Hoa chuối rừng – Tản văn của Lê Xuân

1893

Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.
(Việt Bắc – Tố Hữu)

(Vanchuongphuongnam.vn) – Đã mười lăm năm gắn bó với núi rừng Tây Bắc và cũng đã gần năm mươi năm xa Tây Bắc lạnh lẽo, về với Đồng bằng sông Cửu Long tràn đầy nắng ấm, đã khơi dậy trong ký ức tôi những ngày “rất dài và rất xa” trong niềm nhớ thương khôn nguôi cảnh và người Tây Bắc, đặc biệt là về hoa chuối rừng – loài hoa dân dã, rực rỡ mà khiêm nhường không ít người chưa một lần chiêm ngưỡng.


Hoa chuối rừng.

Ngày đó cách đây gần nửa thế kỷ, với ba lô túi xách và tuổi xuân tôi hăm hở cuốc bộ cùng hai người bạn về Nghĩa Lộ, một trong những tỉnh của khu tự trị Tây Bắc để làm sự nghiệp “trồng người”. Cuộc kháng chiến chống Mỹ lúc này (1966) đang ở giai đoạn quyết liệt. Máy bay Mỹ bắn phá miền Bắc dữ dội nên nhiều tuyến đường không có xe chạy. Tàu hỏa Hà Nội – Lào Cai chỉ chạy tới ga Hạ Hòa (Phú Thọ) phải dừng lại, quay đầu. Ga Yên Bái bị đóng cửa tạm thời. Chúng tôi đành xuống tàu, đi đò Hạ Hòa qua sông Hồng sang bên kia Vần Dọc men theo đường rừng đi tắt về Nghĩa Lộ. Với sức trẻ của tuổi hai mươi, cuốc bộ 50 cây số là chuyện bình thường. Tuy mệt nhọc, đường xa nhưng tôi vẫn khe khẽ hát “Đường lên Tây Bắc quanh co, tiếng chim rừng đây đó” (Nguyễn Thành). Lòng tôi cứ lâng lâng trước cảnh sắc của núi rừng xa lạ mà lần đầu tiên tôi được chiêm ngưỡng. Đi được vài cây số, thì ô kìa rừng xanh Đại Lịch bạt ngàn hiện ra với muôn vàn màu sắc. Những cây ổi quả chín vàng mọng, những cây quýt trái xum xuê đỏ rực… Và đặc biệt hai bên đường bạt ngàn hoa chuối rừng như nhà thơ Tố Hữu đã viết “Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi”. Thấy có nhiều buồng chuối “chín vàng” ở triền dốc, anh bạn tôi – Dương Đức Ngoạn, hăm hở chạy tới dùng dao găm cắt xuống một buồng đem lại cùng tôi ăn vì bụng đang đói. Thì lạ chưa, chuối chín vàng đẹp thế mà vẫn cứng không bóc vỏ được. Tôi lấy dao gọt vỏ thì ruột quả chuối có màu trắng đục, nhiều hạt và nhựa ứa ra. Cắn thử một miếng thì chát ơi là chát, không thể nuốt nổi. Mấy cô gái người Tày, người Thái đi nương về thấy bọn tôi ăn chuối rừng cứ cười khích khích. Về sau tìm hiểu mới biết, khi trái chuối rừng có màu “vàng” nghĩa là còn đang “xanh”, không thể ăn được, khi chuối chín thì có màu “xám đen”. Mà chẳng có ai ăn chuối rừng bao giờ. Nó vừa nhạt vừa có nhiều hạt như chuối hột ở miền xuôi. Chỉ có chim chóc và lũ khỉ vượn nếu đói quá thì ăn tạm. Còn hoa chuối và thân chuối non nếu bóc vỏ, thái nhỏ ngâm nước vo gạo hay nước phèn nửa ngày rồi ủ chua ba ngày là có thể thành món dưa kho cá rất ngon.

Chuối rừng mọc thành từng bụi lớn nối tiếp nhau chạy dài theo triền dốc. Nó có thể mọc cả ở những nơi thiếu ánh nắng mặt trời. Nơi nào có chuối rừng mọc nhiều là các cây khác khó lòng lấn át, sức sống của nó thật mãnh liệt. Bất chấp khô hạn hay bão lũ, hoa chuối rừng vẫn nở quanh năm, nhưng rộ nhất là vào những ngày mùa đông giá lạnh. Trời càng lạnh màu hoa chuối càng đỏ tươi. Những bắp chuối rừng khi chưa nở hoa đã có màu đỏ pha màu vàng cam gần với màu hoa lựu. Nó khác với màu đỏ thâm của hoa chuối miền xuôi. Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật đã có bài thơ viết về hoa chuối đồng bằng trong kháng chiến chỗng Mỹ ở Quảng Bình: Dưới đáy hố bom sáu mét/ Cây chuối mọc lên từ bao giờ?/ Hoa chuối đỏ bầm như máu/ Kết thành trái pháo chỉa lên trời. Còn nhà thơ Phạm Đình Ân trong một chuyến “về nguồn” thăm Tây Bắc đã viết được bài Hoa chuối rừng, có những liên tưởng mới lạ, độc đáo: Rậm rịch quân đi, chim về tổ/ Chầm chậm ngày lui khuất cửa rừng/ Hoàng hôn gom nắng nghìn hoa chuối/ Thắp đuốc luồn theo mọi ngả sương. Cả hai nhà thơ đều gắn được sức sống của cây chuối dù đó là chuối rừng hay chuối đồng bằng qua những gam màu nóng, tràn đầy sức sống.

Cây chuối cũng như cây tre từ bao đời nay gắn bó thân thương với người dân lao động ở mọi miền đất nước. Mặc cho mùa đông buốt giá hay mùa hè nóng bỏng, cây chuối vẫn đứng đó thủy chung dâng hiến ngọt thơm cho đời.

Hoa chuối rừng không mang vẻ đẹp phô sắc, khoe hương rực rỡ như hải đường, lan, huệ, đào, mai… Các loài hoa kia nở rồi tàn theo mùa, còn hoa chuối rừng bao đời nay vẫn khiêm nhường và chói ngời sắc đỏ bất chấp gió sương. Nó cũng như cây thông ở núi cao hiên ngang cùng bão tố. Tôi đã có dịp trèo đèo lội suối tới các huyện Phù Yên, Bắc Yên, Mù Cang Chải, Than Uyên của tỉnh Nghĩa Lộ (cũ), hay tới các tỉnh Sơn La, Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái… khi cuốc bộ, khi đạp xe, khi ngồi ô tô qua nhiều cánh rừng gần như còn nguyên sinh trong những thập niên 60, 70 của thế kỷ XX; tới đâu tôi cũng bắt gặp màu đỏ của hoa chuối rừng xen lẫn màu xanh của muôn ngàn cây lá. Màu đỏ của hoa chuối rừng gần với màu đỏ của hoa gạo miền xuôi (miền núi Lạng Sơn, Cao Bằng gọi hoa gạo là hoa mộc miên, còn vùng Tây Nguyên gọi là hoa pơ-lang). Nhưng nếu quan sát kỹ thì ở mỗi miệt rừng có độ cao, thổ nhưỡng khác nhau thì hoa chuối rừng cũng có màu đỏ khác nhau. Hoa chuối rừng ở Sa Pa (Lào Cai) ở độ cao, độ lạnh hơn các nơi khác nên hoa có màu đỏ tươi. Còn hoa chuối rừng ở sườn đèo Lũng Lô (Sơn La), ở chân đèo Ô Quy Hồ (Lai Châu), hay ở Điện Biên lại có màu đỏ thẫm hơn. Nhưng muốn chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hoa chuối rừng thì phải đợi khi sương mù tan hết, khoảng từ 10 giờ sáng tới 3 giờ chiều, đủ ánh sáng mới thấy vẻ rực rỡ mà kín đáo của nó. Khoảng gần 4 giờ chiều thì sương lại giăng giăng hoặc mây phủ mờ mịt, hoa chuối rừng như sẫm lại lẫn cùng sương khói. Dừng lại bên những vạt chuối rừng đang nở hoa, bạn sẽ thấy một mùi hương nhè nhẹ lan tỏa đâu đây. Những con bướm, con ong bay tới nô đùa, tìm nhụy hút mật. Nếu vào mùa hè thì ta còn được thưởng thức “cầm ve” – bản hợp xướng bất tận của hàng ngàn, hàng vạn chú ve trên cành cao đồng thanh. Khi mùa xuân đến, bên những triền suối róc rách, nước tuôn nhẹ như dát bạc, những chùm hoa ban khoe màu trắng xen lẫn màu tím thật quyến rũ, thì phía dưới là hoa chuối rừng đỏ tươi như bức họa của thần tiên mà tạo hóa ban tặng một cách hào phóng cho khách qua đường. Bỗng dưng trời đổ mưa, nếu ta không có gì để che thì hãy chạy nhanh tới gốc bụi chuối, đã có những tàu lá to thay ô che nước. Đồng bào các dân tộc cũng thường rọc những tàu lá chuối “bánh tẻ” đem về hơ nóng cho dẻo để gói xôi, gói thịt…

Mỗi lần có dịp trở lại “chiến trường xưa” ở Nghĩa Lộ, Lai Châu, Sơn La thuộc Tây Bắc, nơi tôi đã hiến dâng tuổi xuân cho nghề dạy học hơn mười lăm năm, lòng không khỏi bồi hồi trước vẻ đẹp vừa quen vừa lạ của hoa chuối rừng. Tôi như gặp lại “cố nhân”.

L.X