Hoa thạch thảo – Truyện ngắn Minh Nguyễn

963

(Vanchuongphuongnam.vn) – Mùa xuân nữa lại về, hương xuân mát rượi thoa nhè nhẹ vào cơ thể khoan khoái làm sao, đôi má cô gái làng ven đô cứ ửng hồng lên theo nắng mới. Mưa xuân rắc phấn trên những mảnh vườn hoa rực rỡ.

Nhà thơ Minh Nguyễn

Mùa xuân nữa lại về, hương xuân mát rượi thoa nhè nhẹ vào cơ thể khoan khoái làm sao, đôi má cô gái làng ven đô cứ ửng hồng lên theo nắng mới. Mưa xuân rắc phấn trên những mảnh vườn hoa rực rỡ. Hoa thạch thảo mảnh mai, đung đưa theo gió, cánh hoa phớt tím lung linh, nhuỵ vàng như những chiếc cúc áo dát lửa, vờn theo đàn bướm tung tăng bay lượn. Thạch thảo vươn lên mơn mởn, nhìn cánh đồng hoa lòng dạ lâng lâng, sảng khoái vô cùng. Đi giữa vườn hoa, có một người con gái xinh xắn, đôi bàn tay nhẹ nhàng đang chăm sóc hoa thạch thảo như lướt trên phím đàn dương cầm, song âm thanh âm thầm lắng đọng nơi tận cùng của tâm hồn cô. Đôi môi cô gái luôn nở nụ cười, mấy giọt mồ hôi lăn tăn trên đôi má thỉnh thoảng lại hiện ra cái lúm đồng tiền trông thật là duyên. Tà áo gụ may theo kiểu bà ba, vạt áo nơi eo vô tư bay theo gió, lộ ra làn da trắng như trứng gà bóc. Chiếc quần đen của cô trông dân dã và gần gũi rất nông dân, nhưng nét đẹp khiêm nhường ấy chỉ có ở cô, tìm đâu ra giữa chốn thị thành.

Tên của cô gái là Nguyễn Thị Minh Huệ. Từ hôm làm quen với cô, tôi thường gọi thầm cô là Thạch Thảo, bởi Minh Huệ hôm nay chẳng khác gì khuôn mẫu của Thạch Thảo người yêu đầu đời của tôi ngày ấy, khiêm nhường, mộc mạc như một đoá hoa mang hương đồng gió nội. Biết tả thế nào khi tay Minh Huệ ôm bó hoa thạch thảo tươi nguyên, trinh trắng, đôi môi cô nở nụ cười duyên phô hai hàm răng trắng muốt đều như hạt lựu dưới nắng ban mai. Minh Huệ, một nguyên mẫu của bốn mươi năm về trước cứ hiện lên trong tâm trí tôi không thể xoá nhoà.
Rời quân ngũ, những ngày trở về đời thường, bước chân tôi dù đi tập tễnh bởi vết thương chiến tranh, nhưng vẫn cố lết về nơi đây hàng ngày để mỗi sáng mai được hít thở hương đồng, gió nội và ngắm lại khuôn mẫu người mình yêu say đắm, chân thật ngày xưa ấy, bên những luống hoa thạch thảo tươi nguyên là hạnh phúc tràn về. Ngày ấy, cách đây hơn bốn mươi năm, trên cánh đồng làng, bên dòng sông Hồng phù sa đỏ mọng, chốn này có một cô thôn nữ nết na, hiền dịu, đôi môi quả tim luôn nở nụ cười duyên dáng đến mê hồn. Cô gái ấy có cái tên dân dã Nguyễn Thị Thảo, có biết bao chàng trai yêu vụng nhớ thầm. Đang học lớp tám, cô gái xin mẹ đi văn công. Mẹ khuyên:
– Xướng ca vô loài, đời mẹ đã khổ vì ca hát lắm rồi, đến đời con đừng lao vào nữa, không nên để tiếng cho dòng họ.
– Mẹ nói thế là cổ hủ, là phong kiến, bây giờ đi văn công có gì là hư hỏng đâu.
Phải đến lần bên văn công quân đội về tuyển, mẹ mới tạm bằng lòng và đồng ý cho Thảo đi. Mẹ tâm sự với Thảo: “Mẹ tin vào quân đội, nơi sẽ rèn luyện con trở thành chiến sĩ”, vả lại bà cũng biết mình không thể giữ được con gái, vì nó đã thích gì thì làm bằng được. Người con gái mới mười sáu tuổi đầu xa mẹ trong bịn rịn và nước mắt. Những ngày vào văn công, cả đội đều quý và nhường nhịn cô em út. Trời phú cho nàng đã có nhan sắc lại giọng như chim hót, nàng thuộc về gen của mẹ. Một cô gái sinh ra và lớn lên vùng quê Kinh Bắc, mảnh đất quan họ, hội Lim. Anh trưởng đoàn đặt tên cho nàng là Thạch Thảo, bởi dáng hình nàng thanh mảnh và xinh tươi như hoa thạch thảo. Vào văn công chưa được ba tháng, cô gái mảnh mai ấy, đã xung phong theo đội xung kích vào Trường Sơn hát cho bộ đội nghe. Tiếng súng nơi chiến hào ban đầu làm nàng hơi run sợ, nhưng khi nhìn thấy tinh thần chiến đấu của các anh, Thạch Thảo mạnh mẽ hơn, dũng cảm hơn. Những đêm nàng hát giữa rừng sâu, núi thẳm, nhìn các anh bộ đội lắng nghe, thấy các anh vỗ tay hồn nhiên như đang dự hội làng, nàng vui lắm. Nhiều lần nàng nghe tiếng các anh vọng lên sân khấu:
– ThạchThảo ơi! Em hát nữa đi, đồng chí Thạch Thảo ơi! Hãy hát nữa đi, sáng mai chúng tôi ra trận…
Thạch Thảo vừa hát, vừa khóc: “Gió rét đêm qua, mùa lạnh che thân chiến sĩ ta, một mùa đông bao người đan áo… Này người ơi tôi thấy nhớ nhiều, người bạn ơi trong nắng quái chiều, màu cờ cuốn lên cao…” Tiếng đại bác gầm lên, rung chuyển cả núi rừng Trường Sơn. Tiếng hát nàng đứt quãng trong giây lát lại cất lên. Những người lính họ không hề run sợ thì mình phải cất cao tiếng hát để át tiếng bom, ngày mai các anh ra trận rồi, ai còn ai mất? Chiến tranh đâu có chừa một ai. ThạchThảo lau nước mắt, dưới ánh đèn điện từ một đinamô xe đạp do những chiến sĩ ngồi đạp chân phát sáng, khuôn mặt nàng xinh tươi đến lạ thường. Đêm Trường Sơn không thể lạnh hơn, núi rừng Trường Sơn không còn hoang vu nữa.

Thạch Thảo đến tuổi dậy thì, gái mười bảy cái duyên cứ lồ lộ, đôi má lúc nào cũng ửng hồng, khiến bao anh lính nhòm ngó, xuýt xoa. Tôi là người may mắn lọt vào mắt nàng. Thạch Thảo thân với tôi vì cùng đồng hương Hà Nội và tôi còn là chiến sĩ thông tin vô tuyến điện đẹp trai. Thạch Thảo luôn muốn chăm sóc cho tôi, nàng thường tìm vào hang núi nơi chúng tôi đặt tổ đài, đem lương khô, nước uống và vá quần áo cho anh em. Tôi biết nàng lấy cớ vá áo để vào hang núi, chứ thực tình nàng muốn gần tôi. Các bạn tôi rất tâm lý khi thấy nàng đến là mỗi người một việc, để lại tôi với nàng. Lúc ngồi bên nhau, nàng đưa bàn chân trắng như ngó cần, gót son mịn màng, cho tôi xem chỗ bị đau khi lội qua suối, tôi định sờ tay vào đó, nàng rụt chân lại “Em cấm anh chạm vào đấy”. Nhưng rồi nàng lại đưa bàn chân cho tôi xoa bóp thế mới kỳ. Nàng còn nhờ tôi viết thư về cho mẹ, tôi hỏi nàng tại sao không viết lấy thư, nàng bảo: “Chữ anh đẹp lắm, chữ em xấu hơn… với lại… để mẹ em biết có anh bên cạnh mà yên tâm”.
Tôi nắm bàn tay nàng đặt nhè nhẹ lên má, bàn tay búp măng man mát đến nao lòng. Chiều cuối tháng tư, cái nắng, cái gió Lào như át đi cái se lạnh nơi lưng đèo, cảnh đẹp hùng vĩ của Trường Sơn hiện lên. Những bụi lau phơ phất dưới gốc hoa ban đang nở rộ như những cánh bướm vờn bay trong bầu trời lồng lộng lưng đèo. Đứng giữa lưng đèo ThạchThảo vẫy tay tam biệt tôi, đôi môi nàng nhoẻn nụ cười in đọng mãi trong tôi cho đến tận bây giờ. Nàng đeo ba lô theo đoàn văn công ra trận, tôi ở lại căn cứ. Đêm chia tay trước hôm nàng lên đường, chúng tôi gặp nhau trong hang đá đặt trạm thông tin, bên ngọn lửa bập bùng ấm cúng nàng ghé đầu vào vai tôi. Tôi và nàng đã hứa hôn hẹn ngày chiến thắng trở về Hà Nội tổ chức cưới.

Ngày toàn thắng, đất nước thống nhất, tôi trở về Thủ đô Hà Nội, trái tim tôi thổn thức, hồi hộp mong gặp lại ThạchThảo. Điều tôi không thể tin nhưng đó là sự thật nàng đã hy sinh trong một lần hành quân trên đường vào phục vụ bộ đội ở mặt trận Tây Nguyên. Nuốt nước mắt, tôi về nhà nàng thắp nén nhang cầu nguyện cho nàng nằm yên nghỉ nơi cõi vĩnh hằng. Rất may cho nàng, trong những ngày cùng đoàn văn công đi chiến dịch, nàng đã được một diễn viên cùng đoàn thương yêu và lấy làm vợ. Người yêu của nàng cũng chính là người lấy thân mình che cho nàng hôm ấy. Hai người được đoàn văn công tổ chức cho cưới nhau một năm thì nàng sinh cho anh một đứa con gái đặt tên là Nguyễn Thị Minh Huệ. Minh Huệ được gửi ra Bắc, lớn lên trong vòng tay bà ngoại làng ven đô này. Anh cũng là thương binh nặng và bây giờ sau hơn 40 mươi năm thống nhất đất nước, anh đang nằm bất động trên giường…

Chiều nay, tôi lại về vùng ven đô, ngắm cánh đồng có những luống hoa thạch thảo phơi mình tươi mát. Nắng đầu hạ bừng sáng, mặt trời ngoi lên từ phía bên kia sông Hồng, dọi vào đôi lúm đồng tiền của Minh Huệ. Cái bóng của Minh Huệ làm cho tôi chết ngây chết dại. Cô bé sao giống mẹ nó ngày xưa thế. Chả lẽ Thạch Thảo ngày xưa của tôi hiện về đấy ư? Thấy tôi chăm chú nhìn mình, Minh Huệ cất giọng trong trẻo cắt ngang luống suy nghĩ của tôi:
– Cháu biết bác là người rất yêu hoa, nhưng tại sao bác chỉ thích ngắm hoa thạch thảo, loài hoa mỏng manh, yếu đuối?
– Có lẽ chỉ có hoa thạch thảo mới đem lại cho tôi dấu ấn thời gian và ký ức về tình yêu của một thời chiến tranh- Tôi trả lời.
– Bác cũng là bộ đội?
– Ừ! Tôi là một cựu chiến binh từng chiến đấu ở Điện Biên Phủ và từng được nghe một người ca sĩ mang tên loài hoa thạch thảo hót giữa rừng Tây Bắc.
Tôi nói đến đây, Minh Huệ mở thật to đôi mắt sáng, nhìn tôi trong vẻ ngạc nhiên:
– Bác từng được nghe giọng hát của ca sĩ mang tên Thạch Thảo ư? Mẹ cháu mang tên Thạch Thảo và cũng hát rất hay, văn công mà. Hôm nào bác có dịp đến nhà, cháu cho xem ảnh mẹ.

Minh Huệ ơi! Cháu có biết bác từng yêu mẹ cháu đến cháy lòng? Mẹ cháu là người yêu ngày xưa của bác đó. Người mà đến hôm nay bác vẫn đem trong lòng một tình yêu đầu đời, thầm kín và tinh khiết, làm sao bác có thể quên được.
Chào Minh Huệ – chào những bông hoa thạch thảo, tôi tập tễnh trở về căn nhà nơi cuối phố, cơn gió chiều xao xác lá bàng rơi.

Rồi một ngày nào đó, khi đến mùa hoa Thạch Thảo tôi sẽ đến thắp nén nhang cho mẹ cháu. Và rồi, cứ đến mùa hoa Thạch Thảo khi mùa xuân về, tôi vẫn hàng ngày đến bên dòng sông Hồng, tập tễnh bước trên con đường đê, lướt qua những đám cỏ may hoa tím li ti, để được ngắm một loài hoa mang tên Thạch Thảo. Cố vùi sâu một tình yêu thời lính, trắng trong và bao la như những bông hoa thạch thảo đang vờn bay trước hương đồng gió nội ven đô.