Hoàng Dự – đường đời, đường văn…

1128

 Triệu Phong

(Vanchuongphuongnam.vn) – Như mọi thanh niên miền bắc những năm tháng chiến tranh, 15 tuổi chàng trai trẻ Hoàng Dự đã tình nguyện giã từ quê hương Ý Yên, Nam Định lên đường nhập ngũ, trở thành một người lính của binh chủng Tăng Thiết giáp. Đơn vị của anh từ Hà Tĩnh đã hành quân vào miền Đông Nam Bộ, đóng quân ở Lộc Ninh (Bình Phước) và tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa xuân năm 1975.

Sau giải phóng, vốn yêu văn học, Hoàng Dự xin về công tác tại Chương trình phát thanh Thanh niên Đài tiếng nói Việt Nam. Ngày ấy tôi thường thấy đêm thì anh ngồi viết, ngày thì anh đi mời gọi các diễn viên, luyện tập và chiếu tối thì thu thanh ở phòng bá âm Đài TNVN các câu chuyện truyền thanh này để mỗi sáng chủ nhật lại được phát trên làn sóng phục vụ bạn nghe đài là tuổi trẻ khắp miền đất nước. Hấp dẫn, ăn khách, được khán thính giả yêu thích lắm. Phần lớn những câu chuyện truyền thanh này do chính Hoàng Dự sáng tác, từ chuyện xóm làng của anh nơi quê hương Ý Yên, Nam Định, đến chuyện chiến đấu của những người lính nơi mặt trận miền đông Nam bộ. Mỗi câu chuyện ấy có thể coi như một truyện ngắn, chỉ thay vì truyện ngắn in thì đọc bằng mắt, còn truyện ngắn thu thanh của Hoàng Dự thì khán thính giả được thưởng thức bằng… tai, với những diễn xuất của các nghệ sỹ Tất Bình, Minh Hòa, Lan Hương, Bích Ngọc, Phạm Đông, Tiến Mạnh… như ru lòng người. Tên tuổi biên kịch Hoàng Dự với nhiều khán thính giả ngày ấy nổi tiếng không kém những ngôi sao nghệ thuật trên!

Thế rồi bất giác năm 2004, Hoàng Dự cho ra mắt  tiểu thuyết “Đường đời”, và xem ra càng nổi tiếng hơn. Gần như in số lượng nào cũng không xuể, tái bản đến 9 lần ở các NXB Công an Nhân dân, Văn học, Hội Nhà văn, và ngay tắp lự được dựng thành phim truyền hình 25 tập của Đài THVN hết sức lôi cuốn người xem. Nói về tiểu thuyết này – kể như tác phẩm văn học đầu tay của mình, Hoàng Dự tâm sự:

– Tôi quen lương y Nguyễn Hữu Khai vào năm 1996, dạo đó là cuối năm, nhân kết thúc cuộc thi kiến thức “Sức khỏe cho mọi người” do Báo Sức khỏe và Đời sống tổ chức (Khi này tôi đang công tác ở báo này). Trong lúc trò chuyện với Khai, tôi và nhà văn Võ Khắc Nghiêm đều có cảm tình và bị cuốn hút khi anh kể chuyện về nghề thuốc, về Công ty Đông Nam dược Bảo Long và cả những khó khăn, thử thách trong quá trình lập nghiệp. Ngay lúc đó cả tôi và anh Nghiêm đều nhận ra, đây là nguyên mẫu rất hay cho 1 cuốn tiểu thuyết hoặc một bộ phim dài tập. Vậy là tôi và anh Nghiêm cùng “đeo bám” Khai để lấy tài liệu. Khi đã có vốn kha khá, tôi đề nghị với anh Nghiêm nhường cho tôi nguyên mẫu này để tôi viết một cuốn tiểu thuyết. Anh Nghiêm tiếc lắm, nhưng chiều tôi nên đồng ý và khuyến khích tôi nên bắt tay vào viết ngay.

Dự định là vậy, nhưng phải đến cuối năm 1997, bất ngờ bị tai nạn xe máy, bong gân khớp gối phải nằm nhà, tôi mới bắt tay vào viết. Lúc đó, do chân bị đau, nằm ở nhà buồn không biết làm gì, nên viết cũng là cách để giảm đau và khỏi nghĩ vẩn vơ. Tôi viết liền trong vòng 1 tháng, được khoảng 10 chương. Sau đó, chân đỡ, đi làm vẫn phải chống nạng và tôi tranh thủ viết những lúc rảnh ở cơ quan được thêm mấy chương nữa. Nhưng khi chân khỏi hẳn, do công việc bận, tôi không viết tiếp được. Mãi đến cuối năm 2000, cuốn tiểu thuyết mới hoàn thành. Như vậy là phải mất 4 năm, cuốn tiểu thuyết mới ra mắt bạn đọc…

“Đường  đời” được ban đọc đón nhận nhiệt tình, được tái bản nhiều lần, mỗi lần tái bản số lượng lên tới 10 ngàn bản, lại được dựng thành phim 25 tập, nó đúng  là một thành công vượt cả mong đợi với một người vừa tập tễnh bước vào một lĩnh vực mới – sáng tác văn học – như tôi”.

Sau “Đường đời”, Hoàng Dự cho ra tiếp tập truyện ngắn ”Sống vì người đã chết”, cũng do NXB Văn học xuất bản. Đánh giá về tập truyện này, nhà văn vô cùng thân thiết và tri âm tri kỷ với Hoàng Dự là Võ khắc Nghiêm ghi nhận: ”Sống vì người đã chết” gồm những truyện ngắn mang một chủ đề rõ rệt: dù chiến tranh đã lùi xa 30 năm, những con người Việt Nam vẫn còn phải chịu di chấn nặng nề mà hồi ức thương nhớ, hoài niệm và tự hào về một quá khứ hào hùng luôn thôi thúc nhắc nhở những người đang sống phải nỗ lực hết mình để xứng đáng với người đã khuất”. Điều càng thú vị hơn, đến 15 năm sau, dư ba của truyện vẫn còn lan sóng trong lòng nhiều độc giả, như của cô giáo Bùi Thị Biên Linh nơi miền đất đỏ Phước Long – mảnh đất năm xưa Hoàng Dự từng chiến đấu và in dấu ấn sâu sắc trong văn chương của Hoàng Dự“. Nhà văn Hoàng Dự đã từ hiện thực cuộc sống của hàng triệu gia đình Việt Nam vừa trải qua chiến tranh mất mát để khái quát thành một truyện ngắn thật hay thật hấp dẫn đầy kịch tính và thấm đẫm giá trị nhân văn cao cả. Tác phẩm gợi liên tưởng đến sự hi sinh thầm lặng nhân ái của những nhân vật trong một bộ phim nổi tiếng “Bao giờ cho đến tháng 10” của đạo diễn Đặng Nhật Minh. ”Sống vì người đã chết” như một vở bi kịch nhưng vở bi kịch ấy có cái kết bất ngờ và hoàn hảo “có lẽ tình yêu con cái, khát vọng sống để hy vọng có ngày đoàn tụ của ông bà đã làm lay động tình cảm của tất cả những người tham gia vào câu chuyện li kì này. Đó là sức mạnh của một niềm tin thật lớn lao thật thiêng liêng, hật kiên cường.

Câu chuyện không dài nhưng sức lay động và thông điệp sâu lắng ấm áp mà nó gửi đến cho người đọc, gửi đến với mai sau thật dạt dào, bền bỉ. Những trang văn như thế sẽ như những dòng sông kí ức lưu lại những yêu thương đau khổ nhưng vẫn đẹp đẽ ân tình như một bản tình ca qua đạn lửa gửi đến mai sau. Khép lại tác phẩm một chân lý bình dị mà sâu sắc được mở ra “Cả ông bà đều không biết được rằng trong suốt một thập kỉ… bao người như cô Thái, Hoàng Vũ, vợ chồng anh Thuận – hai cháu Thành và Trang con của anh chị và biết bao người khác nữa đã “sống cùng người đã chết” làm sống lại một con người, làm sống lại một tình yêu và niềm tin vào sự trường tồn của tình cha con, tình mẫu tử” (Bùi thị Biên Linh).

…Vâng, đấy là “đường đời”, đường văn của nhà văn Hòang Dự, Hội viên Hội nhà văn Việt Nam, nhà văn vốn xuất thân là người lính tăng thiết giáp, từng kinh qua ba lần đảm nhận vị trí Tổng biên tập: Giám đốc – Tổng biên tập Trung tâm truyền hình Thanh niên, TBT báo Thanh niên thời đại, TBT báo Thể thao VN, và từ tháng 6 vừa qua, lần thứ tư anh lại được bổ nhiệm chức vụ TBT Thời báo Văn học Nghệ thuật – một tờ báo mới toanh của của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật VN mà chủ tịch Liên hiệp các hội VHNT VN – Nhà thơ Hữu Thỉnh làm Chủ tịch Hội đồng biên tập của báo.

“Đường đời” năm xưa đã rực rỡ. Đường văn hôm nay của Hoàng Dự cũng đang rất thênh thang. Anh vẫn như vậy: Hồn nhiên, xông xáo, yêu nhiều, viết nhiều, ân tình với anh em bạn bè và tối tối khi thì chỉnh trang  từng trang báo, khi thì viết tiếp những dòng mới cho một bộ tiểu thuyết ấp ủ nhiều năm của mình: Tiểu thuyết “Nước mắt làng tôi” mà thời gian qua anh đã viết được hơn 300 trang…

Hy vọng cùng nhà  thơ Hữu Thỉnh, những người  lính tăng thiết giáp năm xưa, các anh vừa làm chủ báo, vừa cầm bút với tình yêu văn chương luôn cháy bỏng, Hoàng Dự sẽ có thêm những  thành công mới trên con đường văn chương mà đông đảo bạn đọc đang đợi chờ anh…

T.P