Hoàng Tố Nguyên – Một nhà thơ Nam bộ

2156

Nguyễn Thanh

(Vanchuongphuongnam.vn) – Trong không gian thi ca Nam bộ từ cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp, nhà thơ Hoàng Tố Nguyên là một thi tài đích thực nhưng từ trước đến nay văn học sử chưa nhắc đến ông nhiều. Thơ và cuộc đời Hoàng Tố Nguyên gắn liền với đất mẹ và cuộc chiến đấu chống ngoại xâm gian khổ của dân tộc. Trong giai phẩm mùa thu Thơ mùa giải phóng (NXB Sống Chung, 1949 Sài Gòn) tên ông được đứng chung với 20 nhà thơ yêu nước: Hoàng Tấn, Khổng Dương, Hoàng Tố Nguyên, Bân Bân nữ sĩ, Nguyễn Bính, Thâm Tâm, Thẩm Thệ Hà, Tố Hữu, Vũ Anh Khanh, Xuân Miễn… Tác phẩm chủ yếu là thơ gồm có: Từ nhớ đến thương (1950), Truyện thơ đổi đời (1955), Truyện thơ cô gái bần nông sông Hồng (1956), Đất nước (1956), Gò Me (1957), Quê chung (1962), Gửi chiến trường chống Mỹ (1966), Tên quê hương (1976), Từ nhớ đến thương (1980), … Nhà thơ Hoàng Tố Nguyên từng làm Biên tập viên báo Văn nghệ, báo Độc lập và Ủy viên thường trực Ban Đại diện văn nghệ Nam bộ.

Đất Tiền Giang ngày nay, trước thuộc Mỹ Tho, Gò Công – là vùng địa linh nhân kiệt đã đi vào thi ca dân gian: Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ, đèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu/ Anh về học lấy chữ nhu/ Chín trăng em cũng đợi, mười thu em cũng chờ. Mảnh đất ấy đã gắn liền với tên tuổi của nhân vật lịch sử và văn nghệ sĩ nổi tiếng như Nguyễn Trung Trực đốt chìm tàu Espérance (Hy Vọng) của Pháp, vua Quang Trung phá tan quân Xiêm tại Rạch Gầm (1785), NSND Phùng Há, nghệ sĩ tài danh tiền phong từng đem chuông đi đánh xứ người Năm Phỉ, NSND Bảy Nam, NSND Kim Cương, danh ca Phương Dung. Nơi đây cũng từng in dấu chân của ông hoàng thơ tình Xuân Diệu một thời làm thư ký Sở Đoan Mỹ Tho, tiểu thuyết gia Hồ Biểu Chánh, nhà văn Đoàn Giỏi… và nhà thơ yêu nước Hoàng Tố Nguyên vào đầu thời thời kỳ cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp.

Nhà thơ Hoàng Tố Nguyên (1929- 1975) tên thật Lê Hoằng Mưu, sinh ra tại xã Bình Ân, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Sau khi học tiểu học ở quê nhà và trung học Mỹ Tho (Collège de My Tho), ông lên Sài Gòn học trường Mỹ thuật Gia Định. Nơi đây, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Nam bùng nổ (23/9/1945), theo tiếng gọi non sông, Lê Hoằng Mưu gia nhập lực lượng vũ trang hoạt động bí mật ở nội thành Sài Gòn, sau đó hoạt động văn nghệ và tuyên truyền. Sau đó, ông ra vùng kháng chiến (1947-1949) giữ chức Chủ tịch hội Học sinh Mỹ thuật kháng chiến. Năm sau, Hoàn Tố Nguyên làm cán bộ Thông tin Thủ Dầu Một phụ trách tuyên truyền, vẽ tranh cổ động, làm thơ, viết báo. Dù còn rất trẻ và bận rộn với công tác chính trị, Lê Hoằng Mưu đã có thơ đăng trên các báo. Thời gian 1950-1952, ông là Trưởng Ban Tuyên truyền Tỉnh đoàn Thanh niên Cứu quốc Thủ Dầu Một rồi Ủy viên Ban Chấp hành Phân hội Văn nghệ Liên tình Thủ Biên (Thủ Dầu Một- Biên Hòa) sau đó làm cán bộ Sở Thông tin Nam bộ.

Sau hiệp định Genève (1954), Hoàng Tố Nguyên tập kết ra Bắc, làm Biên tập viên báo Văn nghệ, Ủy viên Thường trực Ban Đại diện Văn nghệ Nam bộ. Năm 1959, ông về làm Biên tập viên cho báo Độc lập, coi luôn cả phần mỹ thuật một thời gian Mười năm sau (1969), ông về xây dựng phong trào văn nghệ ở tỉnh Hà Tây và sau đó ông về công tác ở hội Văn nghệ tỉnh Thái Bình (1974).

Cũng như họa sĩ Nguyễn Sáng (), tác giả bức tranh nổi tiếng “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” gốc người Bến Tre, sau ngày thống nhấn đất nước (1975), Hoàng Tố Nguyên chưa có cơ hội trở về miền Nam. Nhà thơ vẫn trụ lại công tác ở miền Bắc, quê hương thứ hai của mình từng với tâm trạng đau đáu ngày Bắc đêm Nam. Nét tài hoa về văn nghệ thì anh em văn nghệ sĩ kháng chiến Nam Bắc thời đó ai cũng nghe biết. Chỉ có chân dung đích thực bằng xương bằng thịt của ông thì ít người biết. Hoàng Tố Nguyên bị hỏng một chân từ nhỏ, đi phải chống đôi nạng nhưng thể lực của nhà thơ thì rất sung mãn. Khi cần đi nhanh, nhà thơ có thể quăng từng bước dài mà có thể ít ai theo kịp, cả lúc chống nạng lên dốc thang hoặc bon bon trên xe đạp ông cũng không cảm thấy khó khăn!

***

Thực khó hình dung con người đậm chất Nam bộ, thích ăn to nói lớn, chè rượu như Hoàng Tố Nguyên lại sở hữu những vần thơ trữ tình, da diết với Gò Công quê hương nhau rún mà không biết bao giờ ông mới được trở về: Quê tôi đó, mặt trông ra bể / Đốm hải đăng tắt lóe đêm đêm / Con đê, cát đỏ cỏ viền / Leng keng nhạc ngựa ngược lên chợ Gò (Gò Me). Bốn câu thơ song thất lục bát của một bài thơ dài mà cô đọng, chấm phá vài nét như một bài thơ tứ tuyệt hàm súc vì giàu hình tượng và màu sắc, âm thanh. Quê hương Hoàng Tố Nguyên không chỉ có bể cả mà còn có ruộng mênh mang cò bay mỏi cánh với lúa nàng keo và ao nước trong như mắt người yêu, xài hoài không hết: Ruộng Gò Công, cò bay thẳng cánh / Ao Gò Me nước gánh không vơi // Ruộng vây quanh, bốn mùa gió mát / Lúa nàng keo cháy rực mặt trời / Ao làng trăng tắm mây bơi / Nước trong như nước mắt người tôi yêu. Những tên đất dựa vào đặc thù thiên nhiên theo cách gọi Nam bộ, gợi lên không gian lịch sử, cái không khí mở cõi của một thời khai hoang lập ấp: Ông Trương… đám lá tối trời đánh Tây.

Với nhà thơ Hoàng Tố Nguyên, ngoài bài thơ Xuân về say ý nhạc (1949), một bài thơ xuất sắc của ông ca ngợi cuộc chiến đấu chống xâm lăng Pháp. Trong tập thơ Gò Me, bài thơ cùng tên Gò Me được nhiều người coi là hay nhất. Bài thơ nói lên cảnh vườn ruộng bao la, ao đê thôn dã, còn có cả những cô gái Gò Me hồn nhiên xinh xắn, lại giỏi giang, biết lạc quan ca hát trong cuộc sống: Những chị, những em má núng đồng tiền / Nọc cấy tay tròn, nghiêng nón làm duyên / Véo von điệu hát cổ truyền / Tre thôi khúc khích, mây chìm lắng nghe. Hai câu lục bát cuối khổ thơ của Hoàng Tố Nguyên khiến tôi không khỏi nhớ đến hai câu cuối đoạn thơ mới bảy chữ của nhà thơ Thế Lữ mô tả ma lực của tiếng hát tuyệt vời của một thiếu nữ: Tiếng hát trong như nước ngọc tuyền / Êm như hơi gió thoảng cung tiên / Cao như thông vút, buồn như liễu / Nước lặng, mây ngừng ta đứng yên (Mấy vần thơ). Trong Gò Me, đã có những câu thơ tả cảnh rất nghệ thuật: Nắng ửng chòm tre, gió thoảng đưa / Búp non thắp sáng, lá cành thưa / Chim mang tiếng hót ra hong nắng / Tơ nhện vương sương trắng cỏ bờ. Óc tưởng tượng và tài quan sát thiên nhiên của Hoàng Tố Nguyên thật vô cùng tinh tế và đầy nét sáng tạo: Ao làng trăng tắm, mây bơi / Nước trong như nước mắt người tôi yêu. Hoàng Tố Nguyên xứng đáng được ngồi cùng chiếu thơ với các thi sĩ tả thực nổi tiếng như : Đoàn Văn Cừ, Anh Thơ, Bàng Bá Lân…

***

Nhìn chung, quỹ đạo tư tưởng thơ Hoàng Tố Nguyên xoay quanh ba chủ đề: ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ kính yêu vĩ đại của dân tộc, sự xây dựng chủ nghĩa xã hội miền Bắc trong lao động và chiến đấu và quê hương miền Nam trong đấu tranh giải phóng dân tộc.

Bài thơ Hương Canh sáng tác trong những năm miền Bắc chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ chứa chan niềm lạc quan chiến đấu anh dũng và tinh thần gian khổ trong lao động xây dựng đất nước: Tiễn anh đến ga, em tất tả quay về / Nón ngụy trang lá rám nắng hè / Phía Hà Tây ran từng tràng cao xạ / Trong chống Mỹ đang mong tửng rãnh mạ / Kẽng đội mình sắp sửa vang ngân / Em phải về cho kịp buổi ra quân / Tàu chuyển bánh, anh không ngoái lại…

Dù ở trong hoàn cảnh ly hương và chiến đấu, Hoàng Tố Nguyên cũng khát thèm những ký ức tuổi thơ về mẹ với những làn roi giơ cao đánh khẽ: Lòng tôi chỉ khát thèm vô hạn / Những làn roi mẹ đánh cuối năm / Nũng làn roi mẹ dấu mặt khóc thầm / Những làn roi giơ cao đánh khẽ…/ Ở tay người mẹ thương con né chặt trong lòng (Khát một mùa xuân).

Yêu quê hương, nhớ mẹ hiền, nhà thơ không khỏi tránh được lòng căm thù bọn thực dân đã làm cho người dân quê chất phác, sớm chiều lam lủ làm ăn mà vẫn không đủ miếng cơm manh áo: Ô Gò Me! / Các bác, các cô / Các cô các cậu / Mồ hôi muối trắng hai vai áo / Đêm không đèn húp cháo thay cơm / Nhặt từng hạt lép trong rơm / Nhìn bầu sữa cạn, thương con héo gầy (Gò Me). Từ đó, nhà thơ cất vang tiếng hát “ra trận” cùng đồng bào ở quê hương Gò Me vùng lên chiến đấu: Hoa mai nở trên súng người ra trận / Tiếng thét biểu tình chấp cánh điệu dân ca.

Trong những năm đế quốc Mỹ đánh phá miền Bắc, thơ Hoàng Tố nguyên thể hiện tinh thần lạc quan trong chiến đấu gian khổ hiểm nguy của đồng bào: Cháu ta ngủ dưới lùm ổ chín / Bên ngọn súng trường đợi giờ lên tiếng (Tạm biệt Hương Canh) trong lòng nhà thơ vẫn tràn ngập niềm tin tất thắng của cách mạng. Nhưng tiếc thay! Trong khi quê hương Gò Công của nhà thơ người người chưa vơi nỗi mừng vui Ngày Hội lớn Non sông 30/4/1975 thì chỉ hai tháng sau, bất ngờ nhà thơ qua đời vì một cơn đau tim. Nhà thơ yêu nước tài hoa Hoàng Tố Nguyên đã đi xa mà bất tử trong thi ca dân tộc . Một thi tài yêu nước sáng giá Nam bộ có tài năng vượt trội văn đàn đã từ giã người thân và ở lại mãi với lòng đất quê mới Thái Bình mà chưa kịp về với quê mẹ Gò Me ở miền Nam.

Tóm lại, trên văn đàn tranh đấu Nam bộ trong giai đoạn 1945-1950, nhà thơ Hoàng Tố Nguyên được đánh giá là một khuôn mặt thơ hàng đầu, tài hoa và sáng giá trong đội ngũ nhà thơ kháng chiến như Vũ Anh Khanh, Khổng Dương, Ái Lan (Thế Phong)… Nhận xét về Hoàng Tố Nguyên, nhà thơ Chế Lan Viên, trong Lời tựa tập thơ Từ thương đến nhớ, đã chân tình “Trong mấy nhà thơ Nam bộ tập kết ra Bắc hồi ấy, phải nói rằng anh là một trong mấy người có tài hơn cả…Lần đầu tiên khi thơ anh xuất hiện ở Thủ đô, nó đã được nhiều người yêu mến, tạo dựng chỗ đứng riêng, vững chắc trong văn học nước nhà”.

N.T