Họa sĩ Trần Trung Lĩnh: Rưng rưng vẽ lại tình người

996

Trong một thời gian ngắn, họa sĩ Trần Trung Lĩnh đã vẽ nhiều tranh ngợi ca sự tử tế, lòng bao dung giữa người với người trong dịch bệnh. Các tranh của anh được đặt thành từng cụm riêng với “Sài Gòn tử tế”, “Sống tử tế”, Trong khốn khó có điều ngọt ngào…

* Phóng viên: Tranh anh vẽ những ngày qua, đâu đó thấy một Trần Trung Lĩnh rất khác, nhẹ nhàng, tình cảm, gần hơn với hơi thở cuộc sống. Dịch bệnh đã làm thay đổi cảm xúc, buộc anh phải vẽ để giãi bày, hay còn lý do nào khác?

– Họa sĩ Trần Trung Lĩnh: Khi không có dịch bệnh, cuộc sống đặt mọi người vô thế phải vội vã, tất bật mưu sinh. Đến khi dịch xuất hiện, cuộc sống khó khăn hơn, nhưng cũng là lúc mọi người có thời gian nghĩ đến nhau.

Tôi tạm gác những dữ dội của mấy bức tranh quen thuộc, tìm cảm hứng từ những nghĩa cử của anh em, bạn bè, của người xa lạ trên mạng xã hội, từ những người dân Sài Gòn đang chiến đấu, chìa tay giúp nhau vượt qua hoạn nạn… Có lẽ vì đậm tình, nên mấy bức vẽ nhìn dễ gần hơn.


Bức tranh bà cháu mà họa sĩ Trần Trung Lĩnh tâm đắc

Thật ra, tư liệu vốn đã dạt dào tình cảm, tôi chỉ rưng rưng vẽ lại thôi. Tôi coi những người đang âm thầm giúp đỡ người khác như những người hùng. Tôi muốn vẽ để tôn vinh họ, vẽ để thấy cuộc sống không đến nỗi quá tàn bạo khi nghịch cảnh xảy ra. Tôi vẽ để thấy gần hơn những nhàu nát cơ cực của bà con, nhưng cũng chính ở nơi khốn khó nhất, yêu thương được lan rộng.

* Đến nay, loạt tranh anh vẽ trong những ngày giãn cách được bao nhiêu bức? 

– Tôi đã vẽ được hơn 20 bức, thực hiện qua digital nên nhanh hơn so với vẽ thông thường. Cả ngày, tôi quanh quẩn làm vài việc cho đến tối sẽ vẽ một mạch tới khuya thì dừng. Nghĩ mà thấy thương quá chừng khi bao nhiêu người ngoài kia đang lang thang, còn bạn bè, anh em thì lặn lội đi trao quà, mình ngồi nhà không làm được gì thì vẽ vậy.

* Bức nào anh tâm đắc nhất trong loạt tranh đã hoàn thành?

– Đó là tấm ảnh hai bà cháu trên phà Vàm Cống. Tôi thấy bức ảnh chụp họ lâu rồi nhưng quên bẵng đi, nay chợt nhớ ra, khi tìm được ảnh thì ào vô vẽ. Tấm ảnh (tôi xin lỗi vì chưa tìm được tác giả) dù chẳng liên quan đến quãng thời gian dịch bệnh này, nhưng cứ ám ảnh tôi một cách dễ thương.

Không cha mẹ, thằng bé nương tựa vào bà mà sống. Nói đúng hơn, họ nương vào nhau mà sinh tồn. Hai bà cháu cùng bán vé số, cuộc sống rất khó khăn, nhưng họ vẫn nhoẻn miệng cười. Nụ cười ấy làm tan biến hết cả những khó khăn mà mình đương mắc phải, bởi họ cơ cực đến nhường nào, nhưng vẫn tin và yêu đời, thì cớ gì mình than phiền, sầu não? Hình ảnh đó giúp tôi nhiều lắm, an ủi và gieo hy vọng rằng mọi chuyện rồi sẽ qua thôi.


Những tấm lòng cưu mang nhau trong đại dịch

 * Anh vẽ về những người nghèo, nhưng luôn gieo vào họ sự lạc quan, niềm tin. Phải chăng đó là một quy tắc sáng tác riêng, một chân lý sống?

– Qua mạng xã hội, tôi thấy không ít những năng lượng tiêu cực, những hoang mang, âu lo. Nhưng lo thì lo, vẫn phải có một cách nhìn lạc quan mới hy vọng vượt qua được. Màu sắc tăm tối ngự trị trong tâm trí thì hành động sẽ “u ám”. Mỉm cười sống tiếp, động viên nhau và nhìn xa hơn, để thấy trong khốn khó có bao điều ngọt ngào.

* Chẳng họa sĩ nào mong đời sống có những diễn biến đau lòng cho cảm xúc đủ “chín già” để vẽ. Nhưng thật tâm, nếu không có đại dịch, tôi e những bức tranh về Sài Gòn tử tế, Sống tử tế… của anh khó được ra đời. 

– Tôi không vẽ thì người khác cũng sẽ vẽ. Ai đã theo nghiệp vẽ vời, tô điểm cho đời cũng thế. Những chuyện đau lòng xảy ra chỉ khiến cảm xúc dữ dội hơn, khiến người ta cầm cọ, cầm bút, cầm đàn lên chiến bằng “vũ khí” của mình. Tôi chiến đấu cho mình, nhưng cũng cổ vũ để người khác chiến đấu.

Cái nghèo, sự cơ cực của người khác đối với tôi chẳng xa lạ. Tôi quá gần gũi với nó nên chẳng qua đúng thời điểm dịch bệnh, tôi vẽ lại thành hợp. Còn nếu không có dịch, thứ tôi vẽ, tôi viết, việc này việc kia tôi làm cũng quanh quẩn cái nghèo, sự đói khổ. Kịch bản phim tôi từng làm chẳng có cảnh giàu sang, hưởng thụ, còn chuyện vẽ bấy lâu cũng chỉ nhằm thể hiện nỗi bức xúc nghèn nghẹn ở bên trong.

*Hai mươi mấy năm ở Sài Gòn, mảnh đất này cho anh những gì, thay đổi anh ra sao và có lấy mất của anh điều gì không?

– Hai mươi mấy năm, Sài Gòn chìa tay nâng tôi từ một gã sinh viên không có gì trong tay. Học hành xong tôi có gia đình, có quan hệ bạn bè, anh em, có nhiều thứ lắm. Sài Gòn cho tôi ước mơ. Lúc nhỏ, tôi mơ lớn lên làm họa sĩ, mơ được làm phim, mơ có một nhóm anh em cưỡi xe đi giúp tụi nhỏ, mơ được cầm đàn chơi rock trên sân khấu… Rồi bây giờ tôi là họa sĩ Lĩnh, cũng được viết kịch bản làm phim, cũng có nhóm anh em với quỹ Vì tụi nhỏ Psychotramps, chuyên lo cho các em tiểu học trên núi, có một rock show gây quỹ mang tên Rock’n’Share, có người vợ hiền và ba đứa con ngoan, có quá nhiều…

Sài Gòn thay đổi tôi từ những con hẻm, những buổi sáng bị ghiền ly cà phê, tiếng rao, kẹt xe buổi ban chiều, mưa dai nhách bất chợt… Tôi “trưởng thành” từ những điều lạ lùng vậy đó.

Thứ duy nhất Sài Gòn lấy của tôi là thời gian, cái này thì đành chịu.

* Những bức vẽ về chủ đề tình người trong đại dịch sẽ được tiếp tục trong thời gian tới?

– Chỉ khi nào trong lòng thấy chai sạn, mất cảm hứng, thấy không còn giúp ích được cho ai, tôi sẽ dừng. Trước mắt, SiLart Studio của tôi sẽ in ấn một vài ấn phẩm như túi xách chẳng hạn, để bán quyên góp quỹ giúp đỡ bà con khó khăn. Mới đây, đạo diễn Charlie Nguyễn cũng có nói về ý tưởng đưa bộ tranh digital của tôi bán trên sàn NFT để kiếm tiền gây quỹ, trước mắt là vậy.

* Cảm ơn anh đã chia sẻ. 

Theo Diễm Mi/PNO