Hoàng Nhuận Cầm một đời chung thủy với thơ ca

584

Thi sĩ Hoàng Nhuận Cầm qua đời khi chưa kịp xuất bản tập thơ mới và một tuyển tập bình thơ.

Tối 20/4, nhiều bạn văn, độc giả dẫn hai câu thơ Hoàng Nhuận Cầm viết trong bài Một mai để tưởng nhớ cố thi sĩ: “Một mai chết thật âm thầm/ Mấy cành cỏ dại khẽ trầm ngâm ru”. Nhà thơ mắc bệnh phổi vài năm nay, thường xuyên bị những cơn ho, chứng tức ngực hành hạ. Ông mất trong căn nhà tập thể ở phố Lò Đúc, Hà Nội, vào buổi chiều.

Hoàng Nhuận Cầm đa tình nhưng cô đơn. Ông trải qua ba cuộc hôn nhân, có bốn người con, hai con lớn ở nước ngoài, hai người con thứ sống gần nhà ông. Nhà báo, nhà thơ Đỗ Anh Vũ – một người bạn thân thiết với Hoàng Nhuận Cầm – kể hàng ngày, ông sống một mình trong phòng tập thể cũ, nhỏ, sách vở và kịch bản chất đầy. Chiều tà, trên chiếc xe máy cà tàng, Hoàng Nhuận Cầm sang thăm mẹ ông ở Đầm Trấu rồi quay về. Ông ăn uống giản dị, thực đơn quanh năm chỉ có đậu, trứng, cà chua, kẹo lạc, cá khô…


Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm tại buổi gặp mặt truyền thống của cựu sinh viên thủ đô tham gia chiến đấu chống Mỹ, do Thành đoàn, Hội sinh viên Hà Nội tổ chức năm 2015.

Tình yêu trọn vẹn nhất trong đời được Hoàng Nhuận Cầm dành cho thơ ca. Nhà thơ Anh Vũ nói: “Anh là thi sĩ theo nghĩa nguyên thủy nhất của từ này – yêu thơ mê đắm đến độ ăn cũng thơ, ngủ cũng thơ, vừa rót nước vừa nghĩ thơ”. Trước khi mất, ông cùng Anh Vũ biên soạn hai tập thơ – Tiếng thời gian, Hà Nội trong mắt thơ, mỗi tập gần 200 bài, dày 500 trang. Nhiều đêm, nhà thơ thức đến 2-3h để tìm bằng được một bài thơ cũ đưa vào tuyển tập. Ông dự định tự vẽ bìa cho tập thơ sắp xuất bản, bên trong là 27 bài do ông nắn nót viết tay. Nhà thơ cũng mới hoàn thành bản thảo Cùng bạn đọc thơ, gồm những sáng tác hay và lời bình do ông viết.

Nhà thơ Anh Ngọc nhớ Hoàng Nhuận Cầm nói chuyện duyên dáng, dí dỏm. Mỗi lần đọc thơ, ông say sưa như “lên đồng”. Giọng vừa hào sảng vừa trữ tình, khiến người nghe rưng rưng. “Chỉ cần nghe Cầm đọc thơ là biết cậu ấy yêu thơ đến điên dại”, Anh Ngọc nói. Hoàng Nhuận Cầm và Anh Ngọc cùng nhập ngũ ngày 6/9/1971, cùng được giải thưởng Báo Văn nghệ năm 1972 – 1973. Anh Ngọc được giải nhì, Hoàng Nhuận Cầm xếp thứ nhất, với chùm thơ trong đó có bài Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu. Anh Ngọc đọc lại những vần thơ trong tác phẩm để tưởng nhớ bạn:

“Ra mặt trận lúc giọng ve kêu mau
Là khẩu lệnh khẩn trương vào trận cuối
Những báng súng trong tay đều nóng hổi
Những tim người đập theo tiếng ve kêu…

Mùa khô ơi, mùa khô thân yêu
Dẫu hòn bi lăn hết vòng tuổi nhỏ
Nhưng trong những ba lô kia, ai bảo là không có
Một hai ba giọng hát chú ve kim?”

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên viết về Hoàng Nhuận Cầm trong tập phê bình Nhà văn như Thị Nở (2014): “‘Hơn hai mươi năm trước, giữa một mùa hè đỏ lửa, có anh lính đi vào trận mạc vẫn hồn nhiên mơ mộng nghe được ‘tiếng chim trên đồi chốt’. Anh trong trẻo lắm (tôi còn muốn nói là anh trong suốt lắm) nên dẫu ‘tiếng kêu con cuốc chạy về quả tim’ chạnh niềm phân chia đất nước thì đó vẫn mới chỉ là chút đau nhẹ nhàng thoáng qua chưa đủ làm anh thôi nghiêng nghiêng cái mũ tai bèo để ‘nghe lăn lăn những tiếng chim xuống hầm'”.

Tiếng ve, cành phượng hồng nhiều lần trở đi trở lại trong các tác phẩm của ông. Đề cập tình yêu lãng mạn, mộng mơ, những vần thơ của ông ẩn chứa chút ngượng nghịu của tuổi mới lớn, khiến chúng đi vào lòng người nghe một cách tự nhiên, còn ông được gọi là nhà thơ của tuổi học trò. “Con ve tiên tri vô tâm báo trước/ Có lẽ một người đã bắt đầu yêu” hay nhiều câu thơ khác một thời được chép trong lưu bút nhiều thế hệ.

Nhà báo Trần Nhật Minh – người cùng Hoàng Nhuận Cầm thực hiện talkshow Đôi bạn văn chương trên Đài Tiếng nói Việt Nam – nói: “Kiểu thơ của Hoàng Nhuận Cầm một thời bị sao chép trong giảng đường sinh viên, rất phù hợp để hào sảng và say đắm đọc trong những đêm thơ. Nhiều người làm thơ hay nhưng chủ yếu chỉ đọc bằng mắt, khó thù tạc, ngâm vịnh. Thơ Hoàng Nhuận Cầm đạt được cả hai cách”.

Bạn học của cố thi sĩ thường kể câu chuyện cách đây gần 20 năm, trong đêm kỷ niệm ngày thành lập khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội, Hoàng Nhuận Cầm và Lâm Huy Nhuận cùng được mời dự. Nghe Hoàng Nhuận Cầm “lên đồng” trên sân khấu, Lâm Huy Nhuận nói: “Thơ Cầm hợp, chứ thơ anh chịu, không đọc to thế được”.

Trong lúc ấy, Hoàng Nhuận Cầm hăng say đọc:

“Em thấy không tất cả đã xa rồi
Em thấy không, tất cả đã xa rồi
Trong tiếng thở của thời gian rất khẽ
Tuổi thơ kia ra đi cao ngạo thế
Hoa súng tím vào trong mắt lắm mê say”


Tuyển tập “Xúc xắc mùa thu” của Hoàng Nhuận Cầm, xuất bản năm 1992. 

Nhật Minh cho rằng “màu thơ” của Hoàng Nhuận Cầm sẽ trường tồn với thời gian: “Hoàng Nhuận Cầm là một trong số không nhiều thi sĩ có các fan là nữ sinh. Những cuốn sổ tay một thời nữ sinh thút thít chép thơ anh giờ dẫu có úa vàng và các nàng đã có chồng thì những bài thơ vẫn còn xanh. Nhiều người làm thơ chỉ hợp một mùa. Mùa khác không có cảm xúc, làm không nổi. Cầm thuộc nhóm nhà thơ xúc cảm cả bốn mùa. Bất luận là mùa nào thì nó vẫn cứ rực lên một màu cảm xúc chói gắt. Cái màu đó, tôi gọi là ‘màu Cầm'”.

Theo Hà Thu/VnExpress