“Hoa trường xuân” – Bức tranh sống động, trung thực về cuộc sống và con người

744

Phạm Văn Huy  

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nhà văn Phạm Văn Hoanh (Hội viên Hội VHNT Quảng Ngãi) là cái tên khá quen thuộc với bạn đọc. Tác phẩm của ông luôn được đăng tải trên các báo, tạp chí từ trung ương đến địa phương. Sở trường của ông là viết văn xuôi. Đến nay ông đã xuất bản 5 tập sách gồm tản văn, truyện ngắn, tiểu thuyết và nhận gần 10 giải thưởng văn xuôi của trung ương và địa phương. Tập truyện ngắn “Hoa trường xuân” của nhà văn Phạm Văn Hoanh (NXB Hội nhà văn -2020) là tập thứ 5, gồm 15 truyện ngắn với nhiều đề tài khác nhau đã vẽ nên bức tranh sống động, trung thực về cuộc sống và con người trong thời đại ngày nay.

Tập truyện ngắn “Hoa trường xuân” của nhà văn Phạm Văn Hoanh

Dưới ngòi bút khá sắc sảo mang những nét riêng, đậm tính nhân văn của nhà văn Phạm Văn Hoanh, các nhân vật dù là tích cực hay tiêu cực, hiền lành hay ác độc bước vào trang sách “Hoa trường xuân” đều hướng tới chân – thiện – mỹ.

Hầu như phần lớn các truyện trong tập “Hoa trường xuân” của Phạm Văn Hoanh luôn tạo được sức cuốn hút, bởi cách dẫn dắt, vận động linh hoạt, sinh động. Truyện “Hoa trường xuân” được lấy làm nhan đề cho cả tập, tái hiện chân thực tình mẫu tử thiêng liêng. Nhân vật tôi trong truyện là một người con ngoan biết chăm sóc mẹ khi mẹ bị bệnh nan y. Vì thương mẹ, lo cho mẹ mà tôi đã vào trường bẻ cây hoa trường xuân về sắc nước cho mẹ uống: “Ở vùng này chỉ có ở trường trồng thôi. Nhưng ở trường thì nó phát triển không nổi. Chắc chắn là bác bảo vệ không cho. Mà bẻ lén thì bác bảo vệ bắt được sẽ báo nhà trường đuổi học. Bây giờ chỉ còn có cách là mướn người đi nhổ. Nhưng lấy tiền đâu mà mướn. Thôi thì nhắm mắt làm liều! Bao giờ bác bắt hễ hay”. Và tôi đã bị bác bảo vệ bắt tại trận. “Tôi năn nỉ bác tha cho tôi và cho tôi xin lại mấy cây đó đem về sắc thuốc cho mẹ. Nhưng bác đã không cho lại còn xách tai tôi đau điếng.” Nhưng lòng yêu thương mẹ đã khiến tôi không những không bị kỷ luật mà còn nhận được món quà thật ý nghĩa từ cô giáo: “Em đem bó hoa này về trồng để dành sắc nước cho mẹ uống. Cô hy vọng mẹ em uống hết bó hoa này sẽ khỏi bệnh”.

Truyện “Lởi thề trước biển” là câu chuyện cảm động về tình đồng chí, đồng đội. Người chiến sĩ Biên phòng không ngại điều tiếng, hy sinh tuổi xuân của mình để nuôi vợ và hai con của người bạn đã hy sinh: “Từ ngày bác đặt chân đến đây tính đã mười lăm năm hai tháng năm ngày. Trong khoảng thời gian ấy bác đã chịu không biết bao nhiêu tai tiếng. Nhưng vì lời hứa với ba cháu mà bác phải chấp nhận. Ngày xưa bác hứa với ba cháu là sẽ nuôi ba mẹ con cháu đến khi nào các cháu có công ăn việc làm bác mới về quê”. Với cốt truyện giản dị, tình huống truyện gay cấn, truyện “Lời thề trước biển” đã khiến người đọc phải suy ngẫm về tình đồng chí, đồng đội, tình bạn trong cuộc sống ngày hôm nay.

Tác giả bài viết và nhà văn Phạm Văn Hoanh

Cũng viết về đề tài người chiến sĩ cách mạng, nhưng truyện ngắn “Gian bếp củi và cái nồi đồng” lại thể hiện một khía cạnh khác. Đó là tình yêu lứa đôi trong thời chiến. Truyện tái hiện chân thực tình yêu của người chiến sĩ ở độ tuổi mười tám đôi mươi trong những năm chiến tranh giữ nước. Vì chiến tranh mà hai người xa cách. “Ngày giải phóng bà tìm đến nơi hẹn. Bà đứng đợi hết ngày này qua ngày nọ mà cũng không thấy người yêu. Bà trở về trong đau buồn”. Mấy năm sau người yêu của bà Hai, cũng là người được mẹ con bà nuôi nấng trong những năm hoạt động bí mật, trở về thì người yêu đã có chồng: “Sau đợt công tác tôi bị thương nặng, còn chín đồng chí của tôi đã hy sinh. Ngày tôi về bà đã có chồng tôi phải trả lại kỷ vật và nói trớ.” Truyện “Gian bếp củi và cái nồi đồng” không chỉ có tình yêu đôi lứa mà còn đề cập đến đạo lý “uống nước nhớ nguồn” ân nghĩa thủy chung cùng quá khứ. Người chiến sĩ cách mạng năm xưa mặc dù quên người yêu nhưng lúc nào cũng áy náy về chuyện ân nghĩa. Hơn bốn mươi năm sau ông đã trở lại làm hồ sơ người có công với cách mạng cho bà Hai: “Bà biết không? Bao nhiêu năm nay tôi áy náy mãi về việc làm chính sách người có công cho bà.” Đọc đoạn cuối “Gian bếp củi và cái nồi đồng” ta không khỏi xúc động khi “Trong khoảnh khắc, gian bếp nhỏ lặng im để hai bóng người của ngày xưa đối diện nhau”. Tình yêu đầu đời trong tập “Hoa trường xuân” dù ở thời kỳ nào cũng không trọn vẹn. Đọc các truyện “Sao không nói trước”, “Tiếng sáo đêm thâu”, “Yêu em trọn đời”, “Dốc Mây”… ta sẽ thấy rõ điều đó.

Ở các truyện “Cây mai vàng trước ngõ”, “Tình mai”… khiến độc giả phải suy ngẫm về di tích lịch sử, văn hóa trong thời đại ngày nay. Từ cảnh huống rất bình dị vào tác phẩm của Phạm Văn Hoanh đã trở thành những triết lý nhân sinh rất giàu giá trị nhân văn.

Phạm Văn Hoanh đi nhiều, tiếp xúc với nhiều cảnh đời. Và đó cũng là chất liệu phong phú giúp nhà văn viết nên những tác phẩm sinh động, chân thực. Từ những chi tiết có thực ngoài đời, bằng trí tưởng tượng và kinh nghiệm sống cùng với sự trải nghiệm, mà nhà văn Phạm Văn Hoanh đã bồi đắp thêm cho nhân vật tính cách và sức sống, thổi hồn cho họ thành những cá nhân điển hình. Nhân vật tôi trong “Vào đời” là nhân vật điển hình cho lớp trẻ hôm nay trên con đường tìm kiếm việc làm: “Những ngày tìm việc lang thang khắp thành phố, tôi gặp một người con gái nói tiếng Quảng Ngãi đặc quánh. Nó giới thiệu với tôi tên tuổi quê quán nghề nghiệp và nhận tôi là đồng hương.” Nhà văn đã đặt nhân vật vào tình huống khó xử khi tôi rơi vào cạm bẫy: “Lúc này tôi đã nhận ra nó không phải là người Quảng Ngãi. Nó nói tiếng địa phương nào cũng giỏi. Hôm trước nó nhận một cô bé khoảng mười lăm tuổi ở Huế vào quán. Nó nói rặt tiếng Huế và cũng nhận cô bé là đồng hương”. Thoạt đầu người đọc tưởng tôi sẽ bị nạn trong quán phở Hương Rừng. Nhưng nhà văn đã khéo léo dẫn dắt tôi thoát nạn bằng trí thông minh của tôi: “Nó đứng dậy đi vào phòng lấy ra một chai nước ngọt và một cái ly. Nó rót nước ngọt ra ly cho tôi rồi đi vào. Tôi nâng lên rồi qua lão già mời lão uống… Uống xong chai nước ngọt hai mắt lão cứ lim dim. Lúc đó tôi giả vờ bật ngửa. Nó chạy ra dìu tôi vào phòng và gọi chị chạy bàn dìu lão già vào. Lão bước vào khỏi cửa nó liền khoá chặt. Lão lảo đảo một chặp rồi nằm ngửa ra giường ngáy khò khò như trâu cày trưa. Tôi cắn vào ngón tay của mình, lấy máu bôi vào áo quần, rồi vào phòng tắm khoá chặt cửa”.

Tập truyện ngắn “Hoa trường xuân” còn hấp dẫn người đọc bởi vấn đề gia đình, xã hội. Truyện “Trúng đất” viết về một vấn đề có tính thời sự. Việc đô thị hóa, phát triển khu công nghiệp và khoản tiền đền bù đất đai làm mâu thuẫn xáo trộn nhiều gia đình. Bà Hai vì tiền mà đã bỏ bê việc thờ cúng ông bà, không chăm sóc cha mẹ chồng. Chia đất bỏ hoang bà không nhận. Nhưng khi có tiền đền bù bà lại đòi hỏi. Cuối cùng bà điên cũng vì tiền đền bù đất: “Bà Hai ở nhà một mình mất ăn, mất ngủ liên miên, hay nói sảng. Ban ngày bà không ra khỏi nhà. Nhưng ban đêm bà thường hay xõa tóc, tay cầm bó nhang chưa đốt, lững thững đi ra bờ sông, có lúc đi thẳng về hướng nghĩa địa. Bà hay lẩm bẩm, chửi rủa vợ chồng chú Ba là tham lam, đốn mạt, thấy tiền mờ mắt, quên nhân, quên nghĩa…”. Cũng vì tiền mà bà Tình trong “Gieo gió” cuối đời phải sống cô đơn, đau ốm không ai chăm sóc. Bà gieo gió nên bây giờ gặt bão. Bối cảnh của hai câu chuyện đã đem đến người đọc một thông điệp là “tham thì thâm”. “Ác giả ác báo”. Còn nhân vật bà Hai trong truyện “Lượm bạc rơi” lúc đầu có những ý nghĩ không tốt, nhưng qua đấu tranh tư tưởng bà đã chiến thắng bản thân. Mặc dù nhà nghèo, chồng bị tai nạn nằm một chỗ, nhưng bà không tham tiền. Được gói bạc gần tỷ bà đã đem đến đồn công an để trả lại cho người mất. Đây là điều đáng quý của con người.

Có thể nói 15 truyện ngắn trong tập “Hoa trường xuân” của nhà văn Phạm Văn Hoanh là 15 bức tranh đẹp về cuộc sống và con người trong thời đại ngày nay đã để lại ấn tượng khó phai mờ trong lòng bạn đọc.

P.V.H