(Vanchuongphuongnam.vn) – Shiga Naoya là một trong những nhà văn lỗi lạc của Nhật Bản, được văn hào Akutagawa vô cùng ngưỡng mộ. Ngoài kiệt tác “Đi trong bóng tối”, ông còn để lại rất nhiều truyện ngắn với phong cách tiêu biểu chứng tỏ tài năng quan sát tâm lý bậc thầy với giọng văn quý phái và điềm đạm.
Hòa giải và truyện ngắn tuyển chọn
Với “Hòa giải và truyện ngắn tuyển chọn” gồm 7 truyện ngắn tiêu biểu nhất của Shiga Naoya, chúng ta có thể thấy được khả năng phân tích diễn biến tâm lý con người một cách tài tình và tỉ mỉ của ông xung quanh những mẩu chuyện dễ hiểu nhưng vẫn đa tầng ý nghĩa.
Các nhà phê bình cùng thời gọi Shiga Naoya là “ông thánh văn chương”, “ông thầy truyện ngắn”. Bởi lẽ Ngòi bút của Shiga Naoya rất mới mẻ, sinh động, điêu luyện, và cách miêu tả của ông giống như tranh thủy mặc, chỉ dùng vài nét bút đơn sơ lại có thể vẽ nên những hình tượng mang đầy tính nghệ thuật thể hiện cái tầm của một trong những tác giả đặc sắc và có tầm ảnh hưởng lớn trong nền văn học Nhật Bản.
Và giống như trong nhiều tác phẩm khác của Shiga Naoya, “Hòa giải và truyện ngắn tuyển chọn” có “sự thực chỉ đúng như nó mà thôi”. Hay nói cách khác, nó chỉ có công dụng của một mẩu chuyện mà dựa trên đó người ta trầm tư suy nghĩ về các vấn đề cần phải suy ngẫm. Trong bảy tác phẩm tiêu biểu, các truyện ngắn của Shiga nổi bật với những đặc tính: lấy cảm hứng từ các sự kiện có thật, văn phong gãy gọn, chân thực sắc nét, không hề hoa mĩ và có lấy một chút thừa thãi.
“Hòa giải “có thể được xem là một truyện ngắn mang tính tự thuật kể về thời điểm làm lành của Shiga Naoya với cha của ông, trong đó ông đã miêu tả mọi tình tiết liên quan đến những xung đột, mâu thuẫn và cách gỡ bỏ nút thắt của mình đối với người cha qua mười sáu phần truyện. Đó cũng là câu chuyện tượng trưng cho sự làm lành giữa hai thế hệ Nhật Bản. Tác phẩm này đã ảnh hưởng nhiều đến lớp người đọc trẻ và cảnh tượng hai cha con ôm nhau khóc để quên hết hiềm khích cũ đã được kể lại một cách sống động và chân thực.
Trong các truyện ngắn còn lại, Shiga đã dùng một văn thể rất trong sáng, giản dị, và chính xác trong miêu tả tâm lý cũng như sự tỉ mỉ trong quan sát, sự phong phú trong đề tài để đem đến những câu chuyện ngắn gọn nhưng giàu thể nghiệm và chiêm nghiệm. Chính nhờ những khắc họa chân thực và tinh tế ấy mà những bức tranh muôn màu muôn vẻ về đời sống con người đã được hiện lên một cách rõ ràng và gây ấn tượng mạnh mẽ với những góc nhìn đa màu và trực diện.
Nếu như ở “Akanishi Kakita” là câu chuyện thú vị về việc thực hiện một nhiệm vụ bí mật của một Samurai thì trong “Chuyện bắt cóc trẻ em” lại là một câu chuyện dở khóc dở cười về một anh chàng cô độc, đi bắt cóc đứa con của một bà mẹ trẻ nhưng sau khi đem nó về nhà thì chỉ toàn gặp những chuyện phiền phức và bực mình.
“Ở Kinosaki” cũng như trong nhiều tác phẩm khác của Shiga Naoya, người ta thấy tính tiểu thuyết hầu như không có vì nó vừa không có cốt truyện vừa giống như một lời tự sự. Ở đó, Shiga đã kể lại câu chuyện ông đến vùng suối nước nóng Kinosaki nghỉ dưỡng sức sau khi bị một tai nạn tưởng đã bỏ mạng. Ở Kinosaki, ông đã có dịp chứng kiến nhiều cái chết: cái chết của một con ong trên mái nhà, một con chuột bị xiên, một con tắc kè mà ông đã cầm hòn đá ném cho chết. Những chi tiết nhỏ đó giúp ông suy nghĩ về việc mình vừa thoát chết.
Có thể nói “Hòa giải và truyện ngắn tuyển chọn” là một tuyển tập chứa đựng đầy đủ những phong vị tiêu biểu cho phong cách đặc trưng của Shiga Naoya với lối kể chuyện giản dị, đặc sắc nhưng cũng không kém phần hấp dẫn. Cuốn sách đem lại những trải nghiệm thú vị cho những độc giả ưa thích lối văn không cầu kì hoa mĩ nhưng vẫn cuốn hút độc đáo và giàu tính nghệ thuật.
Hoàng Hạnh