Hoài Vũ vẫn nghe tiếng sóng trên sông Vàm Cỏ

1206

27.3.2018-11:00

 Nhà thơ Hoài Vũ đọc thơ đêm Nguyên tiêu

 

Nhà thơ Hoài Vũ:

Vẫn nghe tiếng sóng trên sông Vàm Cỏ

 

LÊ THIẾU NHƠN

 

NVTPHCM- Suốt hành trình cầm bút, nhà thơ Hoài Vũ chưa bao giờ vụt lên như một hiện tượng văn chương ở bất kỳ giai đoạn nào.

 

Con đường thi ca của ông cứ bằng phẳng, như một cá tính khiêm nhường với người, và như một thái độ tận tụy với nghề. Công chúng chỉ cảm nhận hết tấm lòng cống hiến từ nhà thơ Hoài Vũ, khi những câu chữ giàu nhạc tính của ông vang vọng trong từng khoảnh khắc nhớ nhung!

 

Năm 1947, cậu thiếu niên Nguyễn Đình Vọng rời quê nhà Mộ Đức (Quảng Ngãi) để vào Trường thiếu sinh quân Khu 5, bắt đầu thực hiện ước mơ góp sức giải phóng non sông khỏi ách nô lệ.

 

Tâm hồn non nớt ấy, nhiệt huyết hồn nhiên ấy, đã bồi đắp thêm khi Nguyễn Đình Vọng tập kết ra Bắc năm 1954 để được đào tạo bài bản. Tốt nghiệp ĐH Văn khoa tại Bắc Kinh, Nguyễn Đình Vọng lại về Hà Nội học khóa cấp tốc dành cho phóng viên chiến trường.

 

Cuối năm 1963, Nguyễn Đình Vọng cùng một đoàn văn nghệ sĩ nhận nhiệm vụ chi viện cho miền Nam đánh Mỹ. Lặn lội suốt 3 tháng, băng rừng, trèo đèo lội suối, Nguyễn Đình Vọng đặt chân đến Căn cứ Trung ương cục miền Nam. Và không ai ngờ, chính khói lửa dọc 2 nhánh sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây đã biến chiến sĩ lãng mạn Nguyễn Đình Vọng thành nhà thơ đôn hậu Hoài Vũ!

 

Bút danh Hoài Vũ, có nghĩa là nhớ mưa! Nghe hơi ướt át chăng? Không hẳn. Chàng trai Nguyễn Đình Vọng học văn chương ở Bắc Kinh nên thẩm thấu quan niệm về điềm tốt lành mà những cơn mưa mang lại cho cuộc đời. Bút danh Hoài Vũ, như một niềm nguyện cầu cho bản thân, và cũng như một nỗi mong chờ cho dân tộc.

 

Dấu vết cựu sinh viên Văn khoa Bắc Kinh không chỉ nằm ở bút danh, mà còn thể hiện rất rõ trong thơ Hoài Vũ. Đó là phong vị Đường thi, nhịp điệu chầm chậm và man mác, ý tứ tỉ tê và trắc ẩn. Một trong những bài thơ giúp khẳng định sự xuất hiện của Hoài Vũ trong làng thơ, cũng phát khởi từ Đường thi.

 

Kế thừa vẻ đẹp mong manh giữa trùng phùng và ly biệt “thiếp tại Tương giang đầu, chàng tại Tương giang vĩ, tương tư bất tương kiến, đồng ẩm Tương giang thủy” của nữ sĩ thời Hậu Đường – Lương Ý Nương trong bài thơ Trường tương tư, Hoài Vũ đã viết Gửi miền Hạ với những câu mở đầu thanh thoát: “Anh ở đầu sông, em cuối sông/ Uống chung dòng nước Vàm Cỏ Đông/ Thương nhau đã chín ba mùa lúa/ Chưa ngày gặp lại nhớ mênh mông”.

 

Tuy nhiên, dù sau này Gửi miền Hạ được đổi tên thành Anh ở đầu sông, em cuối sông thì tác phẩm của Hoài Vũ cũng không phải một bài thơ tình đơn thuần như Trường tương tư.

 

Bởi lẽ, Hoài Vũ đặt câu chuyện rung động trai gái xuống dưới câu chuyện sinh tử đạn bom, cả về kỷ niệm “Năm xưa đứng gác Vàm Nhựt Tảo/ Tân Trụ đang mùa gạo ngát hương” lẫn về thực tại “Cây bần hò hẹn không còn bóng/ Cầu ao em gội đổ chơ vơ/ Đêm đêm nghe rì rầm tiếng sóng/ Như thầm kêu du kích ven bờ”.

 

Thơ Hoài Vũ có thế mạnh vượt trội ở nhạc tính. Đã có nhiều nhạc sĩ phổ thơ Hoài Vũ để ra đời hàng chục ca khúc nổi tiếng. Thế nhưng, khi đọc thơ Hoài Vũ bằng chữ nghĩa thì sẽ thấy không ít câu thơ hay vẫn còn nằm lại văn bản, thổn thức hơn và day dứt hơn ca từ bay bổng.

 

Ví dụ, ca khúc Vàm Cỏ Đông qua giai điệu của Trương Quang Lục quen thuộc với lời hát “Ở tận sông Hồng em có biết, quê hương anh cũng có dòng sông. Anh mãi gọi với lòng tha thiết, Vàm Cỏ Đông ơi Vàm Cỏ Đông”, thì bài thơ Vàm Cỏ Đông khiến độc giả cồn cào theo góc độ khác: “Có thể nào quên những con người/ Tóc còn xanh lắm, tuổi đôi mươi/ Dám đổi thân mình lấy tàu giặc/ Nụ cười khi chết hãy còn tươi”.

 

Hoặc ca khúc Người ấy bây giờ đang ở đâu qua giai điệu của Phan Huỳnh Điểu luyến láy với lời hát “Người ấy bây giờ đang ở đâu, để vườn hoang vắng trắng bông cau, ngàn lau phủ xám đường ra bến, bờ sông lay lắt mấy chân cầu”, thì bài thơ Người ấy bây giờ đang ở đâu đắm đuối theo chiều kích khác: “Người ấy bây giờ đang ở đâu/ Ví bằng hóa đá để bên nhau/ Trái tim dám xẻ làm muôn mảnh/ Nối bến bờ xa mấy nhịp cầu”.

 

Không gian thơ của Hoài Vũ được xác lập từ chiến khu Tân Biên, Tây Ninh – nơi 2 nhánh sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây từ lưu vực tỉnh Prey Veng (Campuchia) chảy song hành dích dắc vào lãnh thổ Việt Nam, đến ngã ba Cây Bần Quỳ cuối huyện Tân Trụ, Long An – nơi 2 nhánh sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây nhập lại một dòng đổ vào sông Soài Rạp.

 

Vì vậy, suốt 10 năm ròng rã, từ 1965 đến 1975, sóng của Vàm Cỏ Đông đã lặn vào thơ Hoài Vũ mà gió của Vàm Cỏ Tây cũng thổi vào thơ Hoài Vũ.

 

Bài thơ Đi trong hương tràm, Hoài Vũ viết: “Em gửi gì trong gió trong mây/ Để sáng nay lên Vàm Cỏ Tây/ Hoa tràm e ấp trong vòm lá/ Mà khắp trời mây hương thoảng bay/ Dù đi đâu, và xa cách bao lâu/ Dù gió mây kia đổi hướng thay màu/ Dù trái tim em không trao anh nữa/ Một thoáng hương tràm cho ta bên nhau”.

 

Và lắm phen, sóng Vàm Cỏ Đông và gió Vàm Cỏ Tây cùng hội tụ trong một bài thơ của Hoài Vũ: “Đời hai ta gắn bó với hai sông/ Em – Vàm Cỏ Tây, anh – Vàm Cỏ Đông/ Mỗi tối triều lên chao sóng nước/ Bìm bịp kêu xao xác cả hai dòng!”.

 

Khoảng cách gần gũi giữa sóng Vàm Cỏ Đông và gió Vàm Cỏ Tây đã cho nhà thơ Hoài Vũ bao nhiêu quan sát và suy tư, đúng như ông bộc bạch: “Một điều tôi lấy làm tự hào là tất cả tác phẩm của mình đều được kết tinh từ tấm lòng và vốn sống thực tế chứ không phải bịa đặt. Đó là vốn sống của chính tôi, vốn sống của đồng đội và nhân dân ngay trên chiến trường khắc nghiệt nhưng cũng đầy tình yêu thương”.

 

Bằng sự đồng cảm của đồng chí, Hoài Vũ nhận ra Trên mảnh vườn cô dũng sĩ lấp lánh buồn vui khốn khó và mất mát: “Là dũng sĩ mà tâm hồn thi sĩ/ Mảnh vườn em bát ngát hương thơ/ Có ngọn tầm vông vói lên trời xanh thủ thỉ/ Có lượn sóng say mê lăn sức sống vào bờ… Ta muốn hỏi bụi tầm vông mấy lần giặc ủi/ Tầm vông nhớ ai, mà trồi dậy, đứng hiên ngang/ Ta muốn hỏi khóm huệ này, giặc từng đốt trụi/ Huệ vì ai mà xòe bông, khoe sắc giữa hoang tàn?”.

 

Thậm chí, một lần Qua cầu tre nghiêng nghiêng cũng khiến ông bâng khuâng về bóng hồng chấp nhận từ bỏ chốn phồn hoa huyên náo để nhập cuộc với cách mạng nhiều cam go: “Người yêu tôi, một cô giáo Sài Gòn/ Ngày nàng đến chiến khu, đồng còn trắng nước/ Tôi, người giao liên, dìu nàng qua cầu tre nghiêng nghiêng/ Có ngờ đâu, cây cầu tre bỗng thành cầu Ô Thước/ Nối hai trái tim: phố thị với bưng biền/ Nối hai đời người: cô giáo với giao liên/ Tôi yêu cây cầu tre, chiều qua sáng lại/ Nước có tương tư, khi nước chảy qua cầu/ Mà xanh lắm, ngày Sài Gòn đứng dậy/ Mà đục ngầu, ngày trong ấy thương đau”.

 

Nhà thơ Hoài Vũ thường làm thơ theo lối kể chuyện. Phương pháp phản ánh hiện thực vốn là kỹ năng sáng tác tối ưu của văn học giai đoạn chiến tranh.

 

Mạch thơ Hoài Vũ luôn triển khai hiền hòa theo trật tự của từng dòng thơ, từng khổ thơ. Số lượng câu thơ  lên đến vài chục, được quyết định theo chi tiết của câu chuyện cần kể. Thỉnh thoảng, trong miên man câu chuyện về tình đất, tình người lại bật ra những câu thơ xao xuyến.

 

Chẳng hạn, trong câu chuyện nông sản Nàng Thơm độc đáo, có thể trích 4 câu: “Vẫn mùi hương ấy, tình yêu ấy/ Lúa theo ta vào tận chiến hào/ Trong ngần đấy, dễ gì ta thấy/ Giọt lệ buồn trong ánh mắt em trao”. Hoặc trong câu chuyện Trời mênh mông, đất mênh mông gieo neo kháng chiến, có thể trích dẫn 4 câu: “Thời gian như một mũi tên/ Thoắt bay, ngó lại, đời trên nửa đời/ Lạ chưa? Cuối đất cùng trời/ Đi đâu ta cũng hát lời sông xưa”.

 

Nhà thơ Hoài Vũ chiến đấu như một người lính đích thực ở vùng ven Sài Gòn. Trong cuộc nổi dậy Mậu Thân, nhà thơ Hoài Vũ tham gia cả 2 đợt công kích. Đợt thứ nhất, Hoài Vũ viết bút ký Thư Tân Sơn Nhất vào tháng 2-1968, in ở Văn nghệ Giải phóng, đã tạo cảm hứng cho nhà thơ Lê Anh Xuân có bài thơ lừng lẫy Dáng đứng Việt Nam.

 

Đợt thứ hai, Hoài Vũ nhận được sự che chở và đùm bọc của người dân vùng địch hậu để rút lui an toàn vào tháng 6-1968, đã viết bài thơ Hoàng hôn lặng lẽ đền đáp ân tình quân – dân. Nhạc sĩ Thuận Yến đã mượn một số câu trong Hoàng hôn lặng lẽ để phổ thành ca khúc Chia tay hoàng hôn mang thanh âm của đôi lứa.

 

Còn bản gốc bài thơ Hoàng hôn lặng lẽ thấm thía hơn và nghẹn ngào hơn: “Anh phải về thôi, xa em thôi/ Ngoài kia phiên chợ vãn lâu rồi/ Giọt nắng cuối ngày rơi xuống tóc/ Mà lời từ biệt chẳng lên môi/ Anh phải về thôi, xa em thôi/ Xa vườn xưa, đôi chiền chiện tha mồi/ Hoa khế rụng tím ngầm hầm bí mật/ Ðể mãi lòng ta xao xuyến bồi hồi/ Anh như cơn gió bay khắp chốn/ Ðể lại mình em với ruộng, với vườn/ Mồ hôi đổ giữa ngày mùa bận rộn/ Nước mắt trào lạnh buốt những đêm sương/ Xa em, anh như tia nắng đi trên cát/ Thèm một dòng sông, những cánh đồng/ Xa em, anh như người hát sau đêm hát/ Chỉ thấy gió vật vờ qua những tấm phông/ Anh đi em nhé! Lòng nhủ khẽ/ Hoàng hôn cũng về, dịu êm và lặng lẽ/ Một tiếng còi tàu vọng lại phía sông xa/ Như muốn nhắc thầm anh: Cơn bão sắp đi qua…”.

 

Thơ Hoài Vũ dịu nhẹ như con người của ông, nên đôi lúc rộng rãi về cảm xúc và hào phóng về ngôn từ. Sau ngày đất nước thống nhất, nhà thơ Hoài Vũ cũng được đảm nhiệm nhiều chức vụ, nhưng trước hết và sau cùng thì ông vẫn là một nhà thơ cách mạng, một nhà thơ chân thành ngay giữa những bộn bề và ganh đua: “Không có tình yêu nào làm lòng ta nhức nhối/ Như tình yêu Trường Sơn dưới bom gầm pháo dội/ Không có tình yêu nào khiến đời ta sôi nổi/ Như tình yêu Trường Sơn lượn giữa mây xanh/ Lớn lên bằng tiếng động Trường Sơn, màu sắc Trường Sơn/ Nên tâm hồn ta ngang dọc những lối mòn/ Dẫu chưa về lại rừng xanh thẳm/ Vẫn nghe thác đổ giữa Sài Gòn”.

 

 

>> XEM CHÂN DUNG & PHỎNG VẤN NHÂN VẬT KHÁC…