Hoa sữa – Trên vai một nửa mùa thu

1837

Nguyễn Thanh Hương

(Đọc tập thơ “Trở mình” của Lương Ngọc An)

(Vanchuongphuongnam.vn) – Với hoa sữa, có người say đắm một lần, có người vương bước chân qua, lại có kẻ mắc nợ cả đời chưa trả hết. Và tôi gọi Lương Ngọc An là kẻ đó. Dường như với anh, hoa sữa không chỉ là đối tượng của sáng tạo nghệ thuật mà còn là một tri âm. Trong tập thơ “Trở mình”, tình yêu của Lương Ngọc An dành cho hoa sữa là ở sự say mê, ở dung lượng các trang viết chảy tràn.

Nhà thơ Lương Ngọc An

Bước vào thế giới của thơ thu, người đọc gặp không ít các loài hoa cỏ được xem là tín hiệu của mùa. Nhưng có lẽ biểu tượng nhất của thu, đặc biệt là thu Hà Nội thì vẫn phải là hoa sữa. Cái vị nồng nàn của nó đã trở thành nguồn cảm hứng cho biết bao văn nhân thi sĩ. Ấy là “mùa hoa sữa về thơm từng ngọn gió” khi Trịnh “Nhớ mùa thu Hà Nội”, là “Chỉ còn mùi hoa sữa nồng nàn trong căn phòng nhỏ/ Đêm cuối thu trăng lạnh mờ sương” trong giai điệu của Phú Quang, là “Hôm ấy mùa thu anh vẫn nhớ/ Hoa sữa thơm ngây ngất bên hồ” trong rung động về tình yêu đầu của Nguyễn Phan Hách…

Với hoa sữa, có người say đắm một lần, có người vương bước chân qua, lại có kẻ mắc nợ cả đời chưa trả hết. Và tôi gọi Lương Ngọc An là kẻ đó. Dường như với anh, hoa sữa không chỉ là đối tượng của sáng tạo nghệ thuật mà còn là một tri âm. Trong tập thơ “Trở mình”, tình yêu của Lương Ngọc An dành cho hoa sữa là ở sự say mê, ở dung lượng các trang viết chảy tràn. Những bài thơ về loài hoa này chiếm lượng lớn trong thơ anh. “Hoa sữa” thôi chưa đủ, mà còn phải “Nhật kí về hoa sữa”, còn phải “Thêm một bài thơ về hoa sữa” mới tạm yên lòng. Phải yêu lắm người ta mới muốn tỏ bày, khát khao được nói mãi không thôi.

  1. Nồng nàn một nửa mùa thu

Mở đầu của “Hoa sữa” là trạng thái phân vân “Biết nói gì về hoa sữa đây em”. “Biết nói gì” không phải là không có gì để nói, mà là quen thuộc quá, thân thiết quá, có quá nhiều điều muốn nói nên khó chọn cách bắt đầu. Và khi đã sẵn sàng bày tỏ thì suối nguồn xúc cảm về hoa sữa trong chàng trai Hà thành như bất tận:

“Hoa sữa làm nên một nửa mùa thu. Là tinh túy của nắng mùa xuân – gió mùa đông và mưa rào mùa hạ – mỗi sáng dậy em thấy tình yêu bừng trên má. Chính là hương hoa sữa vừa ghé thăm đêm qua”.

Hoa sữa làm nên một nửa mùa thu. Bởi lẽ, như một mặc định, nhắc đến mùa thu là người ta nhắc về hoa sữa. Loài hoa ấy trong cảm nhận của Lương Ngọc An là sự kết tinh những gì đẹp đẽ nhất từ đất trời và con người. Tinh túy bốn mùa gom cả vào hoa sữa: cái long lanh của nắng mùa xuân, cái sắt ngọt của gió mùa đông, cái ào ạt, xôn xao của mưa rào mùa hạ. Cùng với đó là cả sự say đắm trong tình yêu của người thiếu nữ đang ửng hồng trên má cũng gom vào làm nồng nàn cho cả một đời hoa.

Mùi hương của hoa sữa bao giờ cũng rất đặc trưng, không trộn lẫn. Hương thơm khi dìu dịu, lúc nồng nàn, làm say mê, vương vấn bao tâm hồn nhạy cảm, nhất là những người Hà Nội đi xa: “Hương thơm như níu lòng người đi xa. Mười năm trời Hà Nội thức trong tôi có mùi hương hoa sữa. Những chùm hoa mang hình chớp lửa. Những cánh hoa hắt sáng đầu ruồi…”. Nhớ về Hà Nội là nhớ về hoa sữa. Hoa sữa đã trở thành một phần của đất kinh kì cả ở đời sống vật chất và tinh thần. Thậm chí, trong những câu thơ trên, người đọc có thể liên tưởng đến hình ảnh của người lính nhìn “chớp lửa” đạn bom, nhìn “đầu ruồi” nơi nòng súng mà vẫn thấy dáng hình hoa sữa. Thế mới thấy những nụ hoa trắng xanh ấy đã khắc sâu vào trong tiềm thức, là một phần máu thịt của người Hà Nội.

Khi thu vào thật sâu, Hà Nội đẹp hơn nhờ những chấm hoa rơi rắc tạo thành từng bức thảm trên những con đường Thanh Niên, Nguyễn Du, bên hồ Thiền Quang. Cách mà hoa rụng trong cái nhìn của Lương Ngọc An thật đẹp, có lẽ ít người miêu tả được. Nó lãng mạn, thơ mộng, mà rất gợi tình: “Bên hồ Thiền Quang có lần tôi và em cùng nắm tay nhau, cùng líu ríu bước chân chạy trốn cơn mưa đầu hạ. Hoa chạy về phía sau hôn đầy tóc, đầy vai, đầy má. Hoa chạy về phía trước rạp mình làm thảm đón chân ta”. Từng chấm hoa li ti rơi như muôn ngàn bông hoa tuyết nhẹ bay trong gió thu, hôn lên tóc – vai – má của cả em và tôi khiến cả đất trời và lòng người cùng ngân lên bản nhạc tình yêu say đắm. Thu Hà Nội sẽ không thể là thu nếu thiếu hình hoa sữa. Hoa sữa thực sự làm nên nửa mùa thu!

  1. Hương sữa về thơm ngát môi em

Mùa thu với gió heo may, tiết trời mát dịu, dễ dấy lên trong lòng người những xúc cảm về tình yêu lứa đôi. Và mỗi một loài hoa của mùa thu cũng thường gắn với những câu chuyện tình. Chẳng phải ngẫu nhiên mà nhà thơ Pháp Apollinare đã viết:

“Ta ngắt đi một cành hoa thạch thảo

Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi

Chúng ta sẽ không tương phùng được nữa

Mộng trùng lai không có ở trên đời

Hương thời gian mùi thạch thảo bốc hơi

Và nhớ nhé ta chờ đợi em đó.”

(Bản dịch của Bùi Giáng)

Hay nữ sĩ Xuân Quỳnh cũng ít lần thổn thức cùng hoa cúc:

“Mùa thu vào hoa cúc

Chỉ còn anh và em”

Lương Ngọc An cả đời mắc nợ cùng hoa sữa nên tình yêu của anh cũng không thể tách rời. Hoa sữa là chứng nhân cho những kỉ niệm lứa đôi. Nhìn hoa sữa là thấy bóng hình của em:

“Nói gì thêm về hoa sữa em ơi. Hoa phát tán trong mắt người lúng liếng.”

“Ngày ấy cũng vào mùa hoa sữa nở, trên chiếc thuyền con mình cùng ngắm hồ Tây trong hoàng hôn man mác đỏ, gió heo may se cả dáng em gầy… Và con đường Thanh Niên chiều ấy, hương sữa về thơm ngát môi em…”

Đúng là “tình yêu đầu mang hương sắc mùa thu”. Mà thu của đất trời thì còn mãi nên thu của lòng người vẫn gõ nhịp không nguôi. Bởi thế mà sau những mất mát, chia ly, đổ vỡ, không thành, thì hoa sữa vẫn đưa nhà thơ về những giấc mơ em: “Vẫn giấu cùng hoa sữa những điều thảng thốt, ấy là một đêm nào, giữa cơn mê, em gặp ta theo hương hoa sữa bay về”. Thậm chí còn xin em hãy “Cứ trễ bờ vai cho hoa sữa thơm nhờ” bởi “Chỉ có hoa sữa mới là hoa của tôi và em”.

  1. Hoa trở mình rũ áo, ta cũng kiếp phù du

Những ai đã từng biết đến Lương Ngọc An ở ngoài đời đều có chung cảm nhận là trông anh rất phong trần, lãng tử và hào hoa. Cái chất ấy có được một phần vì anh là giai Hà Nội gốc, một phần vì anh là nghệ sĩ, mà lại thuộc tuýp nghệ sĩ lãng mạn và dám dấn thân. Chọn một loài hoa để yêu và biểu lộ được cảm xúc cùng khí chất của mình, Lương Ngọc An đã nhìn thấy ở hoa sữa. Chính anh đã cho người đọc thấy một hoa sữa dịu dàng, thanh khiết và một hoa sữa cũng đậm chất “giang hồ”, sẵn sàng dứt áo ra đi:

“Lúc thơm thảo hoa đậu cùng thơm thảo; lúc phù du hoa dứt áo phù du”.

Thơm thảo – phù du là những quy luật không thể kháng cự trong cõi nhân sinh. Níu giữ làm chi khi gió đã mang đi những cánh hoa không thể mãi với mùa? Rất sòng phẳng, một cái tôi sẵn sàng từ bỏ để nhận lấy:

“Chỉ trắng tay vẫn vụng về tay trắng. Nên hương hoa sữa chẳng níu được em, để mùa thu đừng hoang vắng. Gió vừa đem lá vàng phủ kín lối em qua. Những cánh hoa vật vã để rồi rơi. Như lem luốc trở về nơi lấm láp…”.

Có lẽ phải đi qua nhiều biến động, thấu hiểu lẽ đời thì người ta mới có được ở mình cái tâm thế bình thản ấy. Chấp nhận những vụn vỡ và nhẫn nại đợi mùa sau cho sự phục sinh mới:

“Tôi biết mình sẽ lại tần tảo với những gì dang dở, như hoa sữa lại chắt chiu mùa nhẫn nại đợi sang thu. Đã chọn cho nhau một loài hoa nặng nợ giang hồ, cũng có nghĩa là chọn những hẹn hò vụn vỡ…”.

Ra đi vào cõi chết, sẽ mang được những gì? Đó là sự trăn trở của không ít người khi đối diện với bên kia thế giới. Với Lương Ngọc An, (không biết có phải mạo muội quá không, nhưng tôi thấy) thứ duy nhất anh muốn mang theo là vẫn là tình yêu với em và hoa sữa. Anh đã tưởng tượng chuyến đi của đời mình là di thể biến thành tro bụi, tiếp tục lang thang cùng hoa sữa trong nỗi nhớ người thương. Sống lãng du và chết cũng một đời du lãng:

“Hoa chở giùm ta nắm tro nóng hổi, lang thang bay tìm chỗ không chờ. Cánh sà mặt đất, cánh đậu mặt hồ, cánh theo cát bụi, cánh níu vai thiếu phụ.”; “hồn lãng du – hoa lãng du – đành xác cũng lãng du”.

Có thể thấy, ít có nhà thơ nào dành trọn vẹn tình yêu tha thiết với một loài hoa như Lương Ngọc An dành cho hoa sữa. Vì thế, dù nhà thơ đã đi qua trăm loài hoa có tên và không tên thì “vẫn chỉ có hoa sữa là hoa của tôi và em”. Hoa của tình đầu cũng là tình cuối. Hoa của một thời cũng là của một đời.

Bởi lẽ, “Trên vai tôi là một nửa mùa thu…”

N.T.H

(Giáo viên Trường THPT Nguyễn Thái Học, phường Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc)