Hoa trong “Cỏ mùa thu” của Hoàng Vũ Thuật

876

Lê Xuân

(Đọc thơ chọn lọc “Cỏ mùa thu” của Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật – NXB Văn học)

(Vanchuongphuongnam.vn) – “Quảng Bình quê ta… Biển xanh dâng sóng như vui đón người. Ai đã vào đây chớ quên những cồn cát trắng. Trong nắng ban mai bao người đan lưới hát vui…” (Trên biển quê hương – Đức Minh). Lời hát hơn 50 năm về trước cứ vang ngân trong ký ức tôi. Dòng Nhật Lệ vẫn xanh trong hiền hòa in bóng hình mẹ Suốt và em bé Bảo Ninh. Những cồn cát trắng với gió Lào bỏng rát, những bông hoa xương rồng mỏng tang trắng trong. Những ngàn lau xào xạc, những hoa cỏ chông như quả mặt trời, và những con người chất phác, đôn hậu, da rám nắng, giọng nói âm vang, chân mày nhíu lại, đăm đắm nhìn về phía trời xa. Tất cả đều in dấu ấn đậm nét trong thơ Hoàng Vũ Thuật.


Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật

Bảy mươi sáu bài thơ chọn lọc trong tập “Cỏ mùa thu” của anh, mỗi bài mang một vẻ đẹp riêng của hồn thơ đằm thắm với quê hương đầy gió Lào cát bỏng. Và trên mảnh đất khắc nghiệt ấy, hoa vẫn nở, biển vẫn reo, chim vẫn hót và người vẫn hát vui. Hoa trong “Cỏ mùa thu” của anh là hoa nhưng cũng là người, là tình yêu, là khúc nhạc quê nhà.

Đã có 15/76 bài của tập thơ nói về các loài hoa. Có hoa chung của mọi miền đất nước, có hoa đặc trưng của Quảng Bình như: hoa hồng, hoa phượng, xương rồng, hoa đá, hoa cỏ chông, hoa lau, hoa dại, hoa trinh nữ… Có lần anh đã tự bạch: “Trên sa mạc cát quê tôi chỉ có hai loài cây thích hợp với điều kiện sống: cây xương rồng gai nhọn và cây cỏ chông. Các cụ già bảo đất ấy thì phải sinh ra loài cây ấy. Cả hai đều ra hoa, hoa xương rồng cánh mỏng manh trắng tinh như tờ giấy, còn hoa cỏ chông như quả mặt trời bé thơ, vào ngày nắng tự bứt khỏi cành lăn qua cồn cát nóng khô rang. Là cây xương rồng nhưng bông hoa thì dịu dàng, thánh thiện”.

“Những bông hoa trên cát” là tên một bài thơ mà anh tâm đắc mà anh đã lấy làm tên cho một tập thơ. Nếu cây tre tượng trưng cho con người Việt Nam cần cù, lam lũ, cây kơ-nia, cây xà-nu tượng trưng cho đồng bào Tây Nguyên, cây dừa tiêu biểu cho quê hương Bến Tre đồng khởi, thì cây xương rồng trên cát trắng quê anh là biểu tượng sức sống mãnh liệt của vùng đất Quảng Bình ít mưa nhiều nắng:

Tháng tư bông xương rồng lấp lóa trong đêm
Cánh mỏng mảnh dưới tầm bom giặc
Cây xương rồng mọc trên cồn cát
Trong khô rang từng đợt gió tràn về.

Màu trắng của hoa lẫn vào cát trắng. Hàng triệu năm qua giữa trời xanh nắng khét, những cây xương rồng đầy gai nhọn sắc, vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt” bất chấp gió Lào cát bỏng, rét buốt, đạn bom, vẫn sinh sôi nảy nở. Hình tượng cây sương rồng “đứng chen nhau như tháp dựng giữa trời” thật uy nghi trước lửa đạn chiến tranh:

Dưới bom rơi trong nắng bỏng gió Lào
Những bông hoa và cát trắng một màu.

Ở đời dễ có mấy ai tri âm với cây xương rồng khô khan, gai nhọn sắc. Thế mà anh vẫn thấy được hồn người, hồn quê ẩn trong từng cánh hoa trắng tươi, lẫn vào màu xanh của loài cây đặc biệt này. Cây xương rồng đã theo bước anh đi cùng năm tháng, đọng lại ở nhiều bài thơ, làm người đọc cứ mỗi lần bắt gặp cây xương rồng ở đâu lại nhớ tới thơ Hoàng Vũ Thuật. Đúng như Gớt (nhà thơ Đức) đã nói: “Hãy cho ta cảm thụ màu sắc theo cách riêng của ta”. Màu sắc cũng là một ý niệm phản ánh thế giới tâm hồn của nhà thơ theo một cảm quan nghệ thuật. Chính từ lòng gắn bó máu thịt với con người, với quê hương mà anh có được những vần thơ về các loài hoa thân thiết đến thế. Nhà thơ Chế Lan Viên cũng có cả một chùm bài về các loài hoa: hoa súng hồng, hoa súng tím, hoa đại đỏ, hoa gạo son, hoa đào, mai vàng, lau trắng với những triết lý. Còn hoa trong thơ Hoàng Vũ Thuật dân dã hơn nhiều và luôn gắn với liên tưởng độc đáo. Ta hãy ngắm nhìn “hoa chuối đỏ”:

Dưới đáy hố bom sâu sáu mét
Cây chuối mọc lên từ bao giờ?
Hoa chuối đỏ bầm như máu
Kết thành trái pháo, chỉa lên trời.

“Bầm như máu” là màu của chiến tranh, nó khác xa với “rừng xanh hoa chuối đỏ tươi” trong thơ Tố Hữu trước cảnh Việt Bắc ngày xuân, thanh bình.

Hoa trinh nữ khiêm nhường:
Một bông hoa nhỏ xíu như cúc áo tím hồng
Di động qua lối mòn thân thuộc
Còn “hoa dại” thầm thì giữa cỏ với những chấm vàng:
Như mảnh hồn nho nhỏ
Của anh nơi trời cao
Và những “bông hoa đá” như bất tử với đời:
Sống không tuổi tác thời gian
Không hương, không sắc, không tàn, không phai
…Chắt từ lòng đá héo hon
Những dòng nước mắt trắng trong kết thành.

Trong “ngày giờ yên tĩnh” anh lặng nhìn “gốc khế đầu mùa hoa tím không hay”. Rối biết bao loài hoa khác đi vào những bài thơ của anh như một “mảnh hồn làng” (Tế Hanh) chân chất của quê nhà với hoa dừa, hoa dâu da, hoa cỏ tranh, hoa cỏ chông… Nhưng có một loài hoa gây ấn tượng khó mờ phai khi ta đặt chân tới “khúc ruột miền Trung” này, đó là “hoa lau”: màu trắng của ngàn lau bát ngát từ mùa thu trở đi nở trắng rừng, trắng trời. Những câu lục bát nhẹ nhàng như những bông lau mang âm hưởng ca dao, bay suốt thời gian:

Cái màu trắng tựa mây trôi
Bồng bềnh trên đất cuối trời chiến tranh
… Trắng từ xưa tới mai sau
Thời gian không tuổi nên lau không già.
(Lau trắng)

Mảng màu của sắc hoa trong thơ anh không phải là những gam màu gốc, màu nóng hay lạnh ở hai cực, mà anh luôn đắm đuối với những hòa sắc nhẹ, kín đáo, không rực rỡ phô trương như bảy sắc cầu vồng: hoa xương rồng tinh khôi mỏng manh, hoa lau trắng ngà, hoa trinh nữ tim tím, vàng vàng, hoa khế tím nhạt, hoa đá trắng trong, hoa cỏ chanh li ti, hoa dâu da, hoa dừa lẫn trong cành lá… màu sắc ấy chân chất tự nhiên như không khí, nước uống, đất đai, mây trời. Nó là hơi thở của sự sống quanh ta mà không phải ai cũng dễ nhận ra vẻ đẹp của nó. Trong thơ anh tôi chỉ thấy có hai loài hoa mang “màu mạnh”. Đó là hoa phượng và hoa chuối. Hoa phượng khoe sắc đỏ như lửa diệu kỳ, “in trên giấy, trên ngực áo không đổi màu”, chỉ có “lòng người là dễ phai nhạt” để rồi anh trách thầm vu vơ, nhưng vẫn làm nhói vào tim ta một câu hỏi lớn: “sao con người vốn không dĩ là hoa?”. Tôi yêu nhất là cái màu “đỏ bầm như máu” của hoa chuối “kết thành trái pháo, chỉa lên trời”. Một so sánh độc đáo, đạt hiệu quả thẩm mỹ cao. Cây chuối sừng sững như khẩu đại pháo, đạn đã lên nòng đang hướng về kẻ thù, sẵn sáng nhả đạn để bảo vệ quê hương. Cây chuối kiên trung với con người ở vùng đất lửa chiến tranh. Nó cũng như “cây xà nu” ưỡn tấm ngực lớn che chở cho dân làng Xô-man trong cảm hứng của Nguyễn Trung Thành ở truyện ngắn “Rừng xà nu”.

Đọc thơ từ cổ chí kim, lần đầu tiên tôi thấy cái hoa chuối “độc nhất vô nhị” của Hoàng Vũ Thuật. Nếu ở thế kỷ mười lăm, Nguyễn Trãi viết về cây chuối ở tuổi dậy thì với những dòng thơ làm rung động tình xuân của tuổi trẻ:

Tình thư một bức phong còn kín
Gió nơi đâu gượng mở xem

thì năm thế kỷ sau Hoàng Vũ Thuật mang được hơi thở của thời đại vào hoa chuối quê anh, góp thêm một cách nhìn về cây chuối ở mọi thời điểm trong văn chương Việt Nam.

Đọc “Cỏ mùa thu”, tôi lại nghĩ tới lời của Nguyễn Văn Siêu: “Văn chương có loại đáng thờ và có loại không đáng thờ. Loại đáng thờ là loại chuyên chú ở con người, loại không đáng thờ là loại chuyên chú ở văn chương”. Hoàng Vũ Thuật không hề làm duyên, làm dáng với sắc màu hội họa trong thơ, mà các màu hoa của anh cứ hiển hiện trước mắt, để ta thỏa thích chiêm ngưỡng, nghĩ suy. Những bông hoa ấy không phải là hoa trong một công viên do con người chăm sóc, mà nó cứ bám vào đá, vào cát, vào nắng gió mà vươn lên hiến dâng cho đời, làm vợi đi nỗi đau của con tim, hướng ta tới khát vọng cao đẹp. Gặp những sắc hoa ấy ta như bỗng gặp dòng nước mát ngọt làm dịu cơn khát trên sa mạc bỏng rát. Lời người xưa “thi trung hữu họa” (trong thơ có họa), quả không sai.

Trải lòng ra với người, với đời để có được những vần thơ về những loài hoa như thế không phải ai cũng làm được. Hoàng Vũ Thuật đã từng dạy học, và làm thơ trên đất mẹ Quảng Bình với một tình yêu đằm thắm, mặn nồng. Hoa cỏ của quê hương, hoa của tình người là nguồn sữa không bao giờ cạn góp phần thăng hoa ở mỗi vần thơ anh.

L.X