Hoàng Nhật Tuyên và “Nhà em phía bên kia sông”

1312

Khuê Việt Trường

Đọc ”Nhà em phía bên kia sông” Tập truyện Hoàng Nhật Tuyên – NXB Quân Đội Nhân Dân – 2021

Vanchuongphuongnam.vn)“Nhà em phía bên kia sông” là cuốn sách thứ 13 của Nhà văn Hoàng Nhật Tuyên, kể từ cuốn truyện dài “Dưới chân Hòn Cối” xuất bản năm 1987. Anh sinh năm 1955 tại Quảng Nam, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, sinh sống và làm việc tại Nha Trang; nguyên là Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Khánh Hòa, hiện là Biên tập viên Tạp chí Nha Trang. Anh là một người hòa đồng, vui vẻ và trong giao tiếp cởi mở. Anh viết lặng lẽ, quan sát cuộc sống đưa vào truyện, anh tỉ tê dẫn dắt bạn đọc đến với câu chuyện của mình, òa vỡ từ hiện tại mở ra với quá khứ, không đột biến nhiều. Sức hút trong văn của Hoàng Nhật Tuyên giống như người kể chuyện, và dẫu mọi câu chuyện như thế nào, độc giả luôn thở phào nhẹ nhõm khi đọc đến dòng cuối cùng của câu chuyện, anh viết luôn có hậu.

Tập truyện “Nhà em phía bên kia sông” của Hoàng Nhật Tuyên

Tập truyện “Nhà em ở bên kia sông” với bìa sách là một ngôi nhà nằm ven sông, ráng chiều đỏ cả bầu trời, chỉ bao nhiêu đó thôi khiến cho người cầm cuốn sách trên tay đã có một chút gì buâng khuâng. Và với 19 câu chuyện: Giữa mùa gió nam non, Biển chiều, Hạt mưa sa, Về bến sông xưa, Nhà em ở bên kia sông… là nhớ về, là kỷ niệm, là gặp gỡ và có cả biệt ly. Theo Hoàng Nhật Tuyên, đây là những truyện ngắn anh mới viết những năm gần đây, chưa công bố trên báo chí.

Truyện “Nhà em ở bên kia sông” làm chủ đề cho tập truyện viết nhẹ nhàng: Là kỷ niệm ùa về đối với Tuấn trong một ngày tháng Giêng. Quê của anh nằm bên bờ sông Cái, và cả thời thơ ấu của anh có biết bao kỷ niệm.  Trong câu chuyện anh nhắc tới Duyên, Duyên nhà ở bên kia sông là mối tính đầu thơ dại của anh: “Tình yêu của tôi dành cho Duyên là tình yêu đầu đời và em cũng thế, tình yêu của tuổi đôi mươi cuồng say, không gợn chút băn khoăn tính, toán…”. Để rồi qua bao nhiêu giông tố của đời, chuyến về ấy: “Tôi đứng mãi một hồi lâu. Trong bầu trời đêm, hình như có một con vạc đi tìm bạn. đang bay trên bầu trời, cất tiếng kêu lên những tiếng “vạc, vạc” rời rạc, lanh lảnh. Nhà em ở phía bên kia sông”. Tình đầu với anh là vậy, “Mối tình đầu tiên đôi khi không phải là người mà bạn dành tặng nụ hôn đầu hay người mà bạn hẹn hò lần đầu tiên. Mối tình đầu tiên chính là người mà dẫu đã cố quên biết bao nhiêu lần, họ vẫn lì lợm ở lại trong tim bạn”.

Câu chuyện ông Hiền thiến heo trong “Mây trắng trên cao” là một câu chuyện lạ. Khởi đầu là giấc mơ thấy ông hiện về sau khi đã chết, từ đó dẫn dắt cho người đọc về hình ảnh người đàn ông chuyên đi thiến heo. Ngày sắp qua đời vì ung thư, ông lẻn vào Hợp tác xã lấy giấy nợ của bà con xã viên đốt hết như một cách cho bà con thoát nợ theo cách của ông.

Câu chuyện: “Giữa mùa gió nam non” khiến độc giả tò mò gió “nam non” là ngọn gió gì? Đó là câu chuyện ở Xóm Núi: “Chuyện thằng Hiển đưa một cô gái trẻ cùng đứa con còn bé về nhà mình mới chiều hôm trước đã loang ra Xóm Núi”. Chuyện râm ran vì anh và Duyên sắp cưới nhau, đằng này anh lại mang về một cô gái và đứa con. Thật ra chỉ là chuyện anh gặp hai mẹ con ngồi khóc, tạm đem về cho nương nhờ… Để rồi: “Những mùa gió nam non – những luồng gió bắt nguồn từ phía Tây, vượt qua Hòn Đụn và đang tràn vào Xóm Núi”.

Những câu chuyện rất đời ấy đã tạo cho người đọc cái cảm giác buâng khuâng, đôi khi bật cười đã tạo nên một nét riêng trong truyện Hoàng Nhật Tuyên.

K.V.T