất, giản dị nhất!
B- Nhà văn Vũ Nho tiếp tục trao đổi: “Rồi cái bài “thơ rất hay” là bài “Cảm xúc” thì chỉ là bài khá, không có gì đặc biệt, khi nhà bình thơ dẫn ra câu thơ hậu hiện đại cách tân về thi pháp “Không mang theo da thịt”. Có lẽ Đỗ Quyên ít đọc Xuân Diệu, hoặc đọc không kĩ nên không nhớ, thành ra mới giật mình. Từ hồi “Gửi hương cho gió” Xuân Diệu viết thế này “Tôi đã yêu từ khi chưa có tuổi/ Lúc chưa sinh vơ vẩn giữa vòng đời/ Tôi đã yêu khi đã hết tuổi rồi/ Không xương vóc, chỉ huyền hồ bóng dáng […] Kẻ đa tình không cần đủ thịt da” (Đa tình)“…
Phải nói ngay rằng, việc “chênh“ về đánh giá một bài thơ giữa “thơ rất hay” với “chỉ là bài khá“ là hoàn toàn bình thường! Vì như đã nói ở trên, sự đúng đắn – khơi mở của việc thẩm định thơ còn phụ thuộc vào khả năng, kinh nghiệm, vị trí, góc nhìn… của mỗi người đọc. Có bao nhiêu người đọc thì có bấy nhiêu cách đọc, cách hiểu. Chúng ta chỉ có thể phân tích, đưa ra những dẫn chứng cụ thể để cùng trao đổi và tìm sự thông hiểu, hướng đến những giá trị chung được công nhận.
Xin dẫn ra hai bài thơ để thảo luận:
Bài thơ “Đa tình” của Xuân Diệu:
Đa tình
Nghìn buổi sáng, bình minh xe chỉ thắm
Đem lòng tôi ràng rịt với xuân tươi.
Thuở xưa kia là con của mặt trời,
Tôi có lửa ở trong mình nắng đọng.
Đời muốn chữa cho tôi lành bệnh sống,
Đem tuyết sương lời lẽ buốt vào gan;
Tuyết sương mòn, băng giá phải trôi tan,
Tôi là lửa chẳng bao giờ biết nguội.
Tôi đã yêu từ khi chưa có tuổi
Lúc chưa sinh, vơ vẩn giữa vòng đời;
Tôi đã yêu khi đã hết tuổi rồi,
Không xương vóc, chỉ huyền hồ bóng dáng.
Vào đêm tối tôi sẽ làm đuốc sáng
Rọi u minh tỏ rạng ánh hồn sâu;
Đến ru thơ bao kẻ hãy buồn đau;
Tìm ấp mộng những hồn sầu rã mục.
Hồn đông thế, tôi sợ gì cô độc!
Ma với nhau thì ôm ấp cùng nhau.
Chuyện yêu đương bấy giờ đã hết đâu,
Niềm tâm sự vẫn còn như thuở sống.
Trong cõi lòng lan đi bao ấm nóng,
Giữa hồn thường thắm thiết một ma thơ
Đem nhớ nhung an ủi dưới trăng mờ,
Và trong gió phất phơ đi có bạn…
Kẻ đa tình không cần đủ thịt da;
Khi chết rồi thì tôi sẽ yêu ma.
–
Bài thơ “Cảm xúc” của Trương Anh Tú:
Cảm xúc
Tôi đi giữa cánh đồng
Cánh đồng thơm con gái
Những chồi non thơ dại
Run rẩy với hồn tôi.
Tôi đi giữa cánh đồng
Không mang theo da thịt
Mình tôi với cánh đồng
Cánh đồng thơm con gái.
Tôi dùng ngôn ngữ riêng
Thứ ngôn ngữ cũng chẳng cần da thịt
Trò chuyện với cánh đồng
Cánh đồng thơm con gái.
–
Đọc hai bài thơ này, tôi thấy việc lấy câu “Kẻ đa tình không cần đủ thịt da“ để so sánh với câu “Không mang theo da thịt“ là rất khập khiễng! Hai bài thơ ở hai thái cực khác nhau. Không thể thấy chữ “thịt da“ giông giống chữ “da thịt“ là “dập khuôn“ xếp cùng một bảng!
Bài thơ “Đa tình“ như tên bài thơ của Xuân Diệu diễn tả một trái tim đa tình, “có lửa/ chẳng bao giờ biết nguội“, trái tim khát yêu, khát sống; một trái tim yêu ngay cả khi “không cần đủ thịt da”, cả “khi chết rồi thì tôi sẽ yêu ma”! Trong bài thơ này, Xuân Diệu mở tất tật, cả hồn, cả gan, cả xương cốt, thịt da mình để đòi sống, đòi yêu hết mình, khao khát tận cùng, “không cần đủ thịt da“ vì không bao giờ là đủ (giống như trong những bài thơ khác ông viết “Yêu tha thiết thế vẫn còn chưa đủ/ Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi“).
Bài thơ “Cảm xúc“ của Trương Anh Tú ở một thái cực khác, mang một cách thể hiện khác. Cũng yêu say đắm đến tận cùng nhưng người thơ (nhân vật tôi trong bài thơ) lại có thể sẵn sàng “quên mình“ – “không mang theo da thịt“, quên mình (từ bỏ vật chất) đến “độ không“ (“như tâm thế của Phật” – chữ của một bạn đọc bình luận), để yêu, để “trò chuyện“, để đi lạc vào “cánh đồng thơm con gái“ – cánh đồng của cái đẹp. “Cánh đồng thơm con gái“ hiện lên, hóa thành cánh đồng của thi ca – cánh đồng của khát khao muôn thuở cho cái đẹp tinh khôi nguyên sơ. Ở đó chỉ có tâm hồn của con người run rẩy cùng cái đẹp. Ở đó “ngôn ngữ cũng chẳng cần da thịt“; ngôn ngữ tự do – ngôn ngữ im lặng cho cái đẹp cất lời!
Nhưng cái mà nhà PBVH Đỗ Quyên muốn nhấn mạnh thêm trong bài thơ “Cảm xúc“ còn là sự “cách tân về thi pháp, ở ngôn ngữ cũng như trong lối viết“ trong câu thơ “không mang theo da thịt“. Các bạn thấy, nhân vật tôi trong bài thơ thật “phi thường“, khi xét riêng trên bề mặt hiện thực – lý tính; phi thường vì người thơ có thể đi (trên cánh đồng) mà “không mang theo da thịt“ (thử liên tưởng có thể viết: “tôi đi không mang theo chân“ hoặc “tôi nhai không mang theo răng“…); ở đây ta thấy xuất hiện một cách nói mới (“một thi ảnh mang chất hiện sinh rõ rệt“).
Chúng ta cùng xem nhà PBVH Đỗ Quyên bình bài thơ “Cảm xúc“: “Tứ thơ vô cùng lạ lẫm, hết đỗi thân thương. Cái tây hòa tan vào cái ta. Xứng danh một bài thơ hay và lạ của thơ Việt đương đại!
Một thi ảnh mang chất hiện sinh rõ rệt được lạc giữa tập thơ – một rừng hiện thực, lãng mạn thuần túy. Sự xa lạ tạo “rùng mình” (“Không mang theo da thịt”) điềm nhiên sánh bước cùng cái gần gũi nên thơ (Cánh đồng thơm con gái/ Những chồi non thơ dại”).
“Không mang theo da thịt” là câu cách tân nhất về thi pháp, ở ngôn ngữ cũng như trong lối viết…
Câu phá cách “Thứ ngôn ngữ cũng chẳng cần da thịt” vẻ như làm lồi ra – về hình thức – sự cách tân rất mỹ mãn về nội dung và tư tưởng. Khi tôi đề nghị thay câu trên bằng câu đúng vần điệu và thể thơ, ví dụ: “Ngôn ngữ không da thịt” để toàn bài vừa giản dị vừa siêu nhiên, tác giả cho biết: “Đó là câu thơ được viết như vô thức, rất lạ. Không thể thay thế!”…
Với bài Cảm xúc, ta chớ ngại ngần khi nói, hình tượng lúa con gái tự ngàn năm của nhà nông Việt Nam thêm một trổ bông!”…
Nhà thơ Trúc Linh Lan tỏ ra đồng tình với những nhận định của nhà PBVH Đỗ Quyên khi bình bài thơ “Cảm xúc“. Đọc bài thơ, chị không thấy nhà thơ – không thấy nhân vật tôi trong bài thơ đâu nữa, chỉ còn thấy “tiếng ngân của trái tim“: “Với “lời yêu muốn ngỏ“ thấp thoáng một mái nhà xanh tràn đầy tiếng hát. Tôi đang tò mò đây, tôi đi vào mái nhà xanh ấy để chiêm nghiệm từng bài thơ và dừng lại ở “Cảm xúc” không còn thấy nhà thơ đâu nữa, chỉ thấy tiếng ngân của trái tim màu đỏ ấy với những cảm xúc thật chín, thật đĩnh đạc. Tôi nhất trí với lời nhận xét của nhà bình thơ Đỗ Quyên khi anh xếp nó vào “bài thơ rất hay”…
Thơ đối với Tú như không khí để thở, như sắc màu trong tranh của mẹ, như chuyện cổ tích bà kể, như bầu trời đầy hương hoa…Tú ngập ngừng đi vào cánh đồng thơ của mình, cánh đồng tươi trẻ với những chồi non dại được ươm mầm từ sự “run rẩy với hồn tôi”. Cánh đồng “Không mang theo da thịt” và chỉ mình tác giả thôi, tác giả cảm nhận được mùi thơm kỷ ảo “thơm con gái”. Để diễn đạt nó nhà thơ phải dùng một thứ ngôn ngữ riêng “Thứ ngôn ngữ không cần da thịt” và cũng chỉ có nhà thơ ”Trò chuyện với cánh đồng/ Cánh đồng thơm con gái”.
Bài thơ còn khẳng định được sự cô đơn của nhà thơ, chỉ có nhà thơ mới thấy được cái đẹp của cánh đồng chữ nghĩa đó và khẳng định một bài thơ hay phải tỏa hương và phải đẹp“…
Cây bút phê bình Phúc Nguyễn cũng nói đến “một hình tượng lạ, ám ảnh và phi vật chất – không da thịt“ khi viết về bài thơ “Cảm xúc“: “Với thơ, ý phải ẩn chứ không lộ thiên. Người xưa nói thơ “ý ở ngoài lời“ là như vậy. Trong bài “Cảm xúc“, Trương Anh Tú đã dùng lối chơi chữ ở hai từ “da thịt” và “con gái”, nhằm minh bạch hóa một cảm trạng tinh thần thanh cao, vượt trên cõi hiện hữu để đến với sự giao cảm vô hình. Đây là một cách nói mới trong thơ, thi vị hóa tình yêu bằng một hình tượng lạ, ám ảnh và phi vật chất – không “da thịt“…
C- Nhà văn Vũ Nho tiếp tục bình luận: “Chỉ dẫn lại đây một bài thơ được Đỗ Quyên đánh giá là hay, song tôi thì chỉ cảm thấy là bình thường, thậm chí là khá xoàng. Đó là bài “Thơ tặng bạn sinh nhật”. Vì ngắn, xin dẫn cả bài:
Bao nhiêu mùa lá đổ
Bao nhiêu mùa lá rơi
Bao nhiêu năm không ngủ
Hay bao nhiêu năm cười
Cả hai câu đầu chỉ có một ý nhiều năm (lá đổ hay lá rơi thì cũng chỉ một. Quá dư thừa lời lẽ). Lại lặp từ “bao nhiêu năm” để hỏi hay để liệt kê việc không ngủ (Mất ngủ nặng nề, chắc là người nhạy cảm cả nghĩ, cả lo!). Rồi tiếp là một nghi vấn (lại vẫn ) bao nhiêu năm cười. Cười đối lập với khóc, chứ không đối lập với mất ngủ. Thì cứ tạm coi là đối lập trong ngữ cảnh đi. Bài thơ mừng sinh nhật chỉ “lạ”, chứ không hay. Thế mà anh Đỗ Quyên cho Trương Anh Tú thành võ sĩ đấm trúng tim anh bằng một cú đấm “thôi sơn”!…”.
Đọc lời bình này của nhà văn Vũ Nho quả thực tôi cũng lại “phải“ tiếp tục cười! Cười vì cách trình bày rất hóm của ông. Sao Đỗ Quyên lại có thể bị một cú đấm “thôi sơn” vì bài thơ này kia chứ, trong khi nhà văn Vũ Nho chỉ lạ, chỉ“cảm thấy là bình thường, thậm chí là khá xoàng”.
Là tác giả tất nhiên tôi không thể “lập trình” cảm nhận cho bạn đọc khi cảm nhận/ chiêm nghiệm bài thơ của mình. Tôi chỉ có thể lập trình những con chữ, bằng cảm xúc và tư tưởng, và kết thúc công việc của mình ở dấu chấm cuối cùng của bài thơ. Việc tiếp theo là của bạn đọc. Mỗi bạn đọc – mỗi nhà phê bình sẽ đọc – cảm nhận bài thơ bằng cái vốn kinh nghiệm thẩm mỹ, bằng “đôi mắt“ của mình. Lời bình là “đáp số”, tự họ nghiền ngẫm và giải ra! Bài thơ có bao nhiêu “tầng”, bao nhiêu “ngăn”, bao nhiêu “lớp”, người đọc tự tìm hiểu và đôi khi họ cũng (phải) biết tự “hóa thân”, bay lên thật cao để nhìn bốn cõi, lặn xuống biển sâu để thấy sóng ngầm; họ “sáng tác“ – diễn giải cùng nhịp điệu và tiếng vọng của bài thơ; họ tưởng tượng và khám phá!
Trong bài thơ “Thơ tặng bạn sinh nhật” của TAT có đúng là “cả hai câu đầu chỉ có một ý nhiều năm (lá đổ hay lá rơi thì cũng chỉ một. Quá dư thừa lời lẽ)”… ? Xin thưa là không. “Lá đổ – lá rơi” không là một, vì “rơi” và “đổ” diễn tả những trạng thái (vật lý – tâm trạng) khác nhau.
Lá rơi – diễn tả những chiếc lá rơi – rụng một cách tự nhiên, không có gì giữ lại (như hoa rơi, mưa rơi, tuyết rơi). Trong khi nghĩa nội hàm của từ “đổ”, “lá đổ” diễn tả những chiếc lá bị đổ, quật ngã do bão gió hay lực xô đẩy từ bên ngoài (như người ta hay nói “bão gió làm ĐỔ cây cối”, không thể nói “bão gió làm RƠI cây cối).
Nhất là trong thơ, ngay cả khi người ta nhắc lại một từ, một hình ảnh, thậm chí cả một câu thơ nhiều lần trong bài thơ cũng đều có lý do. Và thực ra đấy là điệu hồn, là cảm xúc dẫn dắt để bài thơ được xuất hiện như nó phải thế! Đó cũng chính là một thủ pháp/ thi pháp của thơ, của nhạc.
Chúng ta thử đọc bài thơ “Tiếng thu” của nhà thơ Lưu Trọng Lư – một bài thơ hay điển hình chứng minh cho nghệ thuật sử dụng thủ pháp “lặp lại” từ ngữ/ “liệt kê” lại hình ảnh trong thơ:
Tiếng thu
Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức?
Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ?
Em không nghe rừng thu
Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô?
Trong một bài thơ 9 câu mà Lưu trọng Lư 3 lần hỏi/ 3 lần nhắc lại: “Em không nghe mùa thu…/ Em không nghe rạo rực…/ Em không nghe rừng thu”… Điệp khúc “em không nghe” được lặp lại ấy đã “hóa thân” thành giai điệu, thành những nốt nhạc xa xôi, sâu lắng. Mỗi một lần – “em không nghe/ em không nghe/ em không nghe”… vang lên là một lần những tiếng gọi mơ hồ lại cất lời, như những nốt nhạc trong bản tình ca huyền diệu khắc khoải tuyệt đẹp của mùa thu! Người ta cũng quên luôn, không hỏi, tại sao khi đã viết “em không nghe mùa thu” mà Lưu Trọng Lư còn nhắc lại ”Em không nghe rừng thu” làm gì, sao nhiều thu thế!… Không, thơ là nhịp điệu của trái tim, là tiếng lòng, không phải là phép cộng trừ số học. Thơ tự nó biết lay động, biết tạo ra những tiếng xạc xào của mưa rơi, của lá đổ, của lòng người để tri âm, trăn trở, thương xót, đau đớn và hạnh phúc!
Thơ Trương Anh Tú cũng không ngoại lệ. Nếu bạn đọc thấy trong thơ TAT có những bài thơ lặp lại một từ hay nhiều từ thì đấy chính là điệu hồn, là cái “chất nhạc” đang cựa quậy trên trang giấy (như bài “Thơ tặng bạn sinh nhật” đang bàn, điệp khúc “bao nhiêu mùa”/ “bao nhiêu năm” lặp lại hai lần). Đó là “nghệ thuật bẩm sinh” trong thơ, trong nhạc, bất kỳ nhà thơ nào, ít hay nhiều đều “ứng dụng”, đều có các bài thơ sử dụng thủ pháp này một cách tự nhiên. Nhà thơ “thần đồng” Trần Đăng Khoa, ngay từ khi thơ bé, khi viết bài thơ “Hạt gạo làng ta”, chú bé Khoa đã nhắc lại câu điệp khúc “Hạt gạo làng ta” từ đầu cho đến cuối bài thơ tất cả 5 lần trong 5 khổ thơ, cộng với tên bài thơ là 6 (Hạt gạo làng ta – Có vị phù sa…/ Hạt gạo làng ta/ Có bão tháng bảy…/ Hạt gạo làng ta/ Những năm bom Mỹ…/ Hạt gạo làng ta/ Có công các bạn…/ Hạt gạo làng ta/ Gửi ra tiền tuyến…), nhưng đâu có nhàm chán, thừa thãi, trái lại, mỗi hạt gạo được nhắc lại là hình ảnh quê hương đất nước lại lớn lên, nảy mầm gieo vào lòng người đọc như những hạt thóc, những nốt nhạc, những giai điệu du dương của tâm hồn cho đến hôm nay! Tất nhiên việc sử dụng thủ pháp lặp lại hình ảnh – câu chữ này, có thể biến thành thi pháp hay không lại phụ thuộc vào bẩm sinh, vào “cái tạng”, cái hồn, vào khả năng của mỗi người làm thơ.
Ta đọc thêm một thí dụ rất ngắn nữa, để thấy một điển hình/ một kỷ lục của nghệ thuật lặp lại từ ngữ, hình ảnh trong câu thơ thật hay của Nguyễn Bính:
Anh đi đấy, anh về đâu?
Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm…
Chỉ có cánh buồm thôi mà Nguyễn Bính nhắc lại đến 3 lần trong một câu thơ lục bát! Nhưng hình như cứ mỗi lần cánh buồm xuất hiện là một lần người đọc lại thấy cánh buồm như đang trôi xa, nhỏ dần, nhỏ dần… Thật tài tình. Viết như vẽ; mỗi nét chữ là một nét vẽ; thơ là họa vậy! Mà đâu chỉ vẽ; “cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm…” cũng là nhạc đấy thôi; Cánh buồm “lặp lại” mình để thành nhạc, phát ra tiếng nhạc, để cùng vẽ nên điệu hồn của tiếng sóng chia ly, của con đường, của sông thơ không bờ bến!
Trở về bài thơ “Thơ tặng bạn sinh nhật” của TAT: “Bao nhiêu mùa lá đổ/ Bao nhiêu mùa lá rơi/ Bao nhiêu năm không ngủ“… diễn tả cái chuyển động không ngừng, cái “động” của thời gian, nhưng con người trữ tình trong bài thơ lại bất động – thao thức – không ngủ! Phải sống hết mình, phải trăn trở, phải lắng nghe, phải thao thức thì anh ta mới có thể nghe thấy lá rơi, lá đổ! Cái “không ngủ” (logic) phải là cái thao thức của người thơ trước thời cuộc, trước biến động của thời gian, chứ không thể / không phải là cái “mất ngủ nặng nề, chắc là người nhạy cảm cả nghĩ, cả lo!”. Điều ấy là chắc chắn, chỉ cần đọc trên “bề nổi” của bài thơ cũng thấy! Vì nếu con người – nhân vật trong bài thơ ”cả nghĩ, cả lo (cái riêng tư bản thân?), mất ngủ nặng nề“ bao nhiêu năm như thế thì làm sao anh ta có thể “cười” được nữa! Cái “cười”/ nụ cười ở đây trước hết là thái độ sống tích cực; sâu xa hơn, thơ hơn là cái cười của kẻ sĩ, của thi nhân! Và bài thơ được gọi là thơ cũng chính vì điều này, nếu không nó chỉ là những câu ca thán thông thường, là rất “xoàng” (như chữ của nhà văn VN).
“Bao nhiêu mùa lá đổ/ Bao nhiêu mùa lá rơi/ Bao nhiêu năm không ngủ“… dường như tất cả bao nhiêu cái bao nhiêu ấy lặp đi lặp lại như vòng quay của kiếp nhân sinh, không cho anh ngủ yên, thúc dục, hối thúc anh sống và hình như đợi anh phải trả lời cho sự hiện diện của mình. Đến câu hỏi (và cũng là câu trả lời) “hay bao nhiêu năm cười“ thì phải chăng anh đã vượt qua khỏi “tục lụy” trần gian; anh đi qua thời gian!
Phải chăng khi đọc bài thơ “Thơ tặng bạn sinh nhật” Đỗ Quyên cũng thấy bóng mình phiêu diêu trong chớp mắt nhân sinh ấy mà xúc động, bồi hồi; thấy mình như một thân cây, thấy lớp lớp bao mùa lá rơi, lá đổ trên vai. Anh thổ lộ: “Bao nhiêu mùa lá đổ/ Bao nhiêu mùa lá rơi/ Bao nhiêu năm không ngủ/ Hay bao nhiêu năm cười“. Là kẻ có trí nhớ cá vàng, tôi vẫn thuộc ngay sau lần coi lướt.
Từ “cười” đủ 4 tiêu chuẩn của từ khóa trong một đoản thi: Tạo tứ; Không thể thay thế; Gọn; Bất ngờ (ở cuối bài/câu). Một sáng tác có diễn ngôn đặc trưng cho tác giả và vượt lên sáo, nhạt thường khó tránh ở nhiều bài khác trong tập. Việc chuyển gam thành công và nhanh lẹ từ cái bi sang cái hài – cặp đối lập quan trọng nhất của hệ thống mỹ học – khiến bài thơ tránh được trò đàm tiếu, thú thù tạc của hệ thơ “tặng bạn sinh nhật” mà nhân gian đã ngán trên thi đàn cổ kim. Sau ba cái “Bao nhiêu” vô thưởng vô phạt, dấm dứ người đọc, nhà thơ “thoi” trúng tim hồng nơi chúng ta bằng quả thôi sơn ở câu thứ 4 – câu chót, với cú xoắn vặn của nắm đấm thi ca ở từ chót: “cười”. Và, sẽ thật là đơn điệu về nhịp nếu như câu 4 lại là, tỷ như, “Bao nhiêu năm cả cười.” Từ “Hay” quả là hay! Vừa là nghi vấn, vừa là tương đương. Phụ trợ tốt cho từ khóa “cười”.
Người bình vô tình lãnh cú thôi sơn, ngay lần coi nhanh đầu tiên trong khi xếp tệp bản thảo vào kho. Cùng với tên bài Những mùa hoa anh nói, đấy là một trong các lý do hối thúc bài đi cùng tập thơ”.
D- Ở phần cuối bài bình luận, nhà văn Vũ Nho nhận định: “Tập thơ của Trương Anh Tú trong mặt bằng thơ ca hiện nay dẫu sao là một tập thơ khá. Nhưng nói về cái khá, cái hay của tập thơ quả không dễ dàng“.
Ngoài ra ông còn phân tích một số điểm: “Có thể nói Trương Anh Tú làm thơ khá hồn nhiên, tự nhiên. Anh vẫn làm các thể thơ truyền thống tự do. Anh cũng không có ý cách tân hay hậu hiện đại gì cả mà chỉ hồn nhiên thể hiện tình cảm của mình. Tôi đánh giá tất cao sự hồn nhiên, tự nhiên đó. Tuy vậy, phải thấy rằng hồn nhiên mà không được kiểm soát, dễ bị trùng lặp, đơn điệu. Dù Đỗ Quyên có khen ngợi nhiều, song cũng chính Đỗ Quyên phải cảnh báo monotone/ đơn điệu. Và trong khi rất khen bài “Thơ tặng bạn sinh nhật” thì Đỗ Quyên cũng vô tình không tiếc lời chê “Một sáng tác có diễn ngôn đặc trưng cho tác giả và vượt lên sáo, nhạt thường khó tránh khỏi ở nhiều bài khác trong tập” (VN nhấn mạnh – trang 154).
Một loạt các bài thơ đều triển khai cùng một khuôn, một kiểu. Cảm giác monotone/ đơn điệu có thể là từ đó. Ví dụ bài Như em chợt đến (từ Một lặp ở các khổ thơ – tr.84), Cảm xúc (Tôi – tr.85), Ngẫu hứng sông Hồng (Chảy và Hát – tr 108), Tan vào em như hơi thở mùa thu (Tan – tr. 116), Quê hương tôi (Quê – tr. 120), Trời xanh vô thường (Kìa, tr. 122), Kí ức (Trở về, tr. 123), Sông Thương (Sông, tr.131), Mai làm hạt mưa (Mai – tr.134), Hát với trời xanh (Ta ngồi – tr. 142).
Khi anh viết: “Trong lặng im hạt cát/ Đã bao lời biển khơi” thì hay, nhưng“ Đôi mắt trong hạt bụi/ Là thinh không ngàn lời” thì bí hiểm“…
Ngay dưới nhan đề bài bình luận “Những bài thơ Tú nói“, nhà PBVH Đỗ Quyên đã “định nghĩa“ cho cái công việc “giải mã“ những bài thơ của TAT là: Thử một cách đọc bản thảo thơ: “Những mùa hoa anh nói” (“Thử một cách đọc“ – TAT nhấn mạnh). Và cũng “trần tình“ ngay với bạn đọc ở phần mở đầu bài viết rằng: “Xin được gọi là “thử”, vì người viết như chưa thấy loại bài nào với cách làm tương tự. Chứ ở đây những gì chạy tới bàn tay, ánh mắt quý bạn đọc, đều là “thật”. Những gì không thật không thành thơ đã đành, mà cũng không thành những gì về thơ“…
Nhắc lại điều này tôi muốn nhấn mạnh, bài phê bình “rất nhiệt tình và công phu“ của nhà PBVH Đỗ Quyên thể hiện sự nghiêm cẩn khi anh đặt bút và đánh giá tác phẩm (chứ không “vô tình“ chút nào). Bài bình luận của anh đã để lại nhiều cảm nhận ấn tượng với bạn đọc (xin trích một vài ý kiến: “Một bài viết lạ, thu hút, thú vị. Đọc xong, muốn có tập thơ… Bài phê bình của Đỗ Quyên là một phần giá trị trong tập thơ NMHAN của TAT mà tôi hay đọc cùng thơ. Rất hay…“). Trong buổi tọa đàm về tập thơ NMHAN, nhà nghiên cứu – PBVH Chu Văn Sơn khi đánh giá về tập thơ cũng thể hiện sự đồng cảm, đánh giá cao bài phê bình của Đỗ Quyên: “Đây là một tập thơ đem lại cho bản thân tôi – một người làm phê bình, khá nhiều hứng thú và rất nhiều chia sẻ… mà như nhà phê bình – kiêm nhà thơ Đỗ Quyên đã chỉ ra là có nhiều bài thơ hay trong tập thơ này, thậm chí để cử 3 bài vào trong sách giáo khoa; tất nhiên tôi có kiểu cắt nghĩa của tôi, anh ấy (tức nhà phê bình Đỗ Quyên – chú thích của TAT) có kiểu cắt nghĩa của anh ấy nhưng đã chạm đúng vào những giá trị mà Trương Anh Tú đã làm được trong tập thơ này“…
Nhà PBVH Đỗ Quyên chia bài phê bình làm 6 phần. Trong phần thứ III – Nghiên cứu về nghệ thuật thơ qua các yếu tố: Thi pháp – Phong cách – Đề tài – Giọng điệu – Hình thức thể loại – Cấu trúc – Ngôn ngữ, ĐQ đã đưa ra nhiều lý giải đáng chú ý về thơ TAT trong tập thơ NMHAN. Trong phần “Giọng điệu“, nhà PBVH Đỗ Quyên viết: “Ca ngợi – lãng mạn là âm hưởng chính… Sự bi quan hầu như thiếu vắng; nếu phải có như là đối tượng thì bị phủ sóng bởi cái hùng, cái đẹp, cái chân. Có 2-3 bài nói về cái bi rất đã!… Monotone/đơn điệu là âm hưởng chủ đạo của tác giả. Đây là ưu hay nhược điểm (“Đây là ưu hay nhược điểm“ – ĐQ tự hỏi tại đây và trả lời ngay ở phần dưới khi đưa ra thí dụ về thơ Nguyễn Bính) /TAT nhấn mạnh), tùy bài thơ cụ thể. Mù về nhạc, chúng tôi đoán mò, có thể rất nhiều bài trong tập thơ dễ phổ nhạc? Nói thêm, monotone/đơn điệu thông thường bị cho là nhược điểm (có thể do lỗi thường gặp trong đời sống vô thường của ngôn ngữ, nhiều chữ bị tha hóa so với nghĩa nguyên thủy). Có loại thơ nào đơn “điệu” bằng dòng thơ Nguyễn Bính (từng bị không ít người cùng thời và hậu thế chê) ấy thế mà cao ngất, sâu thẳm trong lòng người Việt gần tám thập niên nay?“…
Trong phần V – “Bài hay xen lẫn với bài vừa”, nhà PBVH Đỗ Quyên giải trình: “Lần theo từng bài trong NMHAN, chúng tôi sẽ bình bàn các bài, thiển nghĩ, đáng quan tâm. Sẽ chỉ điểm kỹ các “bài hay”, rất hay”… và thêm chú giải: “Như không ít các tập thơ do tác giả tự chọn, NMHAN cũng cần “quên đau đớn” tinh lọc nhiều bài trùng về phong cách và đề tài để giảm độ đơn điệu trên toàn tập“. Như vậy anh cho rằng, nguyên nhân của cái“Monotone/đơn điệu (nếu có và bị coi là nhược điểm) trong tập thơ còn là do có “nhiều bài trùng về phong cách và đề tài“ (Phải chăng, một tập thơ với số lượng là 90 bài, thì việc cảm thấy “Monotone/đơn điệu“ hoặc “nhiều bài trùng về phong cách và đề tài“hẳn là việc “khó tránh khỏi“. Điều này chắc ai cũng có thể thấy khi đọc liền một mạch một số lượng lớn những bài thơ của cùng một tác giả; cả việc thấy những bài chưa đạt, thậm chí có thể là “sáo, nhạt“ trong tập như ĐQ nhận định; nhưng cũng có những lý do để tôi (tác giả tập thơ) muốn giới thiệu cả 90 bài tới bạn đọc mà không phải là 80 hay 70 bài. Với tôi mỗi một bài thơ là một bông hoa để làm nên khu vườn mùa xuân trong NMHAN!).
Ở phần VI bài bình luận – đánh giá vị trí tập thơ, nhà PBVH Đỗ Quyên nhận định: “So với mặt bằng thi ca Việt Nam hiện nay, với chừng mươi bài hay và rất hay, Trương Anh Tú đang thể hiện một hồn thơ bên nguồn nội lực để có thể đi hết đời cùng thơ. Dẫu ít và tản mát, các bài thơ ấy báo hiệu tiềm năng cho một phong cách riêng trong thơ ca đương đại Việt. Đó là dấu son mà có lẽ chính tác giả lại lơ là chăm chút. Điều ta có thể lo (có khi là lo xa) và hơi tiếc (có thể là hơi sớm): Với nhiều bài thường thường bậc trung, lặp lại mình, thi sĩ tự cho phép dễ dàng với bản thân, với dư luận, với Nàng thơ“…
Như vậy ta thấy, khi đưa ra những nhận định, Đỗ Quyên rất cẩn trọng, với các phân tích cụ thể và luôn đưa ra nhiều cách nhìn khác, tôn trọng tính khách quan để cổ xúy cho việc nghiên cứu một cách thấu đáo và thỏa đáng nhất.
Quay lại ý kiến của nhà văn Vũ Nho bàn về “cảm giác monotone/ đơn điệu“… mà theo ông có thể là do “một loạt các bài thơ đều triển khai cùng một khuôn, một kiểu“ – tức việc lặp lại một hay hai từ ở các khổ thơ. Về điểm này, tôi đã diễn giải rõ ràng ở phần C phía trên về thủ pháp nghệ thuật (mà tôi gọi là “nghệ thuật bẩm sinh”) trong thơ, khi ta thấy một từ, một hình ảnh, thậm chí cả một câu thơ được lặp lại nhiều lần trong một bài thơ. Thủ pháp điệp từ, điệp ngữ này chính là căn nguyên, cốt lõi quan trọng không chỉ gây ấn tượng về hình ảnh mà còn tạo ra vần điệu/ nhạc điệu trong thơ.
Nhà PBVH Đỗ Quyên đã phân tích rất rõ việc sử dụng thủ pháp nghệ thuật này trong thơ TAT, khi nghiên cứu về nghệ thuật thơ trên bình diện hình thức thể loại trong tập thơ NMHAN: “Tập thơ tuân thủ các thể loại truyền thống (lục bát, vần điệu…) với nỗ lực và không ít thành quả về lục bát; trong khi đa số các bài tự do cũng khá ở hình thức thể loại. Về dung lượng, tỷ lệ bài thành công là cao ở các bài ngắn, nghiêng về triết luận.
Nếu theo định nghĩa “Thơ là loại hình nghệ thuật ngôn từ, sáng tạo theo các nguyên lý: lạ hóa, có tính nhạc và sử dụng tối ưu các thủ pháp nghệ thuật nhằm truyền đến người đọc những thông điệp trữ tình mới mẻ trong một giá trị thẩm mỹ độc đáo.” thì thơ Trương Anh Tú làm khá tốt 2 nguyên lý lạ hóa và có tính nhạc. Hơn thế, lạ hóa một cách tự nhiên; tính nhạc theo kiểu vần điệu chuẩn và lặp lại hình ảnh, câu chữ”…
Một cây bút nghiên cứu văn học – TS Nguyễn Thanh Tâm trong một phác thảo viết về tập thơ NMHAN có đề cập đến “Khí hậu của thể thơ“ – nghiên cứu khá rõ và thú vị về thể thơ, về tính nhạc trong thơ TAT. Nguyễn Thanh Tâm viết: “Có thể là chủ quan, nhưng tôi cảm giác như thơ dài thiên về giãi bày, kể lể, thơ ngắn thiên về sự chiêm nghiệm. Một đằng thì cố tỏa ra, một đằng lại lặng lẽ thu vào! Hình thái và đặc tính ấy cũng là lẽ thường như tâm tính con người. Ở trường hợp “Những mùa hoa anh nói” của Trương Anh Tú – NXB Hội Nhà văn, 2018, có thể nhận thấy tác giả sử dụng thể thơ 4-5 chữ khá nhiều! Đây là thể thơ không dài cũng không ngắn, thế nên cảm giác về sự giãi bày được tiết chế, đồng thời cũng không tịch lặng như thơ ngắn (kiểu Haiku). Thể thơ 4-5 chữ có độ linh hoạt đặc biệt trong việc thể hiện nhịp điệu của cảm xúc! Nó không lê thê bề bộn nhưng cũng không quá khép mình, tối giản! Thể thơ này có khả năng vẫy gọi vần-nhịp khá hoạt, do vậy ảnh hưởng trực tiếp đến khí hậu của thơ. Đọc “Những mùa hoa anh nói” của TAT, có thể cảm nhận rõ một khí hậu hoà nhã, ôn nhu quy chiếu lên ngôn từ, hình ảnh, thành đặc tính thuần hậu, trong sáng, đôi khi bay bổng! Sự linh hoạt của thể 4-5 chữ là cái gốc của trạng thái ấy! Ngay cả, trong một vài trường hợp, nỗi u buồn hay bi kịch cũng nương vào khí hậu đó mà bớt đi vẻ thê lương ảm đạm! “Những mùa hoa anh nói” chắc chắn sẽ gần gũi với phần đông độc giả bởi sự lay động-nhịp điệu khá “vừa phải” ấy! Đó là nhịp giao động của Hoa-Lòng, tỏa nhẹ một thanh hương đủ cho người ta dừng lại, để nhìn ngắm và yêu quý hơn cuộc đời, ở ngay trước mắt, bên cạnh chúng ta!“.
Nhà nghiên cứu – PBVH Chu Văn Sơn trong buổi tọa đàm về tập thơ NMHAN cũng đưa ra những nhận định, những “lát cắt“ rất cụ thể về phương diện này: “Thơ Trương Anh Tú trước hết là một tiếng thơ hồn hậu của một tâm hồn trẻ thơ còn nguyên, còn bền vững, dù đã đi qua phong trần cuộc đời, phải ngụp lặn trong kiếp người.
Thơ Trương Anh Tú chất nhạc rất mạnh, rất ăn nhập với nhạc, như những câu thơ đợi phổ nhạc, chỉ cần nhạc là bay lên thành ca khúc, là sản phẩm của một năng lực thi sĩ nhưng có chất của một nhạc sĩ, là biểu hiện của con người âm nhạc – con người thi ca trong Trương Anh Tú.
Trương Anh Tú có họa cảm, có cảm xúc về hội họa khá tinh tế, điều đó cũng thể hiện trong thơ. Nếu hình dung thơ là những bức tranh thì thơ của Trương Anh Tú là những bức tranh không rườm rà, chỉ là những nét chấm phá nhưng nét nào cũng tinh, vì thế thơ Trương Anh Tú thường rất thoáng.
Cái này làm nên chất riêng của thơ Trương Anh Tú; nó là cái tạng, là bẩm sinh, làm nên tiếng nói nghệ thuật của Trương Anh Tú trong tập thơ này“…
Nhà văn Vũ Nho: “Khi anh viết: “Trong lặng im hạt cát/ Đã bao lời biển khơi” thì hay, nhưng “Đôi mắt trong hạt bụi/ Là thinh không ngàn lời” thì bí hiểm“… Những câu thơ này, nhà văn Vũ Nho trích từ bài thơ “Đôi mắt“ trong tập NMHAN. Bài thơ này và bài “Những mùa hoa anh nói“ (đã phân tích ở trên – mục A) là hai trong số ba bài thơ mà nhà PBVH Đỗ Quyên đề cử có thể in trong sách giáo khoa, theo các tiêu chí mà anh đặt ra – đó là: Tính giáo dục, chất nghệ thuật, độ nhân bản, tầm dân tộc (thứ tự tùy theo mỗi quốc gia).
Đôi mắt
Mẹ cha cho đôi mắt
Đã bao la bầu trời
Cỏ hoa trên mặt đất
Bay vào đôi mắt tôi.
Biển xanh bằng đôi mắt
Của con sóng không lời
Trong lặng im hạt cát
Đã bao lời biển khơi.
Ngôi sao là đôi mắt
Của giấc mơ đấy thôi
Đôi mắt trong hạt bụi
Là thinh không ngàn lời.
Còn một đôi mắt nữa
Lặng trong trái tim tôi
Mai sau dù nhắm mắt
Vẫn long lanh lệ trời.
Câu thơ “Đôi mắt trong hạt bụi/ Là thinh không ngàn lời” có bí hiểm không nhỉ? Mà thực ra hạt bụi vật chất kiến tạo ra trái đất, từ vũ trụ… hay hạt bụi tâm linh luôn là bí hiểm với óc tìm tòi, khám phá của con người từ khi xuất hiện trên mặt đất này, không phải đợi đến khi câu thơ trên của TAT viết ra, hạt bụi mới trở nên bí hiểm. Nhưng câu thơ “Đôi mắt – trong hạt bụi – Là – thinh – không – ngàn lời” lại mang một thông tin/ một thông điệp rất rõ ràng rằng, trong hạt bụi có đôi mắt, hay chính sự im lặng – thinh không là đôi mắt của hạt bụi, im lặng mà ngàn lời! Tất nhiên để đi từ hạt bụi vật chất đến hạt bụi tâm linh hay cảm nhận được cái thinh không ngàn lời của hạt bụi, để hạt bụi đậu vào khoảng lặng trong tâm hồn là việc của mỗi người; thơ chỉ có thể truyền cho người đọc cảm xúc, sự tưởng tượng để thăng hoa, chiêm nghiệm… và đấy là con đường vô tận của thơ ca.
Nhưng đôi mắt đâu chỉ có trong hạt bụi. Đôi mắt đâu chỉ là đôi mắt bằng xương bằng thịt của cha mẹ sinh thành, của trời đất ban tặng. Đôi mắt có trong cỏ hoa. Đôi mắt có trong biển xanh. Đôi mắt có trong con sóng, trong hạt cát, trong ngôi sao, trong giấc mơ, trong tất cả vằng vặc kiếp người… Đôi mắt có trong giọt lệ. Ngay cả khi không còn trên thế gian này, khi đôi mắt đã khép lại không còn thấy mặt trời thì đôi mắt ấy tự mở mình ra, sáng lên bằng ánh sáng của tâm hồn. Đôi mắt lúc ấy là bầu trời.
“Với bài thơ “Đôi mắt“ – Trương Anh Tú muốn chia sẻ một tâm tình: “Những đôi mắt là bầu trời. Đẹp làm sao khi con người mang trong mình những bầu trời!“ – đó cũng là lời dẫn của phát thanh – bình luận viên Đài tiếng nói Việt Nam dẫn trước khi bài thơ “Đôi mắt“ được giới thiệu (do chính TAT đọc) trong một chương trình (mang tên “Hồn thơ Trương Anh Tú – trong trẻo như hương xuân mới“) bình luận về tập thơ NMHAN, phát sóng ngày mồng một Tết – Xuân Canh Tý (ngày 25.01.2020) vừa qua.
Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn cũng chia sẻ cảm nhận trong chương trình này: “Tôi muốn nói Trương Anh Tú đúng là người có tâm hồn thơ, dưới con mắt của anh có nhiều sâu lắng, nhiều cái tươi mát, cũng rất đau đớn, nhưng vẫn toát lên tinh thần yêu cuộc sống, yêu đất nước, yêu thiên nhiên … Có những câu tôi đọc là có thể nhớ ngay… Trong thơ Trương Anh Tú, ánh sáng tâm hồn được mẹ gieo vào anh từ thơ bé sẽ theo anh đi suốt cuộc đời“…
Một lần nữa tôi phải thành thật cảm ơn nhà văn Vũ Nho, cảm ơn bạn đọc, cảm ơn các tác giả đã đọc và đưa ra những ý kiến xung quanh tập thơ NMHAN, ngay cả khi những nhận định, những ý kiến chưa thể đồng nhất, cần phải bàn luận như đúng phát sinh tự nhiên của quá trình viết – đọc – trao đổi để dẫn đến thông hiểu, mở rộng tri thức. Mỗi ý kiến của bạn đọc là một tiếng vọng, một tấm gương soi chiếu, một hạt mầm tách vỏ trong khu vườn thơ ca, cổ vũ cho tư duy sáng tạo, cho sự ra đời những tác phẩm đích thực, có giá trị văn chương và có ích cho đời sống.
Tôi vẫn nhớ một bạn trẻ đã viết thư cho tôi: “Chú ơi, chú cho cháu hỏi tập thơ “Những mùa hoa anh nói” của chú được bán ở hiệu sách Hà Nội nào không ạ? Cháu rất thích thơ của chú ạ! Cháu cảm ơn chú – người đánh thức cái đẹp trong tâm hồn mỗi con người.
Mặc dù chưa đọc hết cả tập thơ “Những mùa hoa anh nói” của chú nhưng qua những vần thơ chú chia sẻ trên facebook, cháu lại thấy cuộc đời thật đẹp và yêu cuộc đời này hơn… Cháu cảm ơn chú! Và cháu mong sẽ được đọc thơ chú nhiều hơn nữa ạ!“.
Và tôi đã trả lời: “Thật vui bạn trẻ! Nhưng như thế hình như bạn đã lớn rồi! Mỗi con người chúng ta sẽ từng ngày góp phần làm cho thế giới đẹp hơn một chút ngày hôm qua nhé!
Ta sống với tâm thế như một thân cây vươn lên trời xanh, như một bông hoa nở hết mình với đất, bất kể nắng mưa, và như thế thật đẹp và có ích biết bao!“.
T. A. T