Hoa trường xuân – Truyện ngắn Phạm Văn Hoanh

805

(Vanvhuongphuongnam.vn) – Mấy tháng trước mẹ tôi chỉ lấy ngón tay ấn vào nút chuông điện trên đầu giường mà tôi đã mắc lên đó mỗi khi mẹ cần đến điều gì, nhưng mấy ngày nay mẹ không sử dụng đến. Mẹ tôi gọi nghe tiếng rất trong. Chứng tỏ bệnh tình của mẹ tôi đã có chiều hướng tốt. Chắc chắn là thuốc tôi tìm có hiệu quả rồi.

Nhà văn Phạm Văn Hoanh

– Út ơi! Lo đi học kẻo trễ đấy con! – Mẹ tôi từ trong nhà nói vọng ra.
– Dạ, chưa đến giờ đâu mẹ! Con tưới xong mấy luống hoa trường xuân rồi mới đi cũng kịp mà.
Mẹ tôi nhắc lại:
– Tranh thủ nghe con!
– Dạ, con gần xong rồi!
Nghe mẹ nhắc, tôi rất mừng. Mừng không những vì mẹ quan tâm đến tôi mà còn mừng vì sức khoẻ của mẹ. Mấy tháng trước mẹ tôi chỉ lấy ngón tay ấn vào nút chuông điện trên đầu giường mà tôi đã mắc lên đó mỗi khi mẹ cần đến điều gì, nhưng mấy ngày nay mẹ không sử dụng đến. Mẹ tôi gọi nghe tiếng rất trong. Chứng tỏ bệnh tình của mẹ tôi đã có chiều hướng tốt. Chắc chắn là thuốc tôi tìm có hiệu quả rồi. – Tôi nghĩ vậy.

Bệnh tình của mẹ tôi, không biết có phải bác sĩ không chẩn đoán được hay là giấu không cho bả biết? Mẹ tôi đã đi hết bệnh viên này đến bệnh viện nọ mà vẫn tiền mất tật mang. Đến khi vào Bệnh viện Chợ Rẫy thì tôi nghe bác sĩ bảo mẹ tôi suy nhược cơ thể. Tôi nghĩ chắc họ giấu mẹ tôi. Họ sợ mẹ tôi suy sụp sức khoẻ. Mẹ tôi lo lắng. Hễ thấy bác sĩ đến khám bệnh là bà hỏi: “Tôi bị bệnh gì vậy bác sĩ?”. Bác sĩ nhìn mẹ tôi cười và nói: “Không có chi. Chị bị suy nhược cơ thể thôi. Uống thuốc vào là khỏi ngay”. Lần nào đến khám bác sĩ cũng đều động viên bà ráng ăn uống để có sức khoẻ…

Mẹ tôi bảo tôi hỏi bác sĩ về bệnh tình của bà để bà yên tâm. Tôi cũng đã năn nỉ bác sĩ nhiều lần, nhưng bác sĩ vẫn không nói. Mãi đến ngày xuất viện, ông bác sĩ gọi tôi lên văn phòng khoa hỏi:
– Cha cháu đâu?
– Dạ, cha cháu mất rồi!
– Cháu học lớp mấy?
– Dạ, cháu học lớp tám!
– Cháu có mấy anh chị em?
– Dạ, cháu có hai chị em! Cháu là con út. Chị cháu có chồng ở xa.
Ông bác sĩ nói ngập ngừng:
– À… À… À… Thế này nhé! Cháu đưa mẹ về quê, bệnh của mẹ cháu…
– Bệnh của mẹ cháu thế nào?
– Mẹ cháu… Mẹ cháu… Mẹ cháu… bị ung thư.
Tôi òa khóc. Ông bác sĩ ôm tôi vỗ nhẹ vào lưng.
– Cháu nín đi. Mẹ cháu bị ung thư, nhưng mới chuyển sang giai đoạn hai. Cháu yên tâm. Bác sẽ chữa khỏi cho mẹ cháu.
– Thật không hả bác?
– Thật đấy. Ngày nay khoa học phát triển, bệnh ung thư nếu phát hiện kịp thời sẽ chữa khỏi. Cháu đừng lo. Mẹ cháu sẽ qua khỏi, nhưng với điều kiện là mẹ cháu phải kiên trì uống thuốc, tập thể dục hàng ngày và phải lạc quan, yêu đời.

Ông lấy hồ sơ ra để lên bàn, nói:
– Mấy ngày nay bác không cho mẹ cháu biết sự thật là vì bác sợ mẹ cháu biết được bệnh tình bà ấy sẽ suy sụp tinh thần dẫn đến suy sụp sức khoẻ. Khi đó thì tế bào ung thư sẽ phát triển nhanh. Hôm nay là ngày xuất viện, bác sợ mẹ cháu biết nên mới gọi cháu lên đây.
– Làm sao mà mẹ cháu không biết được hả bác?
– Cháu không nói thì mẹ cháu làm sao biết.
– Hồi giờ cháu chưa biết nói dối. Ở nhà mẹ cháu dạy là không được nói dối. Đến trường thầy, cô giáo cũng dạy không được nói dối. Nói dối hại thân mà bác. Cháu phải nói thật cho mẹ cháu biết. Nói dối mai mốt cũng lộ ra.
– Đúng là nói dối hại thân. Nhưng trong trường hợp mẹ cháu bắt buộc phải nói dối. Nếu sau này bà ấy phát hiện ra là cháu nói dối, bác nói dối bà ấy không những không oán trách mà còn cảm ơn bác cháu mình nữa đấy. Cháu biết không? Nhiều người nghe mình bị bệnh ung thư lo âu sầu não ăn uống không nổi làm cho sức khoẻ xuống cấp trầm trọng. Đáng lẽ bệnh của họ có thể kéo dài năm bảy năm nhưng quá lo âu nên vài tháng sau họ chết mất. Trường hợp mẹ cháu bác nghĩ là nếu không khỏi thì cũng sống khoảng bảy, tám năm nữa. Bác thương cháu nên mới nói ra điều này.
– Bác nói dối cháu. Cháu nghe nói ung thư không có thuốc chữa mà.
– Bác không nói dối đâu. Hiện nay có nhiều ca ung thư chữa khỏi triệt để luôn, không tái đi tái lại. Cháu đừng nghĩ nhiều mà ảnh hưởng đến sức khoẻ, ảnh hưởng đến việc học tập. Cái gì đến nó sẽ đến. Cháu cứ cho mẹ cháu uống thuốc theo đơn bác đã kê, và tìm thêm thuốc nam cho mẹ cháu uống.
– Thuốc nam là thuốc ra sao hả bác?
– Thuốc nam là thuốc mà chúng ta kiếm từ cây cỏ có trong vườn hoặc ngoài đồng… Cháu có biết cây hoa trường xuân không?
– Dạ, cháu không biết!
Ông bác sĩ giải thích:
– Cây hoa trường xuân còn có tên là cây dừa cạn, là loại cây thảo sống lâu năm, hoa màu hồng, hoặc màu trắng mọc riêng lẻ ở kẽ lá gần ngọn. Ở nước ta nó là cây hoang dại, phân bố tự nhiên khắp cả nước. Loại cây này còn được nhiều người trồng làm cảnh. Cháu về cố gắng tìm mà sắc nước cho mẹ uống. Ba tháng sau cháu đưa mẹ vào tái khám.

Thấy tôi còn sụt sùi, bác sĩ nói tiếp:
– Cháu là con trai, cháu phải mạnh mẽ không được khóc! Cháu khóc sẽ làm cho bệnh mẹ cháu nặng thêm. Bác nhắc lại lần cuối là cháu phải giữ bí mật đừng để cho bất cứ ai biết bệnh tình của mẹ cháu! Dù là bạn bè thân thiết đến mấy cũng đừng bật mí cho họ biết! Nếu lộ bí mật thì bệnh tình của mẹ cháu rất nguy. Dẫu có thuốc tiên cũng không chữa khỏi. Cháu nhớ chưa?
– Dạ, cháu nhớ!
– Bây giờ thì cháu ký vào hồ sơ này để làm thủ tục xuất viện!…
Tôi đang suy nghĩ về mẹ thì nghe tiếng thằng Quý gọi :
– Út ơi! Đi học trễ giờ rồi!
Tôi giật mình, nhìn đồng hồ. Trời ơi, chỉ còn ba mươi phút nữa là vào lớp! Tôi bảo nó:
– Đợi tao đi với!
Tôi lật đật vào nhà thay đồ xách cặp dắt xe chạy ra. Tôi thấy thằng Quý nhìn chăm chăm vào mấy luống hoa trường xuân của tôi. Hình như nó đang nghĩ điều gì liên quan đến mấy luống hoa đó.
Trên đường đi tự nhiên nó hỏi tôi:
– Út này, mẹ mày bị bệnh gì mà lâu khỏi vậy?
– Mẹ tao bị… suy nhược cơ thể.
Suýt nữa thì tôi nói ra sự thật rồi. Bởi tôi nghĩ bạn bè thân thiết nhất nên định nói thật nhưng sực nhớ tới lời ông bác sĩ Chợ Rẫy dặn, nên nói tránh.

Thằng Quý nó hay tò mò lắm. Nó mà biết được trước sau gì cũng lộ. Ngày mẹ tôi mới về, tôi đã bí mật đi tìm cây trường xuân. Nhưng tìm mãi không ra. Tôi sực nhớ ở vuờn sinh vật cảnh của trường có mấy hàng trường xuân mới trồng, thế là tôi tìm cách bẻ. Tôi đã bí mật không cho ai biết việc làm của tôi. Những chiều tan trường tôi thường trốn nó ra sau trường trèo vào vườn sinh vật cảnh bẻ một ít cành hoa trường xuân bỏ vào cặp mang về. Vậy mà nó cứ bám theo sau để xem thử tôi làm việc gì. Một hôm, tôi thấy nó đã ra về được một đoạn khá xa, tôi mới chạy ra vuờn sinh vật cảnh của trường để bẻ. Không biết nó chạy vô hồi nào. Tôi đang trèo qua hàng rào thì nghe nó gọi:
– Út, mày làm gì ở đây vậy?
– À… À … Mình đang tuới nước cho cây trường xuân.
– Mày khéo lo. Hay là mày bị phạt? Mà mày bị phạt hồi nào vậy, sao tao không biết?
– Không. Mình đi toilet thấy mấy cây trường xuân nó héo mình đến mở vòi nước thôi mà.
– Trời ơi! Mày rảnh thật. Vườn sinh vật cảnh đã có bác bảo vệ lo rồi. Mày đừng có lo bao đồng!
– Có gì đâu mà lo bao đồng. Mình là học sinh của trường mình cũng phải có trách nhiệm trong việc bảo vệ tài sản của trường chứ.
– Ừ, mày nói cũng phải.
Nó vừa nói vừa bước đến mở tiếp vòi nước thứ hai. Nó phát hiện ra những dấu cắt trên cây trường xuân. Nó liền hỏi:
– Sao bữa nay mấy hàng trường xuân có vẻ thưa thớt quá vậy? Hình như có ai đó cắt trộm thì phải?
Tôi giả vờ như không biết, trả lời một cách bình thản:
– Chắc bác bảo vệ cắt ra trồng thêm chứ ai.
Bác bảo vệ vừa đến thấy hai chúng tôi đang tưới nước liền hỏi:
– Các cháu chưa về hả? Làm gì mà giờ này còn đứng đây? Bị phạt hả?
Thằng Quý nhanh nhảu trả lời:
– Dạ, chúng cháu thấy mấy cây trường xuân héo quá chúng cháu tưới giúp bác.
– Ồ, các cháu giỏi quá! Bác cảm ơn các cháu! Thôi các cháu về đi để đó cho bác!
Ngừng một lát bác bảo vệ lại hỏi:
– Các cháu có biết đứa nào bẻ hết mấy cây trường xuân không?
– Dạ, chúng cháu không biết!
– Bác mà bắt được, bác báo nhà trường đuổi học.

Nghe từ đuổỉ học tôi thấy sống lưng lạnh ngắt như có ai tưới nước đá lên. Nhưng tôi cố lấy sức bình tĩnh như không có việc gì xảy ra để trả lời:
– Bác ơi! Chắc là có bạn nào đó lén bẻ về làm thuốc đấy bác. Bác báo nhà trường đuổi học là tội lắm đấy bác.
– Bẻ làm thuốc cũng chỉ một vài hôm. Cao tay lắm thì cũng mươi bữa nữa tháng, chứ bẻ liên tục mấy tháng nay. Bác canh chừng mãi mà bắt không được. Chắc là có đứa nào ghét bác bẻ cho bỏ ít.
– Không phải đâu bác. Bác nghĩ vậy tội cho học sinh chúng cháu. -Tôi nói.
– Hay là ở gần trường có ai bị ung thư lén vào bẻ về sắc nước uống đấy bác. – Thằng Quý chen vào.
Bác bảo vệ lại quát:
– Ở xung quanh đây có ai bị ung thư đâu mà bẻ. Dứt khoát là học sinh. Chúng nó phá như quỷ dữ. Đúng là nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò. Quỷ ma đâu không thấy, chỉ thấy đám học trò phá không chịu nổi. Mới trồng được có mấy hàng mà bẻ hết. Đang quát tự nhiên bác dịu giọng:
– Không biết trong trường mình có phụ huynh nào bị ung thư không? Nếu có thì cũng phải cố gắng đi tìm chỗ khác, chứ ở đây mới gây được mấy hàng để phục vụ việc dạy và học, bẻ miết thì còn gì.
Thấy bác dịu giọng, tôi đến bên bác thỏ thẻ:
– Bác cho cháu bứng ít bụi đem về trồng làm thuốc nghe bác.
– Cháu không thấy nó thưa thớt rồi mà còn xin bứng?
– Bác làm ơn cho cháu xin vài bụi mà.
– Đã nói là không được mà!
– Bác cho cháu một bụi về làm thuốc đi bác!.
– Làm thuốc cho ai?
– Dạ, cho mẹ cháu!
– Mẹ cháu bị bệnh gì?
– Mẹ cháu bị suy nhược cơ thể và mất ngủ.
– Mất ngủ thì về kiếm cây vông nem, cây lạc tiên còn gọi là cây rọ heo, hạt sen nấu nước uống là ngủ ngon lành. Còn cây này chỉ chữa bệnh ung thư thôi. Không bị bệnh uống vào nguy lắm. Nó coi vậy chứ rất độc, tác dụng phụ dữ lắm. Nhiều người sắc nhiều uống vô phải đi cấp cứu. Tuy nó là một vị thuốc rất đặc biệt, nhưng sắc uống phải có sự hướng dẫn của thầy thuốc chứ không thể tự tiện được.
– Cháu có nghiên cứu trên mạng kỹ rồi bác.
– Vậy là mấy bữa nay cháu bẻ phải không?
– Dạ, cháu không có, cháu không có! – Tôi chối lia lịa.
– Cháu mà bẻ là chết với bác nghe chưa!
– Dạ!
Thằng Quý nói:
– Bác cho chúng cháu mỗi đứa một cây về trồng làm cảnh cho xinh nhà xinh cửa!
– Đã nói là không được rồi mà hỏi mãi. Thôi, về đi tối rồi!
Trên đường về thằng Quý hỏi tôi:
– Út này, tao hỏi thiệt mày nghen, mày đừng giận! Có phải mẹ mày bị bệnh ung thư không?
Câu hỏi của thằng Quý làm tôi bực mình. Tôi liền trả lời một cách dứt khoát:
– Không. Mẹ tao bị suy nhược cơ thể.
– Suy nhược cơ thể mà sao lâu hồi phục quá vậy? Hay mày sắc nước cây trường xuân bả uống nóng quá kiệt sức luôn.
– Không phải đâu. Hôm nay bả khoẻ nhiều rồi. Bả nói tiếng rất trong, đi lại có vẻ vững vàng hơn trước, và ăn được, ngủ được.
– Nghe mày nói tao cũng mừng cho mẹ mày. Việc ăn ngủ quan trọng lắm. Ông bà mình thường nói: “Ăn được ngủ được là tiên. Mất ăn mất ngủ, bạc tiền bỏ đi.”
– Đúng vậy. Nhưng tao cảm thấy lo quá.
– Mày đừng có lo. Mẹ con mày xưa nay có tiếng ăn ở hiền lành, tao nghĩ ông Bụt sẽ phù hộ cho mẹ con mày khỏi bệnh. Mày có gọi ông Bụt lên không? Tao nghe thằng Hiển, con Vinh nó bảo rằng hồi mẹ chúng nó đau gần chết, đi hết bệnh viện này đến bệnh nọ, uống không biết bao nhiêu là thuốc mà không khỏi, vậy mà nó gọi ông Bụt lên, ông Bụt thương cho mẹ chúng nó ăn ở hiền lành, ổng cầm nhánh bông phượng vàng phất qua, phất lại mấy cái trên ly nước lạnh rồi cho mẹ nó uống tự nhiên khỏi bệnh hẳn. Mày gọi thử xem nào!
– Tao gọi ổng rồi. Ông Bụt bà Tiên gì tao cũng gọi hết. Đêm nào tao cũng gọi mà có thấy ai đến với tao đâu. Chẳng qua thằng Hiển, con Vinh kể chuyện cổ tích đấy mà. Mày dừng có nghe miệng nó nói. Bây giờ làm gì có ông Bụt, bà Tiên chứ.
– Vậy thì đi Bệnh viện Chợ Rẫy cho chắc!
– Đi rồi.
– Họ nói có chữa được không?
– Họ bảo uống hết thuốc, rồi ba tháng sau vào tái khám. Nhưng mẹ tao không có tiền thành ra ở nhà kiếm thuốc nam uống.
– Trời ơi, Sao lại không đi! Nay là mấy tháng rồi?
– Tính đến nay đã hơn sáu tháng rồi.
– Vậy thì lo đi khám đi! Để lâu bệnh có thể chuyển sang ung thư nghe chưa? Mày đưa mẹ mày đi khám lại, bọn tao sẽ kêu gọi lớp ủng hộ chút ít.
– Thôi, phiền lắm!

*
* *

Hết tiết thứ năm thằng Quý bắt loa tay rao:
– Alô!… Alô!… Alô!… Mời các bạn ở lại họp lớp. Thằng Hiển, con Vinh quát lại thằng Quý:
– Ông lên chức bao giờ mà rao loa vậy? Mặc cho thằng Quý rao, cả lớp vẫn chạy ào ra khỏi cửa như ong vỡ tổ. Thằng Quý nhìn theo lắc đầu. Nó nghĩ lớp bỏ về cũng phải. Bởi vì nó không phải là lớp trưởng nên không có quyền bảo lớp ở lại. Nó sẽ gặp lớp trưởng để nói chuyện ủng hộ tôi. Nó lại nghĩ tôi với thằng Dần lớp trưởng là hai đối thủ nặng ký, dứt khoát thằng Dần sẽ không ủng hộ tôi. Nên khi gặp thằng Dần nó không nói.

Thằng Dần không những nó khinh người mà còn ganh tị với những ai học giỏi hơn nó. Có lần lớp tôi đang làm bài thi học kỳ I môn Toán, viết tôi hết mực, tôi quay sang thấy nó để cây viết thừa trên bàn nên hỏi mượn. Nó bảo rằng viết hết mực, rồi bỏ vào cặp. Khi hết giờ nó nói với thằng Quý là lúc đó nó có viết nhưng không cho mượn bởi nó ghét. Thế nhưng khi trả bài thi, nó vẫn thua tôi nửa điểm. Nó liếc nhìn bài thi của tôi tỏ vẻ bất bình. Nó cứ gây chuyện với tôi. Một hôm, tan trường nó vào nhà xe dắt xe ra, nó thấy xe xẹp lốp, nó bảo tôi xì bánh xe của nó. Nó chạy đến đá vào mông tôi và nói: “Sao mày xì hơi bánh xe tao?”. Tôi hỏi: “Ai nói?”. Nó làm thinh tung ra cú đấm. Tôi né qua một bên tránh cú đấm trời giáng của nó. Thấy tôi không đánh lại, nó tiếp tục tung ra cú đấm nữa. Lúc này tôi không thể nhịn được nữa. Tôi gạt cú đấm của nó qua một bên và đấm lại. Nó bị dính chưởng của tôi ngã ngửa xuống đất. Từ đó nó không dám giở thói hung hăng với tôi nữa. Nhưng nó vẫn tìm cách để hại tôi.

Thằng Quý đi gặp cô chủ nhiệm báo cho cô biết về những khó khăn của tôi.
Hôm thứ bảy giờ sinh hoạt lớp, cô chủ nhiệm có gợi ý về việc ủng hộ tiền cho tôi. Thằng Dần lớp trưởng không đồng ý. Nó đứng dậy nói:
– Thưa cô, mẹ bạn Út đau thì có bảo hiểm lo, sao cô lại bắt bọn em nộp tiền.
Cô chủ nhiệm buồn buồn nói:
– Cô không bắt các em nộp tiền. Ở đây tuỳ lòng hảo tâm. Em nào không ủng hộ thì thôi. Ủng hộ bạn là thể hiện tình đoàn kết, tương thân tương ái. Đó là một truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam từ bao đời nay. Các em không nghe ông bà ta khuyên: “Thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”, hay “Bầu ơi thương lấy bí cùng. Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn” sao? Nhà bạn Út rất nghèo, cha mất sớm, mẹ thường xuyên đau ốm, kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn. Việc ủng hộ bạn có gì là không đúng phải không các em? Cô sẽ ủng hộ mẹ bạn tiền xe đi khám bệnh. Còn lớp em nào ủng hộ thì nộp cho thủ quỹ.
Ngừng một lát cô nói tiếp:
– Cô rất buồn khi biết lớp chúng ta không đoàn kết. Những em nhà giàu có khinh ghét những em nhà nghèo khổ. Và những em giỏi thì cạnh tranh nhau về điểm số mà khiến cho lớp mất đoàn kết. Từ nay trở đi cô mong các em phải xoá bỏ những ngăn cách đó để hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn. Có như vậy lớp chúng ta mới vững mạnh được.

Thằng Dần mặt cúi gằm xuống bàn hổ thẹn. Nó không nói nổi lấy một lời.
Xong buổi sinh hoạt lớp cô bảo tôi ở lại. Cô đưa tôi một phong bì và nói:
– Em cầm số tiền này về lo cho mẹ! Hôm sau lớp có gởi tiền thì em nhận nghe chưa! Đừng có ngại!
Tôi nói trong tiếng nấc:
– Dạ, em cảm ơn cô!
Cô hỏi tiếp:
– Tình trạng sức khoẻ của mẹ em ra sao?
– Dạ, cũng đỡ nhiều so với lúc trước.
– Cố gắng chăm sóc mẹ nghe em!
– Dạ!
Hai cô trò ra khỏi cổng, mỗi người đi một hướng. Đường từ trường về nhà tôi hôm nay tự nhiên thấy gần hơn mọi khi.
Từ hôm đó, thằng Dần – lớp trưởng – bắt đầu thay đổi tính tình. Nó tỏ ra thân thiện với tôi hơn. Nhiều lần nó bảo thằng Quý rủ tôi ra quán ăn kem với nó. Nó bao toàn bộ. Một hôm nó nói với tôi:
– Út này, mình cảm thấy rất có lỗi với bạn. Mình xin lỗi bạn. Từ nay chúng ta cùng đoàn kết với nhau để làm cho lớp vững mạnh.
Tôi nói:
– Biết nhận lỗi là tốt. Mình mong bạn hãy hoà đồng với lớp.
Nó hứa sẽ hoà đồng với lớp và bắt tay tôi.
Lớp tôi đã đoàn kết thật sự. Không còn ai chia bè, rẽ phái với nhau nữa. Nhờ đó mà hạnh kiểm của lớp có nhiều tiến bộ. Lớp đã có nhiều lần nhận cờ luân lưu trong tiết chào cờ đầu tuần.

*
* *

Tôi đưa mẹ vào bệnh viện Chợ Rẫy có một tuần mà hàng cây hoa trường xuân của tôi bị bò giẫm nát hết. Nhìn những cây trường xuân khô héo mà tôi tiếc bức gốc tóc. Nhờ nó mà bệnh tình của mẹ tôi đã giảm. Khối u của mẹ tôi đã tan rồi. Lần tái khám này bác sĩ bảo là bệnh tình của mẹ tôi đã giảm được năm mươi phần trăm. Ổng dặn về nhà tiếp tục sắc cây trường xuân uống. Bây giờ biết tìm ở đâu cho có cây trường xuân. Ở vùng này chỉ có ở trường trồng thôi. Nhưng ở trường thì nó phát triển không nổi. Chắc chắn là bác bảo vệ không cho. Mà bẻ lén thì bác bảo vệ bắt được sẽ báo nhà trường đuổi học. Bây giờ chỉ còn có cách là mướn người đi nhổ. Nhưng lấy tiền đâu mà mướn. Thôi thì nhắm mắt làm liều! Bao giờ bác bắt hễ hay.

Hôm sau hết tiết thứ năm, tôi vào toilet đợi. Nhìn trước nhìn sau không thấy bác bảo vệ đâu cả, tôi chạy ra vườn sinh vật cảnh nhổ mấy cây bỏ vào cặp, ung dung trèo ra.
Một bàn tay chắc nịch túm lấy tóc tôi quát:
– Hôm nay thì tao bắt được mày quả tang. Tại sao mày lại nhổ trộm cây của nhà trường? Mày đưa hết đây cho tao!
Vừa nói bác vừa lôi cây trường xuân trong cặp của tôi ra.
Tôi năn nỉ bác tha cho tôi và cho tôi xin lại mấy cây đó đem về sắc thuốc cho mẹ. Nhưng bác không cho. Bác còn xách tai tôi đau điếng. Tôi ôm mặt khóc rồi lủi thủi ra về.

Tôi đạp xe không nổi. Đoạn đường từ nhà đến trường chưa đầy cây số mà sao tôi thấy nó xa vời vợi. Tôi cảm thấy như đang chở một vật quá nặng. Đi được một đoạn tôi phải dừng lại lấy sức để đạp tiếp về nhà.
Mẹ tôi ở nhà dọn cơm ngồi đợi tôi về. Thấy tôi bước vào, mẹ ôm chầm:
– Sao con về muộn quá vậy?
– Dạ, xe con bị đứt sên chờ thợ sửa!
Đây là lần thứ hai tôi nói dối mẹ. Tôi thấy khó chịu vô cùng. Nhưng biết làm sao.
Sáng hôm sau, thầy hiệu trưởng mời mẹ tôi đến trường. Thầy nói với mẹ tôi là không cho tôi học ở trường này nữa. Mẹ tôi khóc lóc năn nỉ thầy. Còn tôi thì quỳ xuống van xin thầy. Nhưng thầy vẫn không tha cho tôi. Buộc lòng tôi phải nói ra sự thật. Mẹ tôi nghe đến hai tiếng ung thư liền bật ngửa ra. Tôi chạy đến ôm mẹ gào thét: “Trời đất ơi! Cứu mẹ tôi với! Thầy cô ơi! Cứu mẹ em với!…
– Út ơi! Sáng rồi dậy chuẩn bị đi học!
Tôi giật mình, mồ hôi ướt đẫm. Thì ra tôi đang mơ. Một giấc mơ khủng khiếp.
Sáng thứ hai, trước khi chào cờ, cô chủ nhiệm gọi tôi lên văn phòng, hỏi:
– Tại sao em lại nhổ trộm cây của nhà trường?
Tôi không nói được nửa lời. Nước mắt tuôn trào.
Thấy vậy, cô đưa cho tôi một tờ giấy, bảo tôi viết bản tường trình.
Tôi suy nghĩ mãi. Cuối cùng tôi cũng viết sự thật. Tôi đem nộp cho cô rồi năn nỉ với cô:
– Thưa cô, hôm trước em có xin bác bảo vệ cho em nhổ vài cây về làm thuốc cho mẹ nhưng bác bảo vệ không cho. Nên em không có cách nào khác. Em xin cô tha lỗi cho em và cô đừng cho ai biết chuyện này của em. Chuyện này mà mẹ em biết được bả sẽ bị sốc.
Cô đọc qua bản tường trình, nói:
– Sao em không nói sự thật này với cô sớm? Cô sẽ giúp em.
– Em sợ nói ra sự thật mẹ em sẽ biết. Em quyết không cho ai biết bệnh tình của mẹ em. Hôm nay cô là người duy nhất biết được bí mật này. Một lần nữa em xin cô hãy tha thứ cho em và đừng cho ai biết bí mật của em!
– Được. Cô sẽ giữ bí mật của em.
Sáng thứ bảy, hết giờ sinh hoạt lớp cô chủ nhiệm gọi tôi lên văn phòng trao cho tôi một bó hoa trường xuân, nói:
– Em đem bó hoa này về trồng để dành sắc nước cho mẹ uống. Cô hy vọng mẹ em uống hết bó hoa này sẽ khỏi bệnh.
Ôm bó hoa trên tay mà nước mắt tôi cứ rưng rưng. Tôi nói trong tiếng nấc:
– Dạ, em cảm ơn cô!