Hoài Sơn – Một hồn thơ chiến sĩ

1314

(Vanchuongphuongnam.vn) – Hoài Sơn tên thật là Ung Ngọc Ky (1920-2001), còn ký với bút danh Trường Sơn Chí là nhà thơ thành viên của Duy Việt Văn Đoàn, nơi tập họp nhiều cây bút yêu nước tại Nam bộ trong giai đoạn 1930-1945. Anh là gốc người Cần Thơ vốn là một dân quân du kích địa phương. Hoài Sơn xuất thân là một thanh niên nông dân hiền lành, mới vào đời còn hay nghĩ đến chuyện tình ái yêu đương: Khi Thu Cúc lạnh lùng toan cất bước/ Rời xa ta, tha thướt/Bỏ ta về (Tơ vương)

Nhà thơ Hoài Sơn.

Tại các đô thị miền Nam, trước ngày thống nhất đất nước, trừ một số tạp chí có lập trường tiến bộ khá rõ nét như Nhân loại, Tin văn, Đối diện… được ấn hành hợp pháp ở Sài Gòn, còn lại là các tạp san khai sinh từ Đại học và Trung học được coi là những bệ phóng khá an toàn cho những bài viết có nội dung yêu nước chống thực dân đế quốc trong vùng bị tạm chiếm. Trong bài giới thiệu “Phan Văn Trị – nhà thơ yêu nước miền Nam”(1) trên đặc san Xuân Nắng Mới 1972 của trường Trung học Đệ Nhị cấp Cái Răng,Thành phố Cần Thơ, ông Nguyễn Tấn Thành, chủ biên tạp san đã mượn lại bốn câu thơ của Hoài Sơn để mở đầu: Bốn mươi chiến sĩ tiến về Cái Răng/Quần tua áo khíu nóp chầm/Đầu không nón đội, chân không đủ giày/Không súng máy thiếu súng dài/Phi tiêu bốn chục, dao vài bốn mươi (Tiến về Cái Răng) để chỉ cảnh tượng hào hùng của đoàn quân Lê Bình hiên ngang tiến về đánh chiếm Cái Răng vào ngày 12.11.1945, trên con đường lịch sử dẫn ngang qua ấp Lợi Nguyên, thuộc địa phận quận Cái Răng, Thành phố Cần Thơ: Lợi Nguyên dù chẳng hơn người/Cũng công đánh trận ngày mười hai tây/Tiếp Lê Bình chống quân Tây” (Khúc quân hành- Hoài Sơn). Nhà thơ Hoài Sơn xứng đáng tự hào là một chiến sĩ đã có mặt trong đoàn vệ binh dũng cảm đó.

Cuộc cách mạng tháng Tám bùng nổ, đi đến thành công đã đánh thức tâm hồn mộng mơ uỷ mỵ của anh: Từ lúc ấy, đời tôi thôi uỷ mỵ/Và đất trời như thấm đượm hồng tươi/Cả non sông như vẳng tiếng vui cười/Người nưóc Việt như vừa tươi trẻ lại.(Thay lời tựa – Hương lòng)

Hoài Sơn sớm nhận đường và không ngần ngại bắt đầu dấn thân hết mình vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc bằng thơ văn và bằng cả cuộc sống thực tế gian khổ của đời mình: Ra đi ta quyết đua tài/Dẹp tan quân địch xéo giày non sông (Khúc quân hành). Không như sáng tác trước đây, các bài viết của anh từ năm 1949 đăng trên những tờ báo lành mạnh lúc bấy giờ luôn nói lên một tình yêu quê hương tha thiết, những trang văn có lửa và lời thơ yêu nườc của Hoài Sơn chan hoà niềm tự hào dân tộc, bộc lộ khí phách giống nòi và ngùn ngụt khí thế đấu tranh: Tôi là người Việt – Nước tôi, Nhành lúa mới…. là chủ đề những đoạn văn của Hoài Sơn được nhiều nhà giáo trích ra để giảng dạy trong giờ Việt văn  hoặc cho học sinh dịch ra tiếng nước ngoài trong giờ học ngoại ngữ. (Giáo sư Anh ngữ Tạ Tuyên đã chọn đến ba đoạn văn có nội dung tiêu biểu in ở phần đầu sách giáo khoa nhan đề: Bài  dịch  Việt – Anh). Hoài Sơn Ung Ngọc Ky đã chính thức trước bạ cuộc đời thơ của anh trên thi đàn với hai thi tập: Hương lòng (Đuốc Việt – Sài Gòn, 1949) và Kiếp gió sương (Nam Việt -Sài Gòn, 1949) với nguồn thi hứng dạt dào và nghệ thuật điêu luyện, nội dung thấm đẫm tình yêu đất nước chân thành và hừng hực khí thế quật khởi đấu tranh.

Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy địa cầu, chấm dứt ách thống trị của thực dân Pháp, nhân dân Việt Nam chính thức giành lại được độc lập tự chủ trên một nửa miền đất nước. Hoài Sơn không tập kết ra Bắc mà được điều về công tác tại Cần Thơ. Anh bắt đầu tham gia đấu tranh, yêu cầu thực dân Pháp và chính quyền tay sai thi hành đúng hiệp định Genève vừa được ký kết vào ngày 20-7-1954, hô hào đòi hoà bình thống nhất đất nước. Tạm gác lại nghiệp văn chương sang bên lề con đường đấu tranh cho sự nghiệp cứu nước, chàng thanh niên yêu nước Ung Ngọc Ky có dịp được xả thân hoạt động trên mảnh đất quê hương Tây Đô ruột thịt của mình. Nhưng thực tế tình hình chính tri lúc bấy giờ tại địa phương yêu cầu phải có được một lợi thế trong đấu tranh công khai và hợp pháp giữa lòng địch, một vị trí công tác xã hội và chính trị trong cộng đồng quần chúng trí thức, công chức, nhân sĩ, tôn giáo nhất là trong từng lớp đông đảo sinh viên học sinh.

Đầu năm 1955, với sự giúp đỡ tận tình của bà con và các cơ sở cách mạng trong thành phố, Hoài Sơn đã nhanh chóng trở thành một giáo sư Trung học Tư thục dạy các môn Văn, Sử Địa và Công dân giáo dục tại trường Võ Văn, Hưng Việt. Không bao lâu sau đó, Hoài Sơn tiếp tục dạy thêm ở trường Phụ huynh Học sinh vốn là một trung học tư thục được thành lập vào năm 1955-1956 do anh và các đồng nghiệp có tâm huyết đứng ra vận động giới nhân sĩ trí thức yêu nước. Trong giới nhân sĩ, trí thức tiến bộ này, ta không thể nào quên công lao của Bác sĩ Lê Văn Thuấn, cụ Lương Kiêm – chủ hãng Nước mắm Đồng Hương, Bác Lê Quang Nghị – Giám đốc Công ty Xe khách Đại Đồng. Các môn khoa học xã hội nói trên rất thuận lợi cho nhà giáo bất đắc dĩ Ung Ngọc Ky kết hợp việc giáo dục tư tưởng yêu nước và tinh thần quật khởi đấu tranh ở học sinh như thường thấy ở một số  nhà giáo tiến bộ bạo phổi ở Cần Thơ trước năm 1975 như: GS. Pháp văn Nguyễn Bá Thảo (2), , GS. Việt văn Trần Quang Long (2) GS. Âm nhạc Nguyễn Đức Minh (4) ….

Lúc bấy giờ, học sinh các nơi hầu hết thuộc gia đình lao động nghèo hoặc thuộc thành phần trung lưu nên đã có sẵn tinh thần yêu nước. Do vậy, không bao lâu sau đó, Ung Ngọc Ky cùng các anh Trương Văn Biên** và Lê Thiết xây dựng được một số cơ sở tốt trong nhóm các em học sinh. Thế là thầy trò Ung Ngọc Ky hăng hái lao ngay vào cuộc đấu tranh chống chế độ bù nhìn tay sai của đế quốc Mỹ. Phát pháo khai hoả mở đầu là cuộc đấu tranh đả phá trò hề trưng cầu dân ý để bầu chọn “Tổng thống Việt Nam Cộng hoà” giữa Bảo Đại và Ngô Đình Diệm. Nhóm tranh đấu của Ung Ngọc Ky chống cả hai. Nhưng vì kẻ thù của nhân dân ta lúc bấy giờ là đế quốc Mỹ xâm lược nên những lá phiếu có ảnh của Ngô Đình Diệm – tay sai số một của đế quốc Mỹ – bị xé, bị gạch, bị đâm thủng mắt, bị viết đầy vào bằng những câu đả kích nặng nề. Bắt đầu từ đó cuộc đấu tranh chống Mỹ -Diệm ngày càng gia tăng quyết liệt: truyền đơn xuất hiện nhiều nơi trong thành phố. Những dòng chữ: Đả đảo Mỹ – nguỵ / Đả đảo đế quốc Mỹ và bọn tay sai Ngô Đình Diệm / Phải thi hành Hiệp định Genève: 20-7-1954 v.v… đầy dẫy trên vách các rạp hát, công sở hoặc trên mặt đường nhựa. Đó là phong trào đấu tranh sôi nổ của các em học sinh có ý thức qua sự điều động của những nhà giáo yêu nước tại Cần Thơ trong đó có Hoài Sơn Ung Ngọc Ky. Đáp trả lại, địch cũng viết ngay trên vách trường học các câu: Xử tử bọn ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản/Đả đảo bọn Cộng sản nằm vùng v.v…

Nhờ sự ra đời của Tư thục Phụ huynh Học sinh, Hoài Sơn cùng các anh Trương Văn Biên, Lê Thiết và vài giáo sư trung học tư thục khác cùng các em học sinh nòng cốt có nơi hội họp sinh hoạt để bàn bạc việc đấu tranh. Đó cũng là địa điểm thuận lợi để các giáo sư Việt Cộng thảo luận trao đổi luôn công việc của Tư thục Phụ huynh học sinh, của hội Truyền bá Quốc ngữ và hội Khuyến học Cần Thơ với sự hiện diện đầy tâm huyết của những nhân sĩ yêu nước đã đứng ra thành lập và hăng hái hoạt động cho hai tổ chức văn hoá xã hội lành mạnh này ở thành phố Cần Thơ.

Tuy nhiên, vốn là nhà thơ lại chưa có kinh nghiệm hoạt động trong công tác đấu tranh công khai ở đô thị nên nhóm tổ chức đã để lộ nhiều sơ hở, khó qua khỏi mắt địch. Hoài Sơn Ung Ngọc Ky bắt đầu bị địch ra lệnh truy nã mà chưa hay biết. Một buổi sáng vào đầu tháng 7 năm 1957, sau một ngày làm lễ bế giảng năm học 1956-1957, Hoài Sơn thong dong dẫn một đoàn học sinh giàu tâm huyết từ thành phố Cần Thơ đến Bạc Liêu trình diễn văn nghệ lấy tiền giúp học sinh nghèo. Đêm ấy, tại thị xã quê hương của bản Dạ cổ hoài lang, khi còn hơn nửa giờ bắt đầu chương trình biểu diễn thì một sự cố không ổn bất ngờ xảy ra. Ông Lương Học Sanh, con của cụ Lương Kiêm, hiệu trưởng trường Tư thục Phụ huynh học sinh  từ Cần Thơ vội vã lài xe đến Bạc Liêu tìm Hoài Sơn có việc quan trọng. Để mọi người xung quanh không ai biết và tránh gây xôn xao, ông Lương Học Sanh thì thầm bằng tiếng Pháp với Hoài Sơn mấy câu:

– Sáng nay, sau khi anh vừa rời Cần Thơ độ 15 phút thì bọn công an ập đến vây nhà để bắt anh. Bọn chúng lục soát hơn nửa giờ mà không tìm được cả anh và chị. Chắc là chị đã đi chợ cùng các cháu. Chúng im ỉm ra về nhưng chắc chắn còn rình rập theo dõi quanh quẩn nhà anh và bố trí người ẩn náu ở đầu cầu Cái Răng hoặc bến bắc Cần Thơ… để tóm anh. Do vậy, tôi xin gợi ý là ngay bây giờ anh cùng lên xe đi với tôi để tạm lánh vài hôm ở Sài Gòn. Về đến Cái tắc, chúng ta sẽ lách sang ngả Long Xuyên để tránh đầu cầu Cái Răng và bến bắc Cần Thơ.

Sau một thoáng lắng nghe tin chẳng lành, Hoài Sơn cố giữ bình tĩnh. Sự việc mà anh đã đoán trước khi mình bắt đầu cuộc chiến đấu ở nội thành giờ đã thục sự xảy ra ? Lặng yên trong vài phút, Hoài Sơn suy nghĩ, chạnh lòng: Tội nghiệp ông Hiệu trưởng của nhà thơ vẫn đứng im  bên cạnh để đón nghe thái độ của anh trong khoảnh khắc căng thẳng đứng tim này. Cuối cùng, Hoài Sơn cũng cố thì thầm bằng tiếng Pháp với ông Lương Học Sanh:

– Tôi thật sự xúc động và cám ơn anh rất nhiều, nhiều lắm. Nhưng thưa anh Hiệu trưởng, tôi không thể đi vì chưa nhận được lệnh. Đi đột ngột như thế này là coi như bỏ nhiệm sở, tức là bỏ chạy trước kẻ thù. Tôi không được hành động như vậy: Địch quân còn chiếm, nguyện không ngày về (Hương lòng). Hơn nữa tất cả các em học sinh đang trông cậy vào tôi, và như anh đã biết giờ hát sẽ bắt đầu trong ít phút nữa thôi. Một lần nữa tôi xin hết lòng cám ơn anh .

Hoài Sơn siết chặc tay ông Hiệu trưởng. Rồi hai người yên lặng ôm nhau và chia tay.

Hoài Sơn như muốn âm thầm nhắc lại trong lòng để khẳng định: Thề quyết thàng công một chuyến đi (Bân Bân nữ sĩ- “Chiếc lá thị thành”)

Sáng hôm sau, trở về thành phố Cần Thơ, Hoài Sơn dự định khi đến vùng Cái Răng Bé sẽ tạt vào đó nghe ngóng tình hình và tìm cách liên lạc với lãnh đạo để nhận lệnh. Nhưng đoàn của Hoài Sơn vừa về ngang thị xã Sóc Trăng thì đã có anh Cao Minh Hiệu và vài cán bộ  thành phố cùng một nhóm học sinh đứng chờ sẵn báo tin: có lệnh của lãnh đạo thành phố dặn Hoài Sơn không được về Cần Thơ mà phải từ Sóc Trăng này tạt qua Trà Vinh rồi đi thẳng lên Sài Gòn tạm lánh cho đến khi có lệnh mới.

Ít hôm sau, anh Trương văn Biên từ thành phố Cần Thơ lên Sài Gòn liên lạc với Hoài Sơn và trao cho anh một bản sao lệnh truy nã của địch và dặn Hoài Sơn hãy tìm nơi ẩn náu cẩn thận trong một thời gian. Hoài Sơn không bao giờ nghĩ rằng từ đó anh phải rời xa mãi mãi các mái trường thân yêu cùng các em học sinh dễ thương, các vị nhân sĩ trí thức đầy tâm huyết, các bạn chiến đấu vô cùng thân thiết của thành phố quê hương.

Cũng từ đó, do yêu cầu của cuộc đấu tranh chống Mỹ, Hoài Sơn lại bắt đầu lao vào những nhiệm vụ mới: lúc anh làm thơ ký cho toà soạn  tuần báo Hoà bình Trung lập của Ban Tuyên huấn Xứ uỷ tại Phnôm-pênh trong ba năm, khi thì hoạt động trong Mặt trận Dân tộc Giải phóng và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà Miền Nam Việt nam suốt mười lăm năm trong những khu rừng đại ngàn của chiến khu D. Hoài Sơn bồi hồi nhớ lại vào khoảng năm 1962, một đêm căng võng bên bờ suối Mã Đà, anh Lê Thiết từ Uỷ ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Tây Nam bộ được Trung ương Cục điều về “R” báo tin cho anh hay là anh Trương Văn Biên đã bị bắt. Và anh Lê Thiết đọc thuộc lòng với giọng đầy cảm xúc những câu thơ chứa chan khí tiết và yêu thương của anh Trương Văn Biên gởi vợ cũng đang bị địch bắt cầm tù. Anh Lê Thiết cũng tâm sự chân tình với Hoài Sơn: Các em học sinh đã rủ nhau đi mua những cuốn sách có chữ ký Hoài Sơn – mà vợ nhà thơ đã bán tất cả để làm lộ phí tìm đường đi theo chồng – để giữ lại chút kỷ niệm của người thầy mà các em đã sát cánh trong cuộc đấu tranh chung vì đại nghĩa dân tộc. Càng nghĩ lại kỷ niệm ngày qua, Hoài Sơn chan hoà nước mắt vì quá yêu thương anh, chị Biên và các em học sinh. Hoài Sơn cũng chợt nhớ đến Hoàng, một em nam học sinh. Một hôm trong những ngày ẩn náu ở Sài Gòn, Hoài Sơn đang đạp xe trên đường Hai bà Trưng thì em Hoàng đột nhiên cặp xe sát bên anh, nói nhỏ rất nhanh: “Thưa thầy, xin thấy tránh con đường này vì Thầy S. thường đi qua đây”. Rồi Hoàng biến rất nhanh giữa dòng người xe rộn rịp (S. là giáo sư nổi tiếng chống cách mạng, loại gián điệp chìm). Trải qua hai mươi mốt năm dài gian nan chống Mỹ, Hoài Sơn chỉ có ba năm dạy học ở thành phố Cần Thơ chôn nhau cắt rún nhưng đó là ba năm đấu tranh vô cùng sôi nổi dạt dào hạnh phúc và thắm đượm yêu thương…

Chưa tính những ngày sau đó, Hoài Sơn trở lại chiến khu Tây Ninh sau khi MTDTGP Miền Nam ra đời, Hoài Sơn phải tạm gác bút xa Nàng Thơ vì nhu cầu chính trị, hoạt động gian khổ và hiểm nguy dưới mưa bom bão đạn của đế quốc Mỹ, Tại Cục “R”, Hoài Sơn Ung Ngọc Ky được phân công giữ chức vụ Chánh văn phòng Chính phủ kiêm Thứ trưởng phủ Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam. Sau năm 1975, khi đất nước đã hoà bình, Hoài Sơn giữ chức Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh cho đến ngày nghỉ hưu.

Với lòng ngưỡng mộ cuộc đời đấu tranh và sư nghiệp văn chương của nhà thơ Hoài Sơn, tôi nhớ lại cũng có những ngày vừa dạy học tại Cần Thơ và Cái Răng – quê hương của tác giả Hương lòng và Kiếp gió sương– vừa chủ biên thực hiện các đặc san Xuân Nắng Mới liên tiếp trong ba năm (1972, 1973, 1974). Tôi có dịp hướng dẫn các em học sinh đi viếng mộ thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa- con Rồng vàng ở đất Đồng Nai – tại Bình Thuỷ, mộ nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị ở Phong Điền để thuyềt trình tại phần mộ cuộc đời đấu tranh và sự nghiệp văn chương đáng trân trọng của các danh nhân văn hoá lịch sử đó. Khi đi ngang qua vùng đất Lợi Nguyên huyền thoại anh hùng, thầy trò tôi được nhà thơ Trần Huê Phong (5), người Đầu Sấu – GS. Việt văn tại Trung học Bán Công Cái Răng cũng như nhà văn Nguyễn Bá Thế (6) ngày trước cả hai văn nghệ sĩ này là những bạn văn tri kỷ của Hoài Sơn – cũng gốc người Cái Răng- đã giúp tôi hiểu thêm rất nhiều về Hoài Sơn Ung Ngọc Ky. Từ đó tôi không khỏi ngâm ngùi nhận ra thêm về cuộc đời làm văn nghệ tiến bộ trước đây thật đầy hệ luỵ truân chuyên, vui nhiều mà buồn cũng không ít – Vui vì được hạnh phúc cầm bút nói lên cảm xúc  của mình nhưng cũng buồn vì quê hương còn chịu lắm đau thương vì bom đạn của kẻ thù. Từ đó khi nhớ đến tác giả Hương lòng, tôi càng mến thương kính trọng thêm tâm hồn và nhân cách của nhà thơ yêu nước Hoài Sơn: một hồn thơ chiến sĩ mang phong cách nhà giáo nửa mùa với câu văn ngập tràn lòng yêu nước của anh mà tôi còn nhớ mãi đến bây giờ: “Tôi yêu nước tôi, tôi mến dân tộc tôi. Một cành cây, một tấc đất của non sông hoa gấm này, không một ai được quyền xâm phạm.”  (Tôi là người Việt – Hoài Sơn).

Nguyễn Thanh

Chú thích:

(1 Nguyễn Tấn Thành (Nguyễn Thanh,…) – GV Văn và Mỹ thuật Trường Phan Thanh Gỉản, C3.TP Cần Thơ, PTTH Châu Văn Liêm. Sau 1975 là Tổng Thơ ký Hội Văn nghệ Giải phóng TP Cần Thơ:

– Phan Văn Trị – nhà thơ yêu nước miền Nam 

* Trương Văn Biên, Cán bộ Giáo dục, nguyên Trưởng ty Giáo dục Tỉnh Hậu Giang (1979) nay là TP Cần Thơ

(2) Nguyễn Bá Thảo,GS Pháp văn, nguyên Phó Chủ tịch MTDTGP Khu Tây Nam bộ

(3) Tác giả: Bông cúc vàng (truyện), Thưa mẹ trái tim (thơ) hy sinh năm 1968 tại chiến khu D

(4) Nguyễn Đức Minh, GS Âm nhạc, nhạc sĩ. Sau 1975 là Đồn trưởng CA phường An Nghiệp Cần Thơ.

(5) Nhà thơ, thuộc thế hệ của Lý Văn Sâm, Vũ Anh Khanh, Thẩm Thệ Hà… có nhiều bài thơ khá nổi tiếng đăng trên các nhật báo và tạp chí văn nghệ trong giai đọan (1949-1959).

(6) Nhà văn (1925-1996) chuyên sưu khảo cùng thế hệ với nhà thơ Hoài Sơn (1945-1965) viết báo, tiểu thuyết, sưu khảo, sau 1975 là là Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Giải phóng Thành phố Cần Thơ.

*Bài viết có tham khảo :

– Văn chương tranh đấu Miền nam – Nguyễn Văn Sâm, NXB Kỷ Nguyên, Sài Gòn, 1969

– Văn chương Nam bộ và cuộc kháng Pháp 1945-1950-Nguyễn Văn Sâm, NXB Lửa thiêng, Sài Gòn 1972

– Nhân vật và sự kiện – GD-ĐT Cần Thơ, 2005

– Tạp chí Văn nghệ Cần Thơ số 54 Tháng 9+10/2010, Liên Hiệp Các Hội VHNT TP Cần Thơ

– Và nhiều tư liệu khác…