Bảo Bình
(Vanchuongphuongnam.vn) – Trong văn chương, trường phái triết học tâm đắc thường sẽ ảnh hưởng sâu sắc ngòi bút tác giả. Và sự thấu suốt về lý luận, thể loại cũng sẽ tác động không nhỏ đến thủ pháp nghệ thuật. Cùng với đó là tâm hồn, thái độ, tư duy, trình độ… khiến mỗi nhà văn, nhà thơ sẽ làm nên sự khác biệt cho mình. Một tư tưởng, một phong cách, một giọng điệu… không trùng lắp và nhầm lẫn được. Nhà thơ Hoài Vũ là một cá biệt như thế. Tài hoa, nhạy cảm và sắc sảo trên cả lĩnh vực thơ ca và dịch thuật.
Hoài Vũ tên thật là Nguyễn Đình Vọng, sinh năm 1935 tại Đức Lân – Mộ Đức – Quảng Ngãi. Hiện sinh sống và viết tại Thành phố Hồ Chí Minh. Từ những năm tháng kháng chiến đến khi nước nhà độc lập, Hoài Vũ đã không ngừng tham gia và cống hiến cho hoạt động văn học. Ông từng giữ các vị trí quan trọng, như: Tổng biên tập báo văn nghệ giải phóng, phó giám đốc nhà xuất bản tác phẩm mới, chủ tịch hội đồng văn học dịch, phó tổng biên tập báo Sài Gòn giải phóng… và hiện nay, dịch giả Hoài Vũ vẫn đang miệt mài với con chữ, ông là tấm gương cho hậu bối chúng tôi về tinh thần lao động cần mẫn, say mê và đầy nhiệt thành.
“Hoa trong tuyết”, một bản dịch đặc sắc, ấn tượng, hấp dẫn và đầy xúc cảm. Ở đó, người đọc sẽ bắt gặp những biến đổi thời cuộc, những rào cản xã hội, những mạch ngầm đời sống, những khát khao hạnh phúc… trộn lẫn, đan xen, bện chặt làm nên những nghịch cảnh, trớ trêu, bi đát của phận người. Ở đó, người đọc sẽ nhận rõ tính phong phú, linh hoạt, đa sắc và thâm thuý của Tiếng Việt. Một “Hoa trong Tuyết” với giá trị văn học cao từ nội dung đến nghệ thuật. “Nghề dịch lắm công phu”, và có trải nghiệm với tác phẩm, mới thấu thị sự công phu, tinh nhạy và thông thái của tác giả.
Mở đầu là “Nữ điền chủ cuối cùng”, và kết thúc là “Hoa trong tuyết”; cùng sự góp mặt của “Người đàn bà quý phái”, “Loạn luân”, “Người đàn bà bất hạnh”, “Đèn lồng đỏ treo cao”… mỗi câu chuyện là những cuộc đời, hiện thực đến tàn khốc và rã rạc. Phận người, phận đàn bà chua chát, hẩm tàn, bất lực và đầy tuyệt vọng. Dịch giả Hoài Vũ đã có sự chọn lọc hợp lý, tinh tường để rồi chuyển ngữ một cách sinh động, sắc nét và cuốn hút đến lạ lùng. Không khó để thấy rằng những câu chuyện được dịch thuật ở đây rất gần với chúng ta về văn hoá, về lịch sử… Tôi ngưỡng mộ tài năng của ông, và kính trọng tính nhân văn được chuyển tải trong từng tác phẩm. Tôi tin, ngoài giá trị cơ bản của bản gốc, để có được một “Hoa trong tuyết”, phải khẳng định khả năng tư duy logic, phông văn hoá sâu rộng, và tâm hồn đẹp nơi chính nhà thơ Hoài Vũ. Engels có nói “Chủ nghĩa hiện thực đòi hỏi ngoài sự chân thực của các chi tiết, một sự tái hiện chân thực những tính cách điển hình trong các hoàn cảnh điển hình… vây quanh chúng và buộc chúng hành động”. Lật từng trang sách để thấy rằng từng chi tiết, hình ảnh, độc thoại, từng hành động, thái độ nhân vật… đều điển hình đến kinh ngạc. Một “Bích Trân xinh đẹp… vừa kiều diễm, vừa đảm đang, tháo vát” phải sống đời “điền chủ” bên người chồng “bệnh nặng… khiến anh ta nằm bất động trên giường cả ngày lẫn đêm…”. Và nữ điền chủ ấy phải gạt đi sự kiêu hãnh, tự cứu cuộc đời mình trong “bóng tối”. Nhưng cũng chẳng bao giờ dám nhìn vào sự thật đời mình trong sự sợ hãi và đau đớn. Cả đời sống cho con, ngắm nhìn con để hạnh phúc và cũng để quên đi bản thân. Đến lúc gần kề cái chết, trái tim người đàn bà ấy mới thực sự sống “Bích Trân nhìn đăm đăm vào gương mặt Tử Sơn rồi mỉm cười, nhắm mắt”. Thực tế, đã bao đàn bà phải sống đời sống như thế? Thông qua mô tả, kể chi tiết… ta nhìn thấy cả một bối cảnh xã hội với những ràng buột cổ hủ, khô cứng. Một thời kỳ chuyển giao với bao biến động, ngang trái và rối rắm. Đứa con trai với “cái ghế lãnh đạo mà nó đang ngồi”, không dám nhìn mẹ, thăm mẹ bởi bà là một “điền chủ”. Khi xưa, cần tiền để “nuôi quân”, để “chống Nhật”… nó sẽ về bảo mẹ đưa tiền. Và giờ, khi có quyền lực trong tay, đứa con ấy “xoá” cội nguồn để bảo vệ “cái ghế” của mình… hiện thực đời sống cũng vì thế mà bật lên, rõ ràng, chua xót và tàn nhẫn.
Tính phức điệu của ngôn từ nghệ thuật được tác giả sử dụng cũng là một yêu tố góp phần làm phong phú sắc thái biểu cảm và tâm trạng nhân vật. Khi uất ức, lúc bi ai, khi quyết liệt, lúc nỉ non… Một “Tuyết Lệ” tội nghiệp, một “Trữ Ngọc” đáng thương, một “bà quan to trời gầm”… được cài cắm đan lẫn, xen kẽ… đã làm nên một “Loạn luân” trớ trêu, nghiệt ngã, day diết lòng người. Với nhân vật Trữ Ngọc “một người tài hoa trên nhiều mặt. Ngoài vẽ tranh, ông còn làm thơ, nghiên cứu văn học, lịch sử…”, “…là người tốt, là một thiên tài, nhưng cũng là một con người đau khổ nhất, bất hạnh nhất…”. Cái giá của một nghệ sĩ tài hoa thường là sự cô độc. Khi tận cùng của nỗi cô độc, những bề sâu của ẩn ức sẽ phát tiết, và nghệ thuật sẽ thăng hoa. Nghệ thuật như những giọt mật quý, được tinh chế ra để rót vào cái hố lòng trống hoác ở họ.
Với truyện ngắn “Hoa trong tuyết”, bạn đọc sẽ nhận diện cuộc xung đột từ nội tâm nhân vật đến sự phân chia giai cấp, cái nhìn xã hội… dẫn đến những ứ tắc, khắc nghiệt, thậm chí là những đánh đổi, mất mát… nhưng không vì vậy mà họ quên quan tâm nhau, không vì vậy mà tình cảm con người dành cho nhau có thể nhạt phai. Nàng thì “Lâm ơi! Anh ráng giữ gìn sức khoẻ. Anh mà có bề gì, chắc là… tôi không sống nổi!”, chàng thì “Tôi định nắm lấy tay nàng, nói những lời sâu kín nhất, nồng nàn nhất tận đáy lòng, nhưng không kịp nữa rồi…”. Tiềm ẩn trong họ là khát khao yêu thương, khát khao hạnh phúc.Tác giả đã sử dụng lối trần thuật theo kiểu hồi cố, lúc là thực tại, khi là ngoái nhìn quá khứ, một kiểu gợi kể vừa tự thuật lại cũng rất trữ tình, xâu chuỗi cả một đoạn đường đời gập ghềnh của các nhân vật do Cách mạng văn hoá gây ra. Và vì thế, giọng văn khi nặng trĩu, dồn nén, khi trầm lắng, u buồn. Tôi nhìn thấy ở đây một sự thấu cảm, kiểu “tàng hình”, lẫn mình vào nhân vật của chính dịch giả. Khiến người đọc cứ phảng phất, u hoài theo mối tình buồn của họ.
Đặc biệt, minh chứng rõ nét cho đỉnh cao nghệ thuật là “Người đàn bà trong tranh”. Bên cạnh tài năng, cái mà nghệ thuật cần “nó chính là máu trong tim, là nước mắt, là hơi thở” khi mà người nghệ sĩ sáng tạo. Những bức tranh được vẽ bởi “Ngũ Thạch” là những tác phẩm của con tim và khối óc, là thứ được làm ra bởi tình yêu cháy bỏng và đắm say mà chàng thanh niên này dành cho người trong mộng của mình. Nên nó mới sống động, có thần, nó mới có thể chạm vào cảm xúc, gây ngẩn ngơ và để lại dấu ấn đậm sâu trong lòng người đến thế.
Đọc “Hoa trong tuyết”, tôi không nhận thấy có bất cứ khoảng cách nào giữa văn học và hiện thực đời sống. Nó trần trụi, gần gũi… như hơi thở của con người và thời đại. Khi nói về bất kỳ một tác phẩm văn học nào, phải khẳng định mối quan hệ tác giả -tác phẩm – người đọc là mối quan hệ mật thiết, gắn bó. Cũng như mối quan hệ biện chứng giữa nội dung và nghệ thuật của chính tác phẩm vậy. Hiện thực khách quan luôn phổ biến những điều nghịch lý. Và vì thế, nhà văn đi khám phá, đi tìm chân lý. Dịch giả là sự cộng hưởng của nhà văn, nhà ngôn ngữ học, nhà văn hoá, nhà tâm lý học… để thông qua tác phẩm được chọn dịch mà làm giàu thêm, phong phú thêm đời sống văn hoá, tinh thần dân tộc, cũng như gợi ra những hướng đi mới trong sáng tạo nghệ thuật nước nhà. “Dịch văn học là một công việc rất khó vì nhiều khi người dịch đọc văn bản gốc, hiểu được nó nhưng không phải lúc nào cũng tìm được từ tương đương để diễn đạt đúng ý, đúng văn phong, đúng nhịp văn của tác giả. Điều này không chỉ đòi hỏi người dịch phải có kiến thức thật chắc trong cả ngôn ngữ nguồn và ngôn ngữ đích mà còn phải có phông kiến thức văn hoá, nghệ thuật, lịch sử, khảo cổ sâu rộng, phải làm chủ các biện pháp tu từ để diễn đạt được đúng ẩn ý của tác giả” – Ts Trần Văn Công. Và tôi tin, nhà thơ Hoài Vũ đã hội đủ các yếu tố cần có đó. Ông rất biết mình đang làm gì? Bằng sự uyên bác, tinh nhạy và tài hoa, với đề tài được chọn là quyền lực xã hội, tình yêu đôi lứa và nghệ thuật, tác giả đã hoàn toàn chinh phục bạn đọc bởi một “Hoa trong tuyết” đầy sức hấp dẫn, với các tình tiết éo le, ám ảnh, kịch tính… cũng từ đó, tấm lòng yêu thương sâu sắc con người nơi ông được hiển lộ.
Ở chiều sâu tác phẩm, tôi cảm giác khi chuyển ngữ, tác giả không chỉ ý thức về nghệ thuật biểu đạt và tính liền mạch của xúc cảm nhân vật. Tôi thấy cả một trái tim được đặt trên trang giấy. Một tình yêu mãnh liệt dành cho văn chương, một tác phong làm việc tận cùng của sự cẩn mật và nghiêm túc. Từng chi tiết nhỏ, từng dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm than… đều được đặt đúng vị trí một cách không thể hoàn hảo hơn.Và vì thế, không chỉ trân trọng quyển sách trên tay, tôi thấy yêu quý vô cùng nhân cách một nghệ sĩ. Rất đúng với nhận định của nhà thơ Phan Hoàng “…bằng khả năng thẩm thấu và chuyển ngữ tài tình, nhà thơ Hoài Vũ đã mang tới cho bạn đọc Việt Nam những món quà quý giá làm phong phú thêm đời sống văn hoá tinh thần chúng ta”. Và một sự thật rằng, bất cứ một tác phẩm văn học nào cũng đều có đời sống của riêng nó. Hoặc trong cô đơn, hoặc giữa nhân loại. Hoặc chết yểu, hoặc trường tồn. Sự sống đó còn tuỳ vào nhiều yếu tố: giá trị bản thân nó, hoặc thời đại, lịch sử, cũng như nhận thức của đối tượng độc giả nói chung. Và tôi tin, “Hoa trong tuyết” của Hoài Vũ là một bông hoa đặc biệt và không tàn. Nó sẽ có một đời sống dài lâu, kiêu hãnh và không ngừng toả hương sắc cho mọi thế hệ yêu văn chương.
Tập sách được tinh chọn và dịch với 11 truyện ngắn phản ánh về đời sống Trung Quốc hiện đại. Mỗi câu chuyện là một mảng màu cuộc sống, với thế cuộc, thời đại và lịch sử. Ở mỗi giai đoạn đó, con người phải cam chịu sự chi phối và tác động không ngừng của chính biến, xã hội và cả những tư tưởng, cổ tục. Điều tất yếu dẫn đến là hệ luỵ của kiếp nhân sinh. Thân phận con người trở nên nhỏ bé, đáng thương và lắm lúc là sự tuyệt vọng. Đặc biệt, là bi kịch người phụ nữ. Khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc luôn mong manh. Khi trải tập sách này ra trước mắt, ta không thể phủ nhận cái tài của dịch giả. Chuyển ngữ linh hoạt, đến sống động từng cuộc đời trên trang giấy; đặc biệt là giọng văn, vô cùng mượt mà, xúc cảm. Tôi đã không còn biết thời gian đang trôi qua khi mở quyển sách, nó cuốn hút một cách kỳ lạ. Có thể khẳng định, “Hoa trong tuyết” của Hoài Vũ mang giá trị nhân văn vô cùng sâu sắc, to lớn. Đích thực là một bông hoa đằm dịu sắc hương mà mê đắm, quyến rũ trong vườn hoa văn học nước nhà.
Cần Thơ, ngày 9/12/2023
B.B