Họa sĩ Trần Thế Vĩnh: Được sống với đam mê là hạnh phúc

637
Hàng chục bức chân dung văn nghệ sĩ, trí thức tài hoa Việt Nam của họa sĩ Trần Thế Vĩnh vừa trình làng đã khiến giới nghệ thuật bất ngờ. Họ là những tên tuổi lớn trên văn đàn nghệ thuật, không ít người có số phận truân chuyên, chìm nổi, nhưng đã để lại tiếng vọng cho đời. Chỉ vài giờ sau khi đăng tải trên trang cá nhân, bộ tranh chân dung chất liệu sơn dầu này của họa sĩ Trần Thế Vĩnh đã nhận được hàng ngàn lượt yêu thích, hàng trăm lượt chia sẻ của những người yêu nghệ thuật cả nước. 

Họa sĩ Trần Thế Vĩnh

Tự sự với chân dung

Đó là những cái tên sáng chói trên bầu trời văn chương, âm nhạc và văn hóa của Việt Nam về cả tài năng và nhân cách, đôi khi là cả sự chìm nổi, truân chuyên của người nghệ sĩ, như: Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Bùi Giáng, Hoàng Cầm, Hữu Loan, Tô Thùy Yên, Thanh Tâm Tuyền, Vũ Trọng Phụng… Nhiều người trong số những gương mặt tài năng này là văn nghệ sĩ Sài Gòn – TPHCM, được nhiều thế hệ công chúng yêu mến.

Ngoài Bắc, họa sĩ Trần Thế Vĩnh chủ yếu vẽ các văn nhân thuộc nhóm Nhân văn giai phẩm hoặc chịu ảnh hưởng từ Nhân văn giai phẩm. Một số thi sĩ tài năng của phong trào thơ mới như: Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử và một số văn nghệ sĩ thế hệ muộn hơn như: Quang Dũng, vợ chồng thi sĩ – kịch tác gia Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh… Đặc biệt, anh còn vẽ các trí thức lớn như triết gia Trần Đức Thảo, học giả Nguyễn Hiến Lê, nhà văn hóa Phan Khôi, Nguyễn Hữu Đang. Chỉ có 2 gương mặt nữ xuất hiện trong bộ tranh chân dung này, là Xuân Quỳnh và Minh Đức Hoài Trinh. Cũng chỉ có 2 gương mặt ở lĩnh vực hội họa, là danh họa Nguyễn Gia Trí và họa sĩ Vĩnh Phối.

Trần Thế Vĩnh chia sẻ, thực ra đây là bộ tranh chân dung bắt nguồn từ đau khổ. Dự án chân dung văn nghệ sĩ Việt Nam đến với anh không hề định trước, đó là trong quãng thời gian anh có nhiều chuyện buồn, liên tục đối diện với những biến cố. Đau thương, mất mát và hụt hẫng khiến nhiều tháng ròng rã anh không thể cầm cọ. Anh tìm đến sự an ủi của văn chương, triết học, âm nhạc và văn hóa. Từ việc đọc văn chương, triết học và nghe nhạc, anh tìm hiểu sâu hơn về các tác phẩm và từng tác giả, những câu chuyện cuộc đời, những truân chuyên số phận của những con người tài năng và đầy cá tính của Việt Nam trong thế kỷ XX vắt sang thế kỷ XXI.

Giới nghệ thuật xôn xao, khán giả lại càng bất ngờ hơn khi chiêm ngưỡng loạt tranh chân dung của Trần Thế Vĩnh với những nét chấm phá độc đáo, hiếm thấy. Khó nhất trong chân dung là “bắt” được cái thần của nhân vật, còn chấm phá chỉ mang tính ý niệm.

Trần Thế Vĩnh tâm sự: “Những nét chấm phá trong bộ chân dung này như là nỗi lòng của tôi vậy. Đó là những “phong ba bão táp” trong cuộc đời, đó là những nỗi đau hằn sâu trên gương mặt. Với văn nghệ sĩ thì những nét chấm phá nhiều hơn, bởi cuộc đời họ nhiều truân chuyên, chìm nổi. Tùy theo từng phận người mà nét chấm phá khi đậm khi nhạt. Tôi đã đồng cảm được với họ, thấm những nỗi đau của họ, thấm tác phẩm của họ. Khi tôi đối diện với toan, lúc ấy những nét chấm phá tự đi, như là nó phải vậy”.

Chẳng hạn, với các nhạc sĩ Lê Uyên Phương, Phạm Đình Chương, anh dùng tông màu tối, thể hiện nỗi bi sầu thế hệ của họ từ thời tân nhạc Việt. Chân dung nhà thơ Trần Vàng Sao được thể hiện bằng tông màu nóng, toát lên từ sâu thẳm nội tâm chí khí của “một người yêu nước mình”. Còn với bức chân dung Bùi Giáng, anh đã thể hiện hết sức tinh tế cái thần của thi sĩ “tinh khôn đến ngơ ngác”… Mà không chỉ có thế, “hiểu và thấu cảm với nhân vật thôi cũng chưa đủ, người họa sĩ cần có chất liệu của riêng mình, tức những trải nghiệm bản thân và phải đạt đến một độ chín nhất định thì mới có thể thể hiện thành công”, họa sĩ Trần Thế Vĩnh chia sẻ.

Ròng rã trong 2 năm 2018 và 2019, bộ tranh chân dung của Trần Thế Vĩnh dự định dừng lại ở số 50, nhưng con số cuối cùng là 51 tác phẩm. Bức thứ 51 chính là bức chân dung về nhà văn kỳ tài nhưng đã sớm qua đời trong nghèo khó, bệnh tật – Vũ Trọng Phụng. Trước đó năm 2019, anh đã gây tiếng vang với công chúng trong và ngoài nước khi ra mắt bức chân dung ông Park Hang-seo giữa lúc cả nước đang “phát cuồng” với vị huấn luyện viên tài năng, làm nên những kỳ tích cho đội tuyển bóng đá Việt Nam. Bức này đã đấu giá thành công tại Nhà đấu giá nghệ thuật Chọn.

Một số chân dung do tác giả thực hiện

Vẽ để đi tìm chính mình

Thực ra, bộ chân dung văn nghệ sĩ Việt Nam đối với Vĩnh còn như một sự tri ân của một kẻ hậu bối trước những bậc tiền bối tài năng. Trần Thế Vĩnh sinh năm 1986 ở làng Phúc Lộc, xã Triệu Thuận, Triệu Phong, Quảng Trị. Thừa hưởng gien nghệ thuật từ người cha là thợ vẽ trang trí nên Vĩnh say mê sắc màu từ nhỏ. Đi học thì thôi, về nhà là Vĩnh vùi đầu vào vẽ, nhiều khi bỏ giờ cơm. Học giỏi ngoại ngữ, từng là học sinh chuyên Anh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, thừa sức thi vào những trường đại học hàng tốp, nhưng Vĩnh lại chọn hội họa tại Trường Đại học Nghệ thuật Huế.

Năng khiếu càng phát huy, chàng trai trẻ không ngừng dấn thân, hầu như đêm nào anh cũng thức để đọc và vẽ. Có vốn tiếng Anh, Vĩnh tiếp cận du khách nước ngoài tới Huế. Cứ mỗi cuối tuần, chàng sinh viên lại lang thang ra sông Hương nhận vẽ chân dung cho du khách, mỗi bức kiếm vài chục ngàn đồng. Anh vẫn nhớ như in, bức chân dung đầu tiên của anh được một khách Tây mua khi mới vào năm nhất đại học với giá 700.000 đồng. Số tiền khi ấy có thể giúp anh dư dả chi tiêu trong 2 tháng. Từ năm 2010, Vĩnh đã nhiều lần triển lãm ở phòng tranh Tự Do. Năm 2013, Vĩnh vẽ bức chân dung tự họa Hạnh phúc chất liệu sơn dầu trên bố. Tranh tự họa Vĩnh với đôi mắt nhắm bình an, đón nhận, trên mái tóc xoăn xồm xoàm là đôi chim đẻ trứng. Bức chân dung đoạt giải đặc biệt của Cuộc thi Dogma – một giải thưởng danh giá về chân dung tự họa.

Từ năm 2013 đến 2015, anh dành cho chân dung tự họa và kết thúc bằng triển lãm cá nhân mang tên Bắt đầu từ đâu, ra mắt tại TPHCM năm 2016. “Khi người họa sĩ tự vẽ mình chính là lúc họ đang tự soi gương. Sự soi lại mình là vừa đặt câu hỏi mà cũng là tự trả lời cho chính mình. Rằng tôi là ai, tôi đến từ đâu, tôi có thực sự là tôi không khi mọi vật vô thường?”. Căn phòng nhỏ đầy ắp tranh, được sắp xếp gọn gàng của Vĩnh vừa là không gian sáng tác, trưng bày, thường xuyên đón những người yêu thích nghệ thuật.

Với Vĩnh, khi vẽ bất cứ ai, bất cứ gì, anh phải cảm thấy yêu, thấy thích thì mới vẽ, tuyệt nhiên không cố gắng bắt buộc cảm xúc của mình. Anh bảo, ngoài vẽ ra anh không biết làm gì. “Tôi luôn ý thức về con đường mình đi và biết rằng, được sống với đam mê đó chính là hạnh phúc”, Vĩnh bày tỏ. Anh là gương mặt họa sĩ trẻ được nhiều nhà sưu tập tìm kiếm và đặt hàng tác phẩm.

Trong năm 2020, họa sĩ Trần Thế Vĩnh sẽ hoàn thành một cuốn sách và tổ chức một triển lãm cá nhân cho bộ tranh chân dung văn nghệ sĩ. Dự kiến, cuốn sách và triển lãm sẽ ra mắt công chúng tại TPHCM vào tháng 10 tới đây.

MINH AN (SGGP)